Nicholas Roerich (9. 10. 1874 –13. 12. 1947), người Nga, là họa sĩ, nhà khảo cổ học, nhà thần học, nhà văn, triết gia khai sáng, nhà hoạt động xã hội. Sinh tại Saint Petersburg trong một gia đình công chức Nga giàu có, Nicholas Roerich đi và sống khắp thế giới, cho tới tận lúc mất tại Naggar, Ấn Độ.
Trong suốt thời chiến tranh, Roerich là một nhà hoạt động xã hội tích cực, đấu tranh để bảo tồn những di sản nghệ thuật và kiến trúc. Ông đã được đề cử giải Nobel Hòa bình nhiều lần. Công ước Roerich do Roerich khởi xướng đã được đưa thành luật Mỹ vào tháng Tư năm 1935. Ý tưởng chính của công ước này là luật pháp (phải) coi việc bảo vệ những thứ thuộc về văn hóa là quan trọng hơn việc phòng thủ quân sự, và bảo vệ văn hóa luôn luôn phải là ưu tiên, so với quân sự.
19 tuổi, Roerich vào học cùng lúc hai trường: Đại học St. Petersburg và Viện Nghệ thuật Sa hoàng (Imperial Academy of Arts). 1897, ông nhận bằng họa sĩ, và một năm sau đó là bằng luật sư. Ông có ngay việc làm tại Viện Cổ vũ Nghệ thuật của Nga hoàng (Imperial Society for the Encouragement of the Arts), viện này có một trường học mà ông làm hiệu trưởng suốt từ 1906 tới 1917. Trong hình: một tác phẩm của Roerich
Roerich được coi là họa sĩ tài năng nhất của thế hệ ông khi thể hiện đề tài “Nga cổ” – một đề tài gắn bó với cả cuộc đời khảo cổ học của ông. Ông đa tài, rất xuất sắc cả trong thiết kế cảnh trí và trang phục cho sân khấu ba-lê Nga. Trong hình: một bức về tu viện cổ của Nga do Roerich vẽ năm 1936
Sau Cách Mạng tháng Mười Nga, 1917, chế độ Sa Hoàng sụp đổ, Roerich có thời gian ngắn cũng tham gia các tổ chức quan trọng về văn hóa, nghệ thuật. Tuy nhiên sau đó, với lý do sức khỏe, Roerich rời thủ đô, về sống ở Karelia, giáp biên giới Phần Lan. Ông cũng từ chức chủ tịch Hội Thế giới Nghệ thuật, thôi làm hiệu trưởng ngôi trường nghệ thuật ông đang điều hành. Ông bất mãn với đường lối và hướng đi tương lai của đảng Bolshevik. Năm 1918, ông cùng vợ và hai con trai bỏ sang Phần Lan. Trong hình: Bức“And we bring the light,1922”
Sau vài tháng ở Phần Lan, nhà Roerich sang London năm 1919. Giờ mới là lúc ông được xả bung niềm yêu thích bộ môn “thần trí học”, và cả nhà ông đều tin rằng một thời đại hoàng kim rồi sẽ tới. Cả nhà đều muốn đi Ấn Độ ngay. Họ gia nhập Thần Trí Hội (Theosophical Society) ở London. Năm 1920, họ lập một trường riêng chuyên về những tư tưởng thần bí, có tên Agni Yoga, mà họ coi là “hệ thống về những đức hạnh sống”. Trong hình: Hai vợ chồng Roerich trong một poster về Agni Yoga
Năm 1920, lần đầu Roerich tới Mỹ để triển lãm. Cũng tại đây, ông kết giao với những nhà tư tưởng, văn hóa quan trọng. Ông lưu lại Mỹ tới 1923, với những vòng triển lãm lớn. Trong thời gian đó, Roerich cũng nhận được những đơn đặt hàng thiết kế cho sân khấu opera Mỹ. Cả nhà Roerich như cá gặp nước khi ở Mỹ: họ gia nhập rất nhiều hội thần trí, và các hoạt động của họ trong những hội này đã chiếm lĩnh toàn bộ đời sống họ. Trong hình: thiết kế trang phục cho một vở diễn – nghề tay trái của Roerich
Thế rồi mơ ước cũng thành hiện thực. Sau khi rời New York, hai vợ chồng Roerichs cùng con trai là George và sáu người bạn, lên đường cho một cuộc thám hiểm châu Á dài 5 năm, từ Sikkim xuyên Punjab, Kashmir, Ladakh, rặng Karakoram, Khotan, Kashgar, Qara Shar, Urumchi, Irtysh, dãy Altai, vùng Oryot của Mông Cổ, Trung Gobi, Kansu, Tsaidam, và Tibet, có một quãng đường vòng xuyên Siberia, tới Moscow vào 1926. Trong hình: Roerich cùng con trai George
Các cơ quan tình báo của Liên Xô, Hoa Kỳ, Anh, Nhật đều căng mắt theo dõi chuyến đi này của hội Roerich. Họ gặp khó khăn rất nhiều, mất hẳn một năm tuyệt tin tức. Họ bị tấn công ở Tây Tạng, bị giữ lại tại đây 5 tháng ròng dù có đủ giấy tờ, phải sống trong những lều trại có tiện nghi ở mức “âm”, ăn uống đói khát. Năm người trong số họ đã chết. Trước khi vào Tibet, đoàn thám hiểm dừng ở một nơi là Sharagolji, Mông Cổ, cắm trại ở đó 6 tuần. Trong thời gian đó Roerich vẫn vẽ nhiều. Để kỷ niệm nơi hạ trại này, Roerich quyết định xây một cái tháp nhỏ bằng gạch và đá, có mái bằng gỗ, gọi là Roerich Stupa (hình, chú ý lá cờ Mỹ bên cạnh, do chuyến đi này được các nhà tài chính của phố Wall tài trợ, theo doncroner.net).
Năm 1928 họ được thả ra, rời Tibet, dò dẫm về Ấn Độ sống, tại đây, kinh khủng thay, họ vẫn còn nhiệt huyết để mở một trung tâm nghiên cứu, Himalayan Research Institute. Tạp chí của Trung tâm này cho đến nay vẫn xuất bản đều đặn những nghiên cứu khảo cổ học của Roerich, cho thấy các quốc gia đã hùng mạnh thế nào rồi tàn lụi thế nào – và đó là những bài học không bao giờ cũ. Trong hình, Roerich đứng trước cửa trung tâm mới lập.
Năm 1929, Nicholas Roerich được đề cử giải Nobel Hòa bình vì những nỗ lực mang lại hiểu biết giữa các dân tộc, các nền văn hóa. Năm 1932 và 1935 ông lại lại được đề cử thêm hai lần nữa. Ông là người sáng lập ra Pax Cultura, một tổ chức kiểu “Chữ Thập Đỏ” cho nghệ thuật và văn hóa. Câu nói nổi tiếng của ông là: “Ở đâu có hòa bình, ở đó có văn hóa. Ở đâu có văn hóa, ở đó có hòa bình.” Trong hình: “ Pax Cultura”, 1937 của Roerich
Những vận động tích cực của Nicholas Roerich trong lĩnh vực văn hóa và hòa bình đã đưa tới việc Hoa Kỳ và 20 thành viên khác của Liên hiệp Toàn châu Mỹ (Pan-American Union) đã ký Công ước Roerich vào 15. 4 .1935 tại Nhà Trắng. Công ước này là một công cụ quốc tế để bảo vệ những tài sản văn hóa của nhân loại. Trong ảnh: phái đoàn của hội nghị quốc tế lần II về Công ước Roerich, tại Bruges, Bỉ, tháng Tám năm 1932. Trên đầu họ là lá cờ hòa bình.
Về sau Roerich còn làm nhiều cuộc thám hiểm khác, do các nhà nước tài trợ để thực hiện nhiều công việc quan trọng về văn hóa và hữu nghị. Trong thời Thế chiến II, Roerich sống tại Ấn Độ, vẽ rất nhiều tranh về đề tài thiên anh hùng ca Nga, các vị thánh… Trong hình là bức “Madonna Laboris” của Roerich
Năm 1942, Roerich đón tiếp Jawaharlal Nehru tại nhà ông ở Kullu, cùng con gái ông là… Indira Gandhi (ảnh). Tại đây, họ cùng thảo luận về số phận của thế giới mới, một thế giới mà những người nô lệ sẽ được tự do. Ngay từ lúc ấy họ đã bàn về những hội văn hóa Nga-Ấn, coi đây là lúc phải nghĩ về sự hợp tác đầy sáng tạo và hữu ích cho cả hai phía.
Cố thủ tướng Indira Gandhi về sau nhớ lại những ngày ấy: “Thực là một chuyến đi đáng nhớ, tới một gia đình tài năng và đáng kinh ngạc, nơi mỗi thành viên là một gương mặt đặc biệt, có những mối quan tâm thực là rõ ràng… Bản thân Roerich khiến tôi nhớ mãi. Ông là một con người với kiến thức vô biên, trải nghiệm vô tận, một người với trái tim lớn, thâu nạp được tất cả những gì ông quan sát được”. Trong hình: gia đình Roerich ở Kullu
Năm 1942, theo sáng kiến của Roerich, Hội Văn hóa Mỹ-Nga (ARCA) đã được thành lập tại New York. Các thành viên của nó toàn “oách” cả, như Ernest Hemingway, Rockwell Kent, Charlie Chaplin, Emil Cooper, Serge Koussevitzky, và Valeriy Ivanovich Tereshchenko.
Roerich mất năm 1947. Ngày nay, bảo tàng Nicholas Roerich Museum ở New York City là một trung tâm lớn chứa các tác phẩm nghệ thuật của Roerich. Vô số hội Roerich trên thế giới vẫn tiếp tục giảng những bài học của ông về thần trí. Tranh của ông cũng có mặt ở nhiều bảo tàng lớn trên thế giới, đặc biệt là ở Nga. Trong ảnh: Bảo tàng Nicholas Roerich ở Moscow (nơi cho chúng ta mượn tranh chép triển lãm lần này?)
Để tưởng nhớ ông, một hành tinh nhỏ (màu đỏ – màu xanh là Trái Đất) trong hệ mặt trời đã được đặt theo tên ông, có tên 4426 Roerich.