Trường phái

Điêu khắc đương đại: Làm sao nói về ký ức?
Phần 2: về những mất mát 23. 11. 13 - 6:25 am

Judith Collins - Phạm Long biên dịch. Đào Châu Hải hiệu đính

Tiếp theo “Phần 1: những kỷ niệm thời thơ ấu”

*

Ký ức được gọi mời về có thể qua nhiều giác quan chứ đâu chỉ thị giác. Valeska Soares đã có những tác phẩm kích hoạt hàng loạt cảm xúc cơ thể, đặc biệt là những rung động nhờ khứu giác. Bà sử dụng rất nhiều hoa tươi và nước hoa trong các công trình của mình.

Năm 1998, Valeska Soares thực hiện tác tác phẩm Nơi Tan Biến – Vanishing Point một công trình điêu khắc sắp đặt lớn gồm mười lăm hộp thép không rỉ bố trí theo kiểu mê cung. Chúng được đổ đầy một loại dung dịch pha trộn dầu với nước hoa, khiến không gian của gallery thấm đẫm một mùi hương nồng nàn, đắm đuối. Các hộp thép có hình thù bắt nguồn từ nghệ thuật vườn cảnh của Pháp và Ý. Phong cách tối giản lạnh lùng của chúng tương phản mạnh mẽ với sự bừng phát ký ức mê say đầy nhục cảm bởi hương thơm nước hoa ngào ngạt.

Valeska Soares, Nơi Tan Biến, 1998. Các bồn thép không rỉ, nước hoa. Kích thước thay đổi. Sưu tập Daros-Latinam Erica, Zurich

Ernesto Neto và Montien Boonma cũng là hai trong số những nghệ sĩ đã đưa cảm xúc của hương vị vào tác phẩm điêu khắc. Từ năm 1996, Neto đã bắt đầu thực hiện những tác phẩm điêu khắc bằng các loại thảo mộc gia vị như nghệ tây, cumin, đinh hương và hồi; ông phủ chì cho chúng trước khi treo lên. Các loại gia vị không chỉ mang theo mùi vị, mà màu sắc chói mạnh của chúng cũng tạo nên một cảm giác kỳ lạ của các cuộc viễn du và trao đổi hàng hóa. Boonma sinh ra tại Bangkok và đã có thời là một nhà sư.

Là một Phật tử mộ đạo, Boonma đã sử dụng tác phẩm của mình – kết hợp những vật liệu của công nghiệp nặng cùng với các vật liệu tạm thời như các loại gia vị và nước hoa – để thu hút sự chú ý đến tính mong manh vô thường của đời người và những ý niệm siêu nhiên; điều này hóa ra cực kỳ linh ứng khi ông qua đời vào năm bốn mươi bảy tuổi. Một số tác phẩm điêu khắc của ông được bọc bằng các loại gia vị và thảo dược khô như đàn hương đỏ, quế, nghệ, cỏ sả và hạt tiêu Ấn Độ. Tác phẩm đáng kể nhất của Montien Boonma là Arakhayasala: Đền Thờ Tinh Thần, một cấu trúc hình tháp gồm các hộp gỗ chất đầy thảo dược và hương liệu.

Montien Boonma, Arakhayasala: Đền Thờ Tinh Thần, 1996. Thép, nhôm, thảo dược. 370 x 250 x 250 cm.

Sáng tạo những tác phẩm khiêm tốn và đặt ở những nơi công cộng cũng là một cách diễn tả cái thoáng mau của thời gian, và đó là chiến lược của điêu khắc gia Felix Gonzalez-Torres. Ông từ Cuba đến New York vào những năm 1980 và kịp có một sự nghiệp thật ngắn ngủi từ 1986 đến 1996 khi ông qua đời do bệnh AIDS. Song chỉ với mười năm đó, ông đã có những tác phẩm thật thanh tao nói về tình yêu và sự mất mát. Các chất liệu ông chọn vốn có sẵn, những thứ rất bình thường như bóng đèn, đồng hồ, cặp tài liệu, và đáng chú ý nhất là các gói kẹo.

Năm 1990, Felix Gonzalez-Torres bắt đầu loạt tác phẩm với những đống đồ ngọt màu mè sặc sỡ gói trong giấy bóng kính, đôi khi chúng được chất thành đống ở góc gallery. Kẹo bánh, đồ ngọt là những mặt hàng thương mại nên chúng là nguồn nguyên liệu vô hạn. Tại các triển lãm, công chúng được khuyến khích nhặt lấy chúng và chén, và do đó, các tác phẩm bị “tiêu hóa” và chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Trọng lượng lý tưởng của bánh kẹo cũng là một phần nội dung tác phẩm của ông. Và nói chung, dù không hẳn cố định, tên tác phẩm cũng liên quan đến các nhân vật được ghi trong dấu ngoặc đơn, ví dụ như cái tên Ross trong tác phẩm“Vô Đề” (Ross)“Untitled” (Ross) – một trong số rất ít tác phẩm có mối liên hệ tới người tình Ross Laycock của ông, người cũng đã mất vì bệnh AIDS.

Felix Gonzalez-Torres, “Vô Đề”(Ross),1991. Kẹo nhiều màu, bọc riêng trong các túi giấy bóng kính. Kích thước thay đổi. The Art Institute of Chicago, Illinois, mượn của Sưu tập Howard & Donna

Gonzalez-Torres ước mơ sáng tạo ra loại hình điêu khắc tiêu biến: “Theo Freud, để làm vợi bớt lo âu, người ta lại thường hay nhắc đến chúng… sự xả bỏ âu lo này được tiến hành dưới hình thức tĩnh thông qua khối điêu khắc cổ súy cho sự tiêu biến và chuyển hóa. Hình thức không bền và dễ vỡ là một phần nỗ lực mà tôi muốn thực thi nhằm nhắc nhở mình mối lo lắng rằng: cứ mỗi ngày trôi qua, Ross sẽ biến mất dần ngay trước mắt tôi.” Tuy nhiên, dù các tác phẩm đó có khả năng biến mất, chúng đều có thể được bổ sung liên tục bằng những đồ ngọt bán sẵn.

Cùng thời gian này, một nghệ sĩ New York khác là Zoe Leonard cũng hoạt động nhân danh nữ quyền và đề cập tới vấn nạn dịch AIDS bằng cách sáng tạo nên các tác phẩm nhiếp ảnh với những thông điệp trực diện, cho dù đôi khi cách nêu vấn đề rất thô ráp. Nghi lễ thiền niệm nổi tiếng nhất bà làm để tưởng nhớ đến sự mất mát là tác phẩm sắp đặt Quả Lạ – Strange Fruit (tặng David) được thực hiện vào giữa những năm 1992 – 1997, nó như một đài tưởng niệm người bạn, nghệ sĩ David Wojnarowicz đã mất do căn bệnh AIDS. Tác phẩm này bao gồm vỏ của 302 trái cây và rau quả như bơ, cam, chanh, bưởi, chuối… và được đặt rải rác trên sàn gallery. Sau khi ăn hết ruột trái cây, Leonard khâu những chiếc vỏ lại với nhau bằng các sợi chỉ lớn màu đỏ, hoặc, với những vỏ chuối, bà sử dụng khuy áo hoặc giây kéo.

Zoe Leonard, Quả Lạ (tặng David) [chi tiết], 1992-7. Gồm 302 thứ: cam, chanh, chấp, vỏ chuối quả bơ, chỉ khâu, kim, khoá kéo, khuy bấm, sáp, nhựa, móc sắt, dây thép, vải. Kích thước không cố định. Philadelphia Museum of Art, Pennsylvania.

 

Zoe Leonard, Quả Lạ (tặng David) – Cam

Zoe Leonard nói: “Hành động làm kín lại các vỏ trái đã bị bóc ra, chỉnh trang lại chúng sau khi trong ruột đã trống rỗng, vừa đem lại những tình cảm đối với vật vô trị vô giác, vừa như ban cho tôi phúc lành”. Ngày tháng hoàn thành tác phẩm đã bị kéo dài lê thê trong nhiều năm trời, và theo thời gian, trong khi Leonard tiến hành công việc, dáng vẻ bề ngoài của chúng cũng thay đổi theo (khô, héo, quắt, úa màu,…). Tác phẩm này đã được lưu giữ vĩnh viễn trong bộ sưu tập của Bảo tàng Nghệ thuật Philadelphia, và việc này lại đặt ra những vấn đề lớn trong việc bảo tồn tác phẩm để nó trường tồn; chủ đề của điêu khắc là cái chết, và chính tác phẩm phải đối mặt với sự tiêu huỷ một cách từ từ, một cái chết chậm do quá trình phân rã không thể tránh khỏi của các thành phần hữu cơ.

Một dâng hiến dành cho tình yêu và mất mát khác đã đến từ nghệ sĩ Tracey Emin. Năm 1995, bà mua một chiếc lều cắm trại nhỏ và trang điểm thêm bằng cách thêu lên nó theo hàng lối một danh sách 102 tên của những người đã từng ngủ với bà trong ba mươi hai năm kể từ ngày chào đời vào năm 1963 – họ không chỉ là những người tình mà còn là những thành viên trong gia đình, những tình bạn thuần khiết và cả những hoài thai.

Tracey Emin, Những Người Đã Ngủ Với Tôi Từ 1963 – 1995, 1995. Lều cắm trại, nệm, đèn. 122 x 245 x 215 cm. The Saatchi Collection, London, bị cháy năm 2004.

Năm 1994, Emin đã bày triển lãm cá nhân đầu tiên của mình tại London với một tên gọi dí dỏm là “Cuộc Triển Lãm Hồi Cố Của Tôi – My Major Retrospective”; tiêu đề này có ý nghĩa kép, vì tất cả các tác phẩm của bà cho đến lúc đó chính là đài tưởng niệm về cuộc sống trong quá khứ của bà. Trong một biến cố đầy đau xót, chiếc lều của bà đã bị phá hủy trong một vụ hoả hoạn vào tháng 5/2004, và giờ đây nó chỉ tồn tại trong những bức ảnh minh họa sách báo và trong ký ức thị giác (visual memory) riêng của mọi người.

(Còn tiếp)

*

Từ: “Sculpture Today/ Chapter 11: MEMORY” của Judith Collins – Phạm Long biên dịch. Đào Châu Hải hiệu đính


Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả