Cún Mỏng đối thoại Phạm Huy Thông
06. 09. 10 - 7:14 am
(SOI – Đây là hai comment dài của Cún Mỏng và Phạm Huy Thông trong bài “Xem xong nên cười hay nên tức”. Soi nhận thấy bản chất đây là một cuộc đối thoại nên xin phép được “cut & paste” cho các bạn dễ theo dõi. Cảm ơn Cún Mỏng và họa sĩ Phạm Huy Thông đã tận tình “ping-pong” về nghề với nhau để mọi người được hiểu thêm nhiều điều.)
Cún Mỏng: Em cũng có được xem triển lãm này và thấy chất lượng không oách lắm nhưng cũng tương đối anh Phạm Huy Thông ạ. Mấy đứa lớp em cũng có ý kiến rất chi là trùng lặp với anh đấy, nhưng em hơi không trùng lặp mấy. Và em thấy anh viết mào đầu rất hấp dẫn mà đến đoạn nội dung chính cứ mon mon thế?
Phạm Huy Thông: Tớ xin trả lời bạn Cún Mỏng (tớ thích cái nick của bạn): Phải nói luôn với bạn rằng tớ cũng như bạn thôi, được đào tạo để làm nghệ thuật (hoặc làm thiết kế) chứ không phải để viết tiểu luận hay làm nhà văn. Nên cái năng lực viết của tớ nó có hạn, viết ít có luận điểm luận đề gì cho khoa học, nghĩ đến đâu viết đến đó, chủ yếu là bộc lộ ý kiến cá nhân của mình. Cho nên bạn sẽ thấy trong những bài tớ gửi Soi (bài viết hay comment) thường hay có kết cấu “đầu voi đuôi chuột” như thế. Tớ sẽ khắc phục (nhưng không phải là “cố gắng khắc phục” vì việc chính của tớ là việc khác). Tuy nhiên tớ tin rằng cái mục đích chia sẻ suy nghĩ của tớ với các đồng nghiệp cũng đã được thực hiện, đúng không?
Cún Mỏng: Em thì em thấy triển lãm có gì đâu mà phải nào là: “chuẩn bị tinh thần hài ước cao độ”… “đột quỵ”
Phạm Huy Thông: Bạn thấy triển lãm này có chất lượng tương đối. Đó là quan điểm riêng của bạn, tớ tôn trọng. Nhưng khi tớ vào xem cái triển lãm đó, nhất là ở khu vực tầng hai thì nhiệt độ cơ thể của tớ cứ thay đổi liên tục (nói thật). Có lẽ vì tâm trạng tớ phải chứa đựng một phức hợp của vừa bực tức vừa thấy nực cười. (Đứng trước các tác phẩm tốt của một số anh em quen biết thì tớ tức thay cho cả họ). Hay có phải vì tớ bị bệnh gì khác thường chăng?
Cún Mỏng: Anh chê là Hội vẫn làm theo cách “truyền thống”? Tức là nó có vấn đề không hay không ổn hả anh ơi? (anh có thể phân tích rõ hơn được không ạ?)
Phạm Huy Thông: Cách làm “truyền thống” của Hội thì đương nhiên tớ thấy có vấn đề. Cái truyền thống trong ngoặc kép này ám chỉ cái lối làm cũ kĩ hình như có từ thời chiến tranh khi mà điều kiện để họa sĩ sáng tác còn khó khăn nên mỗi năm anh chị em bê đến triển lãm được cái nào là mừng cái nấy. Nay kinh tế nở hoa, mỗi họa sĩ chuyên nghiệp có điều kiện để vẽ mỗi năm hơn chục bức. Vậy mà Hội không nắm lấy cơ hội này mà gạn đục khơi trong, cứ nhận hổ lốn cả đống. Cái sai lầm của việc này là làm cho những họa sĩ vẽ tốt, có tự trọng sẽ tự ái và tránh xa triển lãm vì không muốn đứng chung với đám “chiên nghiệt”. Họa sĩ danh tiếng nào đó vì nể nhau quá hoặc sợ bị thiên hạ chê là vênh váo thì cũng gửi tranh nhưng chỉ gửi những tác phẩm làng nhàng của mình cho có đủ mặt (theo quan điểm của tớ thì anh Huy Sói nằm trong trường hợp này). Hệ quả là triển lãm càng về sau chất lượng càng kém đi. Theo ý kiến của riêng tớ, một triển lãm như vừa rồi, nên lọc bớt 2 phần 3 tranh đi rồi treo số tranh còn lại ra cả 3 tầng cho đủ không gian, đủ tôn trọng cho các tác phẩm tốt. Các tác phẩm xấu là xấu, phải loại bỏ không cần biết tác giả của nó có là thầy mình, cựu hiệu trưởng hay cựu lãnh đạo hoặc bất cứ một họa sĩ đáng thương dây mơ rễ má nào. Tất nhiên triển lãm theo hệ thống Hội cũng có các thành phần tương đương với giám tuyển, với tuyên ngôn… nhưng việc hội đồng xét duyệt và tiêu chí lựa chọn của các triển lãm này như thế nào và được thực hiện ra sao thì… bạn biết rồi đấy. Cũng nói thêm về cái cách làm “truyền thống”. Vấn đề của khâu tổ chức không chỉ có việc tuyển chọn mà còn liên quan nhiều thứ khác lắm. Chẳng hạn việc đảm bảo an toàn cho các tác phẩm (chưa nói đến đóng bảo hiểm cháy nổ, vận chuyển) cũng cần có sự thay đổi. Bây giờ giả sử tranh của bạn có giá khoảng 8000 đô một bức, bạn có dám gửi tranh không khi mà sau triển lãm, người ta không cần bao bọc gì, dựng tranh bạn vào kho, xếp chất đống với tất cả các loại tranh khác kích thước nhau..
Phòng triển lãm của Hội Mỹ thuật trong triển lãm Hội họa Khu vực I vừa qua.
Cún Mỏng: Em thì em không thấy cái điều sau anh nói là sự thật: “Trong khi các gallery tư nhân đang ngày đêm tổ chức theo tiêu chuẩn quốc tế thì…”??? Em thấy các gallery tư nhân thì chắc ngoài cái cửa kính sang trọng thì cũng không khác gì những khu tập thể kiểu khác đâu anh?
Phạm Huy Thông: Về cách tổ chức chuyên nghiệp hay “chiên nghiệt”. Vâng, đúng là tớ đã nói hớ trong cái câu “các gallery tư nhân đang ngày đêm tổ chức theo tiêu chuẩn quốc tế…”. Khi viết đoạn này trong đầu tớ chỉ nghĩ tới Art Viet Nam (7 Nguyễn Khắc Nhu), Bùi Gallery (23 Ngô Văn Sở) hay Tho Studio (khổ thân em gallery này chết yểu).. mà quên mất rằng họ không đại diện cho toàn bộ các gallery ở Hà Nội. Vậy câu này có lẽ phải viết lại rằng “… Trong khi, ở Hà Nội, một số gallery tư nhân đang ngày đêm tiếp cận cách tổ chức triển lãm theo tiêu chuẩn quốc tế….”
Phòng tranh Bùi Gallery trong triển lãm của Djoko KS
Cún Mỏng: Theo như anh Phạm Huy Thông thi thời đại này tổ chức nên có giám tuyển và tuyên ngôn đúng không? Triển lãm này mà có giám tuyển và tuyên ngôn ngay từ đầu thì sẽ tốt hơn đúng không?
Phạm Huy Thông: (Chưa trả lời)
Cún Mỏng: Còn về nhận xét những tác phẩm cụ thể, anh có những đanh giá đúng là rất vững vàng và sắc bén, em cám ơn vì nhận ra được rất nhiều điều từ đó. Anh chê rất thẳng thắn (có cả những họa sĩ mà mới năm ngoái em còn đang cực kỳ thích) nhưng những phân tích của anh đã khiến em giật mình nhận ra. Nhưng mấy cái anh khen thì em lại không trùng lắm, ngoại trừ bức của họa sĩ Nguyễn Nghĩa Dậu, hình như cũng là thầy giáo trong trường Yết Kiêu, em gặp suốt mà chẳng hiểu thày dạy khoa nào luôn ạ? Bức sơn mài chuyển tông màu quá êm và điệu nghệ, bức tranh nhẹ nhàng và em thấy có cảm giác tâm linh thật lạ, và em thấy bức này đập chết bức sơn mài của Nguyễn Quốc Huy mà anh khen.
Phạm Huy Thông: Họa sĩ Nguyễn Nghĩa Dậu là con của thầy Nguyễn Nghĩa Duyện sống ở trong khu tập thể của trường Mỹ Thuật nên bạn hay thấy là phải. Theo tớ được biết thì anh này đang giảng dạy mỹ thuật ở trường Đại học Kiến Trúc. Tớ đồng cảm với bạn về sự so sánh tranh anh Dậu và bức tranh của anh Huy trong triển lãm.
Tác phẩm “Thanh Bình” của Nguyễn Nghĩa Dậu đạt giải tặng thưởng.
Cún Mỏng: Trái quan điểm nhất với anh là bức chứng khoán đỏ của Chu Hùng Sơn. em không hiểu cái gì là quan trọng trong đánh giá về sáng tạo nghệ thuật hội họa của anh, anh Thông ạ? khi mà chính anh nhận xét: “Vẫn còn ảnh hưởng nhiều từ tranh đương đại Trung Quốc”, nếu như thế theo em về sáng tạo hội họa coi như tiêu luôn, kể cả anh có cái tay khéo léo đến mấy và cái đầu óc nhạy bén ngó nghiêng đến mấy… đều khó nuốt, thà cứ dung dị, chất phác giàu tình cảm còn hơn cái thứ giả cầy, mà còn là giả cầy không ngon nữa cơ, vì giống Trung Quốc một cách rât phô như thế không thể gọi là ảnh hưởng được, tồi hơn còn giống cả một ít Philip Moris nữa. Tranh của chính anh thì bảo chỉ ảnh hưởng Trung Quốc nghe còn được chứ cái tranh của Chu Hùng Sơn thì ai mà chả thấy quá là giống Trung Quốc đương đại hả anh?
Phạm Huy Thông: Vâng tớ cũng có rất nhiều lăn tăn khi viết về tác phẩm Chứng khoán đỏ của Hùng Sơn. Thật tiếc là tớ không được biết về con người họa sĩ cũng như toàn bộ quá trình công tác của anh này để có thể nói chắc chắn hơn. Đứng trên quan điểm đoán rằng Hùng Sơn là một họa sĩ trẻ hơn và chưa nổi tiếng, tớ xin chia sẻ một số suy nghĩ sau đây: Họa sĩ nào lúc mới vào nghề cũng chịu ảnh hưởng của ai đó giống như Schiele chịu ảnh hưởng bởi Klimt, Phạm Huy Thông chịu ảnh hưởng của Hà Mạnh Thắng hoặc xa hơn là chịu ảnh hưởng của hội họa đương đại Trung Quốc. Trong quá trình làm việc (cần thời gian và đầu tư nhiều thứ), cái tôi của mỗi người mới dần cứng lên và lòi ra. Nếu họa sĩ không chịu làm việc chuyên nghiệp (fulltime and professional) hoặc không đủ điều kiện làm việc một cách chuyên nghiệp thì quá trình tự đổi khác, sự cứng lên và lòi ra này sẽ mất thời gian hoặc không bao giờ đến vì đã lỡ mất “xuân thì”. Đây là cảm nhận từ bản thân khi trước kia tớ làm đủ nghề để kiếm sống rồi một ngày chợt thấy nếu tiếp tục theo cách đó, tớ sẽ mãi chỉ là một “con thỏ” nhẩy lung tung từ lỗ này sang lỗ kia (giống như một nhận xét của một họa sĩ đàn anh khác dành cho tớ mà mãi sau này mới đến tai tớ). Bởi vậy đứng trước tác phẩm của Hùng Sơn, tớ dù nhận thấy có những hạn chế và giống với tranh đương đại Trung Quốc nhưng vẫn thấy có những thiên hướng để phát triển khác đi, tốt hơn, tớ lỗ mỗ đoán rằng sự nghiệp của anh này đang tiến đến một ngã ba nhạy cảm có thể thay đổi toàn bộ tương lai. Nên tớ đã viết những lời động viên, tuy không quên nhắc tranh anh ta có giống tranh Trung Quốc. Tớ không muốn một lời nhận xét cứng rắn hơn có thể dập tắt mọi thứ. Nếu anh Hùng Sơn đã lớn tuổi hoặc đã nổi tiếng thì tớ thực sự xin lỗi và xin rút lại toàn bộ những ý kiến trên.
Tác phẩm “Chứng Khoán Đỏ” của Nguyễn Hùng Sơn.
Cún Mỏng: Rồi mấy dòng cuối lại thấy anh chê họa sĩ Nguyễn Văn Chuyên là: “Mười bức đẹp giống nhau thì không bằng một bức độc đáo”. Ơ thế cuối cùng là thế nào? Là anh cũng vẫn thấy độc đáo là quan trọng trong sáng tạo hội hoạ à? Và, cuối cùng là em đồng ý với anh Nguyễn Hồng Phương luôn.
Phạm Huy Thông: Ý cuối cùng bạn nói về tranh anh Chuyên và tính độc đáo. Tớ không hiểu câu hỏi của bạn cho lắm. Tớ chỉ thấy đại khái thế này: Nếu chỉ nhìn một bức tranh của anh Chuyên thì sẽ thấy nó rất đẹp. Nhưng khi được xem nhiều tranh anh Chuyên trong nhiều triển lãm khác nhau thì tớ lại thấy nhàm, dù rằng ở tranh này thì anh vẽ Phật, ở tranh kia thì anh vẽ xác máy bay ném bom. Cảm giác đem lại không khác nhau là mấy. Bởi vậy tớ mới nói “mười bức giống nhau thì không bằng một bức độc đáo”. Còn tính “độc đáo” là tiêu chuẩn mà mọi nghệ sĩ đều theo đuổi, có gì sai đâu mà bạn phải hỏi tớ. Tớ không hiểu.
Tác phẩm của Nguyễn Văn Chuyên. Chất liệu sơn mài, sơn đắp.
Cún Mỏng: Cám ơn anh Thông, phần trả lời của anh cũng giúp em hiểu được nhiều điều hơn. Còn về cái tính độc đáo ấy mà, thì em cũng muốn nhấn mạnh là khi anh cũng nhận thấy điều đó là cực kỳ quan trọng trong sáng tạo thì cái bức “chứng khoán” kia không ổn tí nào cả, em chỉ thấy rõ ràng anh Sơn là có tay nghề khá ổn, khéo và chấm hết. Đứng về mặt sáng tạo của một họa sĩ là thất bại. *