Nghệ sĩ thế giới

Hãy đến l’Espace, để… thương Albert Kahn 02. 01. 14 - 2:07 pm

M.Nha tổng hợp

HÀ NỘI SẮC MÀU
Triển lãm ảnh kính màu của Leson Busy
Từ 09. 12. 2013 – 04. 01. 2014
Tại l’Espace, Hà Nội

Phố Hàng Thiếc, Hà Nội, 1915

Đọc thấy có triển lãm kính ảnh màu của Léon Busy đang bày ở l’Espace. Lời giới thiệu ghi: “Được chụp từ năm 1914 đến 1917, những bức ảnh màu trên kính (sử dụng phương pháp của anh em nhà Lumière, 1903) sẽ được giới thiệu tới công chúng với hai chủ đề: cuộc sống hàng ngày – các nghề và xã hội; môi trường và những đức tin. Những tác phẩm từ tài năng nhiếp ảnh của Léon Busy sẽ tái hiện lại cũng như giúp chúng ta hiểu rõ quá khứ của người Việt Nam qua một cuộc hành trình đến với Tha nhân. Ngoài ra sẽ có khoảng mười phim ngắn đen trắng về thời kỳ đó được tuyển chọn để trình chiếu. Triển lãm được thực hiện với sự tài trợ của Bảo tàng Albert Khan vùng Boulogne-Billancourt và Trường Đại học Paris Diderot.

Tìm trên mạng xem Léon Busy là ai, mới thấy ngậm ngùi, thương… Albert Kahn, tên của ông bây giờ đến Thông cáo Báo chí viết cũng còn sai, mà ngày ấy không có ông, chắc khó mà có bộ ảnh của Léon Busy bày hôm nay ở Hà Nội.

Quan quân đội, quan phụ trách vùng, Hà Nội, 1915, do Léon Busy chụp

Nhưng Albert Kahn là ai?

Sinh năm 1860, là một nhân viên nhà băng người Pháp gốc Do Thái (tên thật là Abraham Kahn), từ năm 21 tuổi, Kahn đã được chú ý về tài năng trong kinh doanh. Từ 1889 đến 1893, ông phất nhanh nhờ đầu tư vào những mỏ vàng ở Nam Phi. Năm 1898, Kahn đã có nhà băng riêng, hợp tác làm ăn với nhiều nhà tài phiệt lừng lẫy, có mặt trong nhiều dự án đầu tư và cho vay quốc tế, đặc biệt là với Nhật. Biệt tài của Albert Kahn là đánh hơi ra sự lên xuống của thị trường. Tài sản của ông tăng nhanh đến chóng mặt; Kahn trở thành một trong những người giàu nhất châu Âu thời ấy.

Chính trong lúc bận trăm công ngàn việc làm ăn như thế, năm 1890, lúc 30 tuổi, Kahn bắt tay vào một dự án mà ông xác định là dành cả đời cũng như của cải cho nó: tạo một bộ sưu tập ảnh màu, về người dân trên khắp thế giới, và cho người dân trên khắp thế giới.

Là một người thực tế trong kinh doanh, nhưng cũng là một người sống lý tưởng, Kahn tin rằng ông có thể làm cho các dân tộc hiểu nhau hơn, qua những bức ảnh màu (khi đó là rất mới mẻ). Có hiểu nhau hơn mới có hòa bình, Kahn nghĩ thế.

Theo trang này, Kahn dùng rất nhiều tiền, gửi một nhóm những nhiếp ảnh gia gan dạ đến hơn 50 quốc gia, toàn là những điểm được coi là giao lộ cốt tử của lịch sử, của cũ với mới, của những nền văn hóa cũ bị đe dọa bởi chiến tranh xâm lược, và bởi cả tiến trình toàn cầu hóa.

Những nhiếp ảnh gia dùng phim màu chụp lấy màu thực của những ngày tháng ấy. Họ chụp được sự sụp đổ của đế chế Ottoman, họ chụp được những ngôi làng Celtic truyền thống cuối cùng của Ireland, chỉ vài năm trước khi chúng bị phá. Họ chụp được những người lính đầu tiên của Thế chiến thứ II. Họ, trong đó có Léon Busy; họ thực hiện những bức ảnh màu đầu tiên ở những xứ hóc bà tó, như Việt Nam và Brazil, Benin, Mông Cổ…

Người Mông Cổ, do Stephane Passet chụp tháng 7, 1912, thuộc dự án của Kahn

 

Một tù nhân Mông Cổ trong cái hòm, do Stephane Passet chụp tháng 7, 1913, thuộc dự án của Albert Kahn.

 

Vua Toli – với mấy bà phi vây quanh. Porto Novo, Dahomey (giờ là Benin), do Frédéric Gadmer chụp ngày 7. 2. 1930, thuộc dự án của Kahn

Sau 1929, phố Wall suy sụp, tài chính của Kahn cũng suy sụp theo. Năm 1931, ông buộc phải chấm dứt dự án chụp ảnh này. Kahn mất năm 1940, những bức ảnh của dự án thuộc về “Archives de la Planète” (Kho lưu trữ của hành tinh), giữ tại bảo tàng Albert-Kahn, ngay trong dinh cơ ông ở Paris. Đây cũng là bộ sưu tập quan trọng nhất của những bức ảnh màu đầu tiên trên thế giới.

Nhưng, cái ý chí kết nối các dân tộc của Kahn không chỉ được thể hiện trong dự án ảnh mà ông tài trợ, nó còn hiển hiện trong “Khu vườn của Thế giới”, rộng tới 4 ha, ở ngoại ô Paris, nơi Kahn tập trung các loại vườn cảnh, đặc biệt là vườn Nhật, để mọi người tới và hiểu về thiên nhiên của nhau. Đây cũng là nơi các nhà trí thức tụ tập. Tuy nhiên, đến năm 1931, khu vườn này cũng bị nhà nước “xiết”, vườn thành vườn công cộng, và vẫn được duy trì như ý ông cho tới tận ngày nay (ôi, nhà nước thực dân!). Cũng vậy, Kahn còn tài trợ cho nhiều chương trình nghiên cứu cấp cao, dưới tên gọi “Học bổng vòng quanh thế giới” – đi để hiểu, để giúp người khác hiểu.

Kahn mất khi phát xít Đức chiếm đóng nước Pháp – một giai đoạn buồn tủi. Tài sản của ông đúng là xuống dốc, nhưng những gì tiền bạc của ông làm được cho nhân loại thì mãi mãi còn. Những triển lãm như đang diễn ra ở l’Espace đây vẫn diễn ra đều đều trên thế giới, với sự tài trợ của bảo tàng Albert Kahn, nhưng lâu quá rồi, hình như ông cũng không con cái (?), nên các triển lãm chỉ còn nêu mỗi tên tác giả chụp, tên ông lại còn viết sai!

Ngoài ra, một cái dại của Albert Kahn là ông rất ngượng mỗi khi để ai chụp hình, nên giờ muốn nhớ mặt ông cũng khó. Hiếm hoi mới có một cái ảnh của ông như thế này, trên ban công văn phòng ông ở Paris, hồi 1914:

Nhà tài phiệt Albert Kahn, 1914

còn lại nếu tìm trên mạng, bạn coi chừng tìm nhầm ảnh một ông cũng Albert Kahn, nhưng là kiến trúc sư vĩ đại, người Detroit, Mỹ.

*

Mời các bạn xem một số ảnh Léon Busy chụp tại nước ta, trong dự án của Albert Kahn (có thể không có trong triển lãm). Về kỹ thuật, các bạn đọc bài này của Candid:

Diễn viên ở làng, tháng 7. 1916, Hà Nội

 

Một nhóm quý tộc, chụp gần Hà Nội, 1920

 

Bà đồng, 1916

 

Hút thuốc phiện, uống trà

 

Các cô gái đóng quân Tốt trong ván cờ người, 1920

 

Một gia đình người Việt (hình này trên mạng không có chú thích)

 

(Ảnh này cũng không có chú thích). Bạn NT Hằng bổ sung: Bức ảnh này chụp những người bị bệnh phong (ngày ấy ở Băc việt Nam gọi là hủi, còn ở Nam gọi là cùi), khuôn mặt và ngón tay đã bị biến dạng. Căn cứ vào trang phục và phong cảnh thì họ là người miền Bắc, sống ở khu cách ly hồi đó gọi là làng hủi. Người thường hồi đó sợ vào khu vực làng hủi lắm. Có thể đó là lý do ảnh không chú thích? Mình làm ngành Y và chụp ảnh tay ngang nên thực sự ngạc nhiên về tấm hình này, và rất khâm phục tác giả, bức ảnh rất biểu cảm và nhân văn.

 

Hải Phòng, 1915

Ý kiến - Thảo luận

17:02 Monday,13.1.2014 Đăng bởi:  kim kim

Ôi nhìn những bức ảnh này cảm thấy yêu quá mỗi đêm nghe bà kể chuyện thấy vui bao nhiu hiểu bao nhiêu...


...xem tiếp
17:02 Monday,13.1.2014 Đăng bởi:  kim kim

Ôi nhìn những bức ảnh này cảm thấy yêu quá mỗi đêm nghe bà kể chuyện thấy vui bao nhiu hiểu bao nhiêu...

 
17:25 Friday,3.1.2014 Đăng bởi:  Bạn của mọi gia Kầm
Trông bức ảnh quan lại (quan võ, 1915) lại nhớ đến miêu tả của ngưới Pháp về chuyện quan (khoảng 1910s) đến (trên kiệu) thì dân bỏ chạy, ai không kịp thì nằm úp mặt xuống đất. Quan giả vờ đăm chiêu nghĩ việc binh. Ai quan tâm, tôi xin gửi nguồn liên hệ qua Soihouse (Soi nhỉ).
Một vĩ đại của người Do th&aac
...xem tiếp
17:25 Friday,3.1.2014 Đăng bởi:  Bạn của mọi gia Kầm
Trông bức ảnh quan lại (quan võ, 1915) lại nhớ đến miêu tả của ngưới Pháp về chuyện quan (khoảng 1910s) đến (trên kiệu) thì dân bỏ chạy, ai không kịp thì nằm úp mặt xuống đất. Quan giả vờ đăm chiêu nghĩ việc binh. Ai quan tâm, tôi xin gửi nguồn liên hệ qua Soihouse (Soi nhỉ).
Một vĩ đại của người Do thái này đối với moa là xem các bức ảnh này, moa thấy cái thời hiện tại của chúng ta (hôm nay) nó lòi ra lù lù (ví dụ ảnh nghiện, ảnh ngườ tù ở trong cái thùng - hôm nay là công tai nơ). Và chúng ta ai có tim thì rầu rĩ như thày Kahn. Cảm ơn.
 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả