Khác

0,8 cuốn sách/năm. Có thật thế không? 21. 04. 14 - 8:12 am

Biblio

Theo một số liệu thống kê mới nhất thì mỗi năm, một người Việt trung bình đọc 0,8 cuốn sách; nôm na ra là mỗi người Việt (vốn được coi là có truyền thống hiếu học) một năm 365 ngày đọc chưa hết một cuốn sách (in)!

Không biết có phải do kết quả thăm dò đáng buồn đó hay không mà Thủ tướng Việt Nam đã ký quyết định lấy ngày 21-4 hàng năm là Ngày sách Việt Nam, năm nay là năm đầu tiên.

Vậy là song song với các cơ quan nhà nước hưởng ứng quyết định của Thủ tướng bằng cách tiêu nhiều tỷ đồng của Nhà nước vào việc tổ chức cả loạt sự kiện quảng bá sách thì có một tổ chức phi chính phủ là Trung tâm ngôn ngữ và văn hóa Đông Tây, phối hợp với Diễn đàn sachxua.net đã tổ chức một triển lãm sách đặc biệt tại Café Đông Tây, N11A Trần Quý Kiên, Cầu Giấy, Hà Nội.

Triển lãm mang tên Hành trình của sách, trưng bày nhiều ấn phẩm quý hiếm của một số nhà sưu tập sách, để, thông qua hành trình của sách từ những ngày chữ quốc ngữ mới phôi thai cho đến những ngày này (có chữ rồi mà lại ít ai thích đọc sách), giúp người xem triển lãm phần nào hình dung ra diện mạo người đọc Việt Nam trong một thế kỷ rưỡi qua.

Sau đây là một số hình ảnh về triển lãm Hành trình của sách ở café Đông Tây từ 19 đến 25-4-2014.
 

Băng-rôn của triển lãm bên trong café Đông Tây, bên dưới các thùng các tông!

 

Từ hôm trước, nhà sưu tập Nguyễn Phát Hà Giang (bìa trái) của sachxua.net đã cùng với các nhân viên café Đông Tây sắp xếp sách chuẩn bị cho triển lãm.

 

Để chuẩn bị, các nhà sưu tập Nguyễn Thế Bách (áo trắng sọc ngang) và Trần Hoàng Hoàng (áo xanh, kéo cửa tủ) cũng đã tự tay sắp xếp sách vào các tủ trưng bày.

 

Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân đến từ sớm cả tiếng đồng hồ trước giờ khai mạc triển lãm. Ông chăm chú xem kỹ từng cuốn sách…

 

Trong khi đó, phóng viên của Đài Tiếng nói Việt Nam bắt cóc ngay nhà sưu tập Vũ Hà Tuệ từ Sài Gòn ra tham gia triển lãm, để lấy tư liệu cho bản tin.

 

Ông Đoàn Tử Huyến, tóc bạc trắng búi tó rất nghệ, phụ trách Trung tâm ngôn ngữ và văn hóa Đông Tây, có vài lời khai mạc triển lãm.

 

Nhà sưu tập Lê Tuấn Anh, chủ nhiệm Diễn đàn sachxua.net thuyết minh sơ qua về triển lãm. Triển lãm chia các mảng sách theo chiều dọc thời gian, kể từ giai đoạn đầu tiên của chữ quốc ngữ thuộc thập nhiên 1870 của thế kỷ XIX cho tới ngày nay.

 

Giai đoạn từ đầu những năm 1870 đến 1900, chữ quốc ngữ mới ở giai đoạn phôi thai. Trong ảnh: các tác phẩm dịch của Nguyễn Văn Vĩnh, người nhiệt thành truyền bá chữ quốc ngữ vào Việt Nam hồi đầu thế kỷ 20.

 

Bản Kim Vân Kiều (1923), cũng của dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh, từ chữ Nôm dịch ra Quốc ngữ. Ông Vĩnh sau này còn dịch Kiều ra tiếng Pháp!

 

Từ 1900 đến 1930, chữ quốc ngữ bắt đầu xác lập chỗ đứng vững chắc trong đời sống văn hóa người Việt. Trong ảnh: Tác phẩm “Ngọn cỏ gió đùa” (1929), 6 tập của Hồ Biểu Chánh

 

Đến giai đoạn 1930-1945 là sự phát triển rực rỡ của văn học Việt Nam đi cùng với sự ra đời của Tự lực văn đoàn, tổ chức văn học đầu tiên của Việt Nam mang đầy đủ tính chất một hội đoàn sáng tác theo nghĩa hiện đại. Trong ảnh là các tác phẩm giai đoạn 1930-1945, trong đó có thể nhìn thấy rất nhiều tác phẩm cực quý (chắc nhiều người mới lần đầu nhìn thấy) của các “kiện tướng” trong nền văn học Việt Nam như Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Công Hoan, Nhất Linh, Khái Hưng…

 

“Thơ thơ” (1938) của Xuân Diệu

 

“Lửa thiêng” (1940) của Huy Cận

 

Xuân thu nhã tập (1942) của nhóm cùng tên

 

Thời kỳ 1954 đến 1960; giai đoạn 1960 đến 1975: do hoàn cảnh đặc biệt của Việt Nam, chia ra thành hai dòng sách ở miền Bắc và miền Nam Việt Nam. Trong ảnh là sách tiêu biểu ở miền Bắc Việt Nam giai đoạn 1960-1975

 

Dĩ nhiên là có trưng bày những tác phẩm của nhiều thể loại khác nhau, mà nhiều thế hệ người Việt đã đọc đi đọc lại trong suốt hơn nửa thế kỷ qua, thí dụ như “Thơ ngụ ngôn La Fontaine”. Trong ảnh là bản in từ 1928 của dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh.

 

Hay như “Thép đã tôi thế đấy” của Nikolai Ostrovsky… Trong ảnh là 35 ấn phẩm khác nhau của Thép đã tôi thế đấy, kể từ lần xuất bản đầu tiên năm 1954 đến bản mới nhất năm 2012.

 

Đây là hai tập Thép đã tôi thế đấy in lần thứ ba có “áo” khá lạ, hầu như chưa từng xuất hiện trên thị trường sách trong suốt mấy thập niên qua.

 

Người đến xem triển lãm khá đông, cho thấy không hẳn người Việt thờ ơ với sách! Hoặc đây chính là thành phần mà nhờ họ mới có được con số 0.8, chứ không thì đã là 0.1?

 

Bao giờ cũng thế. Người không thích đọc thì không yêu sách. Người yêu đọc thì rất… yêu sách, thậm chí phải chen lấn để có được cuốn sách quý. Bằng chứng là khá đông người tham gia cuộc đấu giá sách hiếm, một loại hình vẫn còn rất ít được tổ chức ở Việt Nam. Người cầm chịch cuộc đấu giá là “Xuân Tóc Đỏ”- đạo diễn, diễn viên điện ảnh Quốc Trọng.

 

Ấn phẩm bán được cao giá nhất là “Giai phẩm mùa thu 1956”, bán với giá 1,4 triệu đồng. Người thắng đấu giá cuốn này là anh Đình Thành, dịch giả quen thuộc những tác phẩm như “Nửa kia của Hitler”…

 

Những người thắng đấu giá khác

 

Và đây, các nhà sưu tập sách tham gia triển lãm. Họ rất khác nhau, mỗi người một ngành nghề, nhưng có chung một điểm là còn rất trẻ, một điều đảm bảo để sách sẽ tiếp tục còn là niềm đam mê trong dòng chảy văn hoá của người Việt và không thể chấp nhận con số 0,8 cuốn sách/năm.

Ý kiến - Thảo luận

16:56 Monday,19.5.2014 Đăng bởi:  admin

@ Thúy Đinh: Soi sửa lại rồi bạn nhé. Cảm ơn bạn.



...xem tiếp
16:56 Monday,19.5.2014 Đăng bởi:  admin

@ Thúy Đinh: Soi sửa lại rồi bạn nhé. Cảm ơn bạn.


 
16:07 Monday,19.5.2014 Đăng bởi:  Thúy Đinh
Tác giả bài viết hãy chỉnh lại hộ mình được không. Phóng viên đang phỏng vấn là ở Đài Tiếng nói Việt Nam. Nếu sửa lại, bạn có thể viết là "phóng viên của Đài Tiếng nói Việt Nam"...(Lưu ý: khi nhìn thấy mic và máy ghi âm thì bạn nên biết đó là ph&o
...xem tiếp
16:07 Monday,19.5.2014 Đăng bởi:  Thúy Đinh
Tác giả bài viết hãy chỉnh lại hộ mình được không. Phóng viên đang phỏng vấn là ở Đài Tiếng nói Việt Nam. Nếu sửa lại, bạn có thể viết là "phóng viên của Đài Tiếng nói Việt Nam"...(Lưu ý: khi nhìn thấy mic và máy ghi âm thì bạn nên biết đó là phóng viên phát thanh. Còn khi phóng viên cầm míc, cạnh đó là một quay phim thì đó mới là phóng viên truyền hình). ...Có vẻ bây giờ, ai cũng thích truyền hình thì phải. Mong ban biên tập chỉnh lại hộ, kẻo mình cảm thấy áy náy với cơ quan của mình- Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV). 
 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Hà Nội: bạn cần biết địch biết ta...

Lê Thị Liên Hoan (đạo diễn Lê Hoàng)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả