Điện ảnh

Đoạt hồn: tóm lại là “muốn” có ma hay không? 15. 08. 14 - 7:55 am

Ngọc Dương

Có thể nói Đoạt Hồn là bộ phim tôi mong chờ nhất mùa hè 2014, một phần vì yêu mến phong cách của đạo diễn Hàm Trần qua phim Âm Mưu Giày Gót Nhọn, một phần vì bị “dặn dò” bằng trailer quảng cáo kỹ quá mỗi khi đi xem phim ở BHD Bitexco: “Xem World Cup xong đừng quên xem Đoạt Hồn!” Đây là một câu chuyện về một đứa trẻ bị chết trôi sông và được một linh hồn khác nhập vào để thực hiện một sứ mệnh mà linh hồn kia không thể thực hiện được. Điểm khác biệt của Đoạt Hồn nằm ở chỗ, linh hồn kia lại của một người đang sống và hôn mê, cuốn ta vào một mê trận điều tra phá án đầy gay cấn.
 

.

Mở đầu là hình ảnh một cô gái nhảy sông tự tử. Ấn tượng! Sau đó là loạt cảnh hầu đồng kiểu ngoài Bắc, lấy bối cảnh ở… Long Xuyên. Rất liên quan! Sau đó là thần tượng Ngọc Hiệp của lòng tôi, sau bao nhiêu năm trời vắng bóng đã xuất hiện. Thật kích động! Cho đến khi… Đùng đùng đùng ầm ầm ầm! Nguyên một bệt sáng tạt thẳng vào thái dương thần tượng Ngọc Hiệp, hé lộ không biết bao nhiêu là… tế bào chết. Sau đó đến “tử địa Khe Sanh” trên gương mặt đầy biểu cảm của nghệ sĩ Mai Thế Hiệp. Tự nhiên tôi nghĩ phim này ai tên Hiệp đều bị hậu kỳ nó hại hay sao đó?!?? Giữa những góc máy tuyệt đẹp, quay những hình ảnh công phu, diễn tiến nhịp nhàng logic, trong đầu tôi chỉ âm vang câu hỏi: “Tại sao tại sao tại sao một cái phim nãy giờ nhìn rất công phu như vậy lại tiếc tiền cái gói hậu kỳ cà láng da mặt? Mất tập trung thiệt chứ!”. Đoạt Hồn quay rất đẹp mắt, cắt dựng rất cẩn thận, câu chuyện liền lạc với tiết tấu nhanh nhẹn, hiện đại. Chỉ cần một chút xíu lưu ý nữa, một chút thời gian nữa dành cho hậu kỳ, ắt hẳn tác phẩm sẽ hoàn thiện hơn.
 

Người mẹ hết lòng vì con cái nhưng bị chồng phản bội. Nạn nhân thứ nhất của hậu kỳ: Ngọc Hiệp.

 

Ông chú đầy tâm sự và luôn muốn giúp cháu tìm ra sự thật. Nghệ sĩ Mai Thế Hiệp và “tử địa Khe Sanh”, nạn nhân thứ hai của hậu kỳ.

 

Chủ động chứa gái gian xảo. Sự trở lại của Thương Tín cũng “bị hại”.

Tôi lại cuốn vào mạch truyện hấp dẫn. Ầm ầm ầm đùng đùng đùng! Cô diễn viên nhí Thanh Mỹ, phát hiện mới của làng điện ảnh, té lọt sông mất xác. Nhạc xé lòng. Diễn xuất tuyệt vời của thần tượng Ngọc Hiệp. Diễn xuất phim-nào-cũng-một-kiểu của Trần Bảo Sơn. Diễn xuất đầy chì kẻ mắt phong cách Rock Gothic của cô chị gái Hồng Ân. Tử địa Khe Sanh tử địa Khe Sanh. Diễn xuất tuyệt vời của thần tượng Ngọc Hiệp. May quá không thấy tế bào chết… Ủa sao phim kinh dị mà đánh sáng high key như phim tình cảm hài vậy ta? Lại một suy nghĩ nữa nảy ra giữa mạch truyện hấp dẫn. Tôi phát hiện ra nãy giờ nếu tôi bịt tai lại thì phim này không còn kinh dị nữa, vì phần âm thanh quá ồn, quá “kinh dị” dường như đang gánh vác luôn vai trò của việc đặt ánh sáng đẹp nhưng lại không phù hợp với thể loại, nội dung của phim.

Cô chị đang lần theo dấu vết của linh hồn oan khuất. Hồng Ân trong một cảnh dựng công phu và thẩm mỹ.

 

Người cha gian ác đang trục vong khỏi đứa con ruột của mình. Trần Bảo Sơn và diễn viên nhí Thanh Mỹ trong một cảnh phim với ánh sáng quá long lanh.

 

Hai vợ chồng oan nghiệt. Ngọc Hiệp và Trần Bảo Sơn trong một phân đoạn với ánh sáng hoàn toàn có thể bị hiểu lầm thành phim tình cảm tâm lý xã hội.

Đùng đùng đùng ầm ầm ầm! Hú hồn. Coi kìa. Xác cô bé chết 7 ngày sống lại. Ngoại. Vườn – Đêm. Camera theo chân cô chị. Rón rén rón rén. Qua một đường hầm. Đến một hành lang. Ánh sáng tối lại được chút tại vì là buổi tối và trong phòng tối. Hoang mang hoang mang. Chơi vơi chơi vơi. Cô chị Hồng Ân quay một vòng. Hai vòng. Ba vòng… Bảy vòng. Ủa phim kinh dị quay ba vòng thôi mà ta, bảy vòng coi chừng lộn sang video clip duyên tình thắm đượm của Cẩm Ly rồi… Đùng đùng đùng ầm ầm ầm! Cận. Mặt người chết trôi, mắt lồi đỏ hung hãn. Á á á á á. Qua một vài đoạn doạ ma, ta đã có thế thấy rõ người làm phim không phải là fan cuồng của phim kinh dị, lại càng không hay để ý đến một số “thủ thuật” của bọn chuyên về kỹ thuật làm phim kinh dị. Có cảm giác anh ta chỉ làm phim kinh dị cho nó đủ “quân đỏ quân đen” trong profile đạo diễn của mình.
 

Bà đồng trong một buổi trục vong. Sự xuất hiện của Kiều Chinh rất ấn tượng.

Có thể nói đến thời điểm này thì tôi đã biết tiền của gói cà da mặt đã đi đâu về đâu rồi: đem đổ hết vào gói âm thanh dành cho phim ma. Mà phải chỉnh hết cỡ mới chịu! Giống mấy cô đã không bơm ngực thì thôi, bơm phải quất cho hai quả dưa hấu cho đáng đồng tiền bát gạo. Thực ra mãi sau này tôi mới nghe ngoài chợ Bến Thành đồn là do phim phải ra rạp đúng hẹn không phụ lòng fan hâm mộ bóng đá vẫn nhớ đi coi Đoạt Hồn, nên hậu kỳ làm chưa kịp, chứ không phải là mang tiền cà da đi mua âm lượng trong rạp như tôi đã tưởng tượng.

Bậc thầy phim kinh dị Alfred Hitchcock đã từng nói: “Phải luôn luôn làm cho khán giả chịu đựng càng nhiều thì càng tốt” (Always makes the audience suffer as much as possible) Ở một khía cạnh nào đó, đến cuối phim, Đoạt Hồn đã hoàn thành tốt sứ mệnh phim kinh dị nói như kiểu Hitchcock! Nhằm tránh được tất cả các kết luận có thể liên quan đến việc tuyên truyền mê tín dị đoan gây mất trật tự trị an Long Xuyên, bộ phim đã vô tình kết bằng một cái kết hết sức… đâm hơi, phủ nhận toàn bộ câu chuyện thú vị đã dẫn dắt khán giả từ đầu đến giờ. Tôi nghĩ ai “chịu đựng” được cái kết kiểu “né kiểm duyệt” đó của Đoạt Hồn sẽ được bình chọn giải “Khán giả có ngưỡng chịu đựng cao nhất hè 2014”.

Hơn nữa, nếu quan niệm theo kiểu Hitchcock, sự khủng khiếp của phim kinh dị đến từ chỗ “điều đó thật tàn nhẫn và phi lý” (lấy chữ của bác Nguyễn Huy Thiệp): vợ giết chồng, mẹ giết con, chả vì lý do gì cả, khùng thì giết người, thế thôi! Cứ cho là cô bé 5 tuổi đó bị nhập bởi một con ma khát máu thù hận vì những lý do nhảm nhí nào đó đi, ta vẫn có thể thấy được sự nhân văn của các nhân vật phim vượt qua bao sóng gió để giữ mãi… phận làm người! Nhưng đằng này, mọi người lại loay hoay gán cho một đống hồn ma đó một cái lý do quá sức chính trị, quá sức nhân văn. Có lẽ vì trong thời đại văn minh nghĩa tình như hiện tại, người ta vẫn luôn muốn giáo dục quần chúng rằng: không có ma cỏ đâu, nếu có thì cũng phải có lý do gì ghê gớm lắm khiến nó mới làm ma phá người. Mà thiệt ra cũng đâu có ma, tại vì tất cả cũng chỉ là “một giấc mơ màu tím”. Cái câu chuyện kinh dị của Đoạt Hồn phải viện đến quá nhiều luân lý, luật pháp, ban bệ, cấp ngành, phường hội…, nên thành ra coi giống phim hành động: bị mệt người!

Cận cảnh một buổi hầu đồng. Mang văn hóa đạo Mẫu vào phim một cách rất mỹ thuật.

Một bộ phim kinh dị có câu chuyện hay, được kể bằng hình ảnh đầy lôi cuốn, nhưng phải chịu nghịch cảnh ở đoạn kết thúc và đoạn làm hậu kỳ, thành ra làm người xem khá hoang mang là vì vậy. Tôi nghĩ để làm một bộ phim kinh dị hay, trước hết, người đạo diễn phải thực sự yêu thích thể loại phim kinh dị, làm theo công thức kinh dị nhưng vẫn có dấu ấn của mình. Và cuối cùng, họ phải dũng cảm làm tới cùng cái ý tưởng của mình, vượt thoát mọi sự kiểm duyệt vô lý. Nếu không xin đừng làm, sẽ làm những fan cuồng của phim kinh dị cảm thấy bị hụt hẫng. Vì đã gọi là fan cuồng của phim kinh dị, thì họ “kinh dị” lắm, họ “soi” cho ra ngô ra khoai thì thôi. Họ đến để chịu một sự tẩy trần về cảm giác, để thấy sự “tàn nhẫn và phi lý”, chứ họ không muốn bị dạy đạo đức và chứng minh rằng không có ma ở trên đời này.

Để kết bài một cách đâm hơi như cái kết của Đoạt Hồn, tôi xin mạn phép trích dẫn một cảm nhận của một người bạn. “Phim Đoạt Hồn nói chung chỉ khó hiểu khúc cuối, nhưng tui có thể giải thích được. Có điều, bài học lớn nhất của phim hình như không ai nhận ra. Đó là: ai quen với Suboi đều có kết cục bi thảm. Bạn Suboi chết. Con của bạn Suboi cũng chết. Bản thân Suboi cũng chết. Má Suboi sau khi bị điên cũng chết. Ngay cả chồng của má của con nhỏ đi tới thăm má Suboi cũng chết. Suboi đúng là thần chết!”
 

.

P.S.: Tôi là một người điểm phim có trách nhiệm: tôi đợi Đoạt Hồn chiếu gần hết kỳ, thu hết sở hụi rồi tôi mới dám viết bài viết công tâm không hề có ý công kích này (tất nhiên có thể cái sự cay cú Đức đoạt chức vô địch lần thứ 4 cũng có thể làm ảnh hưởng đến sự công tâm của tôi một chút). Cuối cùng, tôi chỉ muốn nói rằng tôi yêu anh Hàm Trần và mong anh tiếp tục chuyên tâm làm phim tình cảm hài cho mấy bạn thua độ đá banh đỡ dèm pha.
    

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả