Gẫm & Bình

Tôi thấy gì trong ảnh Maika? 14. 09. 10 - 7:11 pm

PHOTO-SHOP

6h sáng, thắp hương trong nhà Tây cũ – Ảnh Maika

Quả thực Hà Nội là nguồn cảm hứng gần như vô tận cho những ai muốn bắt tay vào chụp ảnh. Mặc dù bình dị và hơi nhem nhuốc nhưng quả thực đó là một đề tài khó nắm bắt. Nó khá đỏng đảnh với những ai vội vồ lấy nó. Có lẽ, những người muốn chụp Hà Nội cần một chút lắng sâu và giản dị. Maika đã tìm được ngôn ngữ đó qua chùm ảnh của cô.

Trong lời giới thiệu về nhiếp ảnh gia nổi tiếng thế giới Henri Cartier Bresson của tờ Washington Post nhân tưởng nhớ đến ngày ông qua đời có cho rằng: trong những thành tựu của thế kỉ 20, việc phát minh ra chiếc máy ảnh cầm tay là một phát minh tầm cỡ. Nó thay đổi diện mạo của truyền thông, khiến người ta dễ dàng nắm bắt được từng khoảnh khắc, và các nhiếp ảnh gia cũng thật dễ dàng điều chỉnh quan điểm của mình thông qua cái máy ảnh nhỏ.

Chủ nhật bên bờ sông – Ảnh Henri Cartier Bresson

Thế nhưng, với thời nay, việc có trong tay một máy ảnh quá dễ dàng, gần như ai, trong một thoáng nào đấy cũng có thể trở thành một nhà nhiếp ảnh. Hàng triệu triệu người chụp ảnh, hàng triệu triệu người đang ghi lại từng thời khắc của cuộc sống. Tự tìm kiếm, học hỏi và tiêu một đống thời gian, tiền bạc rồi cũng sẽ có thể có một bức ảnh đẹp. Nhưng để có được một bức ảnh mà truyền lại cảm hứng cho người xem thì không nhiều. Có nghĩa là khó ai chê xấu bởi phần lớn những đề tài, rồi bối cảnh và kĩ thuật thực hiện nó đã được khẳng định là đẹp. Nhưng vượt lên trên cái đẹp, một bức ảnh còn cần nhiều thứ hơn cái từ “đẹp” dễ dãi mà người ta vẫn gán cho nó. Và ai đã từng cầm máy ảnh, và ai đã từng mơ mình thành nhiếp ảnh gia mới hiểu được điều khó khăn đó.

Garry Winogrand ( 1928-1984), một nhiếp ảnh gia được cho là có vai trò quan trọng trong nghệ thuật nhiếp ảnh Mỹ từng nói: “Một bức ảnh sự đóng khung của thời gian và không gian. Tôi không có bất kỳ ẩn ý nào trong các bức ảnh. Điều duy nhất làm tôi thích thú trong nhiếp ảnh đó là nhìn ngắm sự vật sẽ hiện ra như thế nào trong các khung hình. Tôi không hề một định ý nào trước mỗi bức ảnh”.

Ảnh của Garry Winogrand

Trong vô số người cầm máy ảnh, cuộc sống cứ trôi đi dưới ống kính của họ nhưng không phải ai cũng đủ cảm nhận để đóng khung cái thời khắc của cuộc sống mà không hề khiên cưỡng. Ở những bức ảnh của Maika về Hà Nội, tôi nhận thấy cô ấy dường như chạm được đến điều này. Tôi thích cái cách bình dị mà cô ấy chụp về Hà Nội. Cái mà biết bao nhiêu người hằng sống với nó mà chả nhận ra nó. Nhờ có những bức ảnh của cô mà người ta nhận thấy một Hà Nội “khác” cái khác ở đây vẫn là Hà Nội đó, nhưng qua ảnh của cô nó trở nên thân thuộc. Và mọi người chợt nhớ ra mình đã ở trong đó với đầy kỷ niệm. Những kỷ niệm không còn cụ thể mà mang tính lan tỏa bởi thông điệp mỹ học toát ra từ không gian, ánh sáng và nhân vật trong từng bức ảnh. Maika đã truyền được tình yêu Hà Nội của cô cho mọi người. Tôi cho thế là thành công.

Tôi đã từng xem nhiều ảnh của Maika trên Facebook và rất thích những đề tài Maika chụp về Hà Nội , trong chủ đề Hà Nội vào buổi sáng sớm đã chọn được khá nhiều ảnh đẹp. Tuy vậy, bức “Ba mẹ con về thăm ông bà ngày Tết” có vẻ hơi loãng, bối cảnh không mang đặc trưng của Tết; những khuôn mặt của ba mẹ con cũng nói được chứ, tiếc là nó lại không thành chủ đề. Đường xéo của vỉa hè nó tạo thành một nhịp lừng khừng, không rõ ràng thành mất đi tính nhịp điệu trong bố cục.

Hai mẹ con về thăm ông bà ngoại, sáng mùng 1 Tết Canh Dần.

Bức “Cụ ông đi lễ chùa sáng sớm”, hơi tiếc: người ta có thể bị cuốn hút vào chân dung đẹp của ông cụ mà quên đi phần cuộc sống đang vận động bằng chính sự tĩnh lặng của Hà Nội vào buổi sáng sớm.

Cụ ông đi lễ chùa sáng sớm.

6h sáng, cụ bà vấn tóc” là một bức đẹp: ở đây, nhịp điệu của cánh tay vấn tóc và những đường chéo rõ ràng của sàn nhà đã tạo nên một bố cục đẹp, góc máy mạnh bạo tăng tính tự nhiên của bức ảnh.

6h sáng, cụ bà vấn tóc

6 giờ sáng giặt giũ trong ngõ nhỏ” cũng là bức đẹp với cách xử lí ánh sáng và lớp không gian.

6h sáng, giặt giũ trong hẻm nhỏ, khi con cháu còn ngủ…

Và hai bức cuối, “ 6h sáng gọi con dậy đi nhà trẻ” và bức “6h, hai vợ chồng ăn sáng trước khi đi làm” là hai bức hoàn thiện về ánh sáng, không gian và thật tình cảm.

Hơn 6h, gọi hai con dậy đi nhà trẻ.


Hơn 6h, hai vợ chồng ăn sáng trước khi đi làm.

Trong trang ảnh này, tôi khá thú vị với ý tưởng đặt vấn đề của chùm ảnh: ảnh được đặt trong cùng một thời điểm về thời gian 6 giờ. Chính cách đặt vấn đề này nó nhấn mạnh và trả lại cho ngôn ngữ ảnh cái ngôn ngữ thế mạnh của nó: tính thời khắc (điểm). Nhờ có tính thời điểm này nó tạo cho người xem ý thức rất nhiều về thời gian đã qua; sự quý báu của nó là tính không thể lặp lại.

Tuy nhiên, để làm được cách này một cách hoàn thiện, người biên tập cần phải làm việc vất vả hơn nữa: bởi cách đặt các bức ảnh này cạnh nhau là cả một vấn đề. Nếu không khéo và hợp lí, nhiều khi nó không tôn giá trị từng bức ảnh mà còn giảm giá trị của nhau. Ví dụ như chùm ảnh lần này, các bạn đặt liên hoàn cạnh nhau quá nhiều ảnh được Maika chụp từ một cách bố cục khuôn hình, cho đến góc ống kính, độ cao của góc ống kính (trừ phi phải đặt vậy theo đúng tiến trình thời gian, từ 6 đến 7h). Vô hình chung nó làm cho người xem có cảm giác đơn điệu, và vô hình chung làm cho người xem nghĩ rằng Maika chỉ có mỗi tư thể đứng thẳng lưng và… choạch.

Để kết thúc bài viết nhỏ về nhiếp ảnh, tôi muốn trích dẫn ra đây câu nói của Hồng y giáo chủ Cardinal de Retz từ thế kỉ 17, “Không có gì trên đời mà không có một thời khắc quyết định”. Câu này được dùng làm đề từ cho cuốn sách ảnh của Henri Cartier Bresson, Giờ phút quyết định, 1952. Và đối với nhiếp ảnh điều đó đã trở thành một tín ngưỡng. Henri Cartier Bresson viết: “Với tôi, nhiếp ảnh là sự nhận ra đồng thời, trong một lát cắt của giây, ý nghĩa của một sự kiện, cũng như sự sắp xếp chính xác về mặt hình thức để diễn tả thích hợp sự kiện ấy.

Maika cũng nhận ra điều ấy, mà lại giữa những thứ đã quá đều đặn của ngày thường, tưởng như không còn thời khắc và không ai để ý làm gì nữa.

*

Bài liên quan:

– Một Hà Nội vào sáng sớm
– Xem ảnh Maika
Maika 2: Những không gian nhỏ và hiền

Ý kiến - Thảo luận

22:41 Wednesday,15.9.2010 Đăng bởi:  Nam Son
Khi đọc bài viết này, và thấy tên của Gary Winogrand, đây là một tác giả mà mình thật thích.Trong nội dung bài viết trên không cho phép giải thích nhiều về tác giả này nên mạn phép giới thiệu về ông ta vài dòng.
Gary Winogrand là một tác giả khá quan trọng trong một trào lưu nhiếp ảnh được gọi là " nhiếp ảnh đường phố"(Street Photography )
Henri Cartier-Bresson, Robert Dois
...xem tiếp
22:41 Wednesday,15.9.2010 Đăng bởi:  Nam Son
Khi đọc bài viết này, và thấy tên của Gary Winogrand, đây là một tác giả mà mình thật thích.Trong nội dung bài viết trên không cho phép giải thích nhiều về tác giả này nên mạn phép giới thiệu về ông ta vài dòng.
Gary Winogrand là một tác giả khá quan trọng trong một trào lưu nhiếp ảnh được gọi là " nhiếp ảnh đường phố"(Street Photography )
Henri Cartier-Bresson, Robert Doisneau, Robert Frank, Diane Arbus, William Klein, Gary Winogrand là những tên tuổi quá vĩ đại trong loại hình nhiếp ảnh này.
Gary Winogrand, ngày nay ông được coi như một huyền thoại: ông từng cống hiến cả đời mình cho những bức ảnh chụp đời sống trên đường phố New York, đến mức mà công việc chụp ảnh đường phố trở thành nỗi ám ảnh của ông, lẽ sống của ông. Vào thời điểm ông qua đời, người ta tổng kết thấy ông để lại khoảng vài chục tấm ảnh hết sức nổi tiếng và hàng nghìn cuộn phim đã chụp nhưng không rửa.
Garry Winogrand (1928-1984) sinh ra tại thành phố New York. Ông là một nhiếp ảnh gia theo đuổi sự nghiệp trên đường phố, trong sự nghiệp của mình, ông đã 3 lần nhận giải thưởng Guggeheim Fellowship Award (1964, 1969 và 1979) và một giải National Endowment of the Arts năm 1979. Lần đầu tiên công chúng biết tới tên của ông là qua một buổi triển lãm tại Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại (MOMA) ở New York năm 1963. Trong buổi triển lãm còn có sự góp mặt của Minor White, George Krause, Jerome Liebling và Ken Heyman. Năm 1966 Garry đã mở triển lãm ảnh ở Rochester, New York cùng với Lee Friedlander, Duane Michals, Bruce Davidson và Danny Lyon. Buổi triển lãm mang tên “Toward a social landscape”. Năm 1967 ông tham gia buổi triển lãm mang tên “New Documents” ở MOMA với Diane Arbus và Lee Friedlander.
Gary học hội họa ở City College, New York và sau đó tiếp tục học thêm nhiếp ảnh, hội họa ở Đại học Columbia, New York năm 1948. Ông cũng tham dự lớp học phóng viên ảnh do Alexey Brodovitch tại New School for Social Research, New York năm 1951. Sau đó, ông bắt đầu dạy nhiếp ảnh tại Đại học Texas, Austin và Học viện nghệ thuật Chicago. Các bài giảng của ông đã gây ảnh hưởng sâu sắc tới các học trò và được ghi nhớ cho đến tận ngày nay.( nguồn http://www.vtc.vn/tapchi/390-251678/tap-chi/tin-the-gioi/garry-winogrand-toi-nhiep-anh-via-he.htm)
Trong các bài giảng của ông được trích ra giống như cẩm nang cho các nhà nhiếp ảnh có câu:"Tôi thích nghĩ về nhiếp ảnh như một hành động tôn trọng hai hiều. Tôn trọng phương tiện bằng cách để nó làm điều mà nó làm tốt nhất.Và tôn trọng chủ thể bằng cách diễn tả nó đúng như nó có. Một bức ảnh phải có trách nhiệm thỏa mãn cả hai điều đó" 
0:10 Wednesday,15.9.2010 Đăng bởi:  Raumuong Noigian
Chẳng nhẽ mình cũng lại phải nói câu tầm thường như những người khác à: "Ảnh hay quá, quá hay". Nghe giống giống giọng một ông chủ tịch hội...
Câu của tôi thế này này: Đề nghị tác giả cho biết tên tuổi, địa chỉ, nghề nghiệp để tôi đuổi theo tôi trồng cây si tôi yêu với! Hic, khổ quá, người có đôi mắt nhìn xung quanh đẹp như thế hẳn chăm con tốt lắm đ
...xem tiếp
0:10 Wednesday,15.9.2010 Đăng bởi:  Raumuong Noigian
Chẳng nhẽ mình cũng lại phải nói câu tầm thường như những người khác à: "Ảnh hay quá, quá hay". Nghe giống giống giọng một ông chủ tịch hội...
Câu của tôi thế này này: Đề nghị tác giả cho biết tên tuổi, địa chỉ, nghề nghiệp để tôi đuổi theo tôi trồng cây si tôi yêu với! Hic, khổ quá, người có đôi mắt nhìn xung quanh đẹp như thế hẳn chăm con tốt lắm đấy! Giời ơi là giời... 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Hợp thể nói về hợp thể

Phan Phương Đông

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả