Điện ảnh

Dù Robin Williams qua đời, tiếng cười của ông sẽ không bao giờ tắt 13. 08. 14 - 2:42 pm

Pha Lê

Buồn nhất là phải đưa tin buồn, đặc biệt là khi tin buồn liên quan đến một nghệ sĩ chuyên đem lại tiếng cười cho bao khán giả. Nghệ sĩ đó chính là Robin Williams – một trong những cây hài bậc nhất của Hollywood.

Sinh ngày 21. 7. 1951, mẹ của Robin là một cựu người mẫu, còn bố ông làm việc cho hãng xe hơi Ford Moto. Thời còn đi học Robin hay bị bắt nạt nên ông rất nhút nhát, thích chơi game một mình, rất quấn mẹ và hay kể chuyện cười cho mẹ nghe. Lúc lớn, ông giữ thói quen muốn làm người khác cười vui và vẫn nghiện bấm game điện tử.

Robin Williams và con gái Zelda, 1991. Ông đặt tên con theo một trò chơi điện tử mà mình thích (trò “The Legend of Zelda”)

Ban đầu, Robin tham gia đóng kịch để rèn luyện cho bản thân bớt nhút nhát hơn, nhưng sau đó Robin bắt đầu yêu nghề diễn và quyết định khăn gói tới Hollywood để lập nghiệp. Ông luôn khiến các nhà sản xuất phải cười lăn cười bò khi đi thử vai, nên chẳng mấy chốc Robin nhận vai chính trong một số series truyền hình hài của Mỹ.

Vài năm trên ti-vi là Robin thu đủ kinh nghiệm để dấn thân lên màn bạc, ông không chỉ có khiếu đóng vai hài, mà còn có khiếu tự biên tự diễn nhiều câu thoại/động tác mắc cười ở mọi lúc mọi nơi. Nhìn chung Robin không hay diễn theo kịch bản cho lắm, ông thích tự thêm thắt nhiều tình huống để phim vui nhộn hơn, nhờ vậy ông trở thành một trong những nghệ sĩ đắt sô nhất Hollywood – do chỉ cần có ông là đạo diễn chả phải vắt óc suy nghĩ xem làm thế nào để phim thật buồn cười hòng kéo khán giả vô rạp.

Ngay cả khi Robin mắc bệnh trầm cảm vào đầu năm 2014, ông vẫn đều đặn đóng phim và luôn đem lại niềm vui cho khán giả điện ảnh. Thật buồn thay, Robin không qua khỏi và căn bệnh đã khiến ông tự kết liễu cuộc sống của mình vào hôm 11. 8. 2014.

Buồn thật, nhưng điều duy nhất chúng ta có thể làm là điểm lại những tác phẩm tiêu biểu của Robin, và nhớ lại những lần ông giúp đời ta thêm vui qua các tác phẩm vừa hài hước vừa giàu ý nghĩa.
 

Robin và bạn diễn Pam Dawber trong series truyền hình hài “Mork & Mindy,” 1979. Đây là series đầu tiên Robin đóng vai chính, ông tạo ấn tượng mạnh với khán giả cũng như các đạo diễn vì rất nhiều lời thoại hài hước trong series là do ông nghĩ ra.

 

Đúng một năm sau, Robin nhận vai chính trong phim điện ảnh “Popeye” – chuyển thể từ bộ phim hoạt hình nổi tiếng cùng tên. Thường thì những phim hài chuyển thể từ hoạt hình kiểu này là để kiếm tiền, nhưng Robin cùng đạo diễn Robert Atlman rất thích “Popeye” nên họ vô cùng nghiêm túc khi xây dựng bộ phim, chăm chút kỹ lưỡng nhằm giúp phim vừa vui vừa giàu ý nghĩa chứ không chỉ hài hước ẩu tả. Sau phim này, Robin trở thành nhân vật đáng chú ý ở Hollywood.

 

Năm 1987, Robin khiến khán giả sững sờ với “Good Morning Vietnam.” Phim kể về chàng phát thanh viên Adrian Cronauer, chính phủ Mỹ điều anh đến nước Việt hòng mua vui cho lính tráng đang đóng quân ở đây. Ban đầu Adrian thuộc loại vui vẻ khoái đùa giỡn, nhưng dần dà cuộc chiến khốc liệt đã thay đổi Adrian thành con người hoàn toàn khác. Diễn xuất tuyệt vời đi từ hài đến bi của Robin đã giúp ông nhận đề cử Oscar lẫn đề cử Cầu Vàng cho hạng mục nam chính xuất sắc nhất. (Toàn bộ thoại của phần phát thanh tếu lâm là do Robin tự chế, không có trong kịch bản.)

 

Hai năm sau, Robin tiếp tục nhận đề cử Oscar nhờ vai giáo sư John Keating trong tác phẩm “Dead Poets Society.” Rất nhiều khán giả Việt Nam khoái phim này.

 

Robin (trái) và Jeff Bridges trong “The Fisher King,” 1991. Robin nhận thêm một đề cử Oscar cho tác phẩm này nhưng hiện giờ không mấy ai nhớ hoặc biết đến nó. Jeff đóng vai Jack Lucas – chàng phát thanh viên do lỡ mồm mà vô tình gây ra cái chết của bao người vô tội. Một trong các nạn nhân là vợ của ông Perry (Robin Williams đóng.) Chứng kiến vợ chết thảm, Perry hóa điên, và vô tình gặp Jack Lucas. Ban đầu Lucas tưởng Perry chỉ là một gã vô gia cư tếu lâm, nhưng khi biết hoàn cảnh của Perry, Jack quyết định lang thang cùng ông để tìm sự tha thứ. Nhân vật Perry pha trộn giữa hài và bi – một sở trường của Robin; và nhiều hành động, câu thoại của Perry là do Robin tự nghĩ ra.

 

Robin Williams còn tự nghĩ ra thoại cho nhân vật hoạt hình. Ai từng mê ông thần đèn của phim “Aladdin” thì phải cảm ơn Robin đã thổi sức sống cho nhân vật này khi lồng tiếng (và các họa sĩ đã vẽ thần đèn thể theo những gì Robin diễn.)

 

Một tác phẩm nữa của Robin mà khán giả Việt rất thích là phim “Mrs Doubtfire,” kể về một ông chồng ly dị vợ nhưng muốn ở gần các con nên đã giả trang thành bà quản gia rồi xin giúp việc trong chính ngôi nhà cũ của mình. Bộ phim công chiếu cách đây hơn 11 năm nhưng các đài truyền hình cáp vẫn liên tục phát lại “Mrs Doubtfire” trên màn ảnh nhỏ cho bà con xem.

 

Khán giả Việt cũng từng rất mê phim “Jack” chiếu năm 1996, Robin thủ vai một cậu bé bị bệnh già sớm, 10 tuổi mà trông như 40. Sau mấy năm học hành ở nhà, Jack muốn đến trường như mọi trẻ em cùng tuổi, nhưng trường lớp lại mang lắm thử thách khôn lường cho “bé” Jack. Robin diễn rất đạt vai trẻ con to xác, ngây thơ đến từng ánh mắt, khiến lắm kẻ phải rớm lệ khi thấy Jack bị bạn bè trêu.

 

Một năm sau đó, Robin Williams tham gia phim “Good Will Hunting” – tác phẩm làm nên tên tuổi của Matt Damon, Ben Afflect, và giúp Robin ôm tượng Oscar nam phụ. Đây là phim dành cho những ai mê toán; Matt Damon đóng vai Will – một nhà toán học thiên tài nhưng không có cơ hội (lẫn không muốn) phát triển nên đành vui vẻ với nghề quét dọn cho trường đại học; còn Robin thủ vai Sean – một chuyên gia tâm lý tìm cách giúp Will giải quyết những rắc rối trong cuộc sống và giúp Will thành công. Phim không thuộc dạng “cười ha hả” như đa số các phim có Robin Williams, nhưng nhân vật Sean của Robin vẫn khá hài và cho người xem nhiều điều hay để suy nghĩ.

 

Các vai của Robin Williams thường có chút gì đấy nhẹ nhàng, nhộn nhộn. Tuy nhiên, năm 2002 chẳng ma nào cười nổi sau khi xem ông diễn trong “One Hour Photo.” (và “Insomnia,” nhưng “Insomnia” không được đánh giá cao bằng.) Trong “One Hour Photo,” Robin đóng vai Seymour – một thợ rửa ảnh tại siêu thị. Seymour rất thích gia đình Yorkin vì những bức ảnh họ chụp khiến Seymour tưởng rằng gia đình này rất hạnh phúc, cho đến khi Seymour khám phá ra một bí mật dơ bẩn đằng sau hạnh phúc đó. Nếu đủ can đảm coi phim tâm lý/hồi hộp, hãy xem “One Hour Photo” để chứng kiến tài năng vô bờ của Robin Williams.

 

Năm 2006, Robin nghiện rượu và phải vào trại cai, nhưng điều đó không ngăn cản ông đóng thêm nhiều phim trong lúc chiến đấu với ma men, đặc biệt nổi tiếng là series “Night at the Musem.” Nam diễn viên trẻ Ben Stiller đóng vai Larry – một bảo vệ của Bảo tàng Lịch sử Mỹ. Sau ca trực khuya, Larry phát hiện rằng các hiện vật trưng bày ở đây bỗng dưng sống lại vào ban đêm. Robin thủ vai cựu Tổng thống Theodore Roosevelt – bạn đồng hành giúp Larry khám phá ra các bí mật của bảo tàng. Từ năm 2006 đến nay, “Night at the Museum” đã có tới 3 phần, phần mới nhất sẽ ra mắt vào tháng 12 năm nay, và Robin tiếp tục thủ vai Roosevelt.

“Night at the Museum” phần 3 cũng là một trong hai phim cuối cùng của Robin. Nếu rạp Việt Nam chiếu thì mọi người đừng bỏ lỡ cơ hội xem Robin Williams trên màn ảnh nhé.

Ý kiến - Thảo luận

0:24 Sunday,17.8.2014 Đăng bởi:  Mèo đi hoang
Ông cũng rất mê game; và có hẳn một cô con gái tên là Zelda ( một nhân vật game nổi tiếng ). Sau khi ông mất, trên các trang mạng tràn ngập thông tin linh tinh về đời tư của ông, chẳng hiểu sao chỉ chú ý mỗi cái này ( cười ).
...xem tiếp
0:24 Sunday,17.8.2014 Đăng bởi:  Mèo đi hoang
Ông cũng rất mê game; và có hẳn một cô con gái tên là Zelda ( một nhân vật game nổi tiếng ). Sau khi ông mất, trên các trang mạng tràn ngập thông tin linh tinh về đời tư của ông, chẳng hiểu sao chỉ chú ý mỗi cái này ( cười ). 
20:08 Wednesday,13.8.2014 Đăng bởi:  candid
Ngoài những người yêu phim của Robin williams thì những người yêu xe đạp và bộ môn đạp xe cũng rất buồn khi ông qua đời. Ông là một người rất yêu thích đạp xe và là một người sưu tầm xe đạp.
...xem tiếp
20:08 Wednesday,13.8.2014 Đăng bởi:  candid
Ngoài những người yêu phim của Robin williams thì những người yêu xe đạp và bộ môn đạp xe cũng rất buồn khi ông qua đời. Ông là một người rất yêu thích đạp xe và là một người sưu tầm xe đạp. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Về một cách nhìn nghệ thuật!

Một thành viên của Khoan Cắt Bê Tông

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả