Tin-ảnh: El Greco bày tranh muộn. Craig-Martin sắp đặt trước lâu đài. Tranh Turner vẽ cuối đời điên mà đẹp
31. 03. 14 - 7:24 am
Hoàng Lan tổng hợp và dịch
TOLEDO – Họa sĩ Domenikos Theotokopoulos, nghệ danh El Greco (sinh tại Candia, Crete, năm 1541 – mất tại Toledo năm 1614) có môi liên hệ mật thiết với thành phố Toledo, song chưa có triển lãm nào dành riêng cho ông ở thành phố này. Với lý do đó, và cũng để đánh dấu 400 năm ngày mất của hoạ sĩ, Toledo đã tổ chức triển lãm cho El Greco. Cuối cùng thì tranh của El Greco sẽ được trưng bày ở nơi chịu tầm ảnh hưởng và phản ánh sự nghiệp của ông một cách tốt nhất. Hình: Một khách tham quan ngắm bức tranh của El Greco trong triển lãm dành riêng cho hoạ sĩ tại bảo tàng Santa Cruz ở Toledo, nhân 400 năm ngày mất của ông. Ảnh: Javier Soriano
Triển lãm tổ chức tại Bảo tàng Santa Cruz, nó sẽ giúp người xem có được cái nhìn thấu đáo hơn về những địa điểm nơi El Greco thực hiện các tác phẩm của mình: Thánh phòng của Giáo đường Toledo, nhà nguyện San José, Tu viện thánh Domingo el Antiguo, Nhà thờ thánh Tomé và Bệnh viện Tavera. Hình: Một phụ nữ đi ngang qua các bức tranh của hoạ sĩ Hy Lạp El Greco trong triển lãm tại bảo tàng Santa Cruz ở Toledo. Ảnh: Javier Soriano.
DERBYSHIRE – Tác phẩm của El Greco mà đặt tại Toledo thì quả là hợp, còn nếu bạn có một sắp đặt đương đại cỡ lớn, dành để trưng bày ngoài trời thì phải đi đâu? Một trong những địa điểm tốt nhất là dinh thự Chatsworth. Tháng 3 này, Chatsworth đã tổ chức một buổi triển lãm dành cho các điêu khắc gần đây của nghệ sĩ Michael Craig-Martin. Triển lãm tập hợp 12 tác phẩm, đặt xung quanh mấy khu vườn lâu đời của dinh thự. Craig-Martin ra sức sắp đặt những điêu khắc mang hình các vật dụng thông thường như dù, giày cao gót, xe cút kít với kích cỡ to quá khổ sao cho thật tương ứng với cảnh quan. Hình: Nghệ sĩ Ireland Michael Craig-Martin đứng cạnh chiếc dù khổng lồ của ông ở buổi triển lãm tại khuôn viên lâu đài Chatsworth, gần thị xã Bakewell ở vùng Derbyshire, phía Bắc nước Anh vào hôm 12. 3. 2014. Ảnh: Andrew Yates.
Michael Craig-Martin sinh ra ở Dublin vào năm 1941, ông sang Hoa Kỳ học mỹ thuật tại Đại học Yale. Ông trở về châu Âu vào giữa những năm 60, và dạy tại trường Nghệ thuật Goldsmith từ 1974-88 và 1994-2000. Ông có tầm ảnh hưởng khá lớn đến một thế hệ học sinh, trong đó có Gary Hume, Sarah Lucas, và Damien Hirst. Hình: chiếc nĩa khổng lồ của Craig-Martin ở Chatsworth.
Dòng họ Cavendish của dinh thự Chatsworth nổi tiếng là những người có “thâm niên” với nghệ thuật đương đại (từng bày “Beyond Limits” của Damien Hirst cũng như lắm tác phẩm khác trong khu “vườn” nhà họ.) Kỳ này, nhà Cavendish không chỉ trưng mỗi Craig-Martin, họ còn trình làng sắp đặt mới nhất của Jacob van der Beugel. Hình: Stoker Cavendish, Công tước xứ Devonshire (phải) và vợ Amanda, nữ Công tước xứ Devonshire (trái) ngắm tác phẩm sắp đặt bằng gốm sứ, mô tả mã DNA của vợ chồng Công tước và hậu duệ của họ, do nghệ sĩ Jacob van der Beugel thực hiện; Andrew Yates chụp hôm 12. 3. 2014. Đây là sắp đặt cố định mà Công tước Cavendish đặt hàng Jacob làm riêng. Dòng họ này công nhận rất chịu chơi, thường không mấy ai dám gắn tác phẩm đương đại theo kiểu cố định lên bức tường của dinh thự hơn mấy trăm tuổi của họ cả.
LONDON – Và cuối cùng, khi có triển lãm lớn dành cho Turner thì không đâu hợp bằng Bảo tàng Tate. Lần đầu tiên trong lịch sử, Tate sẽ gom các bức tranh sơn dầu khổ vuông của JMW Turner (1775-1851) và trưng bày chúng cùng nhau tại triển lãm: “Turner về cuối – giải phóng tranh” (Late Turner – Painting Set Free). Đây sẽ là triển lãm lớn đầu tiên chuyên về các tác phẩm mà nghệ sĩ này vẽ vào giai đoạn cuối đời (1835-50), triển lãm bắt đầu vào tháng 9 năm nay. Hình: bức “Ánh sáng vào màu sắc” (Light and colour), Joseph Mallord William Turner, 1843, sơn dầu trên canvas.
Một bức khổ vuông khác có trong triển lãm lần này: Thiên thần dưới nắng (Angel in the sun), Joseph Mallord William Turner, 1846. Tate sẽ dành một phòng riêng để trưng bày 9 tác phẩm khổ vuông nhằm giúp người xem có cái nhìn mới về Turner trong giai đoạn cuối đời. Vào thời điểm sáng tác, tranh khổ vuông của Turner là những tác phẩm gây nhiều tranh cãi nhất, chúng hứng lắm búa rìu chỉ trích từ phía báo chí. Ngay cả Ruskin – một fan hâm mộ nhiệt thành của Turner – cũng miêu tả các tranh ông vẽ vào khoảng năm 1846 như “dấu hiệu của bệnh thần kinh”. Triển lãm sẽ tái khẳng định rằng Turner vào giai đoạn cuối đời vẫn là một nghệ sĩ táo bạo và đầy thách thức, vẫn là người duy trì được sự gắn bó của mình với thế giới đổi thay cho đến khi ông mất vào năm 1851.