Gẫm & Bình

Sắp đặt phế tích đón tương lai 16. 09. 10 - 1:35 pm

Lê Quảng Hàm tổng hợp

Phối cảnh bảo tàng mới sẽ được xây dựng trong năm 2011


Sáng kiến của Bảo tàng Whitney (Whitney Museum of American Art)

Ngay từ tháng Tư năm 2008, khi dự án xây dựng tòa nhà mới của Bảo tàng Whitney tại số 820 phố Washington, ngay trung tâm phố cổ, New York chính thức được phê chuẩn, song song với kế hoạch mở các cuộc thi về thiết kế đồ án kiến trúc, lãnh đạo bảo tàng và chính quyền thành phố đã chủ trương ủy thác cho các nghệ sĩ thực hiện những dự án nghệ thuật đương đại tại khu vực này trong khi chờ đợi triển khai công trường xây dựng.

Đây là một dự án nghệ thuật có tác dụng kêu gọi sự quan tâm hơn nữa của công chúng tới sự phát triển của môi trường đô thị, để họ thấu hiểu, thông cảm với các chính sách xây dựng mới của các tổ chức và/hoặc chính quyền thành phố, thông qua các hoạt động nghệ thuật công cộng mang tính tương tác cao.

Theo kế hoạch, từ tháng 5 tới tháng 10. 2010, lần lượt ba công trình nghệ thuật sắp đặt biệt vị (Site-Specific Installation) được thực hiện theo ủy thác có quy mô lớn lần lượt được triển khai tại đây. Ban giám đốc bảo tàng Whitney đã mời các nghệ sĩ Tauba Auerbach, Barbara Kruger và nhóm tác giả Guyton\Walker (gồm Wade Guyton và Kelley Walker) tham gia chuẩn bị và triển khai các công trình này nhằm tôn vinh một khu vực có bề dày lịch sử trong lúc chuẩn bị phá dỡ để xây mới một tòa nhà triển lãm hiện đại.

Các nghệ sĩ đều là những gương mặt đại diện cho nhiều thế hệ và vùng miền khác nhau của Hoa Kỳ. Giám tuyển cho những công trình/tác phẩm sắp đặt tai đây là Scott Rothkopf, Gary Carrion-Murayari và Donna De Salvo.
 

Thiết kế kiến trúc của tòa nhà sẽ được xây dựng

Hoạt động nghệ thuật này phản ánh cam kết của bảo tàng Whitney trong việc hỗ trợ các nghệ sĩ đương đại Mỹ. Mỗi công trình/tác phẩm sẽ được thể hiển tại chỗ trong vòng sáu đến bảy tuần.

 

TRIỂN LÃM THỨ NHẤT: CỦA GUYTON\WALKER

Để mở màn cho đợt triển lãm các tác phẩm đoạt giải thưởng nghệ thuật Hoa Kỳ tại bảo tàng Whitney từ ngày 6. 5. 2010, công trình sắp đặt của nhóm tác giả Wade Guyton, (38 tuổi) và Kelley Walker (40 tuổi) đã khai mạc từ ngày 8. 5 kéo dài đến 7. 7. 2010.

Ảnh chụp khu vực sân trong thời gian Guyton\Walker bày sắp đặt

Trong công trình đầu tiên của Guyton\Walker do Rothkopf làm giám tuyển, các hàng rào xung quanh được bao kín trên cả hai mặt bởi các tấm vải nhựa in các họa tiết đồ họa màu sắc sặc sỡ như các loại hoa quả cam, quýt, chuối, họa tiết của ngựa vằn. Những lỗ hổng được bố trí trên các tấm vải nhựa cho phép người đi bộ ngang đây có thể nhìn vào bên trong khu vực sắp đặt, chiêm ngưỡng các khối container lớn và một nóc nhà được trang trí đầy tính nghệ thuật khác.
 

Ảnh chụp hàng rào và các lỗ thủng nhìn trong tác phẩm của Guyton\Walker

Công trình của họ được sơn đè các họa tiết mới theo định kỳ, như vậy công chúng dường như cảm nhận rõ ràng hơn thời gian đang trôi qua, và một công trình kiến trúc hiện đại (liên quan tới nghệ thuật, chắc chắn thế) đang dần hình thành.

Ảnh chụp một đoạn hàng rào trong tác phẩm của Guyton\Walker

 

TRIỂN LÃM THỨ HAI: MỎ ĐÁ CỦA TAUBA AUERBACH

Từ ngày 18. 7 đến 29. 8. 2010, Tauba Auerbach (sinh năm 1981) đã triển khai tại đây công trình sắp đặt có tên gọi Mỏ đá (Quarry).

Tất cả các xe container trong khu sân này đã được nghệ sĩ bọc kín lại bằng những bức hình mô phỏng đá cẩm thạch, biến chúng thành các khối điêu khắc đá nguyên khối khổng lồ, trong khi đó, một bức ảnh khổ lớn khác đặt trên nóc nhà mô tả một khu mỏ khai thác đá cẩm thạch xám. 

Các xe container và mái nhà được Tauba Auerbach “hóa đá”

 Bằng cách sử dụng các hình ảnh khổ lớn, nghệ sĩ cho phép người xem trải nghiệm quang cảnh các “khối đá” được chuyển dịch từ mặt đất lên những độ cao của các tòa cao ốc, một cảm xúc về quá trình khai thác nguyên vật liệu đá từ mỏ xa chuyển vể xây dựng các công trình kiến trúc của thành phố, trong đó có khu nhà mới của bảo tàng Whitney sẽ mọc lên tại đây trong tương lai.

Xung quanh khu vực này, Auerbach bố trí các tấm vải nhựa in mẫu hoa văn gợn sóng tinh tế với màu sắc sinh động, tạo thành những hàng rào nghệ thuật bao bọc khu vực sắp sửa xây dựng. Tác phẩm như một thông báo nhằm lưu ý công chúng về một quá trình đang biến đổi khu vực này thành một trung tâm triển lãm nghệ thuật đương đại.

Hàng rào sinh động và tươi tắn bao bọc khu vực sắp sửa xây dựng

 

TRIỂN LÃM THỨ BA: CỦA BARBARA KRUGER

Barbara Kruger (sinh năm 1945) là một nghệ sĩ gạo cội về nghệ thuật khái niệm, chuyên làm các tác phẩm với các con chữ.

Được Whitney ủy thác, bà đã thiết kế một tác phẩm/công trình nghệ thuật sắp đặt biệt vị can thiệp đầy kịch tính vào môi trường cảnh quan, qua đó, nghệ sĩ muốn gửi tới công chúng những thông điệp mạnh mẽ và bí ẩn về một địa chỉ cũ kỹ đậm dấu thời gian song ẩn chứa nhiều vang vọng lịch sử và xã hội.

Một tác phẩm của Kruger

Nói về động lực sáng tác trong khi thực hiện công trình nghệ thuật này, bà bày tỏ: “Do đã nhiều năm sống và làm việc ở vùng Hạ Manhattan, các con phố cũ luôn khiến lòng tôi ngập tràn kỷ niệm. Vì vậy, tôi đã gắng tạo ra một tác phẩm biệt vị, tích hợp nhiều điều mình muốn trải lòng: các giá trị, tính lịch sử, cả niềm vui và nỗi đau của đời sống xã hội đã in dấu nơi này.”

Nghệ sĩ đã sử dụng những con chữ rất lớn, rất đậm nhằm thỏa mãn nhu cầu trải nghiệm về thời gian và thị giác của người xem về địa chỉ này và vùng phụ cận.

Một số câu chữ đầy ấn tượng được viết tại đây rút từ những trang catalog của bà, ví dụ như cụm từ “YOU BELONG HERE”/”BẠN THUỘC VỀ CHỐN NÀY” hoặc “BELIEF + DOUBT = SANITY.” / “TIN + NGỜ = ỔN”. Những câu chữ khác thể hiện sắc thái biến động riêng của khu phố cùng những tác động của nền công nghiệp lên chốn này, từ nghề chế biến thịt hộp đến nghệ thuật thời trang. Các câu chữ được in trên vải nhựa và được gắn vào các mặt tường xung quanh khu vực này, và có thể nhìn thấy rõ từ ngoài phố hay các tuyến xa lộ chạy trên cao.

Tác phẩm của Kruger tại Toronto

Vừa thanh lịch mà khiêu khích, ba tác phẩm sắp đặt quy mô của các nghệ sĩ tại đây giống như câu chuyện tự sự của mảnh đất này dưới ngôn ngữ của nghệ thuật thị giác/sắp đặt biệt vị, lại vừa như khúc kèn tiễn biệt một “nhân chứng” lịch sử đang khép lại trang đời cũ để dũng mãnh bước sang những ngày mới trẻ trung hơn, hiện đại hơn và chắc chắn đầy tinh thần nghệ thuật hơn xưa.

 

TRÔNG NGƯỜI LẠI NGẪM ĐẾN TA

Trộm nghĩ 1: Trước đây, trong khi chờ Vincom Hà Nội “hóa kiếp”, nếu khu nhà xưởng của Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo cũ cuối phố Bà Triệu được dành cho các nghệ sĩ đương đại ta tụ họp và lập trại nghệ thuật đương đại trong vài ba tháng, hay dôi da đôi ba năm, thì tuyệt quá. Hẳn là bây giờ người Hà Nội chúng ta sẽ còn nhớ nhiều đến nó với bao buồn vui nếu nghệ thuật đã có cơ hội…

Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo

 

Trộm nghĩ 2:
Khu nhà máy rượu Hà Nội nằm gọn giữa 4 con phố Nguyễn Công Trứ – Ngô Thì Nhậm – Hòa Mã – Lò Đúc (ra đời năm 1898) hiện đang chờ ngày bị/được “giải phóng mặt bằng” nhường chỗ cho một công trình mới (khách sạn 5-6 sao) sẽ mọc lên thay thế những khu xưởng cổ lỗ hơn một trăm lẻ chục tuổi Tây kia nếu [có phép màu nào đó] được biến thành trại quốc tế nghệ thuật đương đại dành cho các nghệ sĩ Hà Nội và…Pháp quốc chẳng hạn (cứ cho là chỉ được phép “cắm trại” trong vòng dăm ba tuần) thì biết đâu dịp lễ ngàn năm thủ đô này (hay sau đây ít tháng) chúng ta cũng có được một “trống canh” vui ra trò…

Nhà máy rượu Hà Nội

 

Nguồn: Whitney Museum of American Art


Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả