|
|
|
|||||||||||||
Ở Đâu - Làm GìBay trên gò hàn 08. 09. 10 - 5:13 pmPhan Cẩm Thượng - Ảnh: Nguyễn Anh TuấnSÀI GÒN – HÀ NỘI Từ 04. 9 đến 14. 9. 2010
Cuộc triển lãm Điêu khắc Hà Nội – Sài Gòn 2010 khai mạc tối 4. 9. 2010. Sáng 6. 9, chúng tôi có cuộc tọa đàm nhỏ cũng tại địa điểm trưng bày – nhà Triển lãm trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh. Giao lưu nghệ thuật giữa hai miền đã có từ lâu, trong vài chục năm qua, nhưng chủ yếu là hội họa, còn thiếu một trưng bày điêu khắc chuyên biệt. Dù không bàn bạc gì về chuyên môn, nhưng sáu nhà điêu khắc Hà Nội và chín nhà điêu khắc Sài Gòn cùng từ bỏ lối điêu khắc phụ thuộc vào hình thể con người và các chất liệu cổ điển như đá, đồng, gỗ. Điêu khắc tiến gần đến tự nhiên hơn, cũng như gần với thế giới đồ vật quanh chúng ta hơn, nhưng cũng vì thế mà khó khăn hơn cho sự cảm nhận của người xem.
Nhóm điêu khắc của Đào Châu Hải, hay ít nhất có thể gọi như thế, khi ông là người quấy động một không khí điêu khắc mới, dứt khoát từ bỏ các khái niệm không gian ba chiều, đề tài, hay mô tả một sự vật gì đó, và ngay cả thế nào là hình thể cũng cần phải quan niệm lại. Hàng loạt cuộc trưng bày ở Hà Nội từ năm 2007 – 2010, với các triển làm cá nhân của Đào Châu Hải hay Lương Văn Việt, của nhóm điêu khắc Năm người tại Vietart Centre và bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, trong đó chất liệu sắt dường như được độc tôn; Hơn tất cả, đó là ý tưởng, cảm giác và những hình thể vô định, đôi khi duy lý.
Khi gặp gỡ các nghệ sỹ Sài Gòn – những người cũng theo đuổi cách tân nhất định (tác phẩm trong triển lãm cho thấy họ sẽ không dừng lại ở giới hạn nào, đôi khi ngông nghênh và lãng mạn bất ngờ) – hai bên hẹn nhau sẽ tổ chức trao đổi hai năm một lần, không nhằm thống nhất hay đến gần nhau, mà có lẽ để khác biệt nhau hơn, như lời của Bùi Hải Sơn. Trong lời khai mạc và hội thảo, nhà phê bình Nguyễn Quân nói rằng: “Lịch sử nghệ thuật Việt Nam phần chính là điêu khắc, thế mà sau hai ngàn năm điêu khắc hiện đại lại trở nên lép vế so với hội họa và ít tính chuyên nghiệp hơn. Những tượng đài vô bổ, chiếm rất nhiều không gian và tiền bạc, nhưng không ai đến đó, không nhận ra là tượng của ai, lẫn bức tượng nặn ông này là Quang Trung hay Lê Lợi. Trong hoàn cảnh đó những hoạt động có tính chuyên nghiệp của anh em ở đây là đáng trân trọng và đến gần cái bản chất nghệ thuật thị giác.” Nguyễn Quân cho rằng: “Nghệ thuật ở Sài Gòn gần với sự diễn giải lãng mạn, tính design trong không gian đô thị, các nghệ sỹ Hà Nội lại có vẻ tìm đến sự tinh tế và cô độc của hình khối. Đáng tiếc là trong cái đô thị này, đã có không gian chính trị, không gian thương mại, nhưng còn thiếu không gian văn hóa.” Ba nghệ thuật: kiến trúc, điêu khắc và design tạo ra bộ mặt chính của xã hội công nghệ hiện đại, nhưng người ta lại chủ yếu chỉ quan tâm đến kiến trúc và design, mà ít để ý đến đời sống tinh thần của nó nằm ở điêu khắc.
Đào Châu Hải nói rằng khi nghĩ đến nền văn hóa và nghệ thuật Đông Sơn, ông và những bè bạn muốn khai thác lại sự thành công trong việc chế tác đồ kim loại, như với Đông Sơn là đồ đồng. Họ chọn chất liệu sắt, (tất nhiên trong nhóm của họ có những người chọn gỗ như Nguyễn Ngọc Lâm, chất liệu giấy như Lê Lạng Lương). Sắt không phải là chất liệu dễ xử lý và có tính thẩm mỹ truyền thống của điêu khắc. Công nghệ của chúng ta có hạn, trong khi kết cấu và độ nặng của các tác phẩm đòi hỏi một kỹ thuật cao. Nhìn chung, những nhà điêu khắc hai miền vẫn dừng lại ở kỹ thuật nguội, gò hàn thủ công, và nếu là công nghệ hiện đại thì chắc chắn tác phẩm của họ còn tốt hơn nữa, và cũng tốt hơn nữa nếu tư duy điêu khắc trên cơ sở của công nghệ hiện đại.
* (Ghi chú: Trong triển lãm này, Hà Nội có sáu người: Đào Châu Hải, Nguyễn Ngọc Lâm, Vũ Quang Sáng, Khổng Đỗ Tuyền, Trần Trọng Tri và Lương Văn Việt. Sài Gòn có chín người: Vĩnh Đô, Trần Việt Hưng, Trần Quốc Khánh, Hoàng Tường Minh, Trần Thanh Nam, Phan Phương, Bùi Hải Sơn, Nguyễn Xuân Tiên và Nguyễn Hoài Huyền Vũ.) Một số tác phẩm trong triển lãm:
(Tên bài do Soi đặt)
Ý kiến - Thảo luậnBài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|