Gẫm & Bình

Từ cái mũi cao của trung tá Luân 21. 03. 14 - 7:16 am

Nguyễn Trương Quý

Hai “ông Tín” đóng trong “Ván bài lật ngửa”. Ảnh lấy từ VnExpress

Hai người đàn ông tên Tín từng được xem như đại diện cho vẻ đẹp đàn ông Việt những năm 80. Thưc ra trông họ không giống những người nam giới thời ấy. Họ có gì đó “hơi Tây” – mũi cũng cao, mắt cũng sâu, râu cũng rậm, ông Thương ria sâu róm, ông Chánh ria con kiến. Ừ, thời những năm bao cấp đói ăn rách mặc, mà lại duy trì những vẻ đẹp khác lạ thế cũng là điều đặc biệt. Khán giả Việt đi xem họ cũng mơ mộng được ít nhiều về sự lãng mạn giữa cuộc sống nghèo khó. Dù là phim đề tài chiến tranh cách mạng, bắn nhau bùm bùm cũng cần có kép đẹp thể hiện. Nó cũng đồng mẫu số với phim Hollywood xưa nay thôi, lựa lấy những vẻ đẹp tuấn tú nhất của chủng loài mà làm đẹp mắt công chúng.

Thương Tín vai Vọng, phim “Ván bài lật ngửa”. Ảnh: Depplus

 

Chánh Tín trong vai Luân, phim “Ván bài lật ngửa”. Ảnh: Kênh 14

Từ bao giờ người Việt chú ý đến sắc vóc nhân chủng mình nhỉ? Thật khó biết những câu “cổ tay em trắng như ngà” là của thế kỷ nào. Các văn bản về phong tục như “Dư địa chí của Nguyễn Trãi (TK 15) để lại thường chỉ nói đến tính tình hoặc mơ hồ hơn, “khí chất”, sức lực, những cái thiên về khả năng lao động hoặc đạo đức. Nhiều văn bản lại rơi vào tình trạng được thêm thắt, sửa chữa. Với lại cái nhìn của người Việt về chủng tộc mình cũng ít điều kiện so sánh.
 
Vào giữa thế kỷ 17, thương nhân người Anh gốc Hà Lan Samuel Baron đã viết, đại để là rất ít người Việt từng đi ra nước ngoài; họ gần như không có ý niệm so sánh gì hết, và cách thức làm ăn của châu Âu không tài nào phá vỡ nổi hòn đá tảng trì trệ của xứ Đàng Ngoài. Nhân vật này từng giữ vai trò đại diện thương mại cho English East India Company (để phân biệt với một công ty Đông Ấn khác của Hà Lan), có lý lịch cũng đặc biệt: Sinh ra ở Thăng Long vào khoảng năm 1637, là con của thương nhân Hà Lan Hendrik Baron và một phụ nữ Đại Việt. 1659, Samuel Baron được bố gửi về châu Âu. Mười một năm sau (1670), anh ta quay lại châu Á và chuyển sang làm cho người Anh. Công ty mở một nhà máy ở Tonkin nhưng tình hình làm ăn rất chán, chủ yếu là buôn bán tơ sống của Đàng Ngoài và thuốc súng của Bồ Đào Nha.

Ông Tây lai này ghi chép tỉ mỉ các loại phong tục, từ triều vua Lê đến phủ chú Trịnh, đám ma đám cưới, nhằm để phán bác lại một cuốn ghi chép nhiều sai lầm của một nhà du hành người Pháp là Jean-Baptist Tavernier (mà có vẻ như cũng chưa biết mấy về Đàng Ngoài, chủ yếu nghe hơi nồi chõ hoặc lưu lại Thăng Long vài ngày).

Các trò chơi Tết trong sách của Baron


Theo Baron, người Đàng Ngoài sống rất kém về kỷ cương luật lệ, không thân thiện và nóng nảy, chẳng tò mò gì về các nước khác, với người nước ngoài thì đầy lòng nghi ngờ, buôn bán xấu tính, nghèo đói, và có một thứ ngôn ngữ khó học. (Kể cũng lạ, không biết vai trò của bà mẹ người Việt thế nào?)

Baron tả về vóc dáng người Việt: “Nói chung người Đàng Ngoài cũng có sắc da nâu giống người Trung Hoa và Nhật Bản, nhưng đẹp hơn, và phụ nữ thì gần trắng như người Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Mũi và mặt họ không quá bẹt như người Trung Hoa, tóc họ đen và nếu để dài, sẽ đeo một món trang sức…”

Từ lúc người Việt Đàng Ngoài được mô tả trong mắt phương Tây, người Việt đã được so sánh triệt để với người Trung Hoa hay Nhật Bản, những chủng tộc rõ ràng định vị rõ nét hơn từ trước. Mô tả họ về tính cách, quả thực chưa bao giờ dễ cả. Điều này có thể làm một số bác vỗ đùi đánh đét, người Việt sâu sắc, khó đoán và bí ẩn nhất quả đất!

Mô tả người Đàng ngoài của Baron, trong các loại váy áo của vài loại hình nghệ thuật dân gian, 1865

 **
Quay lại với chuyện vẻ đẹp minh tinh. Quả thực xem phim, poster hay trailer mà hình đào kép đẹp cũng tác động đáng kể đến việc đi xem. Hoặc bấm mấy chục kênh, bỗng khuôn hình rơi đúng vào một vẻ đẹp được đặc tả là xác suất rất cao sẽ để yên đó, xem chàng/nàng đang diễn cái gì. Truyện có thể không có chuyện, phim có thể không có cốt, nhưng chắc hiếm ai làm phim không có diễn viên. Mà đã mang danh diễn viên thì phải len chân làm đào kép chính, và đã vậy phải đẹp. Tất nhiên có nhân vật xấu xí, nhưng cứ đo tỉ lệ diễn viên đẹp với xấu xem sao. Trước ngày trao giải Oscar, chẳng phải là năm châu bốn bể bận bịu xem gái đẹp trai đô nào giành tượng vàng, và ai mặc gì đi trên thảm đỏ quyết định sự quan tâm của công chúng ngang với các bài phát biểu nhận giải đầy ắp nụ hôn gió và lời cảm ơn đó sao.

Chánh Tín có lẽ cũng là một kiểu Kevin Costner, có vẻ đẹp phong lưu mã thượng, ladykiller, nhưng càng về sau thì dở, thậm chí quá dở, dở kinh người, những phim dở làm người ta quên mất cả phim hay (Waterworld, The Postman, xem mà buồn cho đã có thời khoe mông Khiêu vũ với bầy sói và làm Vệ sĩ cho gái lẳng Whitney Houston). Không nhớ phim “Chiếc mặt nạ da người” và “Bản tình ca cuối cùng” có hay không (phim video, đóng với Lê Khanh) nhưng nghiệp đóng phim dài thế vẫn chỉ làm người ta nhớ trung tá Nguyễn Thành Luân từ ba mươi năm trước.

Chánh Tín đóng cùng Lê Khanh trong “Bản tình ca cuối cùng”. Ảnh: Lao Động

Chánh Tín, Thương Tín đều chiêu đãi người xem bằng vẻ phức tạp, khó đoán và bí ẩn, thứ bây giờ cứ như không đội trời chung các nam diễn viên trẻ hay sao ấy. Các nam diễn viên đóng phim ly kỳ hình sự của ta bây giờ, mặt phẳng lặng không có sợi lông nào mọc thừa trên mép, máy quay focus hơi quá sâu vào những hàm răng trắng đều. Nó làm người xem không cảm nhận được sự đăm chiêu của các chiến sĩ công an trẻ đẹp – như trong “Chạm tay vào nỗi nhớ“, phim truyền hình đang phát trên VTV3.

Các chiến sĩ công an trẻ đẹp trong “Chạm tay vào nỗi nhớ”. Ảnh: Hà Nội Mới

Thế nên người hâm mộ vẫn xúc động quyên được 600 triệu đồng cho người đóng vai trung tá Luân, vì trung tá Nguyễn Thành Luân vẫn mãi là hiện thân một vẻ đẹp kết hợp hai ông Thiện-Ác, hộ vệ tinh thần người Việt suốt những năm tháng bao cấp khổ sở. Những ông tướng canh đền.

Và hình như có một nguyên nhân lý giải cho việc những hình tượng trung tá Luân, Sáu Tâm (vai của Thương Tín trong “Biệt động Sài Gòn”) đạt tới mức được hâm mộ bền bỉ thế, là ở vào cái tuổi trên dưới 30, các nghệ sĩ đã trải qua những biến cố lịch sử, họ đã lớn lên ở chế độ cũ, rồi lăn lộn vào đời sống trong giai đoạn không nói thì ai cũng biết, nhưng là giai đoạn người Việt cực kỳ mẫn cảm với chính trị, với các vấn đề lịch sử. Người Việt được tôi luyện qua mấy chục năm cọ xát thực tế chiến tranh nên ai cũng giỏi khoa “lý luận chính trị vỉa hè”, dễ hiểu là các chiến sĩ tình báo với bộ đội đa tình quyến rũ thế nào. Tất nhiên mấy bộ phim cũng hơi bị sơ lược và nhiều cái buồn cười khi xem lại, nhưng các nghệ sĩ quả thực cứ tự nhiên mà phát ra những từng trải, những bản năng diễn xuất.

Cuối cùng xin nhắc lại xuất phát điểm của bài: mũi Chánh Tín cao hơn chuẩn bình thường và cằm Thương Tín chẻ, hai thứ không nói thì ai cũng biết là ước mơ của triệu người Việt. Chừng ấy 600 triệu còn là ít!

Chánh Tín, cũng vai Thành Luân, một cảnh khác khác trong phim.

 

Thương Tín trong vai Sáu Tâm, phim “Biệt động Sài Gòn”. Ảnh: Khampha

 

Ý kiến - Thảo luận

20:36 Friday,21.3.2014 Đăng bởi:  Trần Ai
Bài viết khá siêu của Nguyễn Trương Quý đăng tại SOI quả là đắc địa ! Thanks.

...xem tiếp
20:36 Friday,21.3.2014 Đăng bởi:  Trần Ai
Bài viết khá siêu của Nguyễn Trương Quý đăng tại SOI quả là đắc địa ! Thanks.
 
15:43 Friday,21.3.2014 Đăng bởi:  TNXP
@Cờ Hâu : chúng tôi cực lực lên án những còm không có não như này, đóng vai trung tá CS mà nhom nhách thì lên phim khán giả bỏ rạp chứ coi sạo thì coi làm cái gì! Hiểu hông bạn. Dưng mà chúng mình thấy nhiều bẹn cũng mập thù lù đó, ốm nh&aacut
...xem tiếp
15:43 Friday,21.3.2014 Đăng bởi:  TNXP
@Cờ Hâu : chúng tôi cực lực lên án những còm không có não như này, đóng vai trung tá CS mà nhom nhách thì lên phim khán giả bỏ rạp chứ coi sạo thì coi làm cái gì! Hiểu hông bạn. Dưng mà chúng mình thấy nhiều bẹn cũng mập thù lù đó, ốm nhách chỉ có những bẹn ở city chứ về miệt vườn đi mập trắng mông nè, chúng mình đây nè, cứ gọi là múp míp sáng ra ăn khoai rồi ra đồng chơi, trưa ngủ nức mắt rồi chiều ra sông lội + bắt cá tối về đói meo đớp cơm canh khí thế hehe
 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả