Gẫm & Bình

Bẫy chết: Rock metal ngạt thở trong hộp thì có gì là nghệ thuật 25. 07. 14 - 7:18 am

Jonathan Jones - Hoàng Lan dịch

 

Đóng chặt đến ngộp thở… tác phẩm “Box Sized Die” của nghệ sĩ João Onofre

 

Việc ban nhạc rock (dòng death-metal) dám liều mạng biểu diễn trong chiếc hộp tại một lễ hội hiền lành thân thiện kiểu dành cho gia đinh thực chất chẳng mang tính thử nghiệm gì, họa chăng chỉ hút hết sinh khí của nghệ thuật.

Trong tác phẩm mới nhất của João Onofre tên Box Sized Die (xí ngầu hộp, đây là chơi chữ vì “die” trong tiếng Anh vừa là “chết” vừa có nghĩa “xí ngầu”), ban nhạc rock Unfathomable Ruination chui vào trong một khối lập phương bằng thép. Tiếp theo người ta đóng kín hộp lại và nhóm rock sẽ chơi nhạc đến khi họ chẳng còn oxy để thở.

Dĩ nhiên sau đó người ta sẽ thả ban nhạc ra, nhưng rõ ràng tác phẩm nghệ thuật này đang bỡn cợt với nguy cơ chết ngạt. Ờ thì, trên website của mình, ban nhạc có tự nhận họ là nhóm rock chuyên chơi loại “death metal dã man tàn bạo,” nên chắc họ chỉ áp dụng tín điều của nhóm vào thực hành.

Hơn nữa, kiểu nghệ thuật liều chết này đã có cả một truyền thống dài lâu. Đầu những năm 70s, nhân danh nghệ thuật, Chris Burden vẫn đều đặn hoặc bắn hoặc đóng đinh chính mình. Cùng thời đó, Marina Abramovic tự nhảy vào giữa một ngôi sao đang cháy để rồi suýt biến thành than.
 

Chris Burden đứng cho người khác bắn, và kết quả là bị bắn trúng tay, 1971

 

Marina Abramovic giữa ngôi sao lửa

Song, kiểu mẫu của các bậc tiền bối đi trước lại chẳng dễ dàng áp dụng cho Box Sized Die; hoặc nói đúng hơn, cho bối cảnh của nó. Hộp xí ngầu không tham gia sự kiện nghệ thuật trình diễn táo bạo gì, mà nằm ngay tại trung tâm thành phố London, tô điểm cho lễ hội hè Sculpture in the City (Điêu khắc trong thành phố) – một lễ hội rất đỗi “hiền lành.” Ngoài hộp xí ngầu, Sculpture in the City còn trưng vài tác phẩm điêu khắc hiện đại vô cùng đáng kính (nếu không nói là đáng chán) của Lynn Chadwick cũng như Antony Gormley. Nói công bằng, một số điêu khắc của những nghệ sĩ khác như Jim Lambie hay Cerith Wyn Evans có thêm chút điểm nhấn cho sự kiện đậm tính chiết trung này. Nhưng rõ ràng đây là một lễ hội “thư giãn mùa hè,” nhắm vào thành phần gia đình, chú trọng các chương trình mang tính giáo dục.
 

“Box Sized Die” của João Onofre dùng chiếc hộp nhái theo tác phẩm “Die” của Tony Smith

 

Ban nhạc chơi trong hộp đến ngạt thở, người qua đường phải áp sát hộp mới nghe được nhạc. Ảnh: Andy Matt

Vì thế, tôi phải đặt nghi vấn: vậy đâu là giá trị giáo dục của màn trình diễn “nhạc death metal pha lẫn nguy cơ chết ngạt”?

Tương tự, tôi cũng thấy nghi ngờ Gallery Quốc gia của Scotland khi trưng bày video quay bộ đôi nghệ sĩ Smith và Stewart trùm túi nhựa lên đầu.
 

“Breathing Space,” 1997: hai người, Smith và Stewart, mỗi người trùm kín một cái túi nilon lên đầu, sau đó được quay lại phản ứng do ngạt thở.

 

“Breathing Space,” 1997

Có lẽ tôi đã xem quá nhiều clip cảnh báo an toàn khi còn nhỏ, kiểu như clip khuyên mọi người chớ nên tự chui mình vào chiếc tủ lạnh cũ vì nó rất nguy hiểm; nên đối với tôi loại nghệ thuật chết chóc này có gì đó bất minh (dù bản chất của chúng có thể không phải vậy) khi người ta bày chúng trong bối cảnh công cộng, chào đón mọi thành phần khán giả từ trẻ con đến ông bà già. Đương nhiên, Gallery Quốc gia của Scotland có đặt một bản cảnh báo ngay ngoài chỗ chiếu video Smith/Stewart ở Edinburgh, và xác của ban nhạc Unfathomable Ruination sẽ không nằm lăn lóc khi bạn mở hộp xí ngầu ra. Tuy nhiên, những màn trình diễn chết người thế này là điển hình cho cái chỗ đứng lạ lùng của nghệ thuật avant garde trong văn hóa đương đại.

Khi Burden lấy mình ra làm bia bắn hay Abramovic xém chết cháy, họ chỉ là một phần trong phong trào nghệ thuật mạo hiểm nhỏ nhoi bên rìa xã hội. Ngày nay, những ý tưởng mà họ từng thử nghiệm trở thành văn hóa phổ thông của tầng lớp trung lưu. Nghệ thuật đương đại hiện đang thành “chủ lưu”. Thế nên khi một ban nhạc death metal biểu diễn trong lễ hội điêu khắc tẻ nhạt, thì điều gì đang thực sự diễn ra? Ai đang chứng tỏ gì với ai? Tôi nghĩ một phần là để cho truyền thông, và một phần là do sự nhầm lẫn tràn lan về việc nghệ thuật ngày nay phục vụ ai.

Tác phẩm nghệ thuật avant garde, theo định nghĩa, là tác phẩm vượt qua khỏi giới hạn thông thường, là tác phẩm cấp tiến. Nhưng thứ nghệ thuật làm như vẻ cực đoan ngày nay thực chất chỉ là một kiểu giải trí cho giới quý xờ tộc. Sự cố tình thách thức luật lệ do đó thành giả tạo. Những thứ bệnh hoạn như tác phẩm nghệ thuật pha chết chóc kiểu Box Sized Die, trong bối cảnh đó, chỉ khiến thiên hạ hoài nghi mà thôi.

Vậy nên các bé à, đừng có bắt chước theo Box Sized Die nhá. Thay vào đó, hãy sử dụng trí tưởng tượng của chính mình.
 

.

Ý kiến - Thảo luận

4:48 Thursday,10.12.2015 Đăng bởi:  Locth Nguyen
Em gặp mấy cái "nghệ thuật" này nhiều lắm. Mà em gọi chúng nó là "xiếc". Mà đúng là xiếc còn gì. Chơi trò mạo hiểm để mua vui thiên hạ. Em chỉ coi một tác phẩm là "nghệ thuật" khi "đẹp" là từ đầu tiên hiện lên trong đầu lúc thuởng lãm. Còn không thì là làm trò mua vui. Diễn xiếc cả.
...xem tiếp
4:48 Thursday,10.12.2015 Đăng bởi:  Locth Nguyen
Em gặp mấy cái "nghệ thuật" này nhiều lắm. Mà em gọi chúng nó là "xiếc". Mà đúng là xiếc còn gì. Chơi trò mạo hiểm để mua vui thiên hạ. Em chỉ coi một tác phẩm là "nghệ thuật" khi "đẹp" là từ đầu tiên hiện lên trong đầu lúc thuởng lãm. Còn không thì là làm trò mua vui. Diễn xiếc cả. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả