|
|
|
|||||||||||||
Nhiếp ảnhDavid Bailey: Dùng máy ảnh số thì không xảy ra lỗi nào, mọi thứ đều hoàn hảo. Nhưng chán. 01. 04. 14 - 7:15 amDaylightstudiohire, Hoàng Lan dịchNational Portrait Gallery hiện đang có triển lãm Stardust của David Bailey. David Bailey là ai? Ông là nguồn cảm hứng cho rất nhiều nhiếp anh gia – không hẳn vì kỹ thuật hay tác phẩm của ông, mà có lẽ vì cách ông làm việc cũng như niềm đam mê ông dành cho môn nhiếp ảnh; thực chất ông là người yêu nghệ thuật hơn là chỉ yêu nhiếp ảnh đơn thuần, và ông xem tác phẩm của mình chỉ như một dạng nghệ thuật. Nhưng ai dám cãi rằng ảnh của David không phải nghệ thuật nào…?! David Bailey vừa là nhiếp ảnh gia cho tạp chí Vogue, vừa là nhà làm phim, họa sĩ, điêu khắc gia. Ông thực sự là một biểu tượng văn hóa, một người luôn nhạy bén với nghệ thuật đương đại trong suốt 50 năm. Xuất thân từ tầng lớp lao động ở London, ông vươn lên và làm bạn với lắm ngôi sao, cưới các nàng thơ của mình, và vẫn nắm bắt được cái hồn cũng như sự duyên dáng của thời đại bằng cách tiếp cận đơn giản mới mẻ qua đôi mắt sắc như dao. Giữa những năm 60s, không ai làm nổi bật chất tiệc tùng của thành phố London hơn nhiếp ảnh gia David Bailey, những bức ảnh đã trở thành biểu tượng của các nhận vật nổi tiếng – từ nhóm The Beatles đến Julie Christie – mà cả thế giới ngắm nghía, là ảnh do David chụp. “Tôi từng là lính nhảy dù, tin hay không thì tùy. Tôi tình nguyện tham gia công tác cứu hộ trong rừng vì như vậy tôi có cớ để… chẳng phải làm gì cả. Tôi ngồi trong căn lều cạnh đường băng sân bay và cứ thế vẽ với đọc. Tôi đọc khoảng năm cuốn sách một tuần. Cái gì tôi cũng đọc – Tolstoy, Dostoevsky,…tất cả các nhà văn Nga. “Tôi luôn vẽ tranh vì đó là việc duy nhất tôi có thể làm lúc ấy. (Lần đầu tiên) tôi xem vài bức Picasso vẽ Dora Maar, tôi như tìm thấy được tín ngưỡng cho mình. Bỗng dưng cả thế giới quan của tôi thay đổi. Trong một khoảnh khắc, Picasso chỉ cho tôi thấy rằng (nghệ thuật) chẳng có luật lệ nào cả. Khám phá ra Picasso đã mở cho tôi một chân trời mới. “Sau đó tôi tập thổi trumpet – tôi thổi khá dở – nhưng vẫn tập vì tôi muốn bắt chước Chet Baker (một nghệ sĩ kèn trumpet Mỹ), rồi tôi thấy rằng bìa bao đĩa thu âm của Baker cũng như bìa đĩa của nhiều nhạc sĩ vùng bờ Tây khác đều rất đẹp, chúng do nhiếp ảnh gia William Claxton chụp. Và thế là niềm đam mê nhiếp ảnh của tôi lại bùng lên. “Nhưng tấm ảnh đem đến nhiều cảm hứng cho tôi nhất có lẽ là tác phẩm nổi tiếng của Cartier-Bresson, bức ‘Kashmir, 1948, Muslim Woman Praying at Dawn in Srinigar.’ (Một phụ nữ Hồi giáo đang cầu nguyện vào lúc bình minh tại Srinigar, Kashmir, 1948). Thế nên năm 16 tuổi, tôi bắt đầu tập chụp ảnh một cách nghiêm túc hơn. “Nhưng rồi tôi nhận lệnh nhập ngũ của chính phủ Anh, và họ tuyển tôi vào không quân. Tôi đi Singapore hai năm –56 đến 58. Tôi vẫn chơi kèn trumpet, nhưng sau đó tôi đưa cây kèn cho một sĩ quan mượn và quý ông ấy chưa bao giờ trả nó lại cho tôi. Lúc ấy tôi chỉ là lính binh nhì, tôi đâu dám đòi. Nhưng thời đó Singapore là một bến cảng miễn thuế, khi bạn mua một gói thuốc lá thì họ sẽ khuyến mãi cho bạn một chiếc máy ảnh. Vậy là tôi có được một chiếc.”
“Tôi cảm thấy mình giống với nhiếp ảnh gia Pháp Nadar của những năm 1860 – tôi hiểu những gì ông hiểu. Ngay khi khách khứa bước vào phòng là tôi chụp ảnh họ. Tôi quan sát cách họ di chuyển và chụp không gian riêng của họ. Đó là lý do tôi thích ảnh của chính mình – bạn không thể bắt chước những gì tôi làm vì thật ra tôi chẳng làm gì cả. Cùng lắm tôi chỉ xã giao vài câu trong lúc chụp ảnh. Tôi không thực sự tìm kiếm điều gì hết, tôi chỉ cố nắm bắt con người họ, nắm bắt những gì họ vốn có. Tôi muốn họ nom tự nhiên, không bị gò bó trên ảnh. Tôi muốn chụp được tính cách của họ. Tôi chẳng cần thứ gì khác từ họ. Chính sự ngẫu nhiên mới là cái thú vị.” “Phụ nữ yêu thích ông” Jean Shrimpton – quản lý của một khách sạn tại Cornwall, một cựu người mẫu, cựu tình nhân của David – cho hay. “Dân đồng tính ngưỡng mộ ông. Trẻ con và thú vật chạy theo ông. Các bà mẹ thì nuông chiều ông. David thu hút tất cả mọi người, trừ các ông bố”. Giờ đây David đã có ba đứa con và đang sống cùng cô vợ thứ tư – người mẫu Catherine Dyer – nên David bắt đầu đối xử mềm mỏng hơn với thành phần đàn ông dị tính. David Bailey vẫn chuộng ảnh chụp bằng phim (Kodak Tri-X là loại ông thích nhất), ông tin rằng máy ảnh số cũng như photoshop đang làm mất đi cá tính của nhiếp ảnh gia và của môn nhiếp ảnh. “Thường thì khi chụp chân dung, đặc biệt là chụp đàn ông, tôi dùng phim 10×8. Dĩ nhiên không phải lúc nào cũng thế, nó tùy vào tình huống. Nếu tôi đến một địa điểm nào đó để chụp, ví dụ như đến Ấn Độ trong vài tuần chẳng hạn, thì tôi sẽ đem máy ảnh số nhằm bỏ qua công đoạn rửa ảnh. Chụp bằng phim 10×8 khá đắt đỏ, mỗi lần bấm máy là bạn tốn khoảng 50 bảng. Thậm chí còn đắt hơn, nên tạp chí Vogue bắt đầu khó chịu. Chậc, thực chất thì tạp chí nào cũng khó chịu và hỏi tại sao tôi không dùng máy ảnh số đi. “Cuối cùng thì tôi thấy máy ảnh số chẳng rẻ hơn bao nhiêu, bạn phí thời gian vào việc điều chỉnh, rồi chọn hình và in hình. Mấy công đoạn này tốn nhiều thì giờ hơn. Khi dùng phim 10×8, tôi chưa hề chụp hơn 8 tấm, đôi lúc chỉ chụp 6. Tôi cũng từng dùng phim 11×14 và lúc đó tôi chỉ chụp 2 tấm – mỗi tấm cho mỗi bên trái, phải. Sau đó công đoạn lựa hình cũng dễ hơn, ví dụ như tấm này không nét nên không chọn, hay tấm kia thì người mẫu chớp mắt. Với ảnh số, bạn tốn hàng giờ trước màn hình máy tính. Nhưng tôi nghĩ đối với thị trường đại chúng thì kĩ thuật số thật tuyệt vời, ai cũng làm nhiếp ảnh gia được.
“Điều tương tự diễn ra vào năm 1890, khi máy ảnh Box Brownie ra lò, ai cũng nói nhiếp ảnh thế là xong, nhưng không, nó chỉ tăng độ khó lên vì giờ đây ai cũng chụp ảnh giống nhau. Vấn để của của ảnh số, theo tôi, là nó không có tính ngẫu nhiên. Làm sao mà bạn tạo ra sự ngẫu nhiên được; tỷ như anh Rankin chẳng hạn, anh chụp một bức ảnh rồi anh nhìn vào màn hình. Anh dịch máy một chút rồi chụp tấm khác. Với tôi, chẳng có phép màu nào trong việc chụp hình kiểu ấy. (Dùng phim cuộn), tôi không thể biết ảnh rửa ra nom sẽ thế nào, nếu tôi có sai sót thì về mặt nào đấy nó là một phần của quá trình sáng tạo, do bạn chỉ có thể sáng tạo thông qua việc mắc lỗi. Dùng máy ảnh số thì không có lỗi nào xảy ra, mọi thứ đều hoàn hảo. “Bạn cứ xem mấy tạp chí ảnh thì sẽ thấy hàng trăm bức phong cảnh đẹp tuyệt nhưng chán ngắt như nhau. Họ chỉnh màu sáng một chút và thế là ra ảnh chụp một cái cây khác cái cây cũ. Liệu còn bao nhiêu cái cây bạn chưa chụp đây?” * Cái chết có ám ảnh David đôi chút – các bức tranh và ảnh gần đây của ông đều liên quan đến cái chết, với hình tượng đầu lâu và xương xỏ, hoa héo khắp nơi. Ông nói “…rắc rối duy nhất của tôi là cuộc đua với thần chết. Tên cầm lưỡi hái ấy lúc nào cũng bám đuôi tôi”. Nói thế chứ dù đang cận kề tuổi 75, David Bailey vẫn chưa có dấu hiệu xuống dốc. Tại studio của ông ở London và ở tư gia thuộc vùng quê Devon, ông vẫn tiếp túc truyền cảm hứng và sáng tác nên những bộ sưu tập đa dạng, hợp thời thế hơn bất kì nghệ sĩ hiện đại nào. * Bây giờ xin dành đôi lời cho nàng thơ đặc biệt của David Bailey, cựu người mẫu Jean Shrimpton. Sinh năm 1942 tại Anh, bà từng là biểu tượng của một London tiệc tùng và là một trong những siêu mẫu đầu tiên của thế giới, nổi tiếng có “gương mặt đẹp nhất.” Lúc gặp David thì cả hai còn chưa nổi tiếng gì, nhưng họ lập tức yêu nhau say đắm và ông bỏ vợ để đến với Jean. David hiện nay có 4 đời vợ, ông chưa cưới Jean bao giờ nhưng sau khi chia tay thì cả hai vẫn là bạn thân. Ảnh David chụp Jean đã giúp bà lẫn David trở nên nổi tiếng nên họ đều cho rằng mình “nợ” nhau nhiều thứ. Các bạn xem vài hình David chụp Jean, một số không tìm ra chú thích, bạn nào biết xin bổ sung giúp.
Ý kiến - Thảo luận
18:03
Tuesday,1.4.2014
Đăng bởi:
candid
18:03
Tuesday,1.4.2014
Đăng bởi:
candid
Chụp phóng sự bằng máy ảnh khổ lớn (4x5) thì hồi đấy các phóng viên hay sử dụng máy ảnh Graflex. Ví dụ như cô Margaret Bourke-White em cũng từng viết 1 bài cũng chuyên chụp phóng sự với máy khổ lớn.
http://blog.cinvea.com/post/1665428483/an-ba-ho-de-may-tay Còn chụp tiệc tùng như tác giả cũng có 1 nhiếp ảnh gia ngày xưa rất nổi tiếng dùng máy ảnh cỡ lớn để chụp. Tạm thời em không nhớ ra tên để tối về nhà tra cứu lại.
15:17
Tuesday,1.4.2014
Đăng bởi:
SA
Máy khổ lớn ra ảnh rất đẹp, và chụp 1 pô phải tốn mất mươi phút lỉnh kỉnh cài từng phim, chỉnh nét bằng lúp dưới vải trùm đầu rồi cài khẩu đọ rồi mới bấm, tuy nhiên vì thế nên phải suy nghĩ và ko chụp loạn xạ, thời chiến tranh Lebanon có ng từng vác mày này (cồng kềnh và cần chân ba càng, 10 pô phim đã nặng 3 ký) sang làm phóng sự...chiến trường
15:17
Tuesday,1.4.2014
Đăng bởi:
SA
Máy khổ lớn ra ảnh rất đẹp, và chụp 1 pô phải tốn mất mươi phút lỉnh kỉnh cài từng phim, chỉnh nét bằng lúp dưới vải trùm đầu rồi cài khẩu đọ rồi mới bấm, tuy nhiên vì thế nên phải suy nghĩ và ko chụp loạn xạ, thời chiến tranh Lebanon có ng từng vác mày này (cồng kềnh và cần chân ba càng, 10 pô phim đã nặng 3 ký) sang làm phóng sự...chiến trường Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
http://blog.cinvea.com/post/1665428483/an-ba-ho-de-m
...xem tiếp