Thiết kế

Quỹ nhớ thị giác – phần 2 30. 04. 14 - 7:07 am

Nguyễn Hồng Hưng

Tiếp theo phần 1

Svetoslav Stoyanov, “Ký ức tuổi thơ”

1.

Có thể ví dụ một cách làm giàu quỹ nhớ thị giác như khi xem bất kì một tác phẩm điện ảnh nào cũng nên phân thân để một nửa xem sự li kì của buồn vui, thú vị của pha rượt đuổi, pha võ thuật, pha sắp yêu, suýt yêu, hay đang yêu đến nghẹt thở, hay chuẩn bị đánh bom liều chết và những ca sợ hết hồn, hú vía của phim; còn một nửa kia quan sát mọi design xuất hiện trên màn ảnh: Từ mốt quần áo tới cảnh quan nội ngoại thất khách sạn, cung đình, cabin tàu thuyền… ô tô… kiểu bàn ghế, kiểu chụp đèn, chùm đèn treo, mái che, mũ nón v.v…

Điện ảnh là nơi tổng hợp mọi hiệu quả thị giác rất tiện cho các sinh viên design quan tâm như một kênh làm giàu cho quỹ nhớ thị giác.

Quỹ nhớ thị giác giàu có sẽ rất thuận lợi cho sáng tạo. Nhiều khi ý tưởng của tác phẩm đến từ giấc mơ vì một kí ức phong phú với đam mê thường trực. Một nhà design hay một họa sĩ tự do luôn hiểu rằng những hình ảnh mà mắt nhìn thấy bao giờ cũng được vô thức so sánh với những hình ảnh đã lưu trong quỹ nhớ thị giác. Những so sánh ấy đã phân loại, chọn lọc, quy nhóm và tự động liên hệ sâu sắc kĩ lưỡng hơn, để nhìn thấy thêm trong não những design chưa từng nhìn thấy trong thực tế.

Quỹ nhớ thị giác đã can thiệp trực tiếp vào quá trình sáng tạo của nhà design và các nghệ sĩ thị giác tự do. Những can thiệp nảy sinh sáng tạo là quá trình bất ngờ với mọi tầm mức thời gian. Có những sáng tạo trăn trở nhiều năm. Có không ít những sáng tạo lớn hình thành bùng lóe trong khoảnh khắc cực ngắn như tia sét trên cao.

2.

Với một nhà design, việc ghi nhớ và nhạy cảm với các dạng chất liệu, vật liệu cũng là một liệt kê dài nhiều trang giấy. Chưa kể tới quỹ nhớ thị giác cũng phải lưu nhớ những quy trình thi công sản phẩm nào đó và một số phương pháp xử lí chất liệu như kim loại, gỗ, giấy, plastic, thủy tinh, đá, các loại keo dán v.v…

Cuộc sống con người hiện đại chìm ngập trong thế giới design. Thế giới của những hình thể và không gian design. Thị giác đương đại chật ních những sản phẩm công nghệ mới, những quảng cáo thương mại, những thông tin kì diệu của khoa học sinh hóa hay vật lí hạ nguyên tử… Rồi những hình ảnh đấu tranh nóng, nguội, đấu tranh giải phóng và bị giải phóng của những cộng đồng bé nhỏ, lại còn âm nhạc, cả thể thao, cả bóng đá nữa, rồi sổ số nữa, thật bề bộn bội phần.

Quỹ nhớ thị giác còn chật ních những phim ảnh, những hoa hậu, những tầu sân bay, những tên lửa mọi tầm gần xa. Quỹ nhớ thị giác của người đương đại quá nhiều tập tin đính kèm. Một nhà designe cần biết chủ động chọn lựa sao cho chuyên sâu với nghề nghiệp design.

Dù vô tình hay cố ý những thông tin như thế chiếm lĩnh dung lượng không nhỏ quỹ nhớ thị giác của chúng ta. Nhưng nếu quỹ nhớ thị giác trống rỗng, chúng ta không thể làm design được, vì không có kí ức thị giác để xây dựng và phát triển ý tưởng design.

Sandra Silberzweig, “Hành trình của ký ức”

3.

Quỹ nhớ thị giác của nhà design không dành riêng cho cá nhân những khoái cảm thẩm mĩ như các họa sĩ tự do.

Nhà design là người nghiên cứu nhu cầu tiện nghi của cộng đồng. Nhà design không sáng tạo cho cái tôi nghệ sĩ đơn thuần. Design là cái tôi phụng sự. Các nhà design luôn tự giác ý thức được rằng mọi sản phẩm design đều dành cho một lớp người đông đảo nhất định trong cộng đồng.

Quỹ nhớ thị giác của nhà design đòi hỏi phải cập nhật liên tục không đứt đoạn kiến thức và kĩ thuật mới. Nghề design không phù hợp với tính cách khép kín, với trăn trở nội tâm của cái tôi tuyệt đối như những họa sĩ tự do. Trăn trở của nhà design là sản phẩm phải được thiết kế hoàn hảo nhưng phải đơn giản nhất, phục vụ cộng đồng tốt nhất.

Nhà design là nghệ sĩ tạo hình ứng dụng. Design là một nghề gắn liền với thời gian, tiền bạc và mọi phương tiện thông tin đại chúng. Nhìn tổng thể, mọi hoạt động của các nhà design luôn góp phần định dạng xã hội đương đại. Văn minh và văn hóa vật chất, tinh thần của mọi thời luôn để lại dấu ấn trên các dạng sản phẩm design. Có những giai đoạn của lịch sử nhân loại mang tên hàm nghĩa design như các thời đại đồ đá-đồng-sắt.v.v…

Trong một phạm vi hẹp của design, có thể viết một cuốn sách riêng mang tính biên khảo thống kê đồ vật về “design công cụ của một cộng đồng trong một thời gian xác định”. Hoặc cũng có thể chia nhỏ thành nhiều cuốn sách khác nhau, ví dụ như : Biên khảo công cụ đúc đồng của người Việt, Biên khảo công cụ đun nấu bếp của các dân tộc Việt Nam, Biên khảo công cụ làm nông nhiệp của các dân tộc Việt Nam, Biên khảo y phục các dân tộc Việt Nam, Biên khảo nhạc khí trong sinh hoạt cộng đồng của các dân tộc Việt Nam.v.v… Sẽ nhiều nữa danh sách những biên khảo, và tất cả những sách thống kê biên khảo vật dụng, đều chắc chắn là những chi tiết nằm trong học thuật của nghệ thuật design. Và nếu trong quỹ nhớ thị giác thiếu vắng hình ảnh công cụ thì biên khảo sẽ không khả thi.

Bàn ủi đốt than. Khi đã “lỗi thời” về mặt sử dụng, vẫn có thể trưng bày như những vật phẩm nghệ thuật.

4.

Mọi thứ trong thiên nhiên là sản phẩm của tự nhiên. Mọi design đều là sản phẩm của trí tuệ phục vụ nhu cầu của con người.

Design là tạo ra thiên nhiên thứ hai của con người. Do vậy việc làm giàu quỹ nhớ thị giác và sự cập nhật kiến thức mới và kĩ thuật mới của một nhà design hay còn gọi là nhà thiết kế công nghiệp ứng dụng không bao giờ ngưng nghỉ.

Trong tương lai của những thế kỉ sau, không gian tự nhiên sẽ rất hiếm hoặc không còn nữa (kể cả sa mạc hay Bắc cực) vì sự phát triển xâm lấn tự nhiên của con người. Trong quá trình hủy diệt tự nhiên đó, các nhà design có dự phần không nhỏ. Từ điển những thế kỉ sau sẽ giải thích về cụm từ “Hoang đảo” là từ cổ mà đương đại không còn dùng tới.

Mọi vấn đề luôn có cảnh báo ở mặt đối lập của vấn đề đó. Nghề design không ngoại lệ. Quá trình phục vụ nhu cầu về tiện nghi vô tiền khoáng hậu của con người, nếu không có ý thức về môi trường lâu dài sẽ cũng là quá trình hủy hoại và phản bội thế giới tự nhiên đã sinh ra giống người chúng ta.

Tôi mong muốn trong giáo trình design tới, sẽ có thời lượng dù chỉ là năm hay mười tiết học dành cho những hình ảnh về sự tàn phá thiên nhiên của con người. Để các nhà design tương lai ngay từ ngày trên ghế nhà trường luôn quan tâm tới người mẹ thiên nhiên trong quá trình thiết kế sản phẩm.

Janet Ayliffe, “Kangaroo Island” (trích)

Một thực nghiệm với quỹ nhớ thị giác

Khi nhắm mắt lại sẽ thấy hiện lên một màn hình đen. Trên màn hình đen ấy, mọi màu sắc, mọi hình thể hiện lên dù rực sáng tới bao nhiêu, cũng không át đi được cảm nhận một nền đen bao la chứa đựng tất thảy những gì xuất hiện từ bên trong khi đã nhắm mắt. Không thể nào khi nhắm mắt lại có thể cảm thụ được một nền sáng trắng bao la. Nền trắng bao la có thể dùng như biểu tượng của con mắt mở và chờ đợi những hình ảnh và màu sắc đến từ bên ngoài tâm trí.

Nền đen bao la có thể dùng như biểu tượng của nhắm mắt và là nơi hiện hình của tất cả những hình ảnh của nội giới (của quỹ nhớ thị giác). Với một người giàu tưởng tượng, khi nhắm mắt lại anh ta có tất cả. Nhưng tất cả trên một nền đen của nội giới thị giác. Nếu có hai bức tranh treo bên nhau, một bức chỉ là một màu đen, còn một bức chỉ là màu trắng, thì khi nhìn vào bức toàn đen dễ thấy nhiều hình ảnh hơn. Không tin, xin mời hãy thử nghiệm với điều kiện bức tranh không nhỏ hơn 60x80cm,và thời lượng nhìn liên tục không dưới 240 phút. (Một lần nữa gợi ý là khi nhìn vào bầu trời tối đen thăm thẳm, thị giác dễ dàng tưởng tượng ra những hình ảnh nhiều hơn nhìn vào bầu trời sáng trong xanh).

Kasimir Malevich, “Hình vuông đen”

 *

Nguồn: “Nguyên lí design thị giác”, NXB Đại học TP HCM, 2012, Nguyễn Hồng Hưng

Ý kiến - Thảo luận

11:39 Sunday,4.5.2014 Đăng bởi:  thuốc lào
"Không thể nào khi nhắm mắt lại có
thể cảm thụ được một nền sáng trắng bao la."
Sai. Bằng quán tưởng và thiền định, ta hoàn toàn có thể cảm nhận đc một không gian mà ánh sáng tràn khắp. Ngoài ra, khi bạn ở ngoài trời (ban ngày), nhắm mắt lại, bạn sẽ không thấy nền đen mà sẽ thấy nền đỏ. Thử mà xem!
...xem tiếp
11:39 Sunday,4.5.2014 Đăng bởi:  thuốc lào
"Không thể nào khi nhắm mắt lại có
thể cảm thụ được một nền sáng trắng bao la."
Sai. Bằng quán tưởng và thiền định, ta hoàn toàn có thể cảm nhận đc một không gian mà ánh sáng tràn khắp. Ngoài ra, khi bạn ở ngoài trời (ban ngày), nhắm mắt lại, bạn sẽ không thấy nền đen mà sẽ thấy nền đỏ. Thử mà xem! 
23:09 Saturday,3.5.2014 Đăng bởi:  Linh cao
Vẻ đẹp khoa học của triết lý hấp dẫn những học giả âm thầm đi theo tới tận chân trời. Mình còn được tiếp xúc với một brother của ngài Hồng Hưng, nên mình rất thông cảm với thuyết này. Và cũng rất cảm ơn Soi đã chú ý đến học thuật, vì đăng những bài như thế này vô c&ug
...xem tiếp
23:09 Saturday,3.5.2014 Đăng bởi:  Linh cao
Vẻ đẹp khoa học của triết lý hấp dẫn những học giả âm thầm đi theo tới tận chân trời. Mình còn được tiếp xúc với một brother của ngài Hồng Hưng, nên mình rất thông cảm với thuyết này. Và cũng rất cảm ơn Soi đã chú ý đến học thuật, vì đăng những bài như thế này vô cùng bổ ích. 
   Và tất nhiên là đọc và ngẫm nghĩ mãi, thì mình cũng...chả hiểu gì ?!?
 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả