Soi học

Sử-Địa dễ thuộc: Gabon – xứ sở trong tay một gia tộc lắm ái tình 12. 09. 23 - 10:19 pm

Sáng Ánh

Phủ tổng thống là một tòa nhà hiện đại nhìn ra cửa biển và được xây dựng vào năm 1970 với giá khủng vào lúc đó là 250 triệu USD. Nó nhìn ra cửa biển nhưng trên đường về từ phi trường, cô Ivette Lourdes Santa Maria đã thấp thoáng thấy rừng đước và nghe tiếng gầm của phù sa. Thành phố Libreville trong vài thế kỷ qua đã ăn được ra biển 10km đất bồi. Gabon là một nước mật độ rất thấp với một nửa dân số sống tại thủ đô còn miền trong là mênh mông rừng nhiệt đới. Ivette là hoa hậu Peru và 22 tuổi, cô sang đây dự cuộc thi “Hoa hậu Nhân loại”, hẳn là vì cô trượt cuộc thi Hoa hậu Thế giới vào năm 2004 về tay Maria Julia Mantila cũng đồng hương người Peru.

Hoa hậu Peru Ivette Lourdes Santa Maria . Ảnh từ trang này

Cô Ivette được tổng thống tiếp trong phòng làm việc. Ông là một người 67 tuổi bé nhỏ, 1m51, hay đi giày đế cao và dễ mến, rất là lịch sự. Omar Bongo, tổng thống từ 1967 của đất nước nhiều tài nguyên này, đưa tay bấm nút thì như phép lạ, hay như là trong một bộ phim James Bond, từ bức tường phòng giấy đổ xuống một cái giường! Ivette bật khóc, thưa tổng thống, em không phải là đĩ, em là hoa hậu Peru! Ông bèn an ủi, em hãy về khách sạn nghỉ ngơi và suy nghĩ. Vì hợp đồng cô là 2 tuần nên cô không rời Gabon trước được, và cô phải cầu cứu Bộ Ngoại giao Peru!

Tổng thống Omar Bongo. Ảnh từ trang này

Năm 1995, nhà thiết kế thời trang Francesco Smalto đã bị tòa Pháp kết án tù treo về tội dẫn gái cho tổng thống Bongo để ông đặt mua quần áo khoảng 600.000 USD/năm. Smalto khai không hề có tiền cò dắt mối, ông chỉ nhờ các cô mang quần áo sang Gabon giao cho tổng thống, còn chuyện gì xảy ra lúc ướm thử thì không biết. Các cô shipper Uber Sex này được Bongo tặng cho từ 3000 USD đến 16000 USD để nhìn cái giường nói trên chạy lên chạy xuống trong bàn giấy của ông! Anh bấm nữa đi! Ồ, nó lại hiện ra, hay quá!

*
Gabon là một cảng trao đổi hàng hóa và nô lệ của Portugal và Hà Lan trong thế kỷ 17-18. Nó trở thành thuộc đia của Pháp trong thế kỷ 19 và năm 1960 khi các nước châu Phi độc lập thì thủ tướng Leon Mba nắm áo Pháp không cho Pháp ra đi! Ông đòi Gabon phải trở thành một tỉnh hay lãnh thổ của mẫu quốc nhưng Pháp bảo không được! Ông đòi giữ cờ Pháp làm quốc hiệu và thêm vào một cái cây địa phương để phân biệt, Pháp bảo cũng không được! Ông bảo thế em làm nàng hầu anh muốn gì em cũng chiều hết và Pháp bảo thế thì được! Năm 1964 ông bị một nhóm quân nhân đảo chánh, Pháp bèn bênh ông ngay lập tức và tái lập trật tự.

Leon Mba (người cao) và chánh văn phòng Omar Bongo. Ảnh từ đây 

Trước khi Mba qua đời (1967), De Gaulle gọi chánh văn phòng của Mba đến xem tướng và nói thằng này được, đưa nó làm Phó tổng thống để chuẩn bị. Đó là Omar Bongo, xuất thân là một nhân viên bưu điện thuộc địa và cựu đại úy tình báo trong không quân Pháp. Ông tại chức cho đến khi qua đời năm 2009 tức là 42 năm! Trong thập niên 70, dầu hỏa tại Gabon trở thành nguồn lợi tức quan trọng và tuy là tay sai, nói sao làm vậy, nhưng Bongo sống lâu lão làng, trải qua 6 đời tổng thống Pháp và trở thành một loại nô bộc có tiếng nói. Ông đấm tiền cho Chirac gạt Giscard và ngăn Sarkozy (nhưng Sarkozy có tiền của Gaddafi rồi). Ông được con ông là Ali Bongo lên thay 2009-2023 trong 14 năm. Cha con nhà này như vậy cầm quyền trong 56 năm liên tục và ngày 30. 8. 2023 vừa qua, quân đội đảo chánh lật ông con. Chủ tịch Hội đồng quân nhân đảo chánh lại là tướng Oligui Nguema, ở nhà gọi bà dì ruột của tổng thống bằng mẹ!

Cựu tổng thống Omar Bongo Ondimba và tướng Brice Oligui Nguema (áo đỏ) dự lễ tang bà vợ đầu của Omar Bongo là bà Edith Lucie Bongo, vào 19. 3. 2009. Ảnh AFP, từ trang này

Quan hệ gia đình và quyền lực ở Gabon rất rối rắm. Tổng thống cha Omar Bongo có 3 đời vợ chính thức cùng 14 con được công nhận và mang tên ông với 9 bà tất cả. Nghe đâu nếu tính cả con vô thừa nhận thì khoảng là 30 hay 54. Pascaline là trưởng nữ (sanh 1956). Ali là trưởng nam và em khác mẹ (sanh 1959). Một người làm tổng thống thì cả họ làm quan. Lấy ví dụ Bộ Ngoại giao chẳng hạn thì bà Pascaline có lúc làm ngoại trưởng. Nhưng trên thế giới này, ai có thể nói như bà là anh (họ) tôi từng làm ngoại trưởng, em trai tôi từng làm ngoại trưởng, người yêu tôi từng làm ngoại trưởng và anh ấy rời chức thì chồng tôi làm ngoại trưởng thay thế! Lúc Ali ra tranh cử sau khi cha mất (2009) thì bị nghi ngờ là vi hiến. Chuyện lên đến Tối cao Pháp viện thì bà chủ tịch bênh Ali. Bà này lại cũng có một đứa con riêng với tổng thống Bongo cha 30 năm về trước (1979) và hẳn còn nhớ lúc mặn nồng như trong bài Không tên cuối cùng “Mưa vẫn bay như hôm nào/ Người ở đâu mình ở đây bạc mái đầu” (Vũ Thành An).

Trở lại bà Pascaline, tranh giành ghế tổng thống với em Ali khác mẹ, bà đưa chồng cựu ngoại trưởng ra không thành công thì 2016 đưa người yêu cũ cũng cựu ngoại trưởng ra lại cũng không thành công nốt. Ngoài cánh chị em của bà này ra thì thí dụ đại tá giám đốc tình báo và phản gián là một ông em khác mẹ của hai người nhưng theo phe Ali. Trong bộ tộc chia băng đảng gặp gì cướp nấy như là vào ngày cúng cô hồn. Nguyên do là tại ông bố đào hoa và các bà mắn đẻ nên đâm ra lắm chuyện.

Pascaline Mferri Bongo Ondimba và bố, ảnh chụp 2005 của Thierry Esch/Paris Match via Getty Images, từ trang này 

*
Marie Joséphine sanh ra trong một gia đình đàn nhạc và cô là ca sĩ nhà thờ. Năm 18 hay 14 (?) cô kết hôn với Omar Bongo là người đã có một con gái (Pascaline) với đời vợ trước. Cô được cho là vô sanh và đứa con của hai người (Ali) hình như là một đứa bé gốc Biafra được họ nhận nuôi. Chuyện này về sau kéo theo hậu quả là theo hiến pháp, người sanh ra ở nước ngoài và cha mẹ ruột không phải người Gabon thì không được ứng cử tổng thống trừ khi nhân tình cũ của bố ông ta là chủ tịch Tối cao pháp viện. Cô trở thành Đệ nhất phu nhân năm 1967 nhưng cũng trong năm đó, em gái ruột của cô sanh cho chồng cô liên tiếp hai đứa con được ông công nhận nên từ đó cô buồn.

Omar Bongo và Marie Josephine. Ảnh từ trang này

Guyane là một thuộc địa Pháp ở châu Mỹ có nhiều người da đen gốc Phi châu được xuất sang làm nô lệ đồn điền. Thời Pháp thuộc thì Guyane hay Việt Nam đều thuộc Pháp và qua lại. Một bé trai mang tên Robert Lương Như Truật sanh ra năm 1940 ở Việt nam, cha Guyane mẹ Việt, hay ngược lại cha Việt mẹ Guyane thì không rõ. Năm 1956, thành phần quốc tịch Pháp theo mẫu quốc “hồi hương”. Thực ra đây với họ là nước xa lạ và khoảng 1200 người được định cư tại trại lính cũ miền Nam nước Pháp là St-Livrade trong đó có gia đình họ Lương là 5 anh chị em. Cuộc sống mới này khá cơ hàn, và hội nhập khó khăn. Robert khi xuất trại vẫn ở lại trong vùng Villeneuve sur Lot ngụ tại một hộ tập thể bình dân với vợ và hai con. Năm 1975 anh làm nghề thợ sơn bữa đực bữa cái và có một người quen chỉ cho anh sang Gabon có việc làm. Gabon năm 1960 mới độc lập khỏi Pháp. Người Pháp vẫn nắm toàn bộ kinh tế địa phương và bầu không khí thuộc địa với các bạn Pháp Việt ta là nơi quen thuộc và dễ sống.

Robert tìm được một việc sơn phết lom khom gì đó trong dinh tổng thống. Một hôm trời giông bão đệ nhất phu nhân đi qua và bị sét đánh trúng ngay tim. Như đã kể, tổng thống Omar lúc đó đã có hai con riêng với chính cô em gái ruột của Marie Joséphine và trong năm 1979 có thêm một con riêng với bà thẩm phán sau này thành Chủ tịch Tối cao Pháp viện. Người thiếu phụ 34 (hay 37 tuổi) đơn côi và anh thợ sơn 38 tuổi xa nhà ôm nhau lăn xả vào một mối tình vụng trộm và say đắm. Chuyện này lấp ló sau chân cầu thang hay thập thò ngoài bụi chuối cũng khó giữ kín được lâu. Tháng 1. 1979, Robert bị trục xuất về Pháp bằng chuyên cơ của tổng thống Gabon với vệ sĩ của phủ tổng thống đi kèm! Mấy tháng sau, vào dịp vợ chồng tổng thống sang Pháp chơi, các vệ sĩ này còn xuống đến tận nhà Robert để khuyên anh đừng lên thủ đô trong những ngày đó làm gì.

Robert Luong. Ảnh từ trang này 

Nhưng con tim có tiếng nói của nó thầm thì. Tại một khách sạn vô danh thuộc quận 9 vào giữa đêm có tổng thống Omar đòi phá cửa phòng. Bên trong có đệ nhất phu nhân và Robert đang cầm cây cọ giả vờ sơn phết lại gì đó. Dọa dẫm anh vô ích và mua chuộc cũng không được. Nghe đâu ông tổng thống có cho anh một nắm tiền nhưng bà tổng thống lại còn cho nhiều hơn thì biết làm sao đây?

Ngày 27 tháng 10. 1979, Robert rời nhà và lên xe ở bãi đậu với cô em gái vào lúc 22h50. Hai người da trắng lại gần xe và anh chỉ kịp nói “Chạy đi em, hụp người xuống!” là nhận hai viên đạn 7,62mm vào mũi chết ngay tại chỗ. Đây là ca líp khẩu súng phòng thân của điệp viên James Bond. Vợ anh thấy động, bảo đứa con 11 tuổi ra lan can xem có việc gì thì nó bảo bố nó đang nằm dưới đất đùa! Bố không đùa và bố chết; chuyện sau đó không đi đến đâu hết. Sát thủ hình như là hai nhân viên phản gián Pháp và gia đình Robert, vợ anh và em gái anh, mỗi người nhận 1 triệu quan Pháp (200.000 USD) để rút đơn kiện bồi thường.

8 năm sau, có lẽ Marie Joséphine đã quên chàng trai nước Việt Robert, khi bà ly dị thành công ông chồng tổng thống, hay có lẽ là ông ly dị bà vì ông mới tìm ra một mối quan hệ mới. Edith Sassou-Nguesso trẻ và đẹp, là một bác sĩ nhi khoa nhưng quan trọng nhất, cô là con gái cưng của tổng thống Cộng hòa Congo kế cạnh, cho nên Omar phải cưới xin ra trò và cho vợ cũ ra khỏi dinh. Marie Joséphine rời phủ tống thống bèn dấn thân vào một sự nghiệp cầm ca xuất sắc, nổi tiếng khắp Phi châu dưới danh nghệ Patience Dabany và có lần lưu diễn Âu châu với danh ca Mỹ James Brown. Năm 2009, khi Omar Bongo qua đời, bà không còn là vợ của tổng thống hay đệ nhất phu nhân nữa mà trở thành mẫu hậu tức là mẹ của tổng thống Ali Bongo. Không may là mối tình nồng cháy của bà là Robert không còn nữa. Ông còn đó thì biết đâu khi chén rượu khi cuộc cờ họ quanh quẩn với nhau. Ali đâu? Thằng con tổng thống mày ra đây chào ông dượng Việt Nam nè!

Patience Dabany 2012. Ảnh từ trang này 

Ngày 30. 8 vừa qua, một hội đồng quân lực vừa lật đổ tổng thống Ali Bongo khi ông vừa tuyên bố thắng cử lần thứ 3 và băt đầu một nhiệm kỳ mới 7 năm. Marie Joséphine vẫn còn sống khỏe, năm nay bà chính thức 82 tuổi và tuổi thật có thể là 79. Trước khi con bà bị lật đổ tháng 8. 2023 vừa qua, bà ra ứng cử Hội đồng thành phố thủ đô ở quận 3.

Tháng 1. 1977, tổng thống Omar (áo đen) và Patience Dabany hay là Marie Joséphine. Bên phải là Ali con của họ – tổng thống mới bị lật đổ – lúc đó 18 tuổi. Ảnh từ trang này.

Chuyện đảo chánh Phi châu này là tại nước thứ 6 kể từ 2021. Nó khiến mọi người lo lắng, nhất là những người cha con thay nhau làm tổng thống từ 56 năm nay (Togo) hay những lãnh tụ cầm quyền 40 năm (Cameroon), Rwanda (23 năm)… Tuy nhiên, khác với những cuộc đảo chính trước, tại Gabon đây được coi như là một cuộc đảo chính cung đình. Trước hết tướng Olimi Nguema, tân chủ tịch lâm thời cũng là người trong gia tộc và biết đâu lại chẳng là do chính bà chị Pascaline giật dây. Chỉ có bà chị dâu và đê nhất phu nhân người Pháp hiện bị bắt giữ vì bà ta nắm tiền. Cậu con trai tổng thống là Noureddin và các bạn trẻ của cậu bị truy tố vì họ trước đây múa may làm xốn xang con mắt. Với đối thủ tranh cử chống Ali và về nhì thì đây là một cuộc đảo chánh để chặn ông ta làm tổng thống ! Có nghĩa là, Ali không giữ được nữa thì phải lật để tránh cho người khác lên! Vì vậy phản ứng quốc tế cũng nhẹ nhàng hơn là trường hợp của Niger ra mặt chống Pháp.

*

*

Bài tương tự:

- Địa lý dễ thuộc: Eo nào nhỏ bằng eo Bosphorus?

- Địa lý dễ thuộc: Bánh bao đến từ đâu, từ Ai Cập?

- Địa lý dễ thuộc: Dubai (vốn) là gì? Hejaz là ở đâu?

- Sử dễ thuộc: Từ cuộc cướp thành Constantinople 1204 tới lời xin lỗi 2004

- Sử-Địa dễ thuộc: Vua Musa cầm cục vàng soi lối

- Sử-Địa dễ thuộc: Nên tin lời em bé ngây thơ?

- Da đen và lịch sử Phi châu: thế Ai Cập da gì?

- Những trận vô danh trong quân sử: Song thành Nogales năm 1918

- Sử Địa dễ thuộc: Từ thánh Maurice đến chung cư St Moritz ở Sài Gòn

- Sử-Địa dễ thuộc: Biến cố “tiểu tiện” 1952 tại Macau

- Sử-Địa dễ thuộc: Đêm 31 tháng 12 năm 406, “chúng” đã đến Pháp xin tỵ nạn

- Sử-Địa dễ thuộc: Chiến dịch Kitona – 5 ngày, 5 năm, và 5 triệu

- Sử-Địa dễ thuộc: Những chuyện nho nhỏ của nước tí hon Équatorial Guinéa

- Sử-Địa dễ thuộc: Đoàn nữ binh Dahomey mang logo Lacoste

- Sử địa dễ thuộc: Ba phụ nữ và ba thành phố Ấn Độ (bài 1)

- Sử địa dễ thuộc: Ba phụ nữ và ba thành phố Ấn Độ (bài 2)

- Sử địa dễ thuộc: Hoàng tộc tí hon Sulu và vụ kiện (tí nữa thì) 15 tỉ

- Sử-Địa dễ thuộc: Người “Da đen” trắng Ba Lan trên đảo Haiti

- Sử-Địa dễ thuộc: Gabon – xứ sở trong tay một gia tộc lắm ái tình

- Sử-Địa dễ thuộc: Togo – bố anh bố tôi, rồi lại đến lượt anh và tôi

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả