Nghệ sĩ Việt Nam

Tin vui: Đinh Ý Nhi tái xuất 01. 09. 10 - 1:08 pm

Security 13 (Tranh trong bài này đã từng triển lãm. Triển lãm lần này Soi chưa có ảnh)

 

Một triển lãm tranh sơn dầu của nữ họa sĩ Đinh Ý Nhi sẽ diễn ra tại Viet Art, nhưng chỉ vỏn vẹn có 3 ngày, với tên gọi:

NHỮNG NIỀM VÔ HẠN BỎ QUÊN

Từ 18h ngày 3 tháng 9 năm 2010
Đến hết ngày 5 tháng 9 năm 2010
Tại Vietart Center, 42 Yết Kiêu, Hà Nội

Tên triển lãm có lẽ là từ câu thơ của Bùi Giáng, “Những niềm vô hạn bỏ quên/Những lời không nói gió lên sai giòng“.

Nhân đây tìm lại các bài về họa sĩ, thấy bài viết rất hay của Thu Hà (Tuổi Trẻ) từ năm 2006. Có cả một bài nhỏ của nhà thơ Ý Nhi (mẹ chồng của Đinh Ý Nhi) viết về con dâu. Xin được đăng lại ở đây để “hâm nóng lại bầu không khí” trước khi đi xem triển lãm.

Chúc mừng họa sĩ.

ĐINH Ý NHI: VẼ – NHƯ LÀ MỘT CÁCH SỐNG
(Thu Hà thực hiện)


TT – Cô nổi tiếng trong giới hội họa từ rất sớm. Đến nay tranh cô vẫn đắt hàng dù cao giá. Cô lý giải hiện tượng này như thế nào?

Một nữ họa sĩ nổi tiếng – nổi tiếng sớm và bền bỉ nhất trong thế hệ mình (sinh năm 1967) – trong một gia đình gồm nhiều người nổi tiếng: cha (GS – họa sĩ Đinh Trọng Khang), em trai (nhà điêu khắc Đinh Gia Lê), cha mẹ chồng (GS Nguyễn Lộc và nhà thơ Ý Nhi); một vẻ đẹp giản dị và nghịch ngợm, không thể lẫn với bất cứ ai; một gia đình tràn đầy hạnh phúc và tình yêu – thứ tình yêu không phải để trang trí.
Đinh Ý Nhi là người có tất cả, vậy mà… tranh của Đinh Ý Nhi là cả một khối khắc khoải, day dứt được đan dệt bằng những màu sắc hoặc chói gắt hoặc lạnh lẽo.

 

Bắt đầu bằng một chuyện không… nghệ thuật tí nào cả: sao chị luôn giữ giá bán tranh ở mức cao thế, 15 năm nay không giảm? Có người nói Đinh Ý Nhi cố treo giá tranh cao để thể hiện đẳng cấp, vì đã quá đủ tiền?

Nói thế nào bây giờ nhỉ: bạn có nhìn thấy tranh của Đinh Ý Nhi bày nhiều ở các gallery không? Không có. Tôi không vẽ được nhiều. Một năm cũng chỉ hơn chục bức, dù ngày nào cũng ngồi vào giá vẽ và làm việc cực kỳ nghiêm túc như một công nhân hay một nhân viên văn phòng. Tôi vẽ không quá nặng nhọc, vì nó là đam mê, cũng không phải tôi quá bế tắc, vì tôi vẫn tìm được “đường ra” cho các ý tưởng của mình. Nhưng tranh của tôi không phải chỉ có “một nước”, nó không phải là quét màu lên toan để thể hiện một ý tưởng nào đó định sẵn trong đầu. Đường nét và màu sắc đến trong khi tôi vẽ, và những lúc như vậy thì phải đuổi theo nó, có khi đuổi mãi mới nhận ra mình sai đường, lại phải đi lại đường khác. Tôi phải vẽ đi vẽ lại nhiều lần, tranh của tôi vì thế cũng “gập ghềnh” hơn. Và cũng có thể do đó nó đạt được một chiều sâu nào đó.

Tôi không thể chịu được có những họa sĩ thời thượng phác thảo ra các ý tưởng rồi thuê các họa sĩ già (có nghề và không nổi tiếng) thực hiện hoàn chỉnh, ký tên và… bán. Tôi đã lao động nghiêm túc hơn họ, tôi có quyền để giá tranh tương xứng với lao động và cả tài năng (nếu có thể coi là có) của tôi. Còn cái gọi là đẳng cấp? Với người ngoại đạo, các giá trị trong hội họa có thể bị đảo lộn nhất thời do nhiều tác động khác nhau, mà chủ yếu là do sự ngộ nhận từ các phương tiện truyền thông, nhưng người trong nghề luôn luôn biết ai đã làm được những gì và đang đứng ở đâu.

Security

 

Một cuộc sống quá đầy đủ và hạnh phúc có phải là trở ngại cho những nghệ sĩ được coi là tiên phong như chị? Những ám ảnh mà người xem thấy trong tranh của chị là nhu cầu nội tại của người nghệ sĩ hay là một hình thức “xử lý thông tin” của Đinh Ý Nhi?

Tôi nghĩ cuộc sống của tôi không thể coi là quá đầy đủ hay trọn vẹn, nhưng tôi biết cách bằng lòng và hưởng thụ khoảnh khắc đang sống. Các họa sĩ khác có thể đi xe hơi, tôi thì đi xe Chaly đạp mãi không nổ, nhưng tôi bé tí thế này có xe to cũng chả đi được. Trời đẹp thế này đi xe máy chở con ngoài đường sướng hơn chứ. Nếu có ai xếp tôi vào đội ngũ tiên phong thì tôi cảm ơn, nhưng tiên phong mấy thì cũng bắt đầu từ cái mình đang nhìn thấy thôi. Những gì mọi người nhìn thấy trong tranh của tôi thì chính xác không phải là cuộc sống của tôi, mà là cuộc sống như tôi nhìn thấy và cảm nhận.

Người họa sĩ, dù cho với tinh thần công dân nhất, không thể vẽ về tham nhũng, về bão lụt hay về cải cách hành chính mà đem lại hiệu quả xã hội như báo chí, truyền hình hay văn học. Điều tôi quan tâm là thân phận con người cụ thể trong dòng chảy ấy, là sự đảo lộn của những giá trị thẩm mỹ, sự ngộ nhận về cái đẹp, từ choáng ngợp và tự ti trước làn sóng phương Tây đến mốt “về nguồn” theo kiểu làm sang… Vẽ như thế thì tranh tôi không thể “đèm đẹp” được. Nó chẳng có giá trị trang trí, không ai đi mua tranh về treo hay tặng tân gia mà lại chọn tranh Đinh Ý Nhi.

Thú thật là từ khi tôi bắt đầu cầm bút vẽ đến giờ, chưa có một người Việt Nam nào mua tranh của tôi cả, toàn là người nước ngoài. Chính xác thì có duy nhất một người, đó là họa sĩ Lê Thiết Cương, anh ấy nói là sẽ sưu tập tranh của tôi, hiện đã mua bốn bức, toàn ra gallery mua chứ không đến nhà gặp tôi bao giờ. Còn bình thường thì… nhà thơ Giáng Vân là bạn thân của tôi, chị em quí nhau lắm tôi mới dám tặng (biết tranh mình khó treo mà), vậy mà bà chị cũng cứ ngập ngừng vòng quanh: “Thôi để khi nào chị có nhà riêng thì chị đem về treo”.

.

 

Bạn bè và cả nhà chị vẫn thường kể những giai thoại về Nhi đã đi vòng gần khắp thế giới để thực hiện gần 30 triển lãm rồi mà điện thoại di động vẫn không biết dùng, chồng là chuyên gia công nghệ thông tin nhưng nếu đi vắng thì vợ ở nhà phải nhờ con bật máy tính. Chị không sợ mình lạc hậu với thời cuộc à?

Ai thì cũng có sở thích riêng, đam mê riêng và sở trường riêng. Trong nhà đã có một chuyên gia công nghệ rồi thì tôi biết thêm những thứ ấy để làm gì. Người nghệ sĩ tiếp nhận thông tin tốt nhất là quan tâm xem mọi người quanh mình sống ra sao, quan tâm thật sự chứ không phải quan sát từ trên xuống, và kênh thông tin quan trọng nữa là xem đồng nghiệp đang sáng tạo thế nào, xem họ và nghe họ với sự chú tâm, học hỏi và cả sự phản biện nữa. Nếu mình vẫn còn thấy muốn cầm bút vẽ, và vẽ vẫn “ra” được cái mình định vẽ thì cũng không sợ lạc hậu lắm đâu.

*

Và đây là bài viết của nhà thơ Ý Nhi về cô con dâu cùng tên:

.


ĐINH Ý NHI NHƯ TÔI BIẾT

Tôi biết Đinh Ý Nhi từ khi Nhi còn là một cô bé lên 5, lên 6. Họa sĩ Đinh Trọng Khang đưa Nhi đến và bảo: “Cháu cùng tên với cô đấy”. Còn cuộc gặp giữa Phong, con trai cả của tôi, và Đinh Ý Nhi thì mãi lâu sau này, hình như là vào năm 1993, tại Hà Nội.

Đám cưới của Phong – Nhi tổ chức ở Đà Nẵng, chỉ mời khoảng 40 người khách thân thiết nhất. Thiệp cưới do hai người tự thiết kế. Bữa cưới, cô dâu mặc một bộ váy áo trắng đơn giản, mặt không trang điểm. Đinh Ý Nhi không bao giờ trang điểm.

Tôi thường nói đùa hạnh phúc lớn nhất của Đinh Ý Nhi là khi Cẩm Sa, Bích La ăn hết bát cơm, uống hết phần sữa của chúng. Không ít lần tôi nghe Nhi nói với chồng, giọng hân hoan: “Con ăn hết nhẵn rồi anh ạ” hoặc lo âu: “Vẫn còn mấy thìa nữa”…

Có vẻ như Nhi chẳng rời mắt khỏi lũ trẻ, các “mệnh lệnh” luôn được vang lên, kiểu như: Cẩm Sa ngồi thẳng lưng lên, Bích La rửa tay đi, hai đứa ngồi xa tivi ra…

Hình như Đinh Ý Nhi chỉ có hai cách thư giãn là dạo tiệm sách và sang Tân Hiệp mua vải mảnh. Thỉnh thoảng Nhi gửi cho tôi những tấm vải màu đen – trắng hoặc đỏ – đen. Nhi vừa gửi cho tôi mấy tập sách của Haruki Murakami. Nhi bảo: “Bà cần sách gì để con mua cho. Con mua ở vỉa hè giảm được 30% đấy”. Nhi đọc nhiều. Vì vậy thỉnh thoảng mẹ con lại nói chuyện về một ai đó. Có lần Nhi bảo anh Hoàng Phượng Vỹ (họa sĩ) thuộc thơ bà nhiều lắm. Con thì chẳng nhớ gì.

Tôi không biết Nhi vẽ vào lúc nào. Tôi thật sự ngạc nhiên trước những bức tranh của Nhi, chúng hấp dẫn tôi bởi một tình cảm vừa mãnh liệt vừa đau đớn.

 

Nhà thơ Ý NHI

 

*

Bài liên quan:

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

 

 

 

Ý kiến - Thảo luận

19:20 Saturday,4.9.2010 Đăng bởi:  MINH HIEN
Hôm qua xem triển lãm của chị có một người nói, "tranh này vẽ cũng hay nhưng mà hơi quá về cái ấy"... thật không hiểu nổi sao lại có thể nói như thế được. Thú thực là sinh viên mỹ thuật mà tôi chưa xem tranh của chị bao giờ. Hôm qua lần đầu tiên được trực tiếp đứng trước những tác phẩm của chị đúng như mẹ chồng chị đã nói, "chúng hấp dẫn tôi bởi một
...xem tiếp
19:20 Saturday,4.9.2010 Đăng bởi:  MINH HIEN
Hôm qua xem triển lãm của chị có một người nói, "tranh này vẽ cũng hay nhưng mà hơi quá về cái ấy"... thật không hiểu nổi sao lại có thể nói như thế được. Thú thực là sinh viên mỹ thuật mà tôi chưa xem tranh của chị bao giờ. Hôm qua lần đầu tiên được trực tiếp đứng trước những tác phẩm của chị đúng như mẹ chồng chị đã nói, "chúng hấp dẫn tôi bởi một thứ tình cảm vừa mãnh liệt, vừa đau đớn." 
9:53 Saturday,4.9.2010 Đăng bởi:  Duong Zoi
Xem tranh chị Nhi lần này thấy không cảm xúc như lần ở Art Vietnam, dù có vẻ nuột hơn. :-(
...xem tiếp
9:53 Saturday,4.9.2010 Đăng bởi:  Duong Zoi
Xem tranh chị Nhi lần này thấy không cảm xúc như lần ở Art Vietnam, dù có vẻ nuột hơn. :-( 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả