Nghệ sĩ Việt Nam

Nguyễn Trần Nam, tại manzi,
với NHỮNG CHƯƠNG VỠ 04. 01. 14 - 7:47 am

Thông tin từ BTC

.

NHỮNG CHƯƠNG VỠ
Khai mạc: 18h00 thứ Hai 06.01.2014
Trưng bày: 06 – 26.01.2014
Vào cửa tự do

Không gian trưng bày trống vắng và kiệm màu. Đoạn video chiếu cảnh đầu đạn xuyên qua không trung, lặp lại và  lặng thinh. Văn bản miêu tả khoảnh khắc trước, trong và sau cái chết, chi tiết và viết tay. Cuốn phim gia đình chiếu giây phút thân mật giữa cha và con trai, được tìm thấy trên mạng và xử lý chậm lại. Bức ảnh chụp một nhóm các chàng trai trẻ, hân hoan và bạc phếch. Cuộc đối thoại giữa cha và con trai, phi lí và dàn trải trên tường.

.

Các tác phẩm trên thuộc trưng bày cá nhân của Nguyễn Trần Nam, mang tên NHỮNG CHƯƠNG VỠ, diễn ra tại manzi từ ngày 06 tới ngày 26 tháng 01 năm 2014. Bắt nguồn từ những câu chuyện của riêng mình, cùng lúc với mong muốn vươn ra để kể những câu chuyện của người khác, chuỗi tác phẩm mới của Nam vừa “riêng” lại vừa “chung” – sử dụng khái niệm chiến tranh làm phông nền để khảo sát đề tài bạo lực, cái chết và mối quan hệ giữa cha và con trai.

Qua NHỮNG CHƯƠNG VỠ, Nam nêu ra quan điểm về sự tác động của tư tưởng và niềm tin tới việc xác lập căn tính và nhận thức của một thế hệ; đồng thời, anh thể hiện được các kẽ vỡ hở, các mảnh thất lạc cũng như sự gắn kết chặt chẽ giữa thế hệ này với thế hệ khác – bất chấp việc các thế hệ có xa rời nhau (hay khao khát được xa rời nhau) như thế nào.

Với niềm ham thích tiểu thuyết và phim chiến tranh, và lấy cảm hứng từ trải nghiệm của cha mình – một người lính công binh trong chiến tranh Việt-Mỹ – một họa sĩ vẽ tranh tuyên truyền trong thời bình, người nghệ sĩ đã sắm hai vai diễn: vừa là người khai quật ký ức, vừa là nhà kể chuyện giả tưởng, thêu dệt họa tiết đời thực với sắc màu hư cấu, xây dựng một thế giới tưởng tượng không bị gò bó bởi bất kì sự thật, không gian hay thời gian nào.
 

.

Sinh năm 1979, Nguyễn Trần Nam thuộc lứa nghệ sĩ đương đại thứ hai của Hà Nội, và là một trong những nghệ sĩ trụ cột của Nhà Sàn Studio (nay đổi tên thành Nhà Sàn Collective) – không gian nghệ thuật thể nghiệm do nghệ sĩ vận hành đầu tiên tại miền Bắc Việt Nam. Kể từ khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 2003, Nam đã  xây dựng một chuỗi tác phẩm đa dạng, được thực hiện dưới nhiều loại hình và chất liệu khác nhau. Các tác phẩm của anh lấy cảm hứng từ trải nghiệm của bản thân – xuất thân từ một gia đình lao động, lớn lên tại vùng quê Hưng Yên và sau đó di cư lên Thủ đô để học hội họa.

Khi tối tăm và nặng nề, khi khôi hài và giễu nhại, nghệ thuật của Nam phản ánh các vấn đề xã hội, chính trị và lịch sử của Việt Nam trong quá khứ cũng như ở thực tại; đồng thời làm nổi bật lên câu chuyện cá nhân cũng như mối quan hệ con người của các nhân vật thuộc các tầng lớp khác nhau trong  xã hội, đặc biệt là tầng lớp lao động. Các triển lãm của Nguyễn Trần Nam bao gồm  “Hinterland” tại Luggage Store Gallery, San Francisco (2012), Kẽ” tại Nhà Sàn Studio, Hà Nội (2010), “Vô hạn” tại Ryllega Gallery, Hà Nội (2008)…

Ý kiến - Thảo luận

19:48 Tuesday,7.1.2014 Đăng bởi:  admin

@ Cốc Đông: cmt của bạn, Soi xin phép được đưa lên thành bài nhỏ để dễ thảo luận. Bài có tên "Xem Những chương vỡ, nghĩ về một sự thoái trào" Cảm ơn bạn


 


...xem tiếp
19:48 Tuesday,7.1.2014 Đăng bởi:  admin

@ Cốc Đông: cmt của bạn, Soi xin phép được đưa lên thành bài nhỏ để dễ thảo luận. Bài có tên "Xem Những chương vỡ, nghĩ về một sự thoái trào" Cảm ơn bạn


 

 
18:54 Tuesday,7.1.2014 Đăng bởi:  Cốc Đông
Đọc bài giới thiệu này tớ đã định comment từ mấy hôm trước nhưng sợ như thế thiếu khách quan, đành để tới Manzi xem triển lãm về mới dám nói. Mặc dù nghệ sỹ đã cố ý đặt cái tên rất văn học "Những chương vỡ" để rào trước nhưng không cứu được sự rời rạc của triển lãm n&
...xem tiếp
18:54 Tuesday,7.1.2014 Đăng bởi:  Cốc Đông
Đọc bài giới thiệu này tớ đã định comment từ mấy hôm trước nhưng sợ như thế thiếu khách quan, đành để tới Manzi xem triển lãm về mới dám nói. Mặc dù nghệ sỹ đã cố ý đặt cái tên rất văn học "Những chương vỡ" để rào trước nhưng không cứu được sự rời rạc của triển lãm này.
Nghệ thuật đương đại vốn được xây dựng trên một nguyên lý khác, và cũng cần được xem và cảm thụ một cách khác với những gì diễn ra trước kia. Đôi khi nó không phải là sự đưa ra một cấu trúc chắc chắn, hay hiểu theo lô gic cứng nhắc abc. Nhưng nó cũng không phải là một sự chắp nhặt rời rạc theo kiểu nhặt nhạnh   rồi bầy đặt ra một tập hợp lôm côm dưới cái tên "nghệ thuật đương đại" như triển lãm này. Càng nhiều những triển lãm kiểu này thì càng làm những người yêu nghệ thuật thiếu sự tin tưởng vào một bộ phận người tự nhận mình "đang làm nghệ thuật đương đại" nhưng thiếu chiều sâu và sự tư duy tới nơi tới chốn. Các bạn nên hiểu rằng những người quan tâm và yêu thích nghệ thuật đương đại không phải hoàn toàn là những người thiếu hiểu biết và có phông văn hóa thấp...
Xem quá trình làm nghệ thuật của nghệ sỹ Trần Nam từ lúc anh ở nhóm Hanoilink, rồi làm quen Nhà sàn Studio và làm volunteeer những công việc nặng  cho các nghệ sỹ Nhà Sàn như Phương Linh, Trần Lương, Trinh Thi... rồi dần phấn đấu trong nghệ thuậtthành trụ cột của nhà sàn, các tác phẩm luôn gây cảm giác cóp nhặt mà thiếu sự liền mạch của tư duy hay bộc lộ được nhãn quan riêng- điều giúp định hình một nghệ sỹ, dù bài viết giới thiệu cũng giải thích về điều này qua tính từ "đa dạng" trong sáng tác.
Nhìn rộng hơn, có thể nói Nhà Sàn studio đang thoái trào và bước vào những bước luì so với chính họ. Các thế hệ đầu như Trần Lương, Trương Tân, Quang Huy ... dù nói thế nào vẫn là những nghệ sỹ có tầm mức trong thế hệ của họ. Tới thế hệ Nguyễn Mạnh Hùng họ vẫn là những cá nhân tốt khi đem so ngang ra. Thế hệ sau này, thừa hưởng điều kiện tốt, những quan hệ lẫn danh tiếng của Nhà Sàn đồng thời khôn lanh hơn, nhưng có vẻ như lại thiếu tố chất, sự trải nghiệm cuộc sống cần có của những người làm nghệ thuật. Liên tiếp các triển lãm gây cảm giác cho người xem là họ đi trên mây và chỉ làm cho có!
 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả