Soi học

Bài thuyết pháp đầu tiên của Đức Phật – phần 1: Vắn tắt về lịch sử Phật giáo 14. 05. 14 - 8:53 am

Trịnh Bách

Bài thuyết pháp đầu tiên của Đức Phật ở Lộc Uyển (người cầm gươm bên phải đức Phật là Kim Cương Thủ Bồ tát), thế kỷ 12 Gandhara – Pakistan (Bảo tàng Metropolitan, New York)

Sau khi đạt Chính quả ở Gaya, Bài thuyết pháp đầu tiên của đức Phật Thích Ca là bài thuyết giảng của ngài cho 5 vị Tôn giả, tức là nhóm ông Kaundinya (Kiều Trần Như) ở Sarnath (Lộc Uyển). Dù ngắn gọn, nhưng bài thuyết pháp này được xem là một trong những bài giáo lý quan trọng nhất của ngài. Các học thuyết căn bản của đạo Phật, như Ngũ giới, Bát chính đạo, Lục hạnh Ba la mật, Tứ diệu đế, Duyên khởi; cũng như các kinh Chuyển Pháp Luân (Dhamma-Chakka-Pavattan Sutta), Vô ngã (anattā-lakkhana- suttra), v.v đều có xuất xứ từ bài thuyết pháp ngắn gọn này.

Trích đoạn ‘Bài Thuyết Pháp Đầu Tiên Của Đức Phật’ được rút ra từ bộ sử liệu tiếng Anh ‘Đức Phật và Đạo Pháp của Ngài’ (The Buddha and His Dhamma) do Giáo hội Phật giáo Ấn Độ (Buddhist Society of India), Hội Đại Bồ Đề (Mahabodhi Society) của Calcutta (nay là Kolkata) và Nhà xuất bản Đại học Tất Đạt Đa (Siddharth College Publications) xuất bản ở Bombay (nay là Mumbai), Ấn Độ, năm 1957. Riêng đoạn ‘Bài Thuyết Pháp Đầu Tiên Của Đức Phật’ được Bộ Giáo dục của Bang Maharashtra cho in lại năm 1992.

Năm 1951 Giáo hội Phật giáo Ấn Độ ủy thác cho Tiến sỹ Bhimrao Ramji Ambedkar (1892-1956) và các cộng sự của ông ở khắp Ấn Độ khảo cứu các tài liệu cổ, để ghi lại theo đúng sử quan cuộc đời và các hoạt động của Đức Phật Thích Ca khi ngài còn tại thế. Nhóm ông Ambedkar bắt đầu khảo cứu và viết tập sử liệu này từ năm 1951. Và họ hoàn tất nhiệm vụ năm 1956, là năm Tiến sỹ Ambedkar tạ thế.

Nguyên Tiến sỹ Ambedkar thuộc gia đình có đạo Ấn giáo. Nhưng vì bất mãn với hệ thống kỳ thị đẳng cấp xã hội cay nghiệt của tôn giáo này, ông đã cải sang đạo Phật. Sinh thời, Tiến sỹ Ambedkar đã giúp hằng triệu người thuộc đẳng cấp thấp hèn của Ấn giáo cải sang đạo Phật. Ông cũng đã viết và giảng thuyết rất nhiều về Phật giáo ở khắp Ấn Độ và trên thế giới. Sau khi Tiến sỹ Ambedkar qua đời, Phật tử Ấn Độ tôn sùng ông như một Bồ tát.

Tháp Dhamekh ở Sarnath, kỷ niệm nơi Đức Phật thuyết pháp lần đầu tiên


VẮN TẮT LỊCH SỬ PHẬT GIÁO

1. Các đại hội Tăng chủng

Ngay sau khi đức Phật nhập Niết bàn ở Kusinara (Câu Thi Na) năm 438 trước Công nguyên, đại đệ tử còn lại của ngài là Mahakashyap (Ma ha Ca Diếp) triệu tập đại hội Tỳ khưu đầu tiên ở thành Rajgriha (Vương Xá), với 500 tỳ khưu, để cố gắng bảo toàn những điều răn dậy của Phật một cách chân thật và nguyên bản nhất. Đại hội này cũng để củng cố sự đoàn kết của giáo phái. Một lý do nữa của kỳ hội này là vì ngay khi đức Phật còn tại thế đã có nhiều tăng sỹ không tuân thủ các giới luật một cách nghiêm túc. Lúc bấy giờ các đại đệ tử của Phật như Sariputta (Xá Lợi Phất), Muggallana (Mục Kiền Liên) hay nhóm Năm tỳ khưu Kaundinya (Kiều Trần Như) đều đã quá vãng, mà mọi sự, việc đều chưa được ghi chép lại. Vì thế, trong đại hội đầu tiên này ngài Upali (Ưu Bà Ly) phải đọc lại các Luật tạng, và ngài Ananda (A nan) đọc lại các Kinh tạng để chư tăng học thuộc lòng. Điều này có thể cho thấy là các kinh, tạng lúc bấy giờ hãy còn đơn giản.

Khoảng gần một trăm năm sau đó kỳ đại hội thứ Nhì được Tỳ khưu của phái Nguyên thủy là Yesa (Da-xá) triệu tập, và do Tăng trưởng Sabbhakami trụ trì, tại Vesali (Tỳ Xá Ly), vì những sự chấp hành lỏng lẻo giới luật đã xâm nhập vào Giáo phái. Đoàn tăng chúng thuộc bộ tộc Vajji (Bạt Kỳ) ở đây đã sửa đổi lối sống của họ bằng cách đưa thêm mười điều cải cách thông thoáng vào giáo pháp chính thống. Họ bắt đầu đem muối theo người trong ống sừng; thụ bữa ăn thứ hai ở làng khác sau bữa thứ nhất; dùng bữa và bơ sữa buổi tối; uống rượu cọ; nhận vàng bạc bố thí; nhóm những buổi họp gần tối và lấy quyết định, dù không đông đủ hội đồng; v.v… Tất cả các điều này đều trái với giáo luật.

Có khoảng bẩy trăm tăng sỹ trong đại hội lần thứ nhì này. Họ đồng thanh bác bỏ mười điều cải cách của Tăng đoàn Vajji. Để đáp lại, ngay sau đó Tăng đoàn Vajji triệu tập hội nghị Mahasangika (Đại chúng bộ), với một vạn tăng sỹ cấp tiến. Sự rạn vỡ đầu tiên của Phật giáo chỉ vì mười điều cải cách cởi mở đó, chứ học thuyết nguyên thủy cho đến lúc ấy vẫn còn nguyên vẹn. Việc chia rẽ này dần dà tạo nên những trường phái mới, và cuối cùng là sự xuất hiện của phái Mahayana (Đại thừa) sau này.

Đại hội Tăng chúng lần thứ ba, do Tỳ khưu Moggali Putta (Mục Liên Đế Tu) triệu tập ở Pataliputra (Hoa Thị – bây giờ là Patna) năm 250 trước Công nguyên, dưới sự bảo trợ của vị vua Phật tử Asoka (A Dục). Kỳ đại hội này của riêng Giáo phái chính thống Theravada (Thượng tọa bộ). Nhờ đại hội này, Phật giáo Nguyên thủy không những được truyền bá ra khắp Ấn Độ, mà còn sang đến tận Ceylon (Tích Lan, nay là Sri Lanka). Và dần dần được truyền từ đó sang Miến Điện và Đông-nam Á.

Vua A Dục (Asoka), thế kỷ 12 (Polonaru wa, Sri-Lanka)

Kỳ hội đồng thứ tư, cũng của riêng phái Theravada, lúc này đã được gọi là phái Hinayana (Tiểu thừa), được triệu tập ở Ceylon (Tích Lan) năm 106 trước Công nguyên. Từ trước đó việc ghi chép đã trở thành phổ biến. Vì thế kỳ đại hội này bắt đầu cho chép tất cả các kinh, thuyết tiếng Pali vào lá Bối (Karatalamh – patra – palm leaf) để lưu giữ. Bộ kinh Tripitaka (Tam tạng) gồm Vinaya Pitaka. (Luật Tạng – các luật lệ tu hành của giáo phái), Sutta Pitaka (Kinh Tạng – chứa các bài kinh (giáo lý) của Phật và các đệ tử) và Abhidhamma Pitaka (Luận Tạng – giải thích và phân tích các kinh, điều), được ghi chép xuống lần đầu tiên từ đại hội này.

Thật ra sau đó còn một đại hội nữa, cũng được người Ấn Độ gọi là đại hội Phật giáo thứ Tư, năm 78 Công nguyên, ở Kashmir (Ca Thấp Di La). Đại hội này không do Mahasanghikas (Đại chúng bộ), mà do các tỳ khưu của những phân bộ của một phái cởi mở hơn, phái Sarvastivada (Thuyết Nhất Hữu Bộ) triệu tập. Đại hội được trụ trì bởi Tỳ khưu Vasumitra (Thế Hữu), dưới sự bảo trợ của vua Kaniska (Ca Ni Sắc Ca) thuộc triều đại Kushan (Quý Sương). Vì thế giáo phái nguyên thủy Theravada không công nhận đại hội Kasmir, trong khi nó được các phái Đại thừa tán tụng.

Vua Kaniska là một Phật tử, nhưng lại có khuynh hướng thiên Bà la môn, cho nên từ đại hội này các tư tưởng Bà la môn được hòa nhập vào Phật giáo, nhất là ở vùng Bắc Ấn. Điều quan trọng là bắt đầu từ đây giáo phái Đại thừa được chính thức hình thành. Và gần như tất cả các việc ghi chép tài liệu, kinh kệ từ đó dùng Sanskrit (Phạn ngữ) thay thế cho ngôn ngữ Pali của thời kỳ Phật giáo Nguyên thủy. Đại hội này được xem là đại hội của riêng Phật giáo Đại thừa.

2. Các thăng trầm của Phật giáo

Thời kỳ Phật giáo sơ khởi, khi tất cả các giáo pháp đều còn được giữ nguyên bản, trải dài từ năm 450 đến năm 100 trước Công nguyên. Sau giai đoạn này Giáo phái Tiểu thừa bắt đầu hội nhập với các trường phái cởi mở hơn. Trong khi đó phái Đại thừa, chỉ bắt đầu phát triển từ sau năm 100 trước Công nguyên, cũng ngay từ đấy bắt đầu tạo ra các huyền thoại theo kiểu của Đông Độ (purvanusmritis), để hấp dẫn số đông.

Tháp Mahabodhi do vua A Dục xây ở Bồ Đề Đạo Tràng năm 250 trước Công nguyên

Khi Phật giáo bắt đầu phát triển, với con người chứ không phải thần quyền là tâm điểm, thì sự đối đầu giữa Phật giáo và Bà-la-môn dĩ nhiên phải xẩy ra. Sự phát triển của Phật giáo được suôn xẻ cho đến cuối thế kỷ thứ nhất Công nguyên. Ngay cả khi người Hy Lạp xâm chiếm vùng Đông-bắc Ấn Độ sau thời đại của vua Ashoka, thì một vị vua Ấn-Hy là Milinda (Di Lan Đà) đã được tỳ khưu Nagasena (Na Tiên) thuyết giảng và cải theo đạo Phật.

Trước khi vương triều Kushan (Cúc Đa) chiếm được vùng thánh địa Phật giáo Magadha (Ma Kiệt Đà) từ tay người Ấn-Hy hồi thế kỷ thứ Nhất, thì họ đã hiểu biết Phật giáo, và một vài vị vua của họ cũng cải đạo sang Phật giáo. 

Phật giáo bắt đầu chính thức suy tàn khi vương triều Kushan bị sụp đổ, và vương triều Bà la môn Gupta chiếm Magadha vào đầu thế kỷ thứ Tư. Nhiều việc bức hại Phật tử bắt đầu xẩy ra. Thành và đại học Nalanda (Na Lan Đà) bị khủng bố. Người Bà la môn sát hại Aryadeva (A Li Da Đề Bà), đại đệ tử của Narajuna (Long Thọ Bồ tát), vì họ thua ông trong việc tranh luận về tôn giáo. Rồi vua Sasanka đuổi tất cả tăng chúng Phật giáo ra khỏi Kusinagara (Câu Thi Na), là nơi Phật Thích Ca nhập Niết bàn. Ông ta cũng cho bật gốc và đốt cây Bồ đề ở Bodhi Gaya (Bồ Đề Đạo Tràng) ra tro, rồi thay thế bằng một tượng Shiva.

Đại sư Trung Hoa Pháp Hiền khi đến Tây Trúc từ năm 399 đến 414 thấy Phật Giáo còn được hưng thịnh ở vài nơi như Kapilavasu (Ca Tỳ La Vệ) và Gaya (Già da). Nhưng nhìn tổng thể thì Phật giáo ở Ấn Độ lúc bấy giờ đã suy vi nhiều rồi.

Rồi người Hung Nô tràn vào Gandhara (Kabul – Càn Đà) cuối thế kỷ thứ Năm. Các tu viện và di tích thiêng liêng của Phật giáo ở vùng Đông-bắc Ấn Độ bị tiêu diệt. Tăng chúng, học giả, kinh sách và các kiến trúc bị tàn sát và thiêu hủy. Cả Đại học Taksasila ở đây cũng bị vĩnh viễn im tiếng. Bình bát thiêng liêng của đức Phật cũng biến khỏi Gandhara và được truyền sang Persia (Ba Tư) lúc đó.

Cuộc xâm lăng của người Hung làm Đế quốc Gupta bị phân tán thành nhiều tiểu quốc. Phật giáo lại tiếp tục tranh chấp một cách yếu ớt với Bà la môn ở Bengal, miền Tây và miền Nam Ấn Độ. Chỉ vào khoảng cuối thế kỷ thứ Bẩy, khi vua Harsha (Giới Nhật Vương) thống nhất lãnh thổ rộng lớn gồm miền Tây và Bắc Ấn Độ, và đóng đô ở Kanauj, thì Phật giáo lại được tạm cường thịnh một thời gian ngắn, dù lúc nào cũng vẫn bị kèn cựa bởi người Bà la môn. Giai đoạn này là lúc nhà sư Huyền Trang người Trung Quốc sang Tây Trúc thỉnh kinh. Ngài được vua Harsha tôn kính, và giúp nhà vua Phật tử này hoằng pháp. Ngài Pháp Hiển chỉ thấy hai ngôi chùa ở Kanauj vào thế kỷ thứ Năm, nhưng ngài Huyền Trang đề cập đến cả trăm ngôi chùa với hơn 10,000 vị Tỳ Kheo ở đó. Khi vua Harsha băng hà năm 647 thì Phật giáo lại bị người Bà la môn lấn áp.

Trong thời kỳ này, bên đạo Bà la môn có sự thay đổi tư tưởng lớn, được giới sử gia ngày nay gọi là “Pauranik Hinduism” (Tân Ấn giáo). Nổi bật nhất là hệ thống phân chia giai cấp xã hội được hệ thống hóa khe khắt hơn. Nhưng cũng cùng lúc đó thuyết Luân hồi được phổ biến rộng rãi giữa các tín đồ Ấn giáo. Trong các Purana (Thánh điển) cũ của đạo Bà la môn, Phật Thích Ca bị coi là người dụ dỗ người ta vào đường hủy diệt. Nhưng các Purana mới từ giai đoạn này, như Garuda, lại cho rằng Phật là hóa thân của Vishnu. Và Phật giáo Ấn Độ cũng lại có thêm ảnh hưởng của tư tưởng Bà la môn từ đây.

Phật giáo có được một thời kỳ dễ thở ngắn nữa trong triều đại Pala ở Magadha trong thế kỷ thứ Mười. Nhưng từ cuối thế kỷ này, khi các triều đại Hồi giáo thống trị Ấn Độ, Phật giáo lại quay về vị thế thiểu số cho đến nay.


BÀI THUYẾT PHÁP ĐẦU TIÊN CỦA ĐỨC PHẬT

Nhóm của Tiến sỹ Ambedkar trải đi khắp nơi trên đất nước Ấn Độ và các nước chung quanh để sưu tập lại những truyền thuyết cổ, và những bản kinh, truyện nguyên thủy được bảo quản từ ngàn xưa, để tập hợp lại thành bộ Giáo sử này. Vì tài liệu được sưu tập từ nhiều nguồn khác nhau, cho nên các danh từ được họ giữ nguyên bản bằng cả Phạn ngữ lẫn tiếng Pali xen lẫn trong các bài viết…

*

(Soi sẽ sớm đưa lên Phần 2: “Nội dung bài thuyết pháp đầu tiên của Đức Phật”)

Ý kiến - Thảo luận

23:01 Monday,17.7.2017 Đăng bởi:  NGUYEN XUAN HIEU
Hình minh họa đầu tiên nói rằng phù điêu diễn tả lần chuyển pháp luân đầu tiên này có niên đại là thế kỷ thứ 12.
Trong khi chính trên trang web của MET thì công bố phù điêu này có niên đại là thế kỷ thứ 2. Xin xem http://www.metmuseum.org/toah/works-of-art/1980.527.4/">link này
Điều này có quan trọng không? C
...xem tiếp
23:01 Monday,17.7.2017 Đăng bởi:  NGUYEN XUAN HIEU
Hình minh họa đầu tiên nói rằng phù điêu diễn tả lần chuyển pháp luân đầu tiên này có niên đại là thế kỷ thứ 12.
Trong khi chính trên trang web của MET thì công bố phù điêu này có niên đại là thế kỷ thứ 2. Xin xem http://www.metmuseum.org/toah/works-of-art/1980.527.4/">link này
Điều này có quan trọng không? Có, vì niên đại chính xác sẽ giúp ích rất nhiều cho nhận biết các biến chuyển về văn hóa. Ví dụ như trên bức phù điêu này ta thấy ngài Thích Ca tay phải đang xoay bánh xe pháp (pháp luân). Bánh xe pháp luân ban đầu được vẽ hình bánh xe với 12 căm hoặc 8 căm. Tượng trưng cho 12 nhân duyên hoặc Bát chánh đạo. Hình bánh xe chỉ sự xoay vần hàm ý sự vận hành không ngừng của Pháp.
Sau này, pháp luân lại thường được vẽ với hình bánh lái tàu là vì sao?  Có thể do ảnh hưởng của Luân xa mà thần Vishnu của Hindu cầm? Có thể do trào lưu khám phá đại dương của các thương gia Ấn - Âu, với bánh lái là biểu tượng của sự soi đường dẫn lối? Câu hỏi cần nhiều dữ liệu hơn để trả lời.
Dù sao thì pháp luân nên hình bánh xe thì hợp nghĩa hơn. 
16:58 Sunday,26.7.2015 Đăng bởi:  nguyễn quang đạt
Nguời " hung " chỉ quấy phá được vùng tây bắc ấn độ thôi chứ có tiến vào được vùng đông bắc đâu.
...xem tiếp
16:58 Sunday,26.7.2015 Đăng bởi:  nguyễn quang đạt
Nguời " hung " chỉ quấy phá được vùng tây bắc ấn độ thôi chứ có tiến vào được vùng đông bắc đâu. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

LẦN HỒI: Phương tiện hay đam mê của người trẻ?

An Bàng thực hiện (Tuổi Trẻ Cuối Tuần)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả