Nhiếp ảnh

Nước Mỹ siêu thực của Alex Prager: “Lời nói dối lạ lùng trên bề mặt sự thật” 19. 06. 18 - 8:33 am

Từ The Guardian - Như Mai dịch

Từ một chiếc xe hơi lọt trong ổ voi đến ngôi nhà bốc cháy, các tác phẩm nhiếp ảnh mạnh bạo, tươi sáng và thường là gây sốc của nhiếp ảnh gia người Mỹ này nắm bắt được nỗi bất an của cuộc sống hiện tại.

“The Big Valley: Susie and Friends, 2008” (Thung Lung Lớn: Susie và các bạn, 2008)
Alex Prager là nhân vật chính của một cuộc triển lãm tổng kết “nửa đời tác nghiệp” – “Alex Prager: Silver Lake Drive” đang diễn ra tại Photographers’ Gallery, London, từ 15. 6 đến 14. 10. 2018. Nhà xuất bản Thames & Hudson cũng ra hẳn một chuyên khảo về chị. Prager nổi tiếng với lối chụp đánh sáng táo bạo, chủ đề là sự bất ổn bất an của ngày hôm nay.

“Gương mặt trong đám đông: Đám đông #3” (Bãi biển Pelican), 2013.
Trong tác phẩm của Prager có cả thời trang, nhiếp ảnh và điện ảnh với màu sắc tươi sáng rất đặc trưng, cùng nét kịch tính gây sốc.

“The Big Valley: Eve, 2008” (Thung lũng lớn: Eve, 2008)
Bằng con mắt nhạy với những chi tiết điện ảnh và lối kể chuyện rõ nét, Prager lấy cảm hứng từ lịch sử phim ảnh để tạo nên những bức tĩnh vật của riêng mình.

“Culver City, 2014”.
Pager làm việc như một đạo diễn, tìm diễn viên để đóng theo kịch bản mình soạn sẵn, dùng đạo cụ tự tạo, dùng máy móc để bố trí ánh sáng, tạo thời tiết và cả khuân vác.

“Face in the Crowd: Crowd # 5 (Washington Square West), 2013” (Gương mặt trong đám đông: Đám đông #5)
Khung cảnh là dàn dựng nhưng nhân vật trong ảnh của Prager thường là những người qua đường với phong cách và diện mạo vô tình lọt vào mắt nhiếp ảnh gia.

“Polyester: Julie, 2007”.
Alexandra Spring của báo Guardian từng nói về Prager như sau: “Tác phẩm của cô gợi nhớ đến Alfred Hitchcock và David Lynch, những nữ chính quyến rũ kiểu phim noir, chết những cái chết thảm thiết, nào đuối nước, nào nhảy lầu hay chịu đựng nỗi cô đơn cùng cực.”

“Polyester: Ellen, 2007”.
Vào những năm tuổi hai mươi, Prager nuôi mộng nhiếp ảnh sau khi xem một triễn lãm của bậc thầy ảnh màu William Eggleston.

“The Big Valley: Desiree, 2008” (Thung lũng lớn: Desiree, 2008)
Nói về việc dùng màu bão hòa (saturated colour), Prager cho rằng nó tạo ra “lời nói dối lạ lùng trên bề mặt sự thật, khiến mọi thứ hơi rờn rợn, thú vị hơn.”

“Hazelwood #2 (Theo phong cách Steven Siegel), 2014”
Prager nói: “Màu sắc bão hòa quá đà, trời xanh, môi đỏ rực, phim Kodachrome… gợi trong ta nỗi hoài cổ, một cảm giác quen quen….Đó là thứ luôn khiến ta thấy chênh vênh.” (Prager)

“The Big Valley: Annie, 2008 (Thung lũng lớn: Annie, 2008)”
Mô típ trong tác phẩm của Prager là dùng nhân vật nữ chính. Đó là mong muốn của nhiếp ảnh gia giữ cho các hình ảnh của mình được thành thật – dù có hư cấu đến đâu chăng nữa: “Tôi không hiểu nam giới có cảm giác như phụ nữ hay không, chứ khía cạnh cảm xúc là vô cùng quan trọng với tôi; cảm xúc phải chân thật và phải thành thật.”

“Compulsion: 3:14 pm Pacific Ocean, 2012” (Thôi thúc: 3 giờ 14 phút chiều, Thái Bình Dương, 2012)
Xuất phát điểm của chuỗi tác phẩm Compulsion năm 2012 là lúc Prager lái xe trên xa lộ, phóng ngang một chiếc xe đang bốc cháy và có nguy cơ sắp nổ tung.

“Compulsion: 2:00pm, Interstate 110, 2012” (Thôi thúc: 2 giờ, Xa lộ liên bang 110, 2012)
Với những hình ảnh này, Prager muốn mổ xẻ bản năng tò mò khi đối diện với thảm họa: “Thực ra [khi đối diện với thảm họa], ta có muốn nhìn ra chỗ khác hay không?” Prager đặt câu hỏi.

“Compulsion: 4:01pm, Sun Valley, 2012” (Thôi thúc: 4:01 chiều, Sun Valley, 2012). “Có một mạnh ngầm đậm chất David Lynch xuyên suốt tác phẩm,” Sean O’Hagan của báo Guardian bình về chuỗi tác phẩm Compulsion. “Nếu những hình ảnh này cần nhạc nền thì chắc chắn đó sẽ là bài Blue Velvet”.

“Anaheim, 2007”
Trong 10 năm qua, sáng tác của Prager đã lớn mạnh cả về tham vọng lẫn quy mô, tận dụng ngành công nghiệp phim ảnh ngay trước cửa nhà mình ở LA, với kỹ thuật âm thanh, phục sức trang điểm, cảnh dựng nguyên cỡ và các hiệu ứng đặc biệt.

Ý kiến - Thảo luận

10:55 Wednesday,8.8.2018 Đăng bởi:  Tùng
“The Big Valley: Eve, 2008” có lẽ là lấy cảm hứng trực tiếp từ phim The Birds của Alfred Hitchcock
https://www.youtube.com/watch?v=hplpQt424Ls
...xem tiếp
10:55 Wednesday,8.8.2018 Đăng bởi:  Tùng
“The Big Valley: Eve, 2008” có lẽ là lấy cảm hứng trực tiếp từ phim The Birds của Alfred Hitchcock
https://www.youtube.com/watch?v=hplpQt424Ls 
20:22 Tuesday,19.6.2018 Đăng bởi:  Anh Nguyễn
Cảm giác tác giả chịu ảnh hưởng cuả hội hoạ khá nhiều.
Bức “Polyester: Julie, 2007” làm nhớ đến Christina's World của Andrew Wyeth.
Bức “The Big Valley: Desiree, 2008” giống với Young Girl with Gloves của Tamara de Lempicka.
“The Big Valley: Eve, 2008” giống các tác phẩm siêu thực của Magritte.
Bức “Polyester: Ellen, 2007” rất giống bức ảnh người mẫu Twiggy  (...xem tiếp

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả