Chính trị

Bình luận: Tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo Trung Quốc ở biển Đông có ý nghĩa gì? 18. 07. 14 - 6:23 am

Phạm Ngọc Hưng

Đấy là nội dung được một số bài báo nhắc đến gần đây như là một bước leo thang mới của Trung Quốc sau sự kiện giàn khoan HD-981 với hàm ý đe dọa an ninh ở Biển Đông.

Nhưng thật hư như thế nào?

Trước hết, cần phải nói rằng tin đã nói trên là một tin quân sự nóng với giới báo chí quốc tế, bởi vì nó chứng thực một lo ngại từ lâu, là Trung Quốc lần đầu tiên có khả năng răn đe hạt nhân chiến lược từ tàu ngầm lớp Tấn Type 094.

Loại tàu ngầm này được Trung Quốc bắt đầu nghiên cứu, thiết kế và đóng từ đầu những năm 2000, cho đến năm 2006 thì Google Earth vô tình chụp được một chiếc đậu trong quân cảng Đại Liên, khi đó Phương Tây mới biết đến dự án và chú tâm theo dõi.

Hình từ Google Earth 2006

Đến giai đoạn 2009-2011, các thông tin chi tiết về loại tàu ngầm này đã xuất hiện công khai và khá đầy đủ trên Internet. Loại tàu này kích thước và cái lưng gù gần giống như lớp tàu Delta IV của Liên Xô, cùng có 12 ống phóng tên lửa trên lưng và 6 ống phóng ngư lôi ở mũi.
 

Mô hình tàu ngầm lớp Tấn Type 094

So với loại tàu ngầm răn đe hạt nhân đầu tiên của Trung Quốc – tàu ngầm lớp Hạ Type 092 – thì tàu lớp Tấn là thành tựu mang tính cách mạng về công nghệ, từ độ ổn định của lò hạt nhân, độ sâu lặn tối đa, độ im lặng khi lặn, và độ chính xác của các thiết bị thủy âm.

Không chỉ riêng tàu, mà cả tên lửa Ngưu Lang 2 (JL-2) mà loại tàu này mang theo cũng là một bước ngoặt lớn trong công nghiệp vũ khí hạt nhân Trung Quốc ở 3 khía cạnh: JL-2 là loại tên lửa đa đầu đạn gây khó khăn cho đánh chặn; JL-2 sử dụng nhiên liệu rắn luôn luôn ở trong tình trạng sẵn sàng phóng (*); JL-2 có tầm bắn đến 14’000 km, có thể với tới nước Mỹ khi được phóng từ biển Hoa Đông hay biển Đông.

Với một loạt các thành tựu như thế ở chiếc tàu ngầm lớp Tấn, giới truyền thông Trung Quốc khoe khoang ầm ĩ suốt mấy năm nay rằng lần đầu tiên, Trung Quốc có khả năng răn đe trả đòn hạt nhân mà nước Mỹ phải e ngại.
 

Tàu ngầm lớp Tấn Type 094


Sự thật

Giới truyền thông phương Tây thỉnh thoảng cũng hùa theo luận điệu ấy.

Thế nhưng, những tài liệu của giới chuyên gia quân sự thì lại cho thấy một góc nhìn khác hẳn: IHS Jane’s hay CSIS (Center for Strategic & International Studies) đều đánh giá rằng tàu ngầm lớp Tấn có độ ồn tương đương với tàu ngầm thế hệ 2 của Liên Xô (Delta IV và Typhoon) và không thể sống sót trước sự truy sát trong đại dương của các tàu ngầm tấn công nhanh Sea Wolf hay Virginia của Mỹ.

Không những thế, các báo cáo này đều chung nhận định rằng lực lượng tàu ngầm Trung Quốc không có kênh thông tin liên lạc tần số thấp hoặc cực thấp đáng tin cậy, phải dựa vào hoàn toàn vào vệ tinh, do đó có nguy cơ bị vô hiệu hóa trong tình huống hệ thống vệ tinh bị tấn công.

Vì hai lý do trên, nên dù truyền thông Trung Quốc khua chiêng gióng trống là đội tàu ngầm lớp Tấn sẽ bắt đầu các chuyến tuần tra răn đe trên các đại dương vào khoảng năm nay (2014), nhưng giới chuyên gia cho rằng các chuyến tuần tra này chỉ để lấy tiếng.

Vùng biển thực tế mà đội tàu này hoạt động chỉ có thể là biển Đông.

Ở đây, đội tàu này nằm trong tầm che phủ của không quân trên bờ, nên tránh được chiếc máy bay hung thần chống ngầm Poseidon P-8A.
 

Chiếc Poseidon P-8A đang diễn tập bắn tia lửa đánh lạc hướng đầu dò hồng ngoại trên bầu trời Đại Tây Dương. Ảnh: Liz Goettee

Bơi trong biển Đông, đội tàu ngầm lớp Tấn cũng được hỗ trợ của đội tàu ngầm Kilo đông đảo, lại có phi đội chống ngầm Y8 hay lớp tàu hộ vệ chống ngầm Type 056 nhằm tránh sự theo dõi, truy sát của các tàu ngầm của Mỹ.

Ở đây, các tàu này bảo đảm liên lạc đa kênh với căn cứ mặt đất bằng phao vô tuyến, kết nối dễ dàng với vệ tinh hoặc máy bay hoặc bằng sóng dài với các trạm mặt đất.

Thế nên, thông tin đội tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo lớp Tấn ở Biển Đông rồi sẽ mau chóng nhàm.

Nhưng chúng có liên quan gì đến Việt Nam hay không?

Đầu tiên có thể nói là không.

Lẽ thứ nhất: Việt Nam là thành viên của Hiệp ước Bangkok 1997 về Khu vực phi vũ khí hạt nhân, mà theo thông lệ quốc tế thì các cường quốc hạt nhân không tấn công và không đe dọa tấn công các thành viên Hiệp ước.

Và lẽ thứ 2
: Trung Quốc cam kết chỉ răn đe trả đòn (**) mà không tấn công trước và không tấn công các nước không có vũ khí hạt nhân.

Nhưng cũng có thể nói là có liên quan, bởi đội tàu này bơi trong biển Đông, mang theo ngư lôi chống hạm, mà học thuyết vũ khí hạt nhân Trung Quốc lại không nói rõ liệu các tàu này có trả đòn hạt nhân hay không nếu bị tấn công.

Điều khoản mù mờ này mở ra kịch bản khả dĩ là một chiếc tàu lớp Tấn bị tàu ngầm Kilo Việt Nam phát hiện và theo dõi; chiếc tàu Trung Quốc tấn công chiếc Kilo và bị trả đòn bằng ngư lôi; sau khi tránh được ngư lôi thì chiếc tàu này trả đòn bằng tên lửa đạn đạo vào Sài Gòn và Hà Nội?

Tuy nhiên nói cho cùng, thì kịch bản trên cũng chỉ có khả năng xảy ra rất thấp. Nên nếu như lần sau bạn lại được nhắc về “tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo ở biển Đông” thì cứ coi như không liên quan gì, nếu như bạn không phải là người Mỹ, hoặc chừng nào Việt Nam chưa phải là đồng minh quân sự của Mỹ.
 

Tàu Kilo của Việt Nam

*

Lưu ý:

(*) Các tên lửa đạn đạo dùng nhiên liệu lỏng cần có một hệ thống bảo quản nhiên liệu ở nhiệt độ thấp đi kèm, thường mất ít nhất 30 phút để nạp trước khi phóng; sau một thời gian cảnh giới sẵn sàng phóng thì phải tháo nhiên liệu để giảm nguy cơ hao mòn do áp lực.

(**) Trả đòn hạt nhân chú trọng bảo toàn lực lượng sống sót sau đòn đánh phủ đầu của đối phương mà tàu ngầm mang tên lửa xuyên lục địa là vũ khí hữu hiệu nhất; phủ đầu hạt nhân là năng lực đánh sập toàn bộ các hệ thống vũ khí hạt nhân của đối phương nhằm vô hiệu hóa năng lực trả đòn, nên rất phức tạp.

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả