Nhiếp ảnh

Vĩnh biệt Saul Leiter, người âm thầm chụp ảnh đẹp hơn tranh 07. 12. 13 - 6:40 am

Sean O’Hagan, Hoàng Lan lược dịch

Saul Leiter, vừa qua đời ở tuổi 89, là người đàn ông trầm lặng của làng nhiếp ảnh Mỹ. Một nghệ sĩ tiên phong về ảnh màu, nhưng ít ai ca ngợi Saul, cho đến khi các giảm tuyển và nhà phê bình tái phát hiện tác phẩm của ông vào đầu những năm 80. Thậm chí về sau, khi nổi tiếng, Saul đã rất e dè khi tiếp nhận những lời khen ngợi chậm trễ về mình. “Điều gì làm người ta nghĩ là tôi có tài cơ chứ?” ông hỏi Tomas Leach – đạo diễn bộ phim tài liệu “Chẳng cần vội vã: 13 bài học cuộc sống với Saul Leiter” (2012).

Ảnh chân dung tự chụp của Saul Leiter. Trong cả bài, các bạn bấm thẳng vào hình để xem bản lớn nhé.

Có điều, sự vĩ đại ấy luôn hiển hiện trong các bức ảnh đầy chất họa của ông; những tác phẩm này đã gợi lên dòng chảy và nhịp điệu cuộc sống của các con phố ở New York vào giữa thế kỉ trước dưới nhiều gam màu rực rỡ, vào cái thời mà đồng nghiệp của ông còn đang chụp ảnh đen trắng.

Brigitte Woischnik – đồng biên tập catalogue ảnh cho một triển lãm tổng kết đời của Saul Leiter tại Hamburg năm ngoái – đã đặt cho ông biệt danh “kẻ dạo chơi”, cái tên này khéo ngụ ý cách tiếp cận thư thái nhưng vô cùng chú tâm của Saul với thể loại ảnh đường phố, mà khái niệm “ảnh đường phố” giờ đây có vẻ quá hạn hẹp để nói về các tác phẩm của ông.

Tác phẩm “Đi bộ”, Saul Leiter, 1956

Saul Leiter sinh ra ở Pittsburgh, Pennsylvania. Chiếc máy ảnh đầu tiên của ông là chiếc Detrola, do mẹ ông tặng vào năm 1935 – một năm trước khi Kodak sản xuất cuộn phim màu đầu tiên (phim Kodakchrome) cho loại camera 35mm. Vào thập niên 40, Leiter vừa theo học đạo để trờ thành giáo sĩ Do Thái ở Cleveland, vừa gặt hái chút thành công tại địa phương với nghề họa sĩ. Sau đó Saul quyết định theo đuổi nghệ thuật, khiến cha ông – một giáo sĩ Do Thái chính thống và cũng là một học giả có tiếng – rất đau lòng.

Thời gian đầu khởi nghiệp, Saul gặp gỡ và làm bạn với nhiếp ảnh gia W Eugene Smith, và bắt đầu nghiêm túc chụp ảnh bằng chiếc camera Rolleiflex. Đến năm 1957, ông vừa chụp ảnh nghệ thuật vừa chụp ảnh thời trang. Leiter thường xuyên cộng tác với các tạp chí như Harper’s Bazaar, Elle và Vogue (phiên bản Anh Quốc) đến những năm 80. Quãng thời gian làm việc cho ngành thời trang cũng ảnh hưởng đến cách ông chụp người trên đường phố, mọi nhân vật trong tác phẩm của ông đều trông sành điệu một cách bí ẩn.

“Harlem”, Saul, 1960

Những bức ảnh màu chụp New York của ông thật lạ lùng. Chúng gần như là cảnh chụp tại vùng East Village cũng như ngoại thành East Village – chính là nơi Saul từng sinh sống, nhưng trông vừa mập mờ vừa thân quen đến kỳ quặc. Saul thường chụp người đi đường qua (hoặc phản chiếu) từ cửa sổ. Xe hơi, xe bus, xe taxi đang chạy cũng là một motif ảnh quen thuộc, và trong xe thường có hình bóng của một dáng người; quan sát tác phẩm “Taxi” đáng nhớ của ông, người xem còn thấy rõ một bàn tay đơn lẻ bên trong chiếc xe. Về phần ảnh chụp người, hoặc là Saul chụp họ qua các khung cửa he hé mở, hoặc là họ sẽ đứng khuất đằng sau một thứ gì đấy.

“Taxi”, Saul Leiter, 1957

 

“Bàn chân trên xe bus” Saul Leiter, 1954

 

“Paris”, 1959

 

“Qua các vách ngăn”, 1957

Ảnh về New York trong mùa tuyết của Saul thì lại gợi lên một thế giới khác lạ, mờ ảo, nơi mọi thứ cũng như mọi người đều trở nên mơ hồ. Gam màu ấm của ông nhường chỗ cho các tông màu nhạt nhòa hơn, Saul có được hiệu ứng màu nhạt này nhờ cố tình sử dụng phim Kodachrome… quá đát.

Tác phẩm chụp trong trời tuyết “Chiếc ô màu đỏ” của Leiter

 

“Mái che”, 1958

 

“Tuyết”, 1958

Bạn có thể nghiên cứu cái nhìn táo bạo của Saul Leiter qua hai bức ảnh màu chụp vào thời kì đầu lập nghiệp. Bức thứ nhất, chụp năm 1950, gọi đơn giản là T; trong ảnh là chữ T in hoa nổi bật giữa một mảng xám – chính là một khung kính đọng hơi nước; qua khung cửa, ta có thể thấy vật gì đó màu hồng, trông giống như chiếc dù của một người qua đường. Bức ảnh này chẳng khác gì một bức tranh trừu tượng.

Tấm “T”

Trong tấm thứ hai, có tên “Đi dạo cùng Soames” (1958), chúng ta thấy đèn hiệu neon và các mảng màu ấm nổi bật trước một tòa nhà tối tăm đang đứng lù lù, và hình dáng quen thuộc của cột đèn giao thông trước nền trời xam xám. Saul Leiter là một nhiếp ảnh gia tài năng độc nhất vô nhị vì ông không ngừng nhìn cuộc sống với con mắt của một họa sĩ trong cách bố cục và tính trừu tượng

“Đi dạo cùng Soames”

Một nghệ sĩ thích ẩn danh hơn là nổi tiếng, Saul thật đặc biệt. Ảnh của ông là những sản phẩm trầm lặng nhưng sôi nổi của một óc tưởng tượng tinh tế cũng như của đôi mắt luôn chăm chú quan sát. “Tôi thích kiểu ảnh mà khi xem, người ta không chắc họ đang thấy gì,” ông nói. “Lúc chúng ta không biết tại sao nhiếp ảnh gia chụp tấm hình này, và ta không biết tại sao mình lại thích xem nó, để rồi bỗng nhiên ta phát hiện ra cái gì đấy mới mà mắt ta vừa nắm bắt được. Tôi thích kiểu ảnh mơ hồ này.”

Saul Leiter, sinh ngày 3. 12. 1923, mất ngày 26. 11. 2013

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả