Nghệ sĩ Việt Nam

Vũ Nhật Tân và Noise Music 11. 04. 10 - 2:39 am

SÓNG NHẠC & SOI

Tờ New York Time đã dành cho nhạc sĩ Vũ Nhật Tân những dòng thế này: “Vũ Nhật Tân đã tìm được sự cảm hứng trong âm nhạc cổ, trong âm nhạc dân gian, âm nhạc cung đình và thính phòng từ những vùng khác nhau của Việt Nam. Để rồi, những ảnh hưởng ấy trở thành đỉnh điểm qua những âm thanh đôi khi là huyền bí, đôi khi chói gắt của cuộc sống…

Vũ Nhật Tân tại Hà Nội, 2006. Ảnh: Nghệ sĩ cung cấp

Sớm thành tài

Với bạn bè, Vũ Nhật Tân là: “gã đầu trọc luôn sẵn sàng cháy hết mình cho bạn bè, cho những cuộc chơi và sẵn sàng chấp nhận mọi thiệt thòi, chỉ cần được sống với đam mê”. Còn anh tự nhận mình là gã “cà phê đen không đường, không đá, đun sôi sùng sục”. Chàng nhạc sĩ đi tiên phong trong dòng nhạc đương đại của Việt Nam hay người sắp đặt âm thanh đầu tiên ở Việt Nam có rất nhiều điều…hấp dẫn.

Vũ Nhật Tân được thừa hưởng tài năng âm nhạc của cha anh, PGS, TS Vũ Nhật Thăng-một trong những nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc hang đầu Việt Nam. Anh giành được bằng cử nhân xuất sắc ở cả hai chuyên ngành: Sáng tác và lý luận âm nhạc của Nhạc viện Hà Nội. Không chỉ vậy, anh còn sử dụng thành thạo rất nhiều nhạc cụ, từ piano, tới sáo, guitare và làm chủ bộ gõ.

Vũ Nhật Tân tại Oslo Norway, 2007

Khi đang còn ngồi trên ghế nhà trường, Vũ Nhật Tân đoạt những giải thưởng âm nhạc danh tiếng. Đó là giải ba cuộc thi sang tác cho nhạc cụ dân tộc tại Hà Nội với tác phẩm hòa tấu soạn cho nhạc cụ truyền thống Việt Nam năm 1992 và giải nhất cuộc thi sáng tác Saint-German-en-Laye tại Pháp cho tác phẩm Ký ức năm 1995.

Gã Judas của nhạc cổ điển

Con đường đến với dòng nhạc bác học chính thống đã mở rộng cánh cửa đón Vũ Nhật Tân và anh cũng đã được công nhận là nhà soạn nhạc chuyên âm nhạc giao hưởng, nhạc thính phòng, độc tấu nhạc cụ và soạn cho nhạc cụ truyền thống Việt Nam. Vậy mà năm 2000, Vũ Nhật Tân đột ngột công bố những tác phẩm mà bây giờ, người ta mới biết rằng chúng thuộc dòng âm nhạc đương đại. Đó là những tác phẩm mà ở đó, người ta thấy tiếng va đập của kim loại, tiếng xe cộ trên đường phố, tiếng rao hàng, tiếng cạo gỗ, tiếng miết bàn…Chúng được Vũ Nhật Tân thể hiện bằng các loại nhạc cụ kèn, sáo, nhị…và…các loại vật dụng có thể tạo ra âm thanh, từ máy bơm dầu đến xoong, chảo.

Vũ Nhật Tân trình diễn nhạc thể nghiệm tại Sài Gòn, 2006

Vũ Nhật Tân không chỉ mở rộng khái niệm nhạc cụ, mà còn khám phá ra nhiều phong cách biểu hiện với chúng. Với sáo, anh không chỉ thổi mà còn vỗ. Với những nhạc cụ dây, như violon, đàn bầu, đàn nguyệt…vốn chỉ dùng để kéo, gẩy thì anh bứt, rứt, giật dây đàn, đạp, đấm, đá… Đã thế, Vũ Nhật Tân lại sử dụng công nghệ thông tin mới nhất làm cho chúng có lối biểu cảm mãnh liệt tới mức làm người nghe bị bứt rứt, bị mất ngủ.

Những năm đó, nhiều người làm âm nhạc ở Việt Nam còn phát biểu: “Chả hiểu thằng cha này chơi nhạc kiểu gì mà trình diễn với mỗi cái máy tính xách tay”. Tên những tác phẩm theo dòng nhạc này của anh cũng lạ tai, nào là Búng (búng, bủng bùng bung), Vạc (vác, vạc, vàc, vảc), Xổm…Khi ghi âm những tác phẩm này, Vũ Nhật Tân còn mở toang cửa phòng thu để thu cả tiếng xe máy đi lại, tiếng người cười nói…

Khi người trong nghề và hầu hết công chúng ở Việt Nam vẫn còn ngỡ ngàng với những tác phẩm này thì năm 2005, Vũ Nhật Tân lại tìm tới một thể loại âm nhạc mới hơn nữa: noise music (âm nhạc tiếng ồn). Anh lắng nghe những âm thanh hỗn độn trong cuộc sống thường nhật để nhặt ra từ đó những âm thanh, tiếng động có tiết tấu và giai điệu nội tại của cuộc sống, như tiếng máy bơm nước, máy khoan, máy dệt, tiếng xe cộ qua lại hay tiếng người nói chuyện…

Vũ Nhật Tân và Nguyễn Mạnh Hùng biểu diễn tại Viện Goethe Hà Nội, 2006

Có thể kể đến một tác phẩm của Vũ Nhật Tân ở giai đoạn này là I love phở (Tôi yêu phở) được sáng tác tác phẩm này dựa trên việc thu thanh những tiếng rao, tiếng xe cộ, tiếng “nội trợ” trong những quán phở ở Hà Nội, Sài Gòn.

Hết là kẻ độc hành kỳ dị

Ở Vũ Nhật Tân luôn tỏa ra niềm đam mê, bầu nhiệt huyết sáng tạo và điều đó tạo nên sự hấp dẫn nơi anh. Khi nói về âm nhạc, anh say sưa như được trích đúng huyệt, anh sẵn sàng vừa nói vừa diễn tả bằng tiếng của những ngón tay gõ lên bàn, tiếng của những chiếc thìa va vào cốc, kết hợp tiếng huýt gió và tiếng gót giày nện dưới sàn. Với anh, “sáng tác là sáng tạo, làm thành cái riêng, mang đậm dấu ấn cá nhân, chứ không đi theo những lối mòn đã có sẵn” và “âm nhạc đương đại là thánh đường, nơi diễn tả được những cảm xúc của nghệ sĩ một cách thoải mái nhất, và ở đó, trong thế giới âm thanh của mình, nghệ sĩ có thể tận dụng tất cả mọi yếu tố sẵn có để thể hiện những điều mình muốn truyền tải”.

Chỉ khi tiếng vang của những buổi trình diễn của Vũ Nhật Tân tại những sân khấu uy tín của âm nhạc đương đại thế giới và những buổi giảng dạy, nói chuyện cho sinh viên, học viên cao học tại các trường đại học lớn trên thế giới dội lại Việt Nam, người ta mới dừng luận điệu “không biết viết nhạc”, “không phải là âm nhạc” dành cho anh. Vũ Nhật Tân bắt đầu được mời trình diễn trong những chương trình âm nhạc lớn.

Vũ Nhật Tân tại Liên hoan Âm thanh Hà Nội 2010. Ảnh: Dino

Năm 2008, Vũ Nhật Tân được mời trình diễn tại Hội đồng Anh ở Hà Nội và L’Espace-Trung tâm Văn hóa Pháp ở Hà Nội. Gần đây nhất, giữa tháng hai vừa rồi, Tân đã biểu diễn cùng nhạc sĩ Nicolai Abrahamsen trong lien hoan âm nhạc châu Á-Scandinavia (Copenhagen-Hà Nội). Buổi biểu diễn diễn ra thành công và có rất đông khán giả tới xem. Các đồng nghiệp của anh cũng nhìn nhận lại Vũ Nhật Tân và âm nhạc của anh. “Lối sáng tạo của nhạc hiện đại rất khác với ngôn ngữ vốn đã trở thành nguyên tắc, ước lệ trong âm nhạc cổ điển.

Tuy nhiên, rõ ràng đây cũng là một lối viết nghiêm túc: nghiêm túc trong cấu trúc, trong xử lý âm thanh và nghiêm túc trong cảm thụ nghệ thuật với khuynh hướng đem lại phong vị phương Đông nói chung, Việt Nam nói riêng qua thủ pháp tương phản bằng âm sắc, bằng tiết tấu”-nhà soạn nhạc, nhà phê bình âm nhạc Doãn Nho nhận xét về âm nhạc của Vũ Nhật Tân như vậy. Giờ đây, Vũ Nhật Tân không còn đơn độc trên con đường âm nhạc của mình. Bên cạnh những người bạn đã cùng anh chia sẻ khó khăn những năm qua, các nghệ sĩ: Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Xuân Sơn, Đoàn Minh Trí trong nhóm DC-Factory của anh, một số nghệ sĩ đã lên tiếng chia sẻ niềm đam mê với anh, cùng anh thực hiện các dự án phổ biến nhạc đương đại ở Việt Nam. Đó là nhà tạo mẫu Ngô Thái Uyên, nhà thơ-họa sĩ Ly Hoàng Ly, họa sĩ Bùi Công Khánh, nghệ sĩ trình diễn đa phương tiện (multimedia) Richard Trần và Huỳnh Bội Trân…

Vợ chồng Vũ Nhật Tân và Khương Hà. Ảnh: Nghệ sĩ cung cấp

Cụm từ gắn liền với anh bao năm qua, Kẻ độc hành kỳ dị, cũng sẽ biến mất vĩnh viễn, vì anh đã tìm thấy một nửa đích thực của mình. Đó là nhà thơ Khương Hà Bùi (tên thật là Bùi Khương Thanh Hà) kém Vũ Nhật Tân những 15 tuổi, nhưng giữa họ lại có nhiều điểm chung đến kì lạ. Đó là cùng đam mê được khám phá những đi, cùng khát vọng được tìm tòi, thay đổi mỗi ngày, thích lang thang khắp nơi trên trái đất, thích chụp ảnh…Cuối năm 2008, họ đã cưới nhau và đi. Họ cùng sáng tạo, yêu nhau và kiếm sống trên đường đi.

( Theo Sóng Nhạc)

Hoạt động nghệ thuật

Vũ Nhật Tân

Sinh ngày 8 tháng 8 năm 1970 tại Hà Nội, là nhà soạn nhạc chuyên về nhạc giao hưởng, nhạc thính phòng, độc tấu nhạc cụ và soạn cho nhạc cụ truyền thống Vietnam.., Vũ Nhật Tân đã từng biểu diễn tại châu Á, châu Âu, Mỹ và một số nơi khác.

Từ năm 1980 anh học piano tại Nhạc viện Quốc gia Hà Nội. Từ năm 1991 đến 1995 anh học sáng tác và  nghiên cứu âm nhạc với giáo sư Trần Trọng Hùng và lấy bằng cử nhân âm nhạc.

Sau đó anh học sáng tác âm nhạc điện tử với Clarence Albertson Barlow  và nhạc hiện đại với Johannes Fritsch tại Đại Học Âm Nhạc Staatliche Hochschule fuer Musik, Cologne CHLB Đức năm 2000/2001 theo học bổng của Deutscher Akademischer Austauschdienst DAAD. Năm 2002 anh theo học sáng tác với giáo sư Chinary Ung tại Đại học UCSD San Diego, California Mỹ do Hội Đồng Văn Hoá Châu Á ACC New York tài trợ.

Anh đã nhận được các giải thưởng:

Giải Ba cho tác phẩm Khúc nhạc thính phòng cho nhạc cụ dân tộc Việt Nam trong cuộc thi sáng tác cho nhạc cụ dân tộc tại Hà Nội năm 1992.

Giải nhất cuộc thi Saint-German-en-Laye cho tác phẩm Ký ức năm 1995.

Bốn giải thưởng của Hội Nhạc Sĩ Việt Nam (tác phẩm Ngũ Đối Đăng Đàn năm 1998,  tác phẩm Phác Thảo cho nhạc giao hưởng, Nhịp đơn nhịp kép hay Áo đơn áo kép cho nhạc cụ thính phòng năm 2001-2003).

Gần đây nhất giải thưởng của Hội đồng Văn hoá Châu Á năm 2002 giúp anh nghiên cứu về soạn nhạc và nghiên cứu âm nhạc dân tộc tại Hoa Kỳ.

Tác phẩm của anh đã được biểu diễn tại Úc, Trung Quốc, Pháp, Đức, Mông Cổ, Thuỵ Sỹ, Mỹ và Việt Nam bao gồm Festival Roaring Hoofs tại Ulaanbataar năm 2000, Festival Louisiana về âm nhạc hiện đại tại Baton Rouge năm 2002, Festival Âm nhạc Hiện đại tại Perth năm 2003 và Festival âm nhạc châu Á tại Tokyo năm 2003…

Ngoài ra anh cũng hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác có liên quan tới âm nhạc và các chuyến lưu diễn/trình diễn âm thanh và âm nhạc điện tử. Anh đã từng trình diễn nhạc thử nghiệm, nhạc ngẫu hứng và nhạc điện tử trong các sự kiện âm nhạc tại Châu Âu,Mỹ, Úc, Trung Quốc và Việt Nam.

Anh là giảng viên về soạn nhạc và âm nhạc điện tử tại Học Viện Âm Nhạc Quốc Gia ViệtNam từ năm 1995. Anh đã từng được mời giảng về âm nhạc Việt Nam tại Úc và Trung Quốc năm 2003.

VuNhatTan
vietnamese composer
multimedia&digital music

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Hợp thể nói về hợp thể

Phan Phương Đông

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả