|
|
|
|||||||||||||
Tạp hóa - Xã hộiChuyện một fan cuồng trong mùa bóng đá 03. 07. 14 - 7:19 amSáng ÁnhMỗi kỳ World Cup đến, đâu đó và khắp nơi trên thế giới, có kẻ bán xe, cầm nhà, mất việc, người thì bỏ làm hay xao lãng nhiệm vụ, quên vợ quên con. Chí ít là cũng thờ ơ bổn phận, ở những chốn kênh giờ với nơi đấu bóng: chỗ thì vặn đài nghe lén trong giờ hành chính, nơi lại thức gật gà thâu đêm. Bổn phận thì có nhiều thứ, bổn phận gia đình, bổn phận làm cha, làm chồng, làm người tình. Bổn phận lao động, bổn phận công tác v.v. nhưng có lẽ trong bằng ấy thứ bổn phận, quan trọng hàng đầu là bổn phận quân nhân thời chiến ngoài mặt trận. Anh Eli Geva là một sĩ quan trẻ trong quân đội Israel. Trong cuộc chiến với Syria và Ai Cập năm 1973, anh được tuyên dương đỏ ngực, một trong những anh hùng của Thiết đoàn 188 trên đỉnh Golan. Trong trận “Thung lũng nước mắt” này, hầu hết sĩ quan của Thiết đoàn đã tử trận, 100 tăng Israel giữ tuyến đẩy lui được 500 tăng Syria. Nhưng cuộc chiến này kéo dài có 20 ngày, chứ không kéo dài đến kỳ World Cup 1974 tại Tây Đức. Phải nói, chiến tranh là tình trạng bình thường tại Israel chứ không phải là tình trạng thất thường. Quốc gia này lúc nào cũng trong tình thế ứng chiến hăm hở nhưng không phải lúc nào cũng có những trận đánh hay chiến dịch lớn xảy ra. Đến World Cup 1978 tại Argentina thì chiến sự tại Trung Đông yên ả, hết mùa hạ và mùa bóng đá này lại có thêm thỏa ước Camp David giữa Israel và Ai Cập, dẫn đến hiệp ước hòa bình song phương 1979. Nhưng hòa bình là song phương với lại Ai Cập. Khỏi phải lo nữa về mặt Tây với lại nước này, Israel quay sang phía Đông, về mặt Lebanon, là nơi Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) lúc đó đang trú đóng ở nhờ (không có nhà và bị đuổi thì ở nhờ chứ sao). Trong 9 năm, từ 1973 đến 1982, Eli Geva nhờ xuất sắc và chuyên cần, lên đến quân hàm Đại tá vào lúc mới có 32 tuổi. Anh là Đại tá trẻ nhất trong quân lực. Đã ở trong binh nghiệp, ai không muốn làm tướng, giơ tay lên! Đã lên đến Đại tá, ai không muốn làm tướng, giơ tay lên! Dĩ nhiên, chẳng ai giơ tay lên hết, và Eli Geva cũng chẳng có trong số giơ tay này. Quân đội là thành trì của Israel, nghề binh là một nghề được cả nước yêu mến và kính trọng, và tướng lãnh nào cũng được coi là anh hùng quốc gia. Đại tá đã đành có lắm thứ, Đại tá Tiếp vận, Đại tá Hậu cần, Đại tá Nhân sự v.v. và đằng này Eli Geva là một Đại tá tác chiến. Anh là một Đại tá Thiết giáp, tức là một trong những binh chủng được ngưỡng mộ hàng đầu của quân lực (hai binh chủng kia là Không quân và Nhảy dù). Nhưng như đã nói, cái kiểu chiến tranh lúc hâm lúc nguội với lại du kích Palestine từ 1973 đến 1982 không phải là môi trường để chiến xa được thi thố. “Tao lấy tăng đuổi ba thằng nó chạy đứt cả quai dép” không phải là điều có thể vỗ ngực ở bàn rượu. May sao cho Eli Geva, mùa hè 1982, Israel quyết định xâm lăng rầm rộ Lebanon, tiêu diệt toàn bộ PLO ngay tận hang ổ với chiến dịch gọi là “Hòa bình tại Galilée”. Anh được trao cho chỉ huy thiết đoàn 211, từ biên giới đánh thọc lên. Ở giờ G này, tương lai của Eli Geva sáng đến độ ai gặp anh cũng phải đeo kính mát. Mới ngoài 30 tuổi, chỉ huy một thiết đoàn xe tăng đi đầu đánh sang một nước Ả Rập trong tổng chiến dịch dọn sạch PLO, không lên tướng mới là lạ. Mà đã Đại tá trẻ nhất thì khả năng trở thành tướng trẻ nhất là…lô gích! Sau trận chắc thắng này, Israel đánh trận nào mà chả chắc thắng, “Người về từ Lebanon” cứ đến party là thiếu nữ chưa chồng sẽ bấm nhau khúc khích, bước vào hàng quán các cô hiện diện sẽ trề ngực ra và chỉnh lại son môi. Tổng Tham mưu trưởng sẽ mấy hồi, rồi về hưu ra ứng cử đại biểu, làm bộ trưởng, biết đâu thủ tướng! Tại Israel quân nhân nổi tiếng cũng như là cầu thủ bóng đá, chuyển sang lãnh vực ca nhạc lên sàn diễn là có ngay khán giả. Eli Geva mỉm cười nhưng không may cho anh, mùa hè năm 1982 cũng lại là mùa World Cup ở Tây Ban Nha. Chiến dịch diễn ra suôn xẻ, tại miền Nam Lebanon, PLO vỡ tuyến, vỡ hàng, triệt thoái về Beirut. Lữ đoàn 35 Nhảy dù bám sát, đuổi theo về đến vòng đai thủ đô. Thiết đoàn 211 được chỉ định làm mũi nhọn mở đường tiến chiếm thành phố. Đây là lần đầu quân Israel đe dọa thủ đô của một nước Ả Rập và Eli Geva trong hàng đầu hùng binh này cổ tưởng là sẽ choàng vòng hoa, đi vào quân sử quốc gia, mấy đời sau trẻ con cấp 1 vẫn sẽ còn nhớ tên khi tập đánh vần. Nhưng ngày hôm đó lại là ngày Algeria gặp Tây Đức trong vòng sơ tuyển. Đội Tây Đức cho biết trước, sẽ tặng quả gôn thứ 7 cho các bà vợ ở nhà và quả thứ 8 cho chó của họ. Một cầu thủ tuyên bố, sẽ đấu với Algeria trong khi hút xì-gà. Huấn luyện viên đội Đức có băng thu các trận đấu trước đây của Algeria nhưng không buồn bắt các cầu thủ Đức xem để điều nghiên. Ông phát biểu, Đức mà thua ông sẽ đáp ngay tàu về Munich. Trong bầu không khí đó, Eli Geva họp bộ chỉ huy lại. Anh nhắc những ngày trên Golan, Israel bắn cháy 300 tăng Syria. Một sĩ quan bảo nhưng 1973 không có World Cup và nếu có thì trên đỉnh cũng không bắt được sóng truyền hình. Một người khác lại bảo, ở đây Beirut thì bằng phẳng, lại bắt được khối TV của dân chúng bỏ lại, mà máy phát điện với lại ăng-ten thì chiến xa có thừa. Nhất trí là không thể bỏ qua trận David-Goliath này được, vì truyền thống của dân tộc Do! Vậy là mọi người tụ tập chung quanh các màn hình. Elia chợt nhớ ra là phải báo cho sếp. Anh lên máy gọi sư trưởng Amos Yaron. Anh bảo ngắn gọn “Tôi thấy trước mặt rất nhiều thường dân, tiến vào sẽ gây tổn thất cho họ, trung tướng có nghe thấy họ đang hò reo (“Algérie! Algérie!”) không?” rồi bảo thuộc cấp khui bia ra và tìm mồi (kosher) nhấm nháp. Mới vào hiệp, cầu thủ chưa nóng máy thì trung tướng chỉ huy Bắc phần Amir Drori gọi lại hỏi anh báo cáo gì? Geva đáp “Tôi còn thấy có cả đàn bà trẻ con, tôi không đánh vào được vì thế thì thất đức” rồi xem tiếp chứ. Giữa hai hiệp thì có điện của Tham mưu trưởng Rafael Eitan. Hiệp đầu tuy Algeria không ghi được bàn nào nhưng đã tỏ ra là áp đảo đội Đức làm họ sửng sốt (và rơi cả xì-gà đang ngậm trên sân). Có thì giờ vì đang nghỉ đá, Geva viện cớ dông dài tấn công là thất đức, thiệt hạ cho thường dân vô tội chẳng dính dáng gì đến khủng bố, công ước quốc tế Geneva với lại Nghĩa, Lễ, Chí, Tín. Cầu thủ ra sân trở lại, chàng cúp máy. Đến phút 54, Algeria ghi bàn thắng đầu tiên dành tặng riêng cho vợ các cầu thủ Đức. Các anh Đức lồng lộn ghi lại bàn huề ở phút 67, vừa lọt lưới thì ở đầu máy là đích thân Bộ trưởng Quốc phòng, tướng Ariel Sharon. Geva biết tẩy của ông này, làm chết thường dân vô tội vạ, có nói với ông cũng bằng thừa, ông sẽ ra lệnh giết thêm cho một mớ. Mắt vẫn không rời màn hình, anh báo cáo “Thưa bộ trưởng, phố nhỏ ngõ nhỏ nhà dân ở đó và từng mái ngói rong rêu, đẩy tăng vào thì nó mai phục, nướng quân ta không hết!” Thường dân thì bất cần nhưng trước đây, Sharon đã từng mang tội nướng quân và bị mất chức nên ông ta lẳng lặng không nói gì. Algeria ghi luôn bàn thắng thứ nhì (lần này tặng cho chó của cầu thủ Đức). Máy lại reo, đây là vị tướng lãnh thứ năm, đúng hơn là một cựu tướng lãnh gọi đến. Ông này là Yosif Geva và thân phụ của Đại tá Eli Geva. “Sharon cho tao biết, mày hèn thế à?” Con không hèn nhưng con đang xem bóng đá, Eli định trả lời cha. Nhưng anh nhẫn nhịn mà giải thích “Giờ họ giáng con xuống hàng trưởng xa thì con lái ngay tăng đầu vào phố, con chấp hành nhưng con không ra lệnh cho lính con vào chỗ chết vô ích và giết hại thường dân”. Từ đó có thành ngữ, xếp bảo không nghe bố dậy không được vì mê bóng và Ngũ tướng không bằng một trận đá.
Algeria thắng Đức 2-1 nhưng bị loại khỏi vòng trong vì Đức âm mưu toa rập với Áo trong trận sau, nhưng thế cũng đủ vẻ vang vào năm 1982 cho bóng đá của một nước nhược tiểu vừa đại diện cho dân tộc Ả Rập và vừa đại diện cho châu Phi. Đại tá Geva bị đuổi khỏi quân đội, Thiết đoàn 211 sau đó bị phân tán đổi danh. Đối với người Palestine và người Ả Rập thì Israel từ lúc lập quốc đã bất chính, nhưng chiến tranh Lebanon năm 1982 đối với ngay người Israel là chiến tranh phi chính nghĩa đầu tiên của họ mà biểu tượng là hành động bất tuân của Đại tá Eli Geva. Quân Israel không tiến vào thủ đô Beirut, thả vệ binh Ki tô Lebanon thảm sát vài ba ngàn người tị nạn Palestine trong các trại Sabra và Shatila. Uỷ ban điều tra Kagan của nhà nước Israel kết tội tướng Sharon đồng loã khiến ông phải bỏ ghế Quốc phòng nhưng sau lại làm thủ tướng (như trong thành ngữ khác “Thua bộ trưởng sau làm thủ tướng”). Từ đó, không biết Eli Geva làm gì để mưu sinh. Qua 8 mùa World Cup, Algeria lại dũng cảm đụng Đức vào 2014, tuy lần này thua 2-1 một cách không kém vinh quang. Phần Eli, anh mất cả sự nghiệp, chẳng có ai làm phim ca tụng như phim biệt kích giải thoát con tin Entebbe nhưng tôi nghĩ là anh không cần. Tám mùa qua, anh nằm nhà coi World Cup thoải mái với lương tâm, mà chẳng bị mấy cha nội tướng lãnh nào, kể cả cha anh, lệnh với lạc phiền hà. * Ý kiến - Thảo luận
17:28
Thursday,3.7.2014
Đăng bởi:
SiêuNoob
17:28
Thursday,3.7.2014
Đăng bởi:
SiêuNoob
Bài trong đường link mà bác Sáng Ánh cho hay quá. Cảm ơn bác.
16:38
Thursday,3.7.2014
Đăng bởi:
SA
Xin cám ơn bạn brazuka
Đại tá Geva là người tôi thực sự ngưỡng mộ và biết ơn...tha mạng. Khối kẻ chỉ mong có dịp múa gươm mà lên tướng, có chết ai cũng mặc kệ. @Candid Năm nay mình không có dịp về Beirut làm gì, ở đấy cũng chán @siêunoob Vào lúc đó mình có mặt ch ...xem tiếp
16:38
Thursday,3.7.2014
Đăng bởi:
SA
Xin cám ơn bạn brazuka
Đại tá Geva là người tôi thực sự ngưỡng mộ và biết ơn...tha mạng. Khối kẻ chỉ mong có dịp múa gươm mà lên tướng, có chết ai cũng mặc kệ. @Candid Năm nay mình không có dịp về Beirut làm gì, ở đấy cũng chán @siêunoob Vào lúc đó mình có mặt chứ, nên mới nhớ mãi đến ông Geva ân nhân này. Đã chứng kiến đì đoẹt giữa vệ binh quốc gia Lebanon và thành phần trinh sát (Lữ đoàn Dù 35 hay bộ binh tùng thiết của 211) đang lấp ló mà lo sót vó. Sau khi mình mới rời khu vực thì 1 bạn vệ binh bị thương được cáng về. Lo là phần mình nhưng phía Lebanon rất hăm hở, chỉ đợi tăng vào để làm thịt và tôi nghĩ là Geva nói đúng, thường dân sẽ chết bộn mà thiệt hại của quân ông cũng sẽ rất là cao.http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=7383&rb=0507 Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
Bài trong đường link mà bác Sáng Ánh cho hay quá. Cảm ơn bác.
...xem tiếp