“Những người viết huyền thoại”: Xúc động và xứng đáng ra rạp
04. 12. 13 - 9:00 pm
Lê Hồng Lâm
Tối qua vừa xem Những người viết huyền thoại của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng. Tự nhiên muốn đặt ra câu hỏi “Còn ai xúc động về (phim) chiến tranh?”. Phim chiến tranh, từng một thời là mạch chủ đạo của điện ảnh Việt Nam. 30, 40 năm trước là Cánh đồng hoang, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Mùa nước nổi, Mùa gió chướng, Đường về quê mẹ… xem lại bây giờ vẫn xúc động. 10, 15 năm trước vẫn là mainstream của điện ảnh Việt với những Cỏ lau, Ngã ba Đồng Lộc, Đời cát…
Một cảnh trong phim “Những người viết huyền thoại”
Rồi điện ảnh nhà nước bắt đầu thui chột dần, những bộ phim chiến tranh đốt 10, 15 tỷ trở thành những bộ phim cúng cụ, chủ nghĩa anh hùng minh họa thô sơ của 30 năm trước, nhưng không còn cái xúc động của thời cuộc nữa, mà trở nên giả tạo, khuôn sáo giáo điều với những bài ca tuyên truyền cũ rích. Khán giả quay lưng và những bộ phim đốt cả đống tiền thuế của nhân dân làm ra chỉ chiếu vài ba dịp lễ lạt rồi cất kho. Hình như không chỉ lớp khán giả trẻ mà ngay cả những người đi qua cuộc chiến tranh hay thế hệ 7X, 8X có chút liên hệ với chiến tranh cũng không muốn xem những bộ phim về đề tài này nữa. Cuộc chiến vĩ đại mới kết thúc hơn 30 năm mà đã trở nên xa vời và mất dần sự linh thiêng trên màn ảnh. Phim chiến tranh trở thành dòng phim lỗi mốt, lạc thời không ai muốn nhắc đến. Còn ai xúc động khi xem phim chiến tranh Việt Nam nữa?
Câu trả lời là có, ít nhất là với tôi, và với khá đông khán giả gần như kín rạp tối qua ở Cinema BHD 3.2 cùng những tràng pháo tay khá dài khi bộ phim kết thúc – điều hiếm hoi đối với những bộ phim (không chỉ) chiến tranh Việt Nam trong nhiều năm gần đây.
Những người viết huyền thoại rất hay? Tôi không nói thế. Phim hay vừa phải, tôi sẽ điểm những cái thích và không thích ở phim này sau, nhưng cái làm cho tôi và hầu hết khán giả ở rạp chiếu xúc động là hình ảnh rất thật về cuộc chiến, vừa trần trụi vừa lãng mạn. Vừa hấp dẫn với những cảnh chiến đấu dữ dội, bom rơi nạn đổ ong đầu từ đầu tới cuối vừa xúc động với những cảnh đau thương mất mát trong chiến tranh, từ trên chiến trường bom đạn đến vùng quê thanh bình… tất cả được thể hiện với một ngôn ngữ điện ảnh chắc tay, mạnh mẽ của một đạo diễn có nghề và biết cách để hấp dẫn khán giả.
.
Xem phim này tôi lại nhớ đến hai bộ phim chiến tranh rất ăn khách gần đây của Hàn Quốc và Trung Quốc. Đó là Taegukgi (Cờ bay phấp phới) của Kang Je-gyu và Assembly (Hiệu lệnh tập kết) của Phùng Tiểu Cương. Phim của Hàn từng là hiện tượng 10 năm trước của Hàn, thu hơn 10 triệu lượt khán giả và mang về gần 70 triệu đô. Phim sau của Trung Quốc cũng thu hơn 35 triệu đô. Cả hai đều kể về cuộc nội chiến tàn khốc ở đất nước họ. Taegukgi hơi giống một bộ phim Hollywood, kết hợp giữa kỹ xảo hoành tráng và chất mê lô đẫm nước mắt rất đặc trưng của điện ảnh nước này, kể về 2 anh em trong cuộc chiến Nam Bắc Hàn. Assembly hơi giống một bộ phim tài liệu, kể về một người lính đi tìm những đồng đội của mình để điều tra một bí mật trong quá khứ mà anh ta có liên đới.
Sở dĩ lôi hai bộ phim này ra là để nói rằng, phim chiến tranh vẫn có thể trở thành những bộ phim cháy rạp, nếu câu chuyện và cách thể hiện phim chạm tới được cảm xúc khán giả, hoặc có một cách kể đột phá. Quay lại Những người viết huyền thoại, bộ phim đoạt nhiều giải thưởng của điện ảnh Việt Nam này rất khó khăn để ra rạp vì mắc phải một định kiến đã đóng đinh của khán giả Việt Nam: “phim chiến tranh cúng cụ”. Một bộ phim khá tốt như Những người viết huyền thoại mà “chết” vì định kiến của khán giả thì không chỉ phí cho đạo diễn, mà còn phí cho khán giả.
.
Tôi sẽ điểm vài điểm thích và chưa thích của phim này:
Thích trước:
1. Bùi Tuấn Dũng có lẽ là đạo diễn “nam tính” nhất của điện ảnh Việt hiện nay và là 1 trong 2 đạo diễn U40 chắc tay nhất hiện nay của điện ảnh phía Bắc (người còn lại là Đào Duy Phúc với series phim lịch sử Thái sư Trần Thủ Độ đang chiếu trên VTV) trong mảng phim điện ảnh tài trợ. Phim đầu tay của Dũng tên là Đường thư tôi tình cờ mua được bản DVD lậu do Trung Quốc phát hành, không hiểu tại sao, nhưng chứng tỏ một điều là các bạn làm đĩa lậu Trung Quốc cũng đánh giá khá cao nên mới in lậu để bán.
Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng
Đường thư có một cái tứ phim khá lạ, kể về những người lính quân bưu phải nhận nhiệm vụ trong một tình thế nguy ngập. Và câu chuyện hành trình của hai người lính quân bưu như một road movie với những tình huống và chi tiết khá đặc sắc. Nếu Đường thư cứ như phim đặt hàng của ngành… bưu điện thì Những người viết huyền thoại là phim đặt hàng của… dầu khí (phim này được tổng cục Dầu khí tài trợ luôn) kể về một vị tướng đi tiền trạm trên tuyến đường Trường Sơn để hoàn thiện đường ống dẫn dầu từ Bắc vào Nam, phục vụ cho chiến tranh (như câu thoại trong phim, không nhớ chính xác: chiến tranh đến đâu, xăng dầu đến đó).
Tướng Dinh (Hoàng Hải)
Tại sao nói Bùi Tuấn Dũng là đạo diễn “nam tính” nhất Việt Nam? (theo nhận định chủ quan thôi). Vì với hai đề tài nặng mùi tuyên truyền và khô khan như đã kể, Dũng vẫn khiến khán giả vẫn xúc động và đôi lúc nổi gai ốc với những gì anh thể hiện, mà vẫn giữ được nội dung chủ đạo của phim. Ngay cả việc chọn hai diễn viên Hoàng Hải và Quốc Thái có ngoại hình khá xù xì, ăn vai ngay mà không cần phải cố gắng để ra nhân vật. Phim dựng dứt khoát, chắc tay, tránh được những đoạn lê thê hay mê lô khuôn sáo, tất nhiên cũng có điểm không thích sẽ nhắc ở sau.
Chiến sĩ Nghĩa (Quốc Thái)
2. Với kinh phí 10 tỷ (500.000USD), những gì thể hiện trên phim là đáng đồng tiền bát gạo. Mật độ của những cảnh bom rơi đạn nổ, máy bay giặc oanh tạc gần như xuyên suốt bộ phim với sự dữ dội tăng dần đều. Kỹ xảo xem ổn, không có cảm giác giả.
.
3. Cảnh hành động võ thuật là một điểm sáng của bộ phim trong cuộc đấu tay đôi giữa Nghĩa và tay lính thám báo võ thuật cao cường của biệt đội Lôi Hổ. Những cảnh ra đòn nhanh, mạnh và dữ dội của cả hai xem rất sướng mắt. Đoạn này chắc chỉ dài 2, 3 phút, nhưng cho thấy Bùi Tuấn Dũng có phẩm chất của một đạo diễn phim hành động ăn khách.
Chưa thích:
1. Kịch bản vẫn chưa thoát ra được đường ray minh họa và một vài chỗ rơi vào chủ nghĩa anh hùng ca khuôn sáo đã có từ 10, 15 năm trước. Mối tình giữa Nghĩa và cô văn công, sao cứ thơ và điệu đà vậy? Sao không cho họ lao vào nhau như những kẻ ăn chay lâu ngày thèm khát… thịt mà cứ dền dứ, mộng mơ bên bờ suối, tặng sổ ép lá…
Tăng Bảo Quyên – Giải nữ diễn viên chính xuất sắc nhất Liên hoan phim 2013
Những chi tiết này hoàn toàn có thật trong chiến tranh, nhưng đã rất nhiều bộ phim chiến tranh Việt Nam đã thể hiện nó. Một đạo diễn trẻ làm phim chiến tranh ở thời điểm 2012 phải thoát được những cái khuôn sáo đó. Tương tự thế, cảnh các cô dân quân mở đường đùa nghịch với vị tướng khi xe đi qua cung đường của họ hay với đám lính tắm suối cũng có cái gì đó giống Ngã ba Đồng Lộc hơn 10 năm trước.
Phim đôi lúc cũng sa vào chủ nghĩa anh hùng minh họa thô sơ như cảnh để Nghĩa và cô văn công đứng hiên ngang giữa bom rơi đạn nổ. Cảnh hai đứa trẻ đứng nhìn bom đạn nổ ầm ầm trước mắt cứ như đang xem cảnh chơi game. Nghĩa là phim thiếu những giây phút khiến nhân vật phải rơi vào sợ hãi, hoảng loạn rất con người bên bờ vực của sống chết, khiến họ phải sống bản năng hơn và thật hơn. Chính vì thế mà những cái chết trên phim đôi lúc thiếu sự xúc động, như cảnh nhóm văn công chết vì bom từ trường khi đi qua suối, như những cảnh đau thương chưa kịp nuôi cảm xúc của người xem thì bị chuyển cảnh quá nhanh và đột ngột…
Một cảnh trong phim
2. Nhân vật hơi mờ nhạt và thiếu số phận, rơi vào kiểu dựng nhân vật chung chung của 20 năm về trước. Phim này kể về cuộc chiến tranh chống Mỹ, nhưng khi xem thì có cảm giác là về cuộc chiến Bắc-Nam. Tuy nhiên nhân vật tuyến bên kia quá mờ nhạt và không có số phận, nên ta thắng địch thua đã lên dây cót sẵn sàng. Nhiều cảnh rơi vào khuôn sáo, như cảnh cô em gái của Nghĩa tình cờ phát hiện nhóm biệt đội Lôi Hổ. Đang núp trong lùm thì y như rằng có con rắn hổ mang xuất hiện. Và sau đó, khi cô giết rắn hổ mang, bọn Lôi Hổ phát hiện đuổi theo. Bắn nhau qua lại một hồi, lúc cô bị thương thì anh trai cô xuất hiện ở phút 90… Cách xây dựng chi tiết và tình huống kiểu đó đã quá cũ và thiếu sự thuyết phục.
3. Voice over đầu phim và kết phim quá thô, bệnh trầm kha của phim tuyên truyền. Phim dựa theo một câu chuyện có thật nên hoàn toàn có thể đưa những đoạn dẫn hay số liệu vào, nhưng thay vì cách dùng voice over vừa thô vừa lộ liễu thì có thể chạy những hàng chữ dài trên màn hình và biên tập cho gọn gàng hơn…
Cuối cùng, tôi nghĩ, dù còn vướng vào một số thủ pháp minh họa và khuôn sáo, Những người viết huyền thoại vẫn là một bộ phim có thể cho điểm 7/10 của điện ảnh Việt Nam (điểm 10 là phim nào ư? Khi khác ta bàn…). Đó là một bộ phim xứng đáng để chiếu rạp, xứng đáng để nhiều khán giả đến xem, để họ ra về, thấy ngạc nhiên là xem phim Việt mà sao lòng xúc động.
* (Bài này lấy từ FB của Lê Hồng Lâm, với sự cho phép của tác giả. Tên bài gốc là “Còn ai xúc động về (phim) chiến tranh?” Theo tác giả, cái tên này có chút mượn tít từ “Còn ai hát về Hà Nội” của bạn Trương Quý)
Chia sẻ:
Ý kiến - Thảo luận
0:45Sunday,20.4.2014Đăng bởi: Ngô Đồng
"Nhiều cảnh đánh nhau cứ như trong phim!!!" Phim mà sao bạn lại nhận xét như vậy ? liệu có ổn không ?
...xem tiếp
0:45Sunday,20.4.2014Đăng bởi: Ngô Đồng
"Nhiều cảnh đánh nhau cứ như trong phim!!!" Phim mà sao bạn lại nhận xét như vậy ? liệu có ổn không ?
17:46Saturday,12.4.2014Đăng bởi: Nghiêm Toàn
Xem trailer phim "Đường lên Điện Biên" cũng anh này đạo diễn, có cảnh kéo pháo xem mà sặc oxy, khẩu M1A2 105mm thật nặng 2.3 tấn mà các anh kéo nom như đương kéo cái xe cải tiến chở phân lên đồi chè, có mà kéo được cái thánh họ nhà anh đạo diễn ấy.
...xem tiếp
17:46Saturday,12.4.2014Đăng bởi: Nghiêm Toàn
Xem trailer phim "Đường lên Điện Biên" cũng anh này đạo diễn, có cảnh kéo pháo xem mà sặc oxy, khẩu M1A2 105mm thật nặng 2.3 tấn mà các anh kéo nom như đương kéo cái xe cải tiến chở phân lên đồi chè, có mà kéo được cái thánh họ nhà anh đạo diễn ấy.
Phim mà sao bạn lại nhận xét như vậy ? liệu có ổn không ?
...xem tiếp