|
|
|
|||||||||||||
Bàn luậnDòng sông và đô thị 28. 09. 15 - 7:35 pmPhó Đức Tùng
Trong lịch sử đô thị thế giới, rất nhiều đô thị được hình thành và phát triển bên cạnh những dòng sông. Dòng sông vừa là tiếp cận giao thông, vận tải, vừa là nguồn nước, hay phương tiện giải tỏa nước thải đô thị, hoặc là yếu tố phòng thủ. Về cơ bản, có hai chiến lược chính: quay mặt ra sông hay là quay lưng ra sông. Đô thị thường quay mặt ra sông khi giao thông đường thủy, với bến cảng, bờ nước rất quan trọng. Mặt đô thị hướng ra nước khi đó là mặt tiền, với những công trình quan trọng nhất, đẹp đẽ nhất. Ngược lại, nếu giao thông đường bộ là phương tiện chủ yếu thì đô thị sẽ có xu hướng quay lưng ra sông, sử dụng dòng sông để thoát chất thải, nước thải, như một cái cống lớn. Những dòng sông tương đối nhỏ, sâu, có bờ tương đối ổn định, thủy chế hiền hòa thì sẽ thường được sử dụng vào mục đích giao thông. Khi đó đô thị thường phát triển cả hai bên bờ và thường quay mặt ra sông. Ngược lại, những dòng sông lớn, dữ, phần đệm ven bờ rộng mà nông, bùn lầy, nước lên xuống không ổn định, thì ít được sử dụng trực tiếp cho giao thông, vận tải đô thị. Khi đó, dòng sông không phải là yếu tố kết nối, mà là ranh giới ngoài của đô thị. Đô thị thường chỉ phát triển một bên của dòng sông. Xu hướng chính của đô thị sẽ là quay lưng ra sông. Ngoài ra, đối với một số khu vực, chẳng hạn như đồng bằng Bắc bộ, bờ sông thường có đê cao án ngữ, để bảo vệ bên trong đô thị khỏi lũ lụt. Khi đó, đô thị có thể nói không quay ra, quay vào, mà là gần như không liên quan tới sông. Hệ thống đê điều liên kết với hệ thống mương rạch, tạo thành một hệ thống thủy lợi cho vùng đồng bằng. Dòng sông khi đó thường được nhìn dưới góc độ kỹ thuật thủy lợi, như một con mương tưới tiêu chính. Với góc độ này, thường là con sông sẽ bị mương hóa, cống hóa, nắn thẳng khơi sâu, với những kè cứng, đê cao hai bên. Khi đô thị phát triển, vấn đề giao thông thủy và thủy lợi ít khi giữ được vai trò chủ đạo, và do đó không phải là yếu tố quyết định đối với chiến lược đô thị nữa. Nhưng người ta sẽ coi trọng hơn vấn đề không gian, cảnh quan, gió tự nhiên, sinh thái, vui chơi giải trí v.v. mà nó mang lại. Vì thế, đa số đô thị đều tìm cách quay mặt ra sông. Người ta sẽ biến dải ven sông thành một dải cảnh quan, sinh thái hấp dẫn với những tiện ích công cộng, giao thông thuận lợi, và đô thị sẽ hướng về phía đó. Đối với những khu vực có đê, người ta cũng tìm cách kết nối đô thị với dòng sông, vượt qua mức ngăn cản của con đê. Việc nên làm nhà cao bao nhiêu, mật độ dày hay thưa ở khu vực ven sông không có một đáp án chung, mà phụ thuộc vào điều kiện từng nơi. Quan điểm tổng thể mới nhất, tiên tiến nhất về dòng sông coi sông là một yếu tố sinh thái quan trọng, do có chiều dài lớn từ thượng nguồn tới hạ lưu, và liên kết trực tiếp các vùng sinh thái với nhau qua dòng nước. Vì thế người ta xem chúng như những huyết mạch của một hệ sinh thái, mà còn gọi là hạ tầng sinh thái. Hạ tầng sinh thái này cần được quy hoạch, quản lý liên vùng, thậm chí liên quốc gia, chẳng hạn như vùng sông Mê Kông. Đối với từng khu vực dọc theo hạ tầng này, trong đó có một đô thị, thì chính sách chung là: dành chỗ cho nước, sống chung với lũ, về với tự nhiên v.v. vì người ta nhận thấy chỉ có như vậy mới có thể phát triển bền vững được. Như vậy, vấn đề của đô thị đối với dòng sông không chỉ là quay ra hay quay vào, mà là làm thế nào liên kết các yếu tố sinh thái, nhất là yếu tố nước từ sâu trong lòng đô thị ra sông, và làm thế nào tự nhiên hóa ranh giới giữa dòng sông và phần xây dựng đô thị. Khi một đô thị có con sông chạy qua ở giữa, việc ứng xử với nó có thể là một triết lý chủ đạo. Ta có thể coi nó như một phương tiện, một yếu tố hạ tầng, một công cụ phục vụ cho nhu cầu con người. Nhưng cũng có thể coi nó như cái lõi, cái tâm, cái giá trị lớn nhất, bền vững nhất, đáng tôn vinh nhất của đô thị. Trong tư vấn quy hoạch Hà Nội, HAIDEP có đề xuất nên để khu vực sông Hồng hoàn toàn tự nhiên sinh thái, như một khu bảo tồn thiên nhiên giữa trung tâm đô thị, như một dạng “central park”. Việc đó nhằm nhấn mạnh rằng, mọi công trình, tính toán của con người đều nhất thời, có thể đến rồi đi, có thể xây rồi đập, nhưng con sông, thiên nhiên mới là giá trị vĩnh hằng mà không một nhiệm kỳ chính trị nào, không một thể chế nhất thời nào có thể được phép xâm hại, xử dụng nó cho mục đích thấp kém nhất thời của mình. Rất tiếc những tầm nhìn như vậy không cùng sóng với quan điểm chính trị của chúng ta. * Bài đã đăng ở tạp chi “Người Đô Thị”
Ý kiến - Thảo luận
22:09
Tuesday,29.9.2015
Đăng bởi:
Người Hà lội kổ
22:09
Tuesday,29.9.2015
Đăng bởi:
Người Hà lội kổ
Hà Nội (dòng sông ở trong, hay giữa cũng được mừ) có nên đổi tên?
Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
...xem tiếp