Bàn luận

Chú thích của mấy người làm tui thấy mình thiệt là ngu 07. 08. 10 - 7:07 am

Gail Gregg - Ngọc Trà dịch

Bức 15 tháng Tư năm 1962 của Frank Lobdell ở Bảo tàng Oakland thuộc California gần đây đã được làm mới lại chú thích.

 

Trước tình trạng khách tham quan cảm thấy chán, ngợp và  hoang mang, các bảo tàng đang sử dụng các nhóm nghiên cứu, bảng comment, thậm chí là thuê hẳn các chuyên viên thẩm định để viết lại chú thích trong các phòng trưng bày.

*

Mới cách đây không lâu, vị khách nào tò mò về bức tranh mang tựa đề 15 tháng Tư năm 1962 của Frank Lobdell, tại bảo tàng Oakland California, sẽ đọc thấy phần chú thích dán cạnh có những dòng miêu tả sau: “Một hình dạng bị bó chặt đang vùng vẫy đánh vật với những giới hạn của tấm canvas. Sơn dày, màu nóng, các đường cọ cứng, và một bề mặt lồi lõm tôn thêm cảm giác khó chịu. Chúng diễn tả quan điểm của tác giả về thân phận con người trong cuộc đấu tranh tìm ý nghĩa và danh dự.”

Nhưng trong suốt bốn năm, kể từ khi dòng text đó được viết ra, các curator ở Bảo tàng Oakland và rất nhiều cơ sở nghệ thuật khác đã phải khởi xướng một cuộc cách mạng thầm lặng về cách tiếp cận và truyền tải tới khách về những báu vật họ đang nâng niu. Những cơ sở này đang làm việc cật lực để tránh xa cái  mà Graham W. J. Beal, giám đốc Học viện Nghệ thuật Detroit gọi là “những lời quyền uy tuyệt đối như thánh phán”. Mục tiêu của họ bây giờ là cung cấp thông tin và ngữ cảnh của tác phẩm – rồi khuyến khích người xem phản hồi theo cách của riêng mình.

Nhãn chú thích cạnh tác phẩm của Lobdell là một trong số rất nhiều chú thích được “tái phù phép” trong lần mở cửa trở lại của Bảo tàng Oakland. Giờ đây nó ghi: “Những nỗi kinh hoàng khi trải nghiệm mặt đối mặt với thế chiến thứ Hai của Lobdell đã ảnh hưởng đến ông sâu sắc. Với những đường xoắn vặn gồ ghề, màu sắc dữ dội, bề mặt sần sùi, Lobdell dườn như đang thể hiện sự đấu tranh của nhân loại, với những nét vẽ thô tháp hóa thân những chiếc răng nghiến lại trong một cái hàm không đầu.”

Đã xa rồi thứ ngôn ngữ nghiêm trang về hội họa và những lời đao to diễn tả mục đích của Lobdell khi vẽ. Thay vào đó, chú thích mới đặt tác phẩm vào giữa bối cảnh thời Lobdell sống và những trải nghiệm của chính ông. Ngay cả từ “dường như” trong câu cuối cũng gợi ý rằng chúng ta có thể diễn giải bức tranh theo nhiều cách khác.

Ngày nay, các bảo tàng nghệ thuật đang trở thành điểm đến cho các khán giả đa dạng hơn về xã hội và văn hóa, và vị thế họ đang phải miệt mài làm việc để không chỉ thu hút khách tham quan mà còn phải thu hút cho được sự chú ý của khách một khi khách đã vào bên trong. Các bảo tàng, gallery đã “ngộ” ra rằng, những vị khách nào có cảm giác chán, ngợp, hoang mang, hay thậm chí thấy mình là ngu ngốc chắc chắn sẽ không bao giờ quay lại. “Diễn giải phải là vấn đề ưu tiên hàng đầu,” Sara Bodinson, phụ trách về diễn giải và nghiên cứu ở Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại New York, nói.

Sử dụng cả nhân viên của bảo tàng lẫn các chuyên gia thuê từ bên ngoài, các bảo tàng này  thực hiện các khảo sát nhóm, đồng thời quan sát  khách đi lại trong bảo tàng. Họ tính thời gian khách xem tranh dừng lại trước một tác phẩm, thời gian khách dành để đọc các chú thích, và để ý xem liệu khách có ngoái lại nhìn tác phẩm sau khi đã đọc chú thích về nó hay không.

Từ đó họ biết khách có thể “chịu đựng” tối đa bao nhiêu từ trong một chú thích riêng lẻ (khoảng 50 từ), số lượng chú thích cho cả phòng (không quá 150), và các dòng text giới thiệu đại cương (tối đa là 300). Họ cũng biết thông thường hầu hết khách tham quan dành 10 giây để đứng trước một tác phẩm – 7 giây để đọc chú thích, 3 giây để quan sát tác phẩm. Họ cũng biết rằng thông thường sau 45 phút thì khách bắt đầu mệt, và rằng các câu hỏi và phân vân trong đầu khách thường là những thứ cơ bản nhất, ví dụ như:

– Mình chẳng biết phải bắt đầu từ đâu

– Mình chẳng biết phải xem cái gì trước

– Mình xem cái này thế đã đủ lâu chưa nhỉ?

– Cái này nghĩa là gì đây?

– Mấy cái chú thích này làm mình thấy mình ngu quá.

– Nghệ sĩ đã làm ra tác phẩm này như thế nào nhỉ?

– Sao bảo tàng lại trưng bày cái này?

– Cái này có đúng là nghệ thuật không?

Ngày nay không thể cứ thế mà đoán mò người ta hiểu thế nào đâu,” Geri Thomas, sáng lập công ty tư vấn và cung cấp nhân lực nghệ thuật Thomas & Cộng sự nói.

Mùa hè – FLobdell

Năm 2000, Viện Nghệ thuật Detroit quyết tâm xem xét lại những quan niệm của mình về khách tham quan – kết quả là họ đã mang lại cho bảo tàng cả một sự lột xác.

Các vị quản lí, giảng  viên, thành viên cộng đồng, cho đến nhân viên bảo vệ, và các chuyên gia marketing cũng được bổ nhiệm về các nhóm đa ngành để tính xem có những cách nào để giúp các gallery trở nên dễ hiểu và thân thiện hơn với khách tham quan. Ngoài ra còn thuê các nhà tư vấn viên để giúp hoạch định chiến lược và làm công tác nghiên cứu.

Các bảo tàng thậm chí còn muốn đưa giọng nói của nghệ sĩ vào trải nghiệm thị giác. “Một trong những điều mà khách thường nói với chúng tôi là họ muốn có cảm giác được kết nối với nghệ sĩ,” Nancy J. Blomberg, quản lí khu nghệ thuật bản địa tại Bảo tàng Nghệ thuật Denver cho biết. Blomberg chẳng hạn, đang thuê chuyên gia bậc thầy Heather Nielsen sắp xếp lại bộ sưu tập của mình, tập trung nhiều hơn vào người nghệ sĩ phía sau tác phẩm. Một phiên bản lớn trên màn hình cảm ứng của một vài bức tranh sẽ cho phép khán giả zoom vào một số phần nhất định và nghe chính nghệ sĩ nói về chúng.

Ngay tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, vốn được xem là khá bảo thủ, giám đốc Thomas Campbell cũng nhấn mạnh là “với một cơ sở như chúng ta, điều tối quan trọng là phải nhạy cảm hơn với nhu cầu của các khách tham quan ngày càng đa dạng một khi họ đã bước vào đây.”

Ông và đồng nghiệp đang tiến hành một nghiên cứu nhu cầu khách tham quan,  từ banner cho đến bản đồ cho đến biển chỉ dẫn đưa khách đi vòng quanh bảo tàng. “Chúng tôi cũng phải tính đến việc thay đổi quan niệm  trong việc chúng ta cung cấp thông tin có tính giáo dục cho khách tham quan,” Campbell nói. “Chúng ta muốn thu hút sự chú ý của người xem. Ngay cả một giai thoại nhỏ đưa vào cũng có thể tạo nên sự khác biệt.”

Mặc dù khách tham quan thường xuyên phàn nàn là tác phẩm làm họ rối trí, rằng họ không biết nhìn vào đâu – thậm chí là vì sao phải nhìn, nhưng các bảo tàng mỹ thuật đương đại nói chung vẫn tụt hậu trong việc áp dụng những cách thức chú giải mới. “Khách mà không quen với nghệ thuật đương đại sẽ có cảm giác như mình bị lừa,” giám đốc giáo dục của Bảo tàng Whitney, Kathryn Potts, thừa nhận. “Việc của chúng tôi là phải cân bằng cho được giữa những ước muốn của người nghệ sĩ với trách nhiệm của bảo tàng là khiến tác phẩm dễ tiếp cận công chúng hơn.” Sự cân bằng đó “không dễ gì đạt được.” Ví dụ trong triển lãm tổng kết sự nghiệp gần đây của Roni Horn, căn phòng để nghệ sĩ sắp đặt vẫn được dành riêng ra như ý muốn. Nhưng các chú thích phải túm tụm đặt  hết ở ngoài cửa ra vào thay vì cạnh từng tác phẩm. Ngoài ra có sẵn một bảng giới thiệu trên tường, video phỏng vấn nghệ sĩ và cả một brochure để mang về nhà.

Sắp đặt của Roni Horn

Đối lập với xu hướng diễn giải “thân thiện với khách tham quan” nói chung là Bảo tàng Menil của Houston, họ không có ban giáo dục cũng không có hướng dẫn viên. Những người sáng lập ra nó, John và Dominique de Menil tin rằng mỗi tác phẩm nghệ thuật tự thân nó có đời sống tinh thần của nó. “Có lẽ chỉ có sự im lặng và tình yêu là phản hồi xứng đáng dành cho một tác phẩm nghệ thuật vĩ đại,” Dominique từng nói. Bảo tàng này trân trọng triết lí sáng lập của mình: chú thích tối thiếu và các tác phẩm được treo khá thấp để chúng có thể “trò chuyện với người xem một cách trực tiếp”. “Và chúng tôi cũng cố hết sức để treo tác phẩm thật là thưa, sao cho người xem có thể có một trải nghiệm ‘mặt đối mặt’ với một tác phẩm nghệ thuật.”

Tại bảo tàng nghệ thuật Chicago, các curator sử dụng cả nhân viện an ninh, người thuyết minh và các nhân viên làm dịch vụ chăm sóc khách tham quan để giúp diễn giải đến người xem những tác phẩm khó hiểu, thí dụ sắp đặt Không Đề rộng gần 75m2 của Robert Gober (1989 – 1996). Thêm vào đó, mỗi tác phẩm trưng bày đều có các chú thích mới dài tối đa 150 chữ. “Chúng tôi cố gắng để đưa càng nhiều thông tin cụ thể về tác phẩm càng tốt. Và chúng tôi cũng cố đem giọng nói của nghệ sĩ vào càng nhiều càng tốt,” Lisa Dorin, trợ lí quản lí của khu nghệ thuật đương đại cho biết.

Không đề – Sắp đặt của Robert Gober

Một số nơi lại giải quyết vấn đề hóc búa “tôi chẳng bao giờ hiểu nổi cái này” trước nghệ thuật đương đại bằng cách dẫn lời tác giả, hoặc trích dẫn suy nghĩ của một người xem nào đó về tác phẩm. Ví dụ ở Oakland, nhà thơ Jaime Cortez được thuê để viết “cảm nhận cá nhân” cho các tác phẩm trưng bày; điều này không chỉ chuyển tải trải nghiệm của nhà thơ khi ngắm tác phẩm mà còn gợi ý một hướng cảm nhận tác phẩm.

“Đây là một tác phẩm nặng nhọc,” Cortez viết về bức phù điêu bằng dây đồng cuốn của Ruth Asawa có tên Không đề (1959). “Tác phẩm định ra một không gian bên trong nhưng lại không quây không gian ấy lại. Biến chính cái bóng của mình thành nghệ thuật, nó cho bạn thấy rất nhiều khuôn mặt khi  đi vòng quanh nó. Nó đưa nghệ thuật đan kim móc tinh tế vào và biến nghệ thuật ấy thành sức mạnh. Hơn tất cả, nó sử dụng một sợi đồng đơn giản để vẽ ra cả một con đường chông gai của sự biến đổi.”

Tác phẩm của Asawa

Nhưng để các bảo tàng đã có thâm niên hàng nhiều thế kỉ chuyển sang chiến lược diễn giải mới cần thời gian, tiền bạc, không gian trưng bày quý giá, sự ủng hộ của cả hệ thống và chỉ đạo nghiêm túc từ cấp trên. “Một sự thay đổi toàn bộ như thế này – đặt khách tham quan làm trọng tâm – là một sự thay đổi về thái độ,” Kelly McKinley của Bảo tàng Nghệ thuật Ontario ở Toronto, nói.

Cuộc cách mạng chú thích treo tường cũng có nhiều kẻ gièm pha. Một số người lo ngại rằng học thuật sẽ bị ảnh hưởng và những dòng text sẽ bị “làm cho ngu đi” để thỏa mãn đại bộ phận công chúng.

Trong một cuộc tổng kết triển lãm năm 2009, nhà phê bình của tờ New York Times Ken Johnson chê bai những chú giải của bảo tàng Newark là khó chịu và như “những lời bình của giáo viên”. Những khách tham quan trình độ cao, vốn chỉ thích các bảo tàng địa phương giữ nguyên trạng, phàn nàn rằng các bảo vật quý giá đã phải gửi vào kho để lấy chỗ cho các biển chú thích phóng to và để các buổi triển lãm có tính tương tác cao hơn. Một số người khác lại chỉ thích sự yên tĩnh tuyệt đối trong các gallery – một sự yên tĩnh đang dần bị thay thế bởi các cuộc trò chuyện và những hoạt động khác nhau.

Nhưng phần lớn người xem thì nói với các bảo tàng là họ không thể thông cảm nổi  với hàng dãy hàng lang vô tận những tác phẩm có vẻ như sinh ra đã đi kèm chú thích. Họ muốn được chạm vào nghệ thuật kìa, được có những buổi đối thoại trong gallery, được ghé mắt vào vào cách thức hoạt động bên trong của một bảo tàng, được nói chuyện với các nghệ sĩ và thách thức các curator.

Và các bảo tàng đang lắng tai nghe. Và khách tham quan, khi đưa mắt đọc những mẩu chú thích nhỏ xinh, xem những màn hình cảm ứng mới, các tư liệu video và các hoạt động khác là đang được mời mọc bước vào cái mà nhà tư vấn bảo tàng Douglas Worts gọi là “một hình thức liên kết mới, đánh thức nàng thơ trong mỗi chúng ta”.

*

Gail Gregg là một nghệ sĩ và nhà văn làm việc tại New York

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Lại cái trò dí súng vào đầu trẻ con

Pha Lê - hí họa của Nick Galifianakis

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả