Nhiếp ảnh

Tarasov chụp mộ Mafia Nga: chết rồi càng muốn ăn người 31. 12. 13 - 6:36 am

Katherine Brooks – Hoàng Lan dịch

Vnexpress từng đăng bài với nội dung này, còn dưới đây là bản dịch từ báo nước ngoài, có luôn ý kiến của nhiếp ảnh gia, lẫn thông tin về triển lãm ảnh.

.

1990s là thập niên của sự thừa mứa ở Nga, ít nhất là đối với nhóm người hưởng lợi từ nền kinh tế tư nhân mới phát triển. Chủ nghĩa tư bản bùng nổ trên thương trường, và nhóm người ấy – những tên trùm băng đảng và các tay mafia khét tiếng – đã mê mẩn nguồn tiền đó. Thế rồi, họ làm cái điều mà những ai hám lợi, sống trong một xã hội có nhiều hạn chế về ràng buộc pháp lý, sẽ làm: giết người để giữ của.

Đã gần hai thập kỷ kề từ cái thời có tên “Chiến Tranh Mafia” bắt đầu ở Nga cũng như ở các vùng lân cận, nhưng phần lớn người dân không thể quên sự pha trộn đặc trưng giữa cái suy đồi và cái bạo lực thống trị mấy năm đó. Bạn chỉ cần rảo bước đến một nghĩa trang địa phương nếu muốn hoài niệm hoặc nhớ lại những tháng ngày (mafia) bắn nhau bể đầu gối, đường phố thì chăng đầy dây kẽm gai. Những tấm bia mộ hoành tráng vẫn sừng sững ở những thành phố như Yekaterinburg của Nga, hay Dnepropetrovsk của Ukraina vẫn đứng đấy, trông chúng giống những tượng đài của một giai đoạn loạn lạc.

Tác phẩm “Không đề”, Denis Tarasov, chụp bia mộ của một mafia Nga (ở trên có ghi tên? Bạn nào biết tiếng Nga có thể dịch hộ?) theo bạn Hoàng Nguyên Vụ: Bức ảnh thứ hai từ trên xuống: hàng chữ Nga khắc trên bia mộ chỉ tên họ của “chủ nhân”, phiên sang chữ latin là Mark Iakovlevich, riêng hàng chữ đứng theo chiều dọc bên trái có lẽ là biệt hiệu của tay mafia này, xuất xứ từ chữ kniga trong tiếng Nga là “sách”, biến nghĩa là “Mọt sách” . Tay “Mọt sách” này sinh năm 1951, ngủm năm 1999, hưởng dương được 48 năm.

Nhiếp ảnh gia Denis Tarasov đã cất công ghi lại những di vật lạ lùng của thời ấy: những tấm bia mộ chạm khắc công phu, mô tả người quá cố theo cách mà họ mong kẻ khác sẽ tưởng nhớ đến mình – có thể đó là cảnh họ đang ngồi trên những chiếc xe đắt tiền, thưởng thức rượu hảo hạng, hoặc diện chiếc áo da ưa thích. Loạt ảnh này, với tên “Bản chất” (Essence), phơi bày một hiện tượng lạ của văn hóa hiện đại: kiểu văn hóa tung hô của cải vật chất khi đối diện với cái chết.

“Không đề”, trong series “Bản chất” của Denis Tarasov.

“Vào những năm 90, mồ mả của giới tội phạm bắt đầu có thêm các tấm bia mộ lớn và đắt tiền – với chiều cao khoảng 3 mét, trên đó thường chạm khắc bức chân dung toàn thân cùng một chiếc xe sang trọng làm nền”, Tarasov viết trong bức email gửi cho báo chí. “Việc này chủ yếu  để họ trông nổi bật cũng như ‘vượt mặt’ các phần mộ khác của nghĩa địa, giống hệt những kẻ đã từng cố vượt mặt mọi người trong cuộc sống”.
 

Bia mộ của một ông trùm đang thưởng thức rượu (Vodka?), xì-gà, cùng các loại trái cây khác của Nga.

 

Chữ gì trên bia thế nhỉ? Bạn Hoàng Nguyên Vũ giải thích: Bức ảnh thứ năm từ trên xuống có hình một tay mafia đang ngồi trước đống đồ ăn rượu thịt cũng là chỉ họ của hắn, nhưng có lẽ ở thời điểm bị bắn hạ tên này quá nổi tiếng nên nhắc đến họ là mọi người biết ngay nên không cần khắc tên lên bia mộ làm gì cho mất công. Phiên sang tiếng latin, họ của tay này là Kozlovsky

Những tấm bia mộ này chẳng phải “món độc” của mỗi một địa phương, Tarasov giải thích. Chúng có mặt ở khắp các nơi, như Belarus, Ukraina, và những nước từng thuộc Liên Bang Xô Viết cũ; nhưng chúng thường nằm tập trung tại một khu vực của nghĩa địa – nơi riêng biệt (lẫn đắt tiền), trông rùng rợn chẳng khác gì khu yên nghỉ vĩnh viễn cho VIP. Dù hầu hết các ngôi mộ kiểu này là mộ của đám gangsters, tuy nhiên những người đứng đầu các gia tộc Roma và gia tộc Armenia, hoặc đám dân giàu muốn mắm muối cho kiếp sau thêm phần kịch tính, cũng duy trì “trào lưu” bia mộ khủng này.

Bia mộ này là của kiều nữ danh giá chăng? Tarasov chụp đủ hình rồi lại toàn dán tên “Không đề”, chả chú thích thêm xíu nào.

 

Liệu đây có phải là mafia? Xem mộ bắt hình dong chăng? Bạn Hoàng Nguyên Vũ giải thích: Ảnh thứ bảy từ trên xuống (xem mộ mà bắt hình dong) có lẽ cũng của một tay mafia trẻ tuổi sớm thành danh trên giang hồ trước khi bị thanh toán nên cũng không cần tên luôn, họ của tay này khắc ở đó là Iakovenko.

 

Bia của nhà chủ gia tộc?

Ảnh/sắp đặt của Tarasov là một phần của triển lãm “Ngôn ngữ cơ thể”, hiện đang diễn ra tại Gallery Saatchi. Anh nói “Dù rằng các tấm bia mộ có cùng một kiểu, chúng vẫn không giống nhau. Mỗi tấm bia đều có cái lạ, có nét đặc trưng riêng. Đối với tôi, mấy nét đặc trưng này trông giống như những điểm nhấn. Điểm nhấn không chỉ là hình người chết khắc trên bia. Điểm nhấn có thể là quang cảnh khắc trên bia, là các ngôi mộ xung quanh, là lùm cây hoặc những bông hoa gần đấy.”

Hình chụp góc trưng bày ảnh lẫn tác phẩm sắp đặt đi kèm của Denis Tarasov, thuộc triển lãm “Ngôn ngữ cơ thể” của Saatchi Gallery

Ngôn ngữ cơ thể” mở cửa từ 20. 11. 2013 đến 16. 3. 2014 tại Saatchi Gallery ở London.

Ý kiến - Thảo luận

10:32 Thursday,23.10.2014 Đăng bởi:  Phạm duy lenh

chết tội vậy


...xem tiếp
10:32 Thursday,23.10.2014 Đăng bởi:  Phạm duy lenh

chết tội vậy

 
15:03 Monday,6.1.2014 Đăng bởi:  Nina
Còn bức thứ ba từ trên xuống là ảnh chụp đôi. Đó là Mikhail Seliverstov và Dmitry Bezginov. Hai nhân vật này bị giết cùng ngày. 

...xem tiếp
15:03 Monday,6.1.2014 Đăng bởi:  Nina
Còn bức thứ ba từ trên xuống là ảnh chụp đôi. Đó là Mikhail Seliverstov và Dmitry Bezginov. Hai nhân vật này bị giết cùng ngày. 
 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Vĩ thanh cùng Bolero

Người xem Sài Gòn

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả