|
|
|
|||||||||||||
Nhiếp ảnhNhờ Herlinde Koelbl, mới biết hóa ra có lắm loại bia tập bắn 27. 08. 14 - 4:49 amHoàng Lan lược dịchHerlinde Koelbl chào đời tại Bavaria chỉ một tháng sau khi Thế chiến II bùng phát. Chẳng biết có phải vì thế nên hình bà chụp thường mang chủ đề quân sự . Lần đầu tiên nữ nhiếp ảnh gia này chụp hình bia tập bắn là vào năm 1984; theo lời bà tả, chiếc bia đó “dựng giữa những luống cày trên một cánh đồng, bị bắn tả tơi”. Mặc dù Herlinde không xuất bản bức ảnh ấy, nhưng trong gần 25 năm, nó cứ ám ảnh tâm trí bà như “một biểu tượng của bạo lực và chết chóc,” cho đến khi bà chịu hết nổi và bắt đầu chụp loạt ảnh “Bia tập bắn” vào năm 2008. Hiện tại, Bảo tàng Lịch sử Đức ở Berlin đang mở một triển lãm cho “Bia tập bắn,” dự định kéo dài đến hết 5. 10. 2014 “Chỉ có Triều Tiên (là không cho tôi vào doanh trại chụp bia tập bắn)”, Herlinde nói. “Ở các nước khác, tôi đều được phép; đôi lúc họ cử một sĩ quan duy nhất theo chân tôi, đôi lúc họ cử nhiều người hơn. Tôi nghĩ bọn họ xem tôi như một người đàn bà lập dị. Quân đội là thế giới của đàn ông và họ gần như chỉ quan tâm đến mấy khẩu súng, hoặc các thứ vũ khí hạng nặng. Ngoài tôi ra chẳng ai bận tâm đến bia tập bắn cả. Họ có vẻ hơi bất ngờ khi tôi muốn chụp hình chúng.” Các tấm bia tập bắn kể một câu chuyện thú vị, không chỉ về việc huấn luyện tân binh cách bắn giết, nhưng về bộ mặt đang thay đổi của chiến tranh – điều Herlinde Koelbl gọi là “ngành công nghiệp chiến tranh mang tính toàn cầu, với công nghệ ngày càng phát triển.” Tại Israel, các bia tập bắn bà chụp là những mô hình bản sao của nhiều thị trấn Palestine ngoài đời thực, trong đó bao gồm ngân hàng Palestine, tòa thị chính, và cả nhà dưỡng lão. Tại doanh trại Irwin ở California, bà đã gặp một thành phố Trung Đông rộng lớn do các chuyên gia dựng cảnh Hollywood thiết kế, trong đó đầy những thánh đường Hồi giáo với mái vòm vàng. Khi chiến tranh thay đổi, bộ mặt quân thù cũng khác đi. Một anh lính Mỹ nói với Herlinde Koelbl khi hộ tống bà đến khu tập bắn: “Thời xưa, bia tập bắn của tôi có màu xanh lá, mang hình một anh lính người Nga”. Khi chiến tranh lạnh lui vào sử sách, người Nga hóa thân thành “ Một chàng Ả Rập da ngâm đen mặc trang phục Trung Đông.” “Kẻ thù có thể trông khác nhau”, Herlinde nói, “nhưng mỗi người lính đều tin rằng anh ta đang chiến đầu cho phe chính nghĩa, và họ được huấn luyện để giết phe đối nghịch. Tâm lý ấy bắt đầu ngay từ lúc họ tập bắn bia”. Herlinde Koelbl là một nhiếp ảnh gia phóng sự xuất chúng người Đức. Để chụp loạt ảnh này, bà đã chu du khắp nơi, ghi lại những bia bắn từ thô sơ (làm từ các mảnh vải, giấy bìa cứng, giấy thường) do đội quân bán hợp pháp của Bắc Iraq, Kurdistan, và Tây Sahara dựng nên; cũng như các hình nhân điều khiển từ xa thật hiện đại, có gắn bánh xe của Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất. Tại Anh và Đức, bà cho biết, các bia bắn thường trông rất lỗi thời. “Chúng là những hình tượng đơn giản, chẳng thay đổi gì mấy kể từ Thế Chiến thứ Hai”. Trong triển lãm ở Berlin, Herlinde đặt một bức ảnh chụp trường tập huấn đầy bia bắn cạnh một bức ảnh chụp nghĩa trang quân đội. “Tôi nhận ra rằng trường tập huấn ấy trông chả khác gì một nghĩa trang lạ lùng với hàng hàng dãy dãy các bia hình nhân giống nhau”, bà nói. “Hai hình ảnh nghĩa trang/trường tập rất khớp với nhau – vì tất cả những người yên nghỉ bên dưới đều từng là mục tiêu nhắm bắn của người khác.” Ý kiến - Thảo luậnBài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|