Soi học

Ôn sử qua vụ cãi nhau vì ông lưng còng 27. 05. 14 - 5:30 am

Pha Lê tổng hợp và dịch

Một khách đang xem bức tranh vẽ vua Richard III của một nghệ sĩ vô danh, tác phẩm hiện trưng bày tại National Portrait Gallery ở London. Tòa án tối cao Anh Quốc vừa phán rằng cốt của vua Richard III sẽ chôn cất tại một giáo đường ở thành phố Leicester – nơi người ta tìm thấy di hài của ông dưới một bãi đậu xe cách đây hai năm trước. Ảnh: Leon Neal chụp hôm 25. 1. 2013

LONDON – thứ Sáu vừa qua, các thẩm phán Anh cuối cùng đã kết thúc vụ tranh cãi gay gắt quanh việc chôn cất di hài vua Richard III – biệt danh “lưng còng.”

Số là, vào thời Richard III có 2 dòng họ tranh ngôi vua ở Anh: dòng họ Lancaster (biểu tượng là hoa hồng đỏ) và dòng họ York (biểu tượng là hoa hồng trắng). Choảng nhau một hồi thì nhà York chiếm thế thượng phong, và Edward IV (anh trai Richard III) trở thành người trị vì mới ở xứ sương mù. Do vậy, hậu duệ của ông lưng còng đã đấu tranh để đem hài cốt ông về chôn ở quê hương York Minster – đất tổ của họ nhà York.

Nhưng Tòa án Tối cao nói rằng chẳng có lý do gì khi Richard III, một “con cóc độc lưng còng” theo lời tả của đại văn hào Shakespeare – người có công biến con cóc này thành kẻ ác muôn đời bằng vở kịch “Richard III” – lại không yên nghỉ ở Leicester, vốn là nơi tìm thấy di hài của ông vào năm 2012.

“Đã đến lúc chúng ta tái chôn cất Richard III bằng một nghi lễ trang nghiêm”, các thẩm phán phát biểu trong buổi phán quyết. Dân chúng đã vỗ tay tán thành khi Giám mục của Leicester – ông Tim Stevens – thông báo quyết định của các thẩm phán tại Giáo đường thành phố. Chính quyền Anh đã lên kế hoạch tổ chức nghi lễ tái mai táng hoành tráng, dù ngày mai táng chính thức vẫn chưa công bố.

Nhân tiện kể thêm, vua Edward IV- anh của Richard III – có 7 con gái nhưng đến lúc sắp băng hà thì chỉ có 2 con trai nhỏ, đứa lớn nhất chừng 12 tuổi. Edward nhờ Richard chăm sóc 2 hoàng tử, Richard hứa với anh cho đã nhưng đến khi anh mất thì ông tuyên bố rằng mình là vua Richard III, giam 2 thằng cháu trong thành Tower of London, rồi độ 1 tháng sau là 2 hoàng tử bé “đột nhiên” mất tích (mãi đến năm 1678 thì thiên hạ mới tìm thấy 2 bộ xương bé trai trong thành Tower.) Nhìn chung thì ai cũng tin rằng Richard III hại chết cháu nên chả ai ưa ông này. Lúc hậu duệ của nhà Lancaster (vua Henry VII) giành lại ngôi báu từ tay nhà York, lính tráng của Henry VII giết Richard III rồi lột trần xác ông lưng còng và đem diễu hành khắp nước, sau đó chẳng ma nào biết chính xác ai quăng thi thể Richard ở chỗ mô, hình như cũng chẳng ma nào thèm quan tâm, mãi cho đến 2012.
 

Bức chân dung hai hoàng tử nhỏ xấu số, cháu trai Richard III, John Millias, 1878. Hai hoàng tử mặc đồ đen và lộ vẻ lo âu – điềm gở báo rằng cả hai sẽ bị ám sát.

 

“Hai hoàng tử trong thành Tower ở London”, James Northcote, 1785. Hai bé đang ngủ ngon, không biết rằng có kẻ đang chuẩn bị lấy gối đè cho mình chết ngộp.

Và năm 2012, vụ cãi cọ liên quan đến nơi chôn cất York/Leicester đã khiến bộ trưởng phải nhức đầu, gay gắt đến mức giáo chủ của nhà thờ York Minister phải đi báo cảnh sát sau khi ông nhận thư hăm dọa nặc danh.

Richard III – cậu cố thứ 14 của Nữ hoàng đương nhiệm Elizabeth II – là vị vua Anh Quốc cuối cùng qua đời vì chinh chiến – quân của Henry VII đã giết Richard trong trận đánh Bosworth vào tháng 8. 1485.

Cái chết của ông là hồi kết cho cuộc chiến giữa họ nhà Lancaster và họ nhà York. Vì biểu tượng của hai nhà này đều là hoa hồng nên người đời gọi nó là “Cuộc chiến hoa hồng” (Wars of the Roses) – Henry VII cưới con gái Elizabeth của vua Edward IV quá cố; Edward IV lại thuộc nhà York nên đám cưới này chính thức hòa hợp cả hai nhà. Triều đại mới ra đời dưới tay Henry VII, lấy tên triều đại Tudor, với biểu tượng là hoa hồng trắng nằm trong hoa hồng đỏ.

Biểu tượng hoa hồng trắng đỏ của nhà Tudor, hình chụp một phần của tấm kính màu trong một nhà thờ (không rõ tên) ở Anh.

 

Ảnh tư liệu tại cuộc họp báo ở London hôm 5. 2. 2013, chụp mô hình mặt vua Richard III, các chuyên gia dùng nhựa để dựng lại gương mặt ông lưng còng từ hộp sọ mới khai quật. Ảnh: Justin Tallis

Ghi chép lịch sử cho biết, ai đó đã dùng ngựa thồ đem thân xác trần trụi và máu me của Richard III về Leicester trước khi chôn ông tại một tu viện dòng thánh Francis. Qua 500 năm, tung tích về di hài Richard III vẫn còn là một chủ đề bí ẩn, đến khi người ta phát hiện thấy hài cốt của ông vào tháng 9. 2012 trong lúc xây dựng dự án bãi đỗ xe công cộng cho khu chợ ở thành phố Leicester.

Các nhà khảo cổ sau đó xác nhận bộ xương là di hài của Richard III nhờ đối chiếu DNA với hậu duệ của em gái ông, họ cũng xém xét manh mối từ những vết thương chiến trận và phần sống lưng còng vẹo của ông. Chính đội khảo cổ đã quyết định rằng thi hài đầy vết tích chinh chiến này nên nằm ở Leicester, tại giáo đường thành phố, Bộ Tư pháp Anh và hội đồng địa phương cũng ủng hộ quyết định này. Nhưng nhóm Plantagenet Alliance (Liên minh Plantagenet) – vốn là hội của những người ủng hộ vua Richard III, tuyên bố rằng thể theo nguyện vọng “của vị vua cuối cùng của thời trung cổ Anh” thì ông muốn yên nghỉ tại quê hương York.

Richard lớn lên tại York và từng cấp kinh phí dể trùng tu/nới rộng bức tường thành cổ cho nơi mình đã chôn nhau. Phán quyết về vụ chôn cất ông lưng còng quả là khác thường, liên quan đến hơn 500 năm lịch sử, đến cả Shakespeare, đến Thomas More (luật sư kiêm nhà cố vấn cho họ Tudors, có nhiều ghi chép lịch sử về Richard III), và chứng cứ DNA. Các thẩm phán phát biểu rằng quyết định về nơi chôn cất đã “khơi dậy nhiều nỗi niềm bức xúc và hao tốn bao giấy mực”.

Một phần của bức tường thành ở York mà Richard III có công trùng tu/nới rộng

Nhưng họ cũng công nhận rằng “không có cơ sở pháp luật nào để tòa án can thiệp vào quyết định này.” Vở kịch “Richard III” từ lâu đã gắn liền vị vua này với hình tượng của một tên bạo chúa lưng gù khát máu, một kẻ cướp ngôi phản trắc, mặc dù các sử gia đời sau có đặt nghi vấn về độ xác thực của những miêu tả trên. Trong vở kịch, Richard đã thốt lên câu “Một con ngựa, một con ngựa, đổi vương quốc lấy một con ngựa” khi ông tìm cách tẩu thoát khỏi chiến trường, trước khi vua Henry VII tương lai kết liễu ông.

Ý kiến - Thảo luận

15:56 Tuesday,18.8.2015 Đăng bởi:  Phương
Viết tiếp loạt bài Lịch Sử Hoàng Gia Anh đi chị Pha Lê ơi...
...xem tiếp
15:56 Tuesday,18.8.2015 Đăng bởi:  Phương
Viết tiếp loạt bài Lịch Sử Hoàng Gia Anh đi chị Pha Lê ơi... 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả