Đi & Ở

Giá như có con đường nhỏ, để em đi rất bình thường 15. 05. 14 - 9:30 am

Phạm Thanh Hà

Nằm cách trung tâm thị trấn Chũ khoảng 25 km, Sơn Hải là xã vùng cao đặc biệt khó khăn. Địa bàn rộng, diện tích đất tự nhiên treenn 5.000 ha, với gần 4000 nhân khẩu, trong đó đồng bào Nùng chiếm đến 80%, còn lại là Kinh. Tỉ lệ hộ nghèo 70%. Trong đó, có một thôn khiến bọn mình bất ngờ nhất, muốn nhanh chóng được đến nhất là thôn Đồng Mậm bởi đây là thôn “3 không”: Không điện, không đường, không trạm y tế. Và tỷ lệ hộ nghèo lên đến 90% tức là cao hơn 20% so với tỷ lệ trung bình của toàn xã.

Nhưng không dễ để tiếp cận với nơi này, vì ngoài sự cách trở về mặt địa lý (muốn vào thôn thì phải có thuyền máy, nhưng chiếc thuyền máy công vụ duy nhất ấy đang hỏng) còn có cả sự hoài ghi, nhưng là một sự hoài nghi dễ cảm thông của cán bộ và người dân nơi đây bởi cũng có một số nhà báo, phóng viên đến đây, nhưng những mong muốn xóa bỏ “ 3 không” vẫn chưa được giải quyết.

Phong cảnh hồ Cấm Sơn ở vùng này vô cùng đẹp. Nhưng giá như mực nước sâu hàng chục mét dưới lòng hồ không phải mối đe dọa hàng ngày với bọn trẻ. Giá như chúng có thể đi đến trường bằng những con đường đất bình thường, trái tim chúng ta sẽ bớt thắc thỏm…

Hồ Cấm Sơn

 

.

.

Để có một con đường, đường đất thôi, cho Đồng Mậm, dài trên 15km, xuyên qua đồi núi, cần khoảng 1 tỷ đồng. Nếu tính mỗi giờ máy xúc là 480.000đ, sẽ mất chừng 2100 giờ máy xúc.

Mình nói rõ thêm tại sao đơn vị tính lại là giờ máy xúc. Bởi đây là con đường dân tự làm, tự lập dự án, tự thuê máy xúc. Nhất thiết phải có máy xúc vì con đường xuyên đồi núi làm tay không thể được. Dân làm vì ước mong bao nhiêu đời nay là có được một con đường của họ. Họ góp tiền, đợt đầu nhà nghèo nửa giờ, nhà có ăn thì hơn 1-2 giờ. Thôn ấy 90% hộ nghèo. Bí thư chủ tịch gương mẫu góp 5-10 giờ. Máy xúc làm, nhưng dân nợ công. Có đồng nào thanh toán trước đồng đó, hẹn mùa lúa trả. Mùa lúa thì bấp bênh. Các bác máy xúc thiếu việc vẫn nhận lời. Mỗi giờ máy xúc được giám sát chặt chẽ bởi các tổ dân cử người ra ghi sổ. Mình đã nhìn thấy những cuốn sổ ghi như thế ở nhà trưởng thôn.

Trước Tết, mình quyên góp được 100 giờ máy xúc và đã mang về cho thôn. Vào thời điểm ấy, cả thôn và xã có hơn 50 giờ. Con đường lúc ấy được khoảng 5km. Giờ con đường đã trên 13 km, tiền dân góp thêm chưa được bao nhiêu. Huyện có hứa cho 200 triệu đồng, tương đương 900 giờ máy xúc, nhưng mới là hứa.

Đợt quyên góp mới này, mình đã có 12 triệu chuyển từ quỹ các bạn góp cho việc nuôi các cháu ở chùa Bùi Xá không dùng đến chuyển sang, cùng đóng góp của các bạn Quyen Le, Song Thy, LamMy Dzung Huong Tran. Duong Ta… và một số bạn khác. Nhuận bút của mình và Sau Chua trên trang Bếp. Trang này không còn nữa nhưng mình cũng đã nhờ nó có 15 triệu. Như vậy, trước đấu giá, mình đã có xấp xỉ 100 giờ máy xúc.

Hôm nay, toàn bộ đồ vật cuối cùng dành cho cuộc đấu giá cơ bản đã ở quanh mình. Chung Le vừa đưa hộp nữ trang pha lê. Hôm qua Nguyen Thuong cũng đã chuyển tranh để bán đấu giá và các sản phẩm cuốn giấy của Trung tâm Thương Thương… Tranh và đồ gốm của họa sĩ Bùi Hoài Mai sẽ là nguồn thu lớn nhất cho cuộc đấu giá sắp tới, chiều thứ Sáu (15. 6. 2014) tại Hội trường NXB Hội Nhà văn 65 Nguyễn Du nhé. Mỗi hiện vật ở đấy đều là những tấm lòng…

.

Mình biết chưa thể đủ cho con đường, nhưng được thêm một giờ, thêm nửa giờ máy xúc nào cũng quý!

Vì con đường đến trường của trẻ em Đồng Mậm!

Xin cám ơn sự quan tâm của các bạn!

*

Nguồn: Hà Phạm

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Đi và không bao giờ đến

Phan Cẩm Thượng

Nghèo cũng phải cho Tèo đi học

Hieniemic - Tranh từ báo NLĐ

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả