Đi & Ở

Người đàn bà mang thai trên tầng hai 13. 05. 14 - 5:50 am

Sáng Ánh

Hình ảnh Odessa mà tôi giữ trong đầu (hay có thể nói trong tim) là những bậc thang của bộ phim “Potemkin”, tôi được xem lần đầu tại Cine Club của trường cấp 3 Michelet ở Vanves. Eisenstein trên màn hình câm dựng ngữ vựng phôi thai của điện ảnh (1925). Sự thực lịch sử thế nào thì không biết, nhưng trên những thước phim trở thành cổ điển này, quân Cossack của Sa Hoàng lùa quần chúng đang tụ tập trên những bậc thang thành phố, vừa đi vừa bắn, ông lão, sinh viên, người tàn tật cụt hai chân, bà mẹ bồng con và có lẽ ấn tượng nhất, là một chiếc xe đảy trẻ em lăn lông lốc xuống.

.

Clip ngắn của cảnh những bậc thang Potemkine ở đây.

Sau này, vẫn trong đầu và tim tôi, nó gắn liền bất khả phân ly với đoạn nhại bởi Ettore Scola trong “Nous nous sommes tant aimés” (C’eravamo tanto amati/ We All Loved Each Other So Much), dựng lại trên những bậc thang Piazza di Spagna ở Roma bởi đạo diễn Ý (1974).

.

Nhưng “Chuyện kể của Odessa” của Babel, ngược lại, tôi không mấy làm ấn tượng và lõm bõm nhớ quên, có gắng đọc đọc lại cũng chỉ vì sự ngưỡng mộ tôi dành cho tác giả của hồi ký “Hồng Kỵ Binh” (Konarmia). Rong ruổi cùng đạo quân Cossack cách mạng của Budienny trên những đồng cỏ Ukraine sang đến tận Ba Lan, nhà văn đeo kính trói gà không chặt này chỉ được các bạn đồng ngũ kính nể và chấp nhận từ khi ông ra oai vặn cổ một con ngỗng.  

Hai mươi năm sau đó, theo chiều ngược lại, nhà văn Ý Malaparte lại theo chân Quốc Xã và nhờ hồi ký (“Kaputt”) của ông, Ukraine với tôi vương vấn mùi bùn đất mốc, mùi sắt gỉ và mùi một thây ngựa đã sình thối.

Tóm lại, Ukraine tôi chẳng biết gì hết, và Odessa tôi chỉ biết qua vài bận trao đổi trên mạng với một nhà chụp ảnh từng mua lại cái đầu kính Leica M 75mm/1.4 của tôi cách đây vài năm rồi. Đây là một cái đầu kính tôi rất quý, nhưng quyết định từ giã nó vì tuổi cao, không buồn mang nặng nữa và mắt kém, không còn chỉnh nét chính xác được bằng cơ. Thay vì ngồi nâng niu nó mãi, thà để nó sống một kiếp mới, ghi lại hình trên mảnh đất Babel từng ruổi qua và Malaparte ruổi lại.

Odessa, với tôi chỉ có vậy.

Thế cũng đủ để hai ba ngày trước tôi theo dõi thời sự tại nơi đây trên mạng rất là cận. Tiếng Nga hay Ukraine tôi chỉ biết có ‘da’, ‘niet’ nhưng tôi vẫn nhảy lò cò một ngón trên bàn phím từ liên kết này sang liên kết khác để xem hình.

Ngày 2 tháng 5, một đoàn biểu tình quốc gia chủ nghĩa Ukraine (theo phe Trung ương Kiev, tạm gọi là “phe Kiev”) bị một toán thuộc thành phần chủ trương Liên bang (còn được gọi là “thân Nga” hay “Ly khai”) tấn công. Đây là một tấn công kiểu du kích, hit and run. Có dư luận cho rằng đám “liên bang/ly khai” khai dùng vũ khí (súng ngắn), dư luận khác lại cho đây là thành phần khiêu khích trá hình, chẳng biết được, vì sau khi tấn công đoàn biểu tình, họ được công an mở đường cho chạy và bảo vệ họ như một clip cho thấy.  Điều chắc chắn là phe Kiev rất đông và hùng hổ, mang cờ và biểu hiệu phát xít (Svoboda, Pravy Sektor) , nhiều nam thanh cơ bắp rất là kinh cùng với lại nữ tú tuổi teen, nghe đâu lẫn vào với một đoàn vận đông viên bóng đá sặc mùi hooligan.

Sau khi xô xát, nhóm thân Nga khoảng vài ba trăm người chạy về tòa nhà của công đoàn ở trung tâm. Tòa nhà này không do họ chiếm trước và vẫn hoạt động bình thường, trừ việc là vào ngày cuối tuần nên đóng cửa. Vì cũng là ngày cuối tuần của lễ Lao động nên trước cửa tòa nhà và khuôn viên vẫn có các gia đình, ông già bà lão đi dạo và không để ý mấy đến việc kéo đến nhốn nháo của vài trăm lẻ tẻ này. Đám Liên bang mới dựng sơ sài vài chướng ngại thì chẳng mấy chốc phe Kiev rầm rộ kéo đến. Đạo quân này vào khoảng 2000 người. Họ đốt ngay hai cái lều lớn dựng tại khuôn viên, chẳng hiểu của tổ chức nào, nghe đâu là của nhà thờ hay giáo hội. Phe Liên bang rút vào trong tòa nhà năm tầng rất lớn này, đóng cửa lại.

Bên ngoài, trong khi các thiếu nữ tuổi teen lăng xăng quấn giẻ, đổ xăng vào chai phía sau thì các anh trai ở tuyến đầu ném vào tòa nhà. Cái này thì rõ ràng là như vậy, có phim ghi lại, tai nghe và mắt thấy, tuy tờ Wall Street Journal có lúc đồ rằng là phe bên trong làm bom xăng để ném ra ngoài nhưng hụt tay run rảy khiến tự gây ra hỏa hoạn. Lửa tháng 5, dưới mưa lất phất ấm lòng các chiến sĩ cách mạng Quốc xã. Một lãnh đạo (toán trưởng) Pravy Sektor từng chỉ huy tại mặt trận ‘Euromaidan’ mấy tháng trước đường đường xuất hiện với áo giáp. Ông lên máy nói chuyện dường như là với bộ trưởng bộ Công an (Bộ CA, Bộ Quốc phòng, Viện Kiểm sát được chính phủ mới chia cho thành phần cực hữu). Ông yêu cầu gửi lực lượng cảnh sát can thiệp vì bị phiến loạn tấn công bằng súng khiến ông bị thương chân. Máy liền lia xuống, chẳng thấy ông bị thương quái gì cả, được một lúc ông rút súng ngắn bắn vào tòa nhà. Có tin cho rằng bên trong leo lên mái bắn xuống, khó có thể xác định là họ lên mái làm gì tuy có thấy mấy người thấp thoáng. Theo hình thu từ phía ngoài thì không thấy nhốn nháo hay núp né tránh đạn gì cả. Bên trong ở tầng một, tầng hai có nơi thấy lửa bắt đầu cháy, nhưng nói chung tòa nhà phần lớn vẫn vững chứ không phải là ngùn ngụt.

Cứu hỏa đến và công an đến. Công an thì xếp hàng ngay ngắn đứng nhìn đằng sau khiên chắn. Cứu hỏa và cứu thương có hoạt động mặc dù có lúc bị biểu tình bên ngoài gây trở ngại. Thông tin là phía ngoài đang công thủ tòa nhà có 4 người thiệt mạng vì đạn (?) ở bên trong bắn ra. Phía bên trong, một vài cửa tầng trên, có người leo ra, bắc dây đu xuống và cứu hỏa cùng một số dân sự đưa thang lên tiếp cứu. Có người nhảy tầng từ 5, 7 thước, vừa rơi xuống đất thì kẻ đỡ, người đánh thêm cho mấy gậy. Phe Kiev tràn vào lấn chiếm, và ở tầng hai một nơi có tiếng phụ nữ kêu cứu, rất to và kéo dài. Quần chúng đứng ngoài, có kẻ hô “cho nó chết, kêu cái gì”, có kẻ giáo khoa “phụ nữ không ở nhà (trông con, làm bếp) lại đi biểu tình”. Hai phút sau, cửa sổ đó được mở, bên dưới reo hò khi thấy phất cờ của Trung ương (cờ Ukraine).

Số sống sót rời khỏi tòa nhà được tập trung vào một chỗ nằm ôm nhau co quắp, máu me và bị đánh đập bởi đám người vây quanh. Đây phải nói, phe phía ngoài không phải là một lực lượng thống nhất, ngoài thành phần xung kích Quốc xã còn có nhiều hiếu kỳ, hay thành phần ủng hộ TW ở một mức nào đó, thành thử ra có người đánh bằng gậy, có người đánh bằng tay, có người chỉ chửi suông những nạn nhân và có cả người can. Một cô gái áo xanh, có lẽ là nhân viên cứu thương, thoăn đây thoắt đó, mang dụng cụ băng bó các người bị nạn. Xe công an đến, những người này được đưa lên, công an phải ngăn cho họ bớt bị đám đông đánh với, cô gái áo xanh giờ lấy thân bảo vệ các nạn nhân được cô chăm sóc để họ được công an đưa… vào tù.

Bên trong tòa nhà, tìm thấy 31 hay là 46 xác, chẳng biết, phần nhiều là đàn ông trung niên và chẳng thấy ai mang vũ khí. Một số chết cháy từ đầu đến chân, một số có thể là chết ngạt, trong đó có một cặp trẻ cạnh nhau được mệnh danh là “Romeo và Juliet”. Có xác cháy có một nửa trên, có xác còn đang deo kính mát mặc dù bị cháy (chắc là để lửa khỏi làm chói mắt?), có xác mang mấy vết đạn ở đầu, chẳng biết có phải nhờ tài thiện xạ của vị lãnh đạo đã nói ở trên. Một phụ nữ cháy toàn thân dang hai chân nằm hớ hênh (chắc là cô/bà lỡ đang cặp đùi chai xăng định ném thì nó phát nổ theo giả định của tờ Wall Street Journal). Theo một thiếu nữ chứng nhân thuật lại, tuy không biết độ khả tín thế nào, thì không phải ai cũng chết vì đạn bắn vào hay bom xăng. Cùng hai bạn gái và một số đàn ông, cô trốn vào một phòng và chặn cửa lại, nhưng phe bên ngoài khi phá được cửa vào, đã đánh đập đến chết số đàn ông.

Ở tầng hai, thấy xác nằm lật ngửa oặt lưng ra trên bàn giấy của một phụ nữ mang bầu rất to và bụng trần tốc áo. Chung quanh đổ vỡ chậu hoa và máy tính, cô không có vết cháy và là người kêu cứu hai phút trước khi cờ Ukraine được phất ra từ cửa sổ phòng này. Có dư luận cho rằng cô là nhân viên của tòa nhà công đoàn, ngày nghỉ đến dọn dẹp bàn giấy gì đó chẳng may lại gặp loạn. Dư luận này cho rằng cô bị các thanh niên thuộc nhóm phất cờ xiết cổ bằng giây điện nhưng tôi không có mặt tại đó và tôi không là bác sĩ giảo nghiệm tử thi. Hình ghi từ phía ngoài cho thấy một người bịt mặt thò đầu lên từ cửa sổ sau khi cô ngưng kêu cứu.

Trái với lời đồn đại, cho đến giờ không thấy chưng ra bằng chứng trong số bị chết hay bị bắt có ai mang giấy tờ Nga, mặc dù nếu bắt được bằng chứng “điệp viên nước ngoài” tiền thưởng sẽ là 10.000 USD (tức là 3-4 năm lương của một cảnh sát viên). Số người bị công an mang đi giam trên thì có 67 được quần chúng phe Liên bang thân Nga hai ngày sau đột nhập khám và giải thoát.

Dù chuyện là thế nào, điều chắc chắn là, nếu phe Kiev có bằng ấy người bị giết trong tòa nhà công đoàn ở Odessa, thì truyền thông Tây phương đã phản ứng khác, nào là dã man, diệt chủng v.v. và đòi NATO ném bom ngay Donetsk. Người đàn bà mang thai trên tầng hai sẽ trở thành biểu tượng của tự do, dân chủ, nhan quyền và của IMF (Quỹ tiền tệ quốc tế) chẳng biết chừng, in luôn hình cô trên phiếu tiền mà họ sẽ cho Ukraine mượn.

Trong bộ phim của Scola, trong đoạn đã nói đến, nhân vật nữ Luciana (Stefania Sandrelli) bị giằng co giữa hai người tình lại là bạn chí thiết của nhau ngay ở dưới chân những bậc thang Piazza di Spagna. Cô bỏ đi, để lại bốn tấm ảnh vừa mới chụp trong một máy chân dung tự động (Photomaton, loại chân dung dùng cho căn cước và các tờ khai lý lịch hành chánh). Trên ảnh đầu, cô còn đang nín, ảnh nhì cô mếu máo, ảnh ba cô nức nở và đến ảnh chót thì cô ôm mặt. Thủ thuật này của đạo diễn nhắc lại tài tình cách dựng phim khai phá 50 năm trước của Eisenstein tại Odessa.

.

 

.

 

.

 

.

 

.

 

.

 

.

 

.

Điều chắc chắn khác, là nếu dựng lại cảnh đốt tòa nhà Công đoàn một ngày nào đó để tiếp tục nhại “Potemkine” thì sẽ rất khó. Bực thang ở trước cửa tòa nhà này chỉ có ba bước nên không hiểu đạo diễn sẽ phải làm thế nào,  để chen vào những bức ảnh của người đàn bà mang thai trên tầng hai.

Ý kiến - Thảo luận

9:14 Tuesday,13.5.2014 Đăng bởi:  candid
Bác về lục xem còn cái noct 0.95 nào không để em giữ hộ, chụp hộ. Nhỡ bán sang Ukraina lần nữa chúng nó đem ra đốt. :D

...xem tiếp
9:14 Tuesday,13.5.2014 Đăng bởi:  candid
Bác về lục xem còn cái noct 0.95 nào không để em giữ hộ, chụp hộ. Nhỡ bán sang Ukraina lần nữa chúng nó đem ra đốt. :D
 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả