Nhiếp ảnh

“Ai” nắm bản quyền của bức ảnh này? Slater hay con vượn? 08. 08. 14 - 7:31 am

Nun tổng hợp và dịch, một phần lớn từ bài của Sergio Muñoz Sarmiento

 

Chân dung tự chụp của một cô vượn cái, họ Macaca nigra, ở Bắc Sulawesi, Indonesia, bằng camera của nhiếp ảnh gia David Slater. (Ảnh và chú thích từ Wikimedia)

Rõ ràng Wikimedia, một tổ chức của Mỹ thuộc Wikipedia, sẽ từ chối hạ một bức ảnh một con vượn xuống. Bức ảnh này do…, đợi đã nào…., do chính cô vượn đó chụp.

Người đưa ra yêu cầu là David Slater, một nhiếp ảnh gia Anh chuyên chụp ảnh thiên nhiên. Slater cho rằng chính anh là người nắm bản quyền của bức hình ấy, và do đó, không có sự đồng ý của anh, Wikimedia không được phát tán hình.

Vậy, ai mới là người nắm bản quyền bức hình?

Đây là một kịch bản trong mơ để ra đề thi của các giáo sư về bản quyền: có một bức ảnh do một con vượn chụp, bằng camera của một kẻ nào đó (trong trường hợp này, là của một con người), và cái người đó lại là một người quốc tịch Anh. Thế rồi, bức ảnh được chụp ở Indonesia và do một tổ chức có trụ sở tại Mỹ phát tán. Vậy ta áp dụng luật bản quyền nào?

Câu hỏi hay. Theo luật Mỹ, khó mà lập luận rằng một con vật có thể tạo nên một tác phẩm có bản quyền, bởi trước hết, con vật đó không thể được coi là “tác giả”, theo mô tả của luật.Và thậm chí nếu con vượn kia có thể tạo nên một tác phẩm có bản quyền, thì làm sao nó có thể kiểm soát và đưa ra các điều kiện hạn chế sử dụng đối với tác phẩm ấy? Làm sao nó có thể xin cấp bản quyền cho bức hình? Và làm sao chúng ta biết liệu con vượn muốn hay không muốn bức hình được đăng tải thoải mái trên khu vực ảnh công (public domain) của Wikimedia?

.

Vậy sao Slater lại quá chắc đến thế rằng anh ấy nắm bản quyền của bức hình? Có thể vì anh là chủ của chiếc camera mà con vượn dùng.

“Nếu con vượn chụp, thì nó là chủ sở hữu của bức hình, không phải tôi, đó là lý luận căn bản của Wikimedia. Điều mà họ không nhận ra là cần phải ra tòa để quyết định việc này (chứ không phải cứ nói khơi khơi),” Slater bảo với tờ The Telegraph. “Tôi đã nói với họ rằng bức này không thể bỏ vào khu vực ảnh công, họ không có quyền gì mà bảo đây là một bức thuộc về công cộng. Con vượn bấm nút chụp thật, nhưng sắp xếp cho bức hình lại chính là tôi.”

Chưa biết mọi việc thế nào, nhưng Slater đang sắp tốn một khoản phí chừng 16.000USD để đưa vụ này ra tòa; đổi lại, anh bắt đầu nổi tiếng.

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả