Nghệ sĩ Việt Nam

Nguyễn Văn Nhân hay Nguyễn Khắc Nhân? 12. 04. 14 - 5:34 am

Từ Thư

Sau khi xem các phản biện trên các báo về bộ tranh triều phục trong sách Đại Lễ Phục Triều Nguyễn của tác giả Trần Đình Sơn, nhiều người đưa ý kiến thắc mắc về xuất xứ của bộ tranh này, dù ông Trần Đình Sơn đã khẳng định rằng bộ sưu tập do họa sĩ Nguyễn Văn Nhân vẽ.

Thậm chí còn có người cho là bộ tranh do người Trung Quốc vẽ. Vì trên một cái tranh truyền thần của cụ Đặng Huy Trứ, được ông Trần Đình Sơn đưa ra làm minh chứng trong một bài báo, có vẽ cùng loại cột thủy (các vạch nhiều mầu) dưới gấu áo như thấy ở các tranh trong quyển sách này. Mà bức tranh đó do họa sĩ bên Thanh triều, Trung Quốc, vẽ năm Đồng Trị thứ 4 (1859).

Tranh truyền thần của cụ Đặng Huy Trứ do họa sỹ Thanh triều, Trung Quốc, vẽ năm Đồng Trị thứ 4, với hoa văn trên mũ, áo hoàn toàn sai lạc.

Mới đây Linh mục An tôn Nguyễn Trường Thăng có nhắc đến một họa sĩ cung đình triều Nguyễn tên là Nguyễn Khắc Nhân trong một bài viết của Linh mục. Thật may khi tìm trên mạng Internet thì thấy một bức tranh truyền thần của cụ Hiệp biện Đại học sĩ Hoàng Hữu Xứng do họa sĩ Nguyễn Khắc Nhân vẽ dựa theo ký ức. Bức tranh truyền thần này có nhiều chi tiết trùng hợp lạ lùng với những bức tranh đẹp nhất của bộ sưu tập tranh triều phục in trong quyển sách. Từ các sọc nhiều mầu trên tay áo, gấu áo; cho đến cách vẽ cái mặt rồng trước ngực áo, thân rồng trên áo, cánh phượng ở tay áo, v.v, trong 4 tranh vẽ quan nhất phẩm ở các trang 103 và 105 đều giống với các chi tiết này trong tranh truyền thần của cụ Hoàng Hữu Xứng.

.

Chi tiết trùng hợp quan trọng nhất và là dấu ấn rõ nhất của cụ Nguyễn Khắc Nhân là 4 cái trâm cắm trên 2 cái kèo trên mặt trước cái mão của cụ Hoàng Hữu Xứng. Chi tiết này cũng hiện diện trên mão của 4 tranh quan nhất phẩm nêu trên. Bốn cái trâm này do cụ Nguyễn Khắc Nhân tưởng tượng ra chứ trên mão thật không có. Cũng có thể cụ Nguyễn Khắc Nhân vẽ như vậy vì nhớ lầm, vì cụ vẽ theo ký ức. Cụ Hoàng Hữu Xứng được cai quản viện Đô sát năm 1886, và ở cương vị này cụ được đội mão ngự sử có 2 cái nanh giải trãi phía trên cái kèo trước mão. Có thể cụ Nhân nhớ lầm thành 4 cái nanh?

Mão giải trãi của các quan ngự sử (BAVH)

 

Mão ngự sử

Linh mục Antôn Nguyễn Trường Thăng miêu tả họa sĩ Nguyễn Khắc Nhân như sau:

…Chỉ còn một vấn đề : Nguyễn Văn Nhân là ai? Rất ít thông tin, chỉ biết khi sáng tác những họa phẩm nầy ông là họa sĩ triều đình với chức vụ Hàn Lâm Biên Tu. Cho đến hôm nay, chưa thấy tác giả nào cho thêm thông tin về nhân vật trên”. Và Linh mục khẳng định tác giả của bộ sưu tập tranh trong quyển sách là họa sĩ Nguyễn Khắc Nhân.

Bởi Linh mục Thăng đã gặp được bà Phi Phong, cháu nội cụ Nguyễn Khắc Nhân, hiện đang sống ở Huế. Thân phụ của bà, họa sĩ Nguyễn Phi Hùng, con trai cụ Nguyễn Khắc Nhân, cũng là họa sĩ. Ông Phi Hùng cũng vẽ nhiều tranh minh họa về triều đình Huế cho tập san Đô Thành Hiếu Cổ Tập San (Bulletin des Amis du vieux Huế) ở những năm của thập kỉ 1930.

Theo bà Phi Phong; và theo giòng tộc họ Hoàng, con cháu cụ Hoàng Hữu Xứng, ở làng Bích Khê, Quảng Trị, thì cụ Nguyễn Khắc Nhân là người gốc Nam Định, được triệu vào vẽ trong triều đình ở Huế. Ở đó cụ trở thành cận thần và họa sĩ riêng của vua Thành Thái. Cụ Nguyễn Khắc Nhân mất vào năm 1914. Theo bà Phi Phong thì mộ cụ chôn trên một động cát ở Quảng Trị. Quảng Trị sau đó là bãi chiến trường, cho nên dù khi hòa bình đã được lập lại, gia đình cho đến hôm nay vẫn chưa tìm được mộ.

 

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả