Trường phái

Điêu khắc đương đại: Làm sao nói về ký ức?
Phần 3: ký ức cá nhân và ký ức chung (bài 1) 15. 12. 13 - 6:49 pm

Judith Collins - Phạm Long biên dịch. Đào Châu Hải hiệu đính

Tiếp theo Phần 1Phần 2

*

Sự kết hợp những ký ức cá nhân với lịch sử đất nước để cất lên những tự sự về quê hương chính là hướng đi trong nghệ thuật điêu khắc của Ilya KabakovChristian Boltanski.

Kabakov sinh ra ở Liên Xô và từng làm việc như một hoạ sĩ minh họa sách thiếu nhi. Rời nước Nga vào cuối những năm 1980, thời gian đầu ông sống ở châu Âu và sau đó sang định cư tại New York vào năm 1992. Mang thân phận một kẻ tha hương, ông chú tâm tìm kiếm, khảo sát tất cả những gì là hiện thân của nước Nga.

Cùng với vợ là Emilia, ông đã thực hiện những tác phẩm sắp đặt có quy mô hoành tráng giống như những thiết trí sân khấu nhằm đưa người xem vào một thế giới đầy những tín hiệu, âm thanh và biểu tượng của quá khứ, vừa thực vừa hư. Trường Số 6 – School No.6 là một cảnh trí tái hiện hình ảnh của một trường làng điển hình của Liên Xô cũ, nó được lắp dựng trong những căn phòng của tòa nhà thuộc Quỹ Chinati tại Texas.

Ilya Kabakov, Trường Số 6, 1993. Một số phòng cũ, cờ, tranh, tủ sách, bàn gỗ mặt kính, vở tiếng Nga, học bạ. Kích thước thay đổi. The Chinati Foundation, Marfa, Texas.

Các bức tường bong tróc được quét sơn màu kem và màu xanh công sở, một số đồ nội thất bị hỏng, mấy cành cây khô queo nằm trên sàn nhà. Trong màu đỏ phai, những chiếc bàn gỗ mặt kính đã được Kabakov đặt vào những tờ giấy kể lại tỷ mỉ những hồi ức của học sinh bằng tiếng Nga và tiếng Anh. Kabakov tái hiện cả những dãy hành lang của ngôi trường, bởi những kiến trúc này, theo lời ông kể, “ám ảnh tôi cả đời”.

Ilya Kabakov, Trường Số 6, 1993.

Boltanski xuất hiện lần đầu tiên trong thế giới nghệ thuật vào năm 1969. Ông nói: “Xuất bản một cuốn sách ảnh đại diện cho tất cả mọi thứ của tuổi thơ tôi (áo len, đồ chơi, v.v…), đấy cũng là một cách tìm lại một phần bản thân ngỡ rằng đã mất – một cuộc thăm dò khảo cổ xới lên những

Kể từ đó, ông luôn khám phá phương thức chúng ta lưu giữ kỷ niệm cho đến ngày đối diện thần chết. Để làm việc đó, ông sử dụng những đồ vật cũ cũng đã từng trải với cuộc đời. Ông làm các đài tưởng niệm (memorial) về những con người vô danh với kích thước choán hết cả những bức tường phòng. Một trong những tác phẩm đó có tiêu đề Tượng  ĐàiMonument.

Christian Boltanski, Tượng Đài, 1985. Ảnh chụp, khung kim loại, bóng đèn, dây điện. Kích thước không cố định

Với những khung ảnh đen trắng của những em bé vô danh được xếp lẫn với các khung ảnh trống rỗng, cảm giác mất mát trong tác phẩm này dường như được nhấn mạnh thêm nhiều. Tất cả được chiếu sáng bằng những chiếc đèn rọi nhỏ với những sợi dây điện thõng chéo qua.

Các khung ảnh được sắp xếp thành hình một ngọn tháp cao, mà bệ tháp được ghép bằng những hộp bánh bích-quy bằng sắt tây đã hoen rỉ. Ngọn tháp giật cấp lên cao từng bậc một, tạo nên hình ảnh của những chiếc bàn thờ cúng, và khi nhìn vào đó người xem có thể nhớ về tuổi thơ quá vãng của mình. Nhiều tác phẩm của Boltanski trông thật ảm đạm với những vật liệu nghèo nàn, vì thế, các nhà phê bình cho rằng chúng có lẽ liên quan tới hoàn cảnh người Do Thái trong Đại chiến Thế giới Lần thứ Hai (Holocaust). Ông đúng là một người gốc Do Thái sinh ra trong Thế chiến Hai, nhưng ông nhấn mạnh rằng: các đài tưởng niệm của ông là dành cho tất cả mọi người, cho mọi nỗi mất mát.

Christian Boltanski, Tượng Đài, 1985

Ký ức lịch sử của nước Đức gần đây là một trong những chủ đề chính xuyên suốt các tác phẩm nổi tiếng của Joseph Beuys Anselm Kiefer.

Beuys đã đủ trưởng thành khi ông gia nhập Phong trào Thanh niên Hitler, và ông cũng từng là một phi công trong lực lượng Không quân Đức.
Năm 1958, vào lúc khởi nghiệp, ông có một tác phẩm điêu khắc tham dự cuộc thi thiết kế đài tưởng niệm Trại tập trung Auschwitz. Tới năm 1976, ông thực hiện tác phẩm Bến Tàu Điện – Tram Stop tại Khu trưng bày của Đức trong Triển lãm Venice Biennale Lần thứ 37.

Joseph Beuys, Bến Tàu Điện, 1976. Thép đúc. 376 x 45 x 29 cm. Bày tại Gian triển lãm Đức, Venice Biennale.

Tác phẩm điêu khắc sắp đặt này kể về những kỷ niệm tuổi thơ của thành phố Kleve quê hương (nằm trên biên giới Hà Lan – Đức); nó bao gồm những phiên bản đúc một khẩu thần công dã chiến và bốn thùng đạn cối thế kỷ XVII cùng với một khúc đường ray: đó là những thứ từng nằm bên bến xe điện mà ông từng ngắm nhìn không biết bao lần trong những giờ đợi tàu suốt thời thơ ấu. Chỉ có một điểm thay đổi duy nhất: Beuys đã đặt trên đầu nòng khẩu súng thần công một bức tượng đầu người.

Joseph Beuys, Bến Tàu Điện

Beuys đã đào xới và tiến hành đúc các hiện vật ngay tại sàn gallery, rồi thể hiện tác phẩm, vì thế, ở đây có cả những khúc xương và trầm tích đã được đào lên từ các khu đầm phá trong thành phố Venice. Chính những trải nghiệm với các đồ vật kim loại ở bến tàu điện tuổi thơ đã đánh thức trong ông nỗi khát khao trở thành một nhà điêu khắc.

Gần đây, nghệ sĩ Darren Almond cũng làm việc với các vật liệu tương tự, mặc dù tác phẩm Bến Xe Buýt – Bus Stop của ông không phải là một tự truyện. Năm 1997, ông đã thực hiện một bộ phim nói về hai trạm đỗ xe buýt nằm bên ngoài (trại tập trung) Auschwitz tại Ba Lan, và hai năm sau ông đã được cấp phép để trưng bày chúng tại Max Hetzler Gallery ở Berlin.

Darren Almond, “Bến Xe Buýt”, 1999. Hai bến xe: Nhôm, kính, sơn, nhựa. Kích thước mỗi cái: 303 x 603 x 243,8 cm

Ngoài ra, có hai phiên bản của tác phẩm này, cũng do Almond thực hiện, đã được lắp đặt tại chính địa điểm cũ của hai bến xe ngày xưa đó. Các bến xe buýt được dựng bằng những vật liệu có sẵn mang cả lịch sử từng trải trên mình (như chúng đã từng được sử dụng): vẫn còn cả tàn thuốc lá bên trong các thùng đựng rác đặt ở bến xe. Những chiếc khung kim loại lạnh lùng mang ngôn ngữ của phong cách điêu khắc tối giản nhưng nội dung của nó thì tràn đầy tình cảm.

Darren Almond, “Bến Xe Buýt”, 1999

(Còn tiếp)

 

Ý kiến - Thảo luận

9:55 Monday,16.12.2013 Đăng bởi:  dilettant
Bức "Trường số 6" quả là ám ảnh, cả một kẻ tay mơ như tôi. Một thứ trường như thế "đẻ" ra cả những con người trí tuệ mà giỏi cả văn nghệ, thể thao, lẫn những bố già của bản lề 1990, những đại gia của nước Nga mới...

...xem tiếp
9:55 Monday,16.12.2013 Đăng bởi:  dilettant
Bức "Trường số 6" quả là ám ảnh, cả một kẻ tay mơ như tôi. Một thứ trường như thế "đẻ" ra cả những con người trí tuệ mà giỏi cả văn nghệ, thể thao, lẫn những bố già của bản lề 1990, những đại gia của nước Nga mới...
 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả