Khác

Đi hội chợ: Háo hức rồi nguội dần,
nguội hẳn 20. 09. 10 - 12:23 am

Bún Ốc Nguội

LỄ HỘI LÀNG NGHỀ, PHỐ NGHỀ THĂNG LONG – HÀ NỘI

Từ 16 – 21. 09. 2010
Công viên Bách Thảo
Miễn phí sau khi trả 4.000 VNĐ vé vào công viên

 

 

Đồ chơi ở phố Hàng Thiếc. Ảnh: tư liệu

Tôi đọc trên Soi thông tin về Lễ hội Làng nghề, Phố nghề Thăng Long ở Bách Thảo. Lại cẩn thận “sợt” mạng xem thêm cho chắc, thấy quảng cáo:

“Lễ hội lần này tổ chức tại Bách Thảo là nơi tôn vinh những làng nghề, phố nghề, những bàn tay vàng, những nghệ nhân, nghệ sỹ tài hoa của đất Thăng Long, nghìn năm mới tổ chức một lần…” (Nguồn ANTĐ)

Thế thì không thể nào bỏ lỡ được!

Lễ hội tổ chức từ ngày 16 đến 21.9. Tôi nhịn đến ngày 18, sáng thứ Bảy rảnh rỗi mới đi, tức là vào chính giữa của Lễ hội. Trên đường đi, tôi chắc mẩm 2 điều:
– Một là: (theo Soi) sẽ phải mua vé 4.000đ vào cửa công viên.
– Hai là: ngày thứ Bảy thiên hạ được nghỉ, chắc sẽ phải chen chúc lắm đây.

Kinh nghiệm nhiều lần đi hội chợ ở Hà Nội từ ngày xửa ngày xưa làm tôi rất khiếp hãi, hàng hóa thì ít và đắt hơn ngoài, thế mà lần nào cũng chen bẹp ruột. Từ đó cứ nghe thấy hội chợ tôi thường tránh, nhưng lần này “ngàn năm một thuở”, cho nên dù chết cũng cứ liều đi.

Nhưng hóa ra cả hai phỏng đoán đều sai. Thứ nhất, công viên mở rộng cửa, không thu vé. Và thứ hai, người không hề đông.

Cái thứ hai này làm tôi bối rối không biết nên mừng hay nên nản. Bản năng mình vốn sợ đám đông, nhưng trí khôn mách bảo đi chợ nào mà vắng, thì cũng không phải là điềm hay cho lắm.

Vừa bước vào khu lễ hội, đập vào mắt là hai con rồng gốm Kỷ lục Việt Nam. Những gian hàng đầu tiên là gian Gốm sứ, có chừng khoảng mươi người đang ngó nghiêng. Tôi rất thích khu trưng bày gốm mosaic, đơn giản vì đang mơ mộng sẽ làm một cái gì đó màu sắc tươi tắn với ngôi nhà tương lai của mình. Nhưng tôi nhìn quanh, hỏi mấy lần không thấy người phụ trách gian hàng đâu cả. Đánh liều lấy một tập quảng cáo để sẵn ở đó rồi đi tiếp.

Các gian hàng bày vòng quanh khuôn viên rộng tới 12 ha của Bách Thảo, chia từng cụm theo miền, có đủ cả Bắc, Trung, Nam. Nhìn chung không sai với quảng cáo:

Điểm nhấn của lễ hội là việc trưng bày các sản phẩm của các làng nghề, phố nghề truyền thống của Thăng Long xưa – Hà Nội nay như làng gốm Bát Tràng, làng dát vàng Kiêu Kỵ; làng dệt lụa Vạn Phúc; làng mỹ nghệ Sơn Đồng; làng mây tre đan Phú Vinh…
Lễ hội còn tái hiện một số địa danh phố nghề ở Hà Nội như phố Hàng Nón, Hàng Mã, Lãn Ông, Hàng Quạt…
Tại mỗi gian nhà mô phỏng theo típ nhà cổ Hà Nội, những nghệ nhân thao diễn nghề, người làm nghề, công  cụ làm nghề và các sản phẩm nghề bày bán.
Tại lễ hội còn trưng bày các tác phẩm xác lập kỷ lục Việt Nam như quạt mây của nghệ nhân Dương Văn Mơ (Chàng Sơn); bình hoa sen mây lớn nhất của Nguyễn Phương Quang (Phú Vinh); Thiên đô chiếu của Trần Bá Nam (khảm ốc); Phố gốm của Trần Mạnh Tuấn (Bát Tràng)…”

Quạt khổng lồ của làng Chàng Sơn. Ảnh: VNE

 

Tôi tự hỏi có phải vì mình đã sống (gần) cả đời ở Hà Nội, và cũng đi khá nhiều, cho nên bị chai sạn cảm giác rồi chăng. Nhưng bất kể tất cả những gì để chứng tỏ một cố gắng lớn của ban tổ chức, thì cảm giác chung của tôi khi đi một vòng quanh lễ hội là hơi nguội nguội. Giống như bát bún ốc tôi gọi ăn trong khu Ẩm thực. Nó không có gì sai, đủ bún, ốc, hành, ớt, thêm cả đậu phụ rán bỏ vào. Ta có tất cả, một bát bún ốc Hà Nội ở Bách Thảo cổ kính xanh mát, giữa lễ hội làng nghề Thăng Long “ngàn năm mới có một lần”… thế nhưng ăn xong rồi đứng lên, cứ thấy thiếu thiếu gì đó.

Thiếu người chăng? Ở xứ sở ra đường là tắc nghẽn những người này, một lễ hội qui tụ văn hoá bao nhiêu vùng miền, vừa mua sắm, ăn uống được mà vắng đến thế là chuyện lạ. Thế nhưng thực tế là từ sáng đến trưa ngày thứ Bảy, tôi chưa bị/được chen lần nào trong lễ hội cả. Hay chỉ riêng hôm đó thôi, tôi không đi mỗi ngày nên cũng không biết được?

Nếu hôm nào cũng vắng vẻ, thì vấn đề nằm ở đâu?

Cảm giác của tôi khi đi xem cứ băn khoăn, không biết “nó” là triển lãm, hay là chợ? Nếu là triển lãm, thì các gian hàng có vẻ hơi thiếu thông tin, thiếu người (nhiệt tình) sẵn sàng đứng ra giải thích cái gì là cái gì. Nếu là quầy hàng, thì đồ trưng bày lại hơi có vẻ triển lãm nên khách ngại hỏi mua. Những người của mỗi gian hàng có lẽ đều bận rộn làm việc riêng. Chỗ thì tôi không thấy ai đứng đó, chỗ có thì họ đang bận tán chuyện, hoặc chỉ nhìn khách như mỗi người là một tên trộm tiềm năng. Họ có thể là người làm nghề, hay nhân viên gì đó, nhưng chắc đều không được đào tạo để đón khách hay để bán hàng chuyên nghiệp. Cho nên quầy hàng đẹp, sản phẩm nhiều cái không dở, nhưng thiếu một “nhịp cầu thân ái” nối khách hàng vào với cái hồn của lễ hội, làm cho lễ hội thành nhạt nhẽo.

Khu vực trưng bày của làng đan Phú Vinh với nơm úp cá. Ảnh: VNExpress

 

Và thêm một điều nữa, là rác bẩn khắp nơi. Nghe nói chuẩn bị cho lễ hội này, hơn 100 nhân viên đã làm việc cật lực suốt từ nửa đầu tháng 9 để dựng lên một không gian đẹp đẽ. Bao nhiêu công sức, thế mà khi dựng xong thì để cho khách mặc sức xả rác thỏa thích. Giá chỉ để vài ba người thường xuyên đi nhặt rác hoặc nhắc nhở khách đừng vứt rác, có phải đã gây ấn tượng đẹp hơn nhiều không? Chẳng khác gì bỏ bao công sức may chiếc váy dạ tiệc đẹp nhất, rồi cứ để nó lõm bõm quệt bùn mà đi dự hội, trong khi chỉ cần rón tay nhấc lên một tí để giữ gìn. Nhưng so sánh thế cũng khập khiễng, vì váy thì là của một người mặc, còn lễ hội thì là cha chung rồi. Một khi khai mạc xong, không còn ai kiểm tra nữa, thì rác mặc kệ nó chứ?

Thú thật là khi bước chân vào lễ hội, tôi đã hứng chí suýt gọi điện xui bạn bè người thân cùng đến cho biết. Nhưng lúc đi xem được nửa đường, thì ý định đó nguội dần. Và cảm tưởng cuối cùng khi ra khỏi cửa, là hơi ngậm ngùi cho một nghìn năm Thăng Long.

 

*

Bài liên quan:

– Đi hội chợ: Háo hức rồi nguội dần, nguội hẳn
– Coi chừng lỗi nhỏ phá hỏng công to

 

Ý kiến - Thảo luận

17:00 Monday,20.9.2010 Đăng bởi:  Hell Angel
Chắc tác giả đi vào buổi sáng nên vắng đấy, buổi chiều t7 mình đi cũng đông lắm, tất nhiên cũng không đông như hội trợ triển lãm tết, nhưng mà cũng chả có lúc nào chỗ trống ở các điểm để chụp hình mà không bị vướng người đâu...
...xem tiếp
17:00 Monday,20.9.2010 Đăng bởi:  Hell Angel
Chắc tác giả đi vào buổi sáng nên vắng đấy, buổi chiều t7 mình đi cũng đông lắm, tất nhiên cũng không đông như hội trợ triển lãm tết, nhưng mà cũng chả có lúc nào chỗ trống ở các điểm để chụp hình mà không bị vướng người đâu... 
9:23 Monday,20.9.2010 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
Em có ý kiến là chúng em rất hay thích mải chơi vào mấy ngày lễ hội (nhất là lần nào trốn được không phải đi học càng vui) nhưng cũng thấy không khí chỗ nào cũng nhạt nhạt, mọi trò không hấp dẫn như trình diễn ở Nhà Sàn ạ. Chúng em đoán là tại vì là các cô các bác nghệ nhân không được ngồi ở phố nghề, làng nghề với
...xem tiếp
9:23 Monday,20.9.2010 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
Em có ý kiến là chúng em rất hay thích mải chơi vào mấy ngày lễ hội (nhất là lần nào trốn được không phải đi học càng vui) nhưng cũng thấy không khí chỗ nào cũng nhạt nhạt, mọi trò không hấp dẫn như trình diễn ở Nhà Sàn ạ. Chúng em đoán là tại vì là các cô các bác nghệ nhân không được ngồi ở phố nghề, làng nghề với bà con hàng phố quen thuộc, nên các cô các bác ấy trông cứ ngượng ngượng thế nào í ạ, thậm chí có chú còn cảnh cáo dọa đánh chúng em vì có bạn thích tí toáy vào đồ nghề của chú. Bùn wá :-(;. Tại sao các phố Hàng không tự tổ chức tại phố mình, Hàng mình có vui không ạ. Thế là chúng em đứa ở phố này sang chơi nhà đứa phố kia, vừa quen vừa vui ạ. Chúng em chả thích những cái "vui mô phỏng, sung sướng mô phỏng" đâu ạ. Chúng em thích vui thật vui, thích thật thích cơ ạ. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả