|
|
|
|||||||||||||
Gẫm & Bình“Tiếng vọng từ thiên nhiên”: Cứ từ từ xem đã 18. 08. 14 - 12:47 pmCứ Từ TừCái tên “Nhóm họa sĩ lưu động”gợi lại một quá khứ huyền thoại của những họa sĩ đương thời với Levitan, Ivanov, Polenov, Repin,…khi mà những họa sĩ Nga, đứng đầu bởi Ivan Kramskoi muốn phản kháng lại cái lề thói hủ bại của học viện và chính trị đương thời; họ đi “lưu diễn”, “lưu động”trên khắp nước Nga, hy vọng đem nghệ thuật đến cho mọi tầng lớp xã hội và đem cuộc sống của mọi tầng lớp xã hội vào trong nghệ thuật. Hai cáí tên tuy giống nhau nhưng mục đích xuất hiện lại khác nhau, không biết do vô tình hay hữu ý. Nhưng phải nói đây là một triển lãm khá “hot” trên facebook, nhất là với những thành viên của 42 Yết Kiêu, những người đã buông bút hoặc vẫn đang cầm bút dù có chút “lỏng lẻo”. Một sự thật đáng ghi nhận: đây là một tập thể hiếm hoi của trường Yết Kiêu năm, mười năm trở lại đây, khi mà cái tinh thần học tập lao động của trường đang ở mức “báo động”. Mỗi năm, “tháp ngà” Yết Kiêu cho ra lò hàng trăm nghệ sĩ trẻ, vậy mà theo quan sát thì có không đến 5% hay ít hơn số cử nhân đó còn tiếp tục vẽ, chứ chưa nói đến chất lượng nghệ thuật. Vậy thì một nhóm họa sĩ thuộc thế hệ “suy tàn” của trường họp nhau lại, sáng tác, lao động, quảng bá nên là một dấu hiệu đáng mừng, đáng khích lệ, là một lời nhắc nhở với số đông người đã và đang sắp buông xuôi giấc mơ nghệ thuật mà họ từng một thời mơ mộng. Tôi, với quan điểm cá nhân, thích nhóm bạn này, mặc dù họ chẳng phải bạn tôi, tôi ra trường rất lâu sau thì họ mới vào trường, nhưng tôi khoái họ, bởi họ gợi lại trong tôi nhiều kỉ niệm về một thời “trẻ trâu” nông nổi, những đợt thực tế kiêm dã ngoại, vui vẻ, cuồng nhiệt, điên điên, làm việc say sưa và chơi cũng say sưa. Họ là những sinh viên mới tốt nghiệp được chưa đầy 2 năm, điều đó lý giải vì sao tác phẩm của họ vẫn “thơm mùi ghế nhà trường” như có người từng nhắc, nhưng thơm thì vẫn là thơm, cho dù nó là mùi ghế hay mùi bàn chi chi. Sự nghiệp của mỗi nghệ sĩ lẽ dĩ nhiên trải qua rất nhiều giai đoạn, giai đoạn A làm nhịp cầu và bước đệm cho giai đoạn B, và giai đoạn B lại như thế với các giai đoạn tiếp sau, có ai dám nhận giai đoạn nào là hoàn hảo, nếu có thì sự nghiệp nghệ thuật chính thức chấm hết tại chỗ mà tác giả của nó cảm thấy mãn nguyện, và thế là xong, vứt bút,đi làm nghề khác hoặc lái xe hơi phi thẳng xuống vực như Aristide Maillol làm khi ông cảm thấy mình không thể sáng tạo vượt qua thời trẻ, nhưng đó là chuyện khác. Cũng nên nói đôi chút về cảm nhận cá nhân đối với loạt tác phẩm cho nó giông giống một bài phê bình, cho dù khen cho hay thì dễ, mà chê cho khéo thì thực là thiên nan vạn nan. Vẫn lại mấy vấn đề biết rồi khổ lắm nói mãi, tức là đề tài các bạn chọn chưa mới, chưa bạo, chưa thấy sựđầu tư đối với việc khai thác đề tài, dẫu biết cảm hứng lấy từ thiên nhiên, nhưng thiên nhiên thì muôn hình muôn vẻ và trong nghệ thuật, thiên nhiên phải được nhuộm cái nước màu lâm ly của tâm sự, đó là cái làm nên giá trị của tranh phong cảnh. Hơn nữa thiên nhiên qua mỗi thời đại mỗi khác, khác từ diện mạo cho đến tâm sự của con người quan sát thiên nhiên ấy. Con người của nước Việt Nam thế kỉ 21, giữa cái cảnh bề bộn, hỗn tạp chồng lấn của thành thị và nông thôn, của xây dựng và phá bỏ lẽ dĩ nhiên phải khác cái thiên nhiên của thời 3,4 chục năm về trước. Tranh của Duy Tùng cho ta thấy và khoái một bút pháp tự tin tung tăng của một nghệ sĩ đã làm chủ được bút pháp, nhưng sự làm chủ liệu có quá lạm để khiến người xem cảm giác là anh đang quen tay hơn là hướng ngọn bút theo chiều sâu của suy tưởng? Tùng tỏ ra khá thiện xảo với gam đen trắngvà điều đó đem lại cái đẹp giản dị, bình đạm cho tranh của anh. Người xem tranh Tùng có dịp thả lỏng con mắt nhảy nhót theo những vệt bút sắc gọn, dứt khoát, chuẩn xác và đó dường như là cái khoái cảm rõ nét nhất mà tranh Tùng đem lại cho người xem. Nhưng thiết nghĩ nghệ thuật cần nhiều hơn thế. Khi bạn còn đang ngồi trên ghế nhà trường và bạn vẽ đáp ứng với những tiêu chí đặt ra cho một sinh viên, như tranh Tùng, tôi chắc sẽ được điểm cao. Nhưng khi bạn đã là một nghệ sĩ muốn thể hiện bản lĩnh của một nhà nghệ thuật, bạn dứt khoát phải đầu tư hơn, cả tư duy và hành động. Với một họa sĩ mới ra trường 2 năm, như thế có thểchấp nhận, nhưng nếu dăm năm nữa mà Tùng vẫn vẽ vậy, tôi có thể cho rằng Tùng là một họa sĩ thiếu tâm huyết. Hy vọng điều đó sẽ không xảy ra nếu chúng ta có dịp xem tranh anh lần thứ 2. Tác giả thứ 2 mà tôi thấy thích là Lê Thúy, chắc bạn là nữ, bởi cái tên và bảng màu ngọt sắc của bạn khiến tôi đoán vậy. Tranh Thúy đẹp về mặt thẩm mỹ, có lẽ đó là lí do bức “Bên hiên” của bạn được đăng tải nhiều nhất, giống như một niềm tự hào của nhóm. Con đường Thúy chọn khá gian nan, bởi những ai đã vẽ đều biết tả thực theo ảnh cho nó “thực” khó đến nhường nào – con đường này tôi không dám đi, tôi mắt kém và thiếu kiên nhẫn. Nhưng với Thúy con đường vẫn còn nhiều chông và gai bởi cái đẹp mà Thúy hướng đến rất dễ xem, dễ nắm bắt (với người xem) nhưng cực khó với người vẽ, bởi mục đích ghê gớm nhất mà nó phải đạt được là đẹp và thực hơn ảnh, ui chao là khó, vì với kiến thức ít ỏi về sơn dầu được truyền thụ trong trường Yết Kiêu thì việc tả thực là cả một quá trình mầy mò tự cày xới gian nan gấp đôi gấp ba những nghệ sĩ được đào tạo trong môi trường hàn lâm phương Tây. Nhưng thật may, nhìn tranh Thúy, tôi thấy được ý nghĩ dám làm và dám vươn đến, không như tôi nghĩ đến đã thấy sợ, hy vọng tương lai bạn làm được nhiều hơn thế, làm sao để người xem mắt chữ O mồm chữ A khi họ phải “ghê sợ” trước sự nhẫn nại và tinh tế của bạn, đó xứng đáng là một thành công. Tranh của Duy Hòa gợi nhắc đến bảng màu ngọt dịu mơ màng của mấy họa sĩ nhóm Nabis, kèm theo nét bút buông lung thong thả của Matisse, một chút hoang dại của Vlaminck, có cái đẹp phảng phất dễ gần nhưng sự sáng tạo vẫn hơi hướng hiền lành.
Tranh của Đặng Hiệp cho thấy một thói quen “yêu nắng” thường thấy của những ai thích vẽ phong cảnh. Nắng hắt, nắng xiên, nắng thu, nắng xế, nắng khe cửa, nắng đầu ngõ, nắng vách tường…là cái danh sách nắng khá dài mà những họa sĩ như chúng tôi thường “nghiền ngẫm” thời sinh viên, thậm chí đến cả họa sĩ đã trưởng thành như thầy Phạm Bình Chương, Nguyễn Phúc Lợi mà tình yêu nắng có vẻ vẫn chưa nguôi cạn. Tranh Hiệp có vẻ dễ làm hài lòng người thưởng ngoạn ngoại đạo, nhưng với người có kinh nghiệm về hội họa, anh vẫn nên đầu tư hơn về phối cảnh và mục đích sáng tác. Đôi khi chúng ta lao vào vẽ với một ham muốn nho nhỏ là tái hiện lại cái đẹp trước mắt sau khi đã vội vã ghi lại bằng máy ảnh, cái đó không xấu với một họa sĩ mới khởi nghiệp nhưng lại là xấu với những ai muốn đi xa hơn trên con đường hội họa, bởi thiết nghĩ, cái đẹp của tự nhiên để có cơ hội len lách vào những ngóc ngách sâu kín của tâm hồn người xem, nó cần phải được ngâm tẩm trong những tâm sự và tư duy của tác giả, một lớp áo của tư tưởng khoác cho thiên nhiên sẽ làm thiên nhiên đẹp hơn, con người hơn, nhân văn hơn, tôi nghĩ đó mới là thiên chức của nghệ thuật. Tại sao nhiều người bây giờ vẫn uể oải phán rằng tranh phong cảnh càng ngày càng nhạt, càng bế tắc, càng thiếu hồn, để rồi vẫn ngoảnh về tôn thờ xuýt soa cái quá khứ xa xăm của những Levitan, Monet, Aivazovsky, Turner… nọ kia, thực ra họ nói thế cũng không sai, lý giải một cách ngô nghê thì vì ngày xưa các họa sĩ ấy chưa ỷ lại máy ảnh, chưa ngồi trước laptop để vẽ phong cảnh như nhiều họa sĩ hiện đại vẫn thích làm; thay vào đó, họ lăn lóc với thiên nhiên, ăn thiên nhiên, uống thiên nhiên, đi khắp đất nước để săn lùng thiên nhiên theo ý thích của họ, đó là lý do tranh họ có hồn, tranh họ sống được với thời gian cũng vì nó có hồn, một cái hồn chẳng thể định nghĩa nhưng ai cũng nhận ra. * Trên đây chỉ là mấy cảm nhận có phần thiếu chuyên nghiệp của tôi về mấy cái tên mà tôi còn nhớ, hoặc nhớ nhờ xem lại trên facebook. Thực ra mà nói nghệ thuật nó bạc, bạc là vì làm thì lâu mà xem thì chóng, nuôi quân nghìn ngày dùng vài giây, đến cả nàng Mona Lisa khét tiếng cũng chỉ móc túi của mỗi khách tham quan chưa đến 30 giây huống chi là những cái tên mờ mờ khác. Thế nên hạnh phúc của họa sĩ không chỉ được hích hích bởi mấy câu khen xã giao hay mấy bài phê bình “mở miệng ăn tiền” của mấy người bán chữ nuôi miệng chuyên nghiệp, mà nên chăng ở sự quan tâm thật lòng của người mộ đạo, cho dù có khen có chê, có người khen nhạt hay có người chê chua nhưng miễn cóngười quan tâm, có người chịu khó dành thời gian để nói, để viết về mình, theo tôi đó là một niềm hạnh phúc, một niềm vui giống như một đứa trẻ đựợc người lớn săn sóc. Còn việc các họa sĩ trẻ xử trí ra sao với sự nghiệp của họ, họ bỏ cuộc hay họ tiếp tục,đó không thuộc thẩm quyền của khán giả. Mấy lời lảm nhảm ở trên có thể sẽ không lọt lỗ tai một số người, hoặc bị chê là vuốt ve, nâng bi nhồi đường (thực ra câu này chính tôi cũng không hiểu lắm), hay vân vân… nhưng mục đích nó được viết ra là để cổ vũ một thế hệ họa sĩ của trường Yết Kiêu lừng danh, nơi từng làm rạng rỡ một nền mỹ thuật hoặc sẽ tàn phá một nền mỹ thuật, nhưng điều đó thiết nghĩ cũng không nên đổ tại ai, vì nó nằm trong sự định đoạt của các họa sĩ trẻ. Ý kiến - Thảo luận
22:49
Tuesday,19.8.2014
Đăng bởi:
trinhngoclien
22:49
Tuesday,19.8.2014
Đăng bởi:
trinhngoclien
Cảm ơn các bác - những cây bút có trách nhiệm với sự nhìn và sự nghĩ. Nghệ thuật thời nào cũng vậy sự phát triển của nó phụ thuộc rất nhiều vào trình độ thưởng ngoạn của người xem và người viết phê bình, may mắn thì gặp những người hiểu, thực sự biết bởi họ có nghề và có tâm sáng nên họ có tầm.Sự nghiệt ngã của nghệ thuật nằm ở cái chỗ trẻ cũng phải cố để so với già, người mới học vẽ cũng phải sao cho giỏi như danh họa. Triển lãm của nhóm Họa sĩ Lưu động đã khép lại - giấc mơ của những người trẻ và bây giờ họ lại tiếp tục mơ những giấc mơ của họ!
21:05
Monday,18.8.2014
Đăng bởi:
Lê huyền
Phê bình hay^^
...xem tiếp
21:05
Monday,18.8.2014
Đăng bởi:
Lê huyền
Phê bình hay^^
Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
Cảm ơn các bác - những cây bút có trách nhiệm với sự nhìn và sự nghĩ. Nghệ thuật thời nào cũng vậy sự phát triển của nó phụ thuộc rất nhiều vào trình độ thưởng ngoạn của người xem và người viết phê bình, may mắn thì gặp những người hiểu, thực sự biết bởi họ có nghề và có tâm sáng nên họ có tầm.Sự nghiệt ngã của nghệ thuật nằm ở cái chỗ trẻ
...xem tiếp