Đi & Ở

Tết ở một gia đình Nam bộ: phụ là chính, và chính là phụ 30. 01. 14 - 2:42 pm

Đỗ Duy

.

Đây là một buổi chiều 29 Tết ở một gia đình ở xã Lý Văn Lâm, thuộc thành phố Cà Mau và chỉ cách trung tâm khoảng 5 cây số.

Như nhiều gia đình Nam bộ khác, gia đình này có một căn nhà rất to nhưng họ không vào đó để ở. Họ dựng một căn nhà phụ bên cạnh, và tất cả hoạt động sống, sinh hoạt đều diễn ra ở đây. Họ trang trí một khoảng sân trước rất đẹp, có hàng cau, có những cây dương xỉ khô quấn trên hàng cau, có lối đi khang trang để vào nhà chính, nhưng tất cả hoạt động của gia đình lại tập trung vào gian bếp và nhà phụ. Khách đến cũng không vào nhà chính mà hoặc vào nhà phụ, hoặc đi thẳng vào bếp, hoặc ra vườn.

Nhà phụ để sinh hoạt hoàn toàn không có cửa, thông thống từ trước ra sau, thấy hết đồ đạc và sinh hoạt trong đó. Họ có tủ áo nhưng không dùng, mà máng, phơi tất cả quần áo ra ngoài; lẫn lộn giữa chỗ nằm đọc báo với nấu ăn. Vợ chồng con cái lúc nào cũng có thể nhìn thấy nhau, nói chuyện với nhau.

Đến bây giờ họ vẫn còn dùng bếp than dù nhà có bếp ga cứ để đóng bụi. Ông chủ nhà năm nay đã ngoài tám mươi, vẫn khỏe mạnh, vẫn dành thời gian đọc báo và mỗi chiều vẫn chăm chỉ xem mục “Tin buồn” trên tivi vào lúc 6h của đài Cà Mau. Vợ ông dù bị bệnh vẫn làm vườn, vẫn nấu ăn phục vụ gia đình hàng bữa.

Trong nhà có nhiều con nít, nhưng hoặc thích điện thoại hoặc thích ra vườn nên Tết nhất mà không khí rất nguội. Năm nay, mai cũng không nở kịp dù đã lặt lá từ rất lâu, chắc vì trời đổ lạnh suốt cả tháng.

Một chiều 29, cả nhà đãi khách bằng khô cá khoai và lẩu mắm, vì người vợ là người vùng biển, làm dâu ở ruộng đã mấy chục năm trời, vẫn giữ thói quen ăn đồ của biển, chứ không nhất thiết là những món ngày Tết. Họ gói bánh tét chủ yếu để biếu hàng xóm và cho con cái biếu bạn bè ngoài chợ, chỉ chừa lại vài đòn ở nhà ăn, treo ở nhà sau, cạnh quần áo…

Lối đi trong xóm dẫn vào nhà.

 

Một hàng rào trong xóm, trồng cau kiểng trang trí.

 

Trước mặt nhà là con kênh Rạch Rập, thuyền ghe qua lại suốt ngày nên dù ở quê nhưng vẫn có tiếng ồn, như ở thành thị có tiếng xe máy. Đây có phải là lý do cả gia đình suốt ngày chỉ ở nhà sau và vườn sau?

 

Nhà chính và khoảng sân rất rộng trồng cỏ để trẻ con chơi đá banh buổi chiều, như tại các biệt thự ở Sài Gòn.

 

Một cái cây trong sân nhà chính, với lá dương xỉ bám và khô lại thành thế này.

 

Lối vào nhà chính rất phẳng phiu, hàng rào cây tỉa tót. Bên phía chiếc xe máy là gian nhà phụ.

 

Tủ áo trên nhà chính, có kiếng, chủ yếu được dùng để treo những trang phục quan trọng như áo dài, quần tây, áo sơ mi của người lớn, quần áo đi học của trẻ con.

 

Trẻ con ở nông thôn cũng nghiện game và điện thoại di động. Cửa vào bên hông nhà chính ngó hoang vu, vì đây là khu vực ít sử dụng.

 

Nhà phụ được xây bên cạnh nhà chính, là nơi sinh hoạt chủ yếu của cả gia đình. Nhà phụ sử dụng một vách của nhà chính, hầu như không có cửa. Gió và ánh sáng khắp “ba bề”.

 

Ở nhà phụ: quần áo trẻ con và người lớn (đồ bộ, quần cộc mặc hàng ngày) được phơi và treo luôn ở nhà sau chứ không mắc vào tủ. Nồi cơm điện mua vậy nhưng ít khi được dùng đến. Hai chiếc võng là để 10 người trong nhà làm vườn vào hoặc đang nấu bếp có thể tạt qua nằm nghỉ một chút.

 

Đa phần quần áo trong nhà đều do phụ nữ chia nhau may bằng chiếc máy may này.

 

Vách ngăn nhà sau với vườn được sử dụng làm chỗ để phơi đồ mới giặt. Bạn có thấy mấy đòn bánh tét treo chung với quần áo không?

 

Năm nay, bà chủ nhà làm bánh tét từ 28 Tết, chủ yếu là để biếu hàng xóm và người ơn nghĩa ngoài chợ, chỉ chừa lại vài đòn ở nhà ăn Tết, phải treo bánh để tránh chó, mèo, chuột trong nhà.

 

Cửa từ vườn vào nhà sau. Bên phải, treo trên tấm tôn là quần áo mặc để làm vườn, thường là quần áo đã mặc nhiều năm, hoặc sờn hoặc rách.

 

Giờ là những góc của đàn ông: một vách tường với những bằng khen mang tên chủ nhà. Bên dưới là chỗ chủ nhân ngồi đọc báo và hút thuốc mỗi sáng và chiều.

 

Những vật dụng thân thiết nhất trong thú vui của chủ nhân: ông vẫn giữ thói quen nghe đài và uống trà. Đôi khi đọc báo, không nghe vẫn mở đài. Vì mắt rất mờ nên ông phải dùng một cái điện thoại di động có bàn phím số rất to.

 

Ở đâu cũng có võng. Khách đến nhà tha hồ nằm võng, nói chuyện với chủ nhà. Và có khi cũng chẳng cần nói nhiều. Hiện diện là đủ.

 

Thêm một góc nữa của đàn ông trong nhà, khiêm tốn nhưng bất khả xâm phạm, với những vật dụng chỉ đàn ông sử dụng được.

 

Một cái kệ tựa vào cây vú sữa, ngay lối ra vườn, để phơi các vật dụng đi câu và làm vườn: cần, thau nhựa, rổ…

 

Ngăn với đất hàng xóm là một con mương, trên bờ có một cái chuồng, nuôi một con gà bồ câu..

 

Còn lại, giang san ở đây là của phụ nữ. Trong vườn, chuối được cán ra, phơi trên lá cau khô để đãi khách thay cho mứt ngày Tết.

 

Khạp để chứa nước mưa để pha trà và uống hàng ngày.

 

Một gian bếp phụ trong nhà phụ, nấu chủ yếu bằng lá dừa, củi dừa, và nhánh cây khô nhặt trong vườn. Nhà có bếp ga nhưng đã được cất lại trong gian bếp được xây bằng gạch trên nhà chính.

 

Bà chủ đang nấu mắm kho đãi khách.

 

Ngay sát bếp cũng có một cái võng, để con cái, khách khứa vừa nằm võng vừa nói chuyện được trong lúc chủ nhà vừa nhặt rau, nấu ăn.

 

Từ chỗ nấu bếp nhìn ra. Người uống trà đọc báo có thể nói chuyện với người đang rửa cá, nấu lẩu.

 

Khắp nơi là các cấu trúc “phụ”: ở một góc khác lại là một gian để nuôi heo và chứa lá dừa, củi khô.

 

Vì người vợ là dân miền biển nên nhà lúc nào cũng có cá khô khoai, nướng than mỗi khi muốn ăn.

 

Bữa cơm chiều đãi khách, hầu như không có món ăn quen thuộc nào vào ngày Tết như thịt kho trứng, củ kiệu…

 

Ăn chiều 29 Tết, người ngồi trên ghế, người ngồi trên ván, người vừa đứng vừa ăn… Ai thấy ăn cách nào thoải mái thì ăn.

 

Sau bữa ăn: đây là bộ ván có mặt nhôm, đa công năng: để nằm nghỉ trưa, để ăn trưa, tiếp khách; từ đây nhìn ra sân vườn bên hông nhà phụ.

 

Năm nay Nam bộ thời tiết lạnh, nên mai đã nhặt lá từ 12 âm lịch, đến 29 cả vườn mai vẫn chỉ toàn là nụ. Thôi đành ngắm lá cây khác trong vườn. Cũng không sao…

 

Ý kiến - Thảo luận

12:58 Friday,31.1.2014 Đăng bởi:  cu Li lều bláo
Một tài sản thừa kế khá truyền thống của Việt là... nghèo. Nó hoặc là bệ phóng (ít), hoặc là cái áo có mũ trùm đầu. Khu eo cũng từa tựa thế này, nhưng lao đi kin tế mới, vì đất cũ ngàn năm không nghỉ lấy một ngày. Đồng bằng Cửu Long là đất mới, hổng cần phân zo nh
...xem tiếp
12:58 Friday,31.1.2014 Đăng bởi:  cu Li lều bláo
Một tài sản thừa kế khá truyền thống của Việt là... nghèo. Nó hoặc là bệ phóng (ít), hoặc là cái áo có mũ trùm đầu. Khu eo cũng từa tựa thế này, nhưng lao đi kin tế mới, vì đất cũ ngàn năm không nghỉ lấy một ngày. Đồng bằng Cửu Long là đất mới, hổng cần phân zo nhều.
 
15:51 Thursday,30.1.2014 Đăng bởi:  linh cao
Tuyệt ! Ở thế này khỏe.  Ngôi nhà vườn này là mơ ước mình sẽ xây, khi thôi không phải hàng ngày đi đến phòng tranh trong phố nữa. Cái nhà to thì để cất tranh cất tượng.  Và xây thêm cái bể bơi ghép mô-sai- ich Bát Tràng nữa, cùng mảnh vườn đầy gốm
...xem tiếp
15:51 Thursday,30.1.2014 Đăng bởi:  linh cao
Tuyệt ! Ở thế này khỏe.  Ngôi nhà vườn này là mơ ước mình sẽ xây, khi thôi không phải hàng ngày đi đến phòng tranh trong phố nữa. Cái nhà to thì để cất tranh cất tượng.  Và xây thêm cái bể bơi ghép mô-sai- ich Bát Tràng nữa, cùng mảnh vườn đầy gốm có cái mái rơm để mắc võng đọc sách với uống trà.  Oh my dream
 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả