Nghệ sĩ Việt Nam

Đưa con đi học, tình cờ gặp lại người họa sĩ già đã hoàn thiện phương pháp dạy vẽ cho trẻ mù 28. 08. 14 - 7:19 am

Vũ Lâm

Hè rồi, tôi đưa cậu con trai đầu vừa học hết lớp 1 đi học vẽ ở Pallet Workshop số 30, ngõ 20 Trương Định của một nữ họa sĩ trẻ, tình cờ tìm thấy lại người họa sĩ già đã góp phần hoàn thiện phương pháp dạy vẽ đặc biệt cho trẻ em mù ở trường Nguyễn Đình Chiểu.

Xưởng nghệ thuật – Pallet Workshop (tạm gọi tắt là PW) nằm ở ngõ 20 Trương Định, ngõ vào thì trung bình, nhưng ở bên trong thì mở ra một con phố rộng

 

Với 4 tầng và mặt sàn rộng 200m2 mỗi tầng, đây đúng nghĩa là một xưởng nghệ thuật thực sự. Tầng một dành hoàn toàn cho việc dạy vẽ, học vẽ và sáng tác của các bé từ 4 – 14 tuổi

 

Tầng hai chia làm 2 sảnh, một nửa dành cho việc học thanh nhạc và guitar, organ, một nửa là sàn dạy múa, nhảy hip-hop cho các em

 

Sàn dạy múa, dạy nhảy hiphop

Đã từng đi với nhau một vài chuyến du hành với chị Phương – nữ họa sĩ trẻ quản lý PW – trong nhóm Hành Trình Việt Nam Xanh xuyên Việt với mục đích xây dựng chương trình bảo vệ môi trường (chị Phương đảm nhiệm việc dạy vẽ và tuyên truyền cho trẻ em vẽ về đề tài môi trường nơi các em đang sống), tôi thấy chị là một người rất yêu trẻ và có khả năng đặc biệt quyến rũ các em bằng hình vẽ và mầu sắc. Chị dạy các em vẽ và chơi với chúng như là bạn thân của chúng vậy. Nơi nào chúng tôi đến, các bản làng dù ở Tây Nguyên, miền Trung, Tây Bắc, Nam Bộ, cứ nhóm chị Phương vừa bày tranh và bàn vẽ ra là các em nhỏ xúm quanh đầu tiên…

Chị Phương cho biết PW trước đây nằm ở trong khu Zone 9, là một “nốt trầm hiếm hoi” ở trong khu giải trí sáng tạo này, có mục đích mở đường cho trẻ em tới với thế giới hội họa.

Không gian của PW tại Zone 9 trước đây – giờ chỉ còn là dĩ vãng

Nhưng cùng với vụ cháy gây tai họa khủng khiếp năm ngoái, thì những hy vọng của giới sáng tạo trong nhiều ngành nghề, cả không biết bao nhiêu công sức tiền của đã đầu tư, đều tan theo làn khói đen… Xưởng nghệ thuật của chị Phương cùng chịu chung số phận với rất nhiều nghệ sĩ khác. Nhưng không chịu đầu hàng trước nghề dạy trẻ em vẽ và làm thời trang độc bản đã trở thành đam mê, chị Phương lại vận động bằng mọi cách, để lập lại Pallet Workshop như bây giờ.

Trẻ học vẽ ở PW và một bé khoe “tác phẩm”

 

.

Trò chuyện một lúc, chị Phương cho biết ở đây còn mở cả lớp dạy vẽ cho người lớn, cũng như luyện và dạy thanh nhạc cho người lớn. Hỏi ai dạy, thì chị cười nói rằng bố mẹ của mình dạy. Và chị dẫn tôi lên tầng hai, tầng ba để gặp bố mẹ chị. Thực bất ngờ, bố chị Phương lại chính là một người tôi có quen biết. Ông là họa sĩ Thẩm Đức Tụ, người có 30 năm thâm niên trong nghề dạy vẽ cho thiếu nhi, một trong những người chủ chốt sáng lập ra Cung Thiếu nhi, ươm mầm không ít những tài năng nghệ thuật của thủ đô (và không chỉ thế, sau này ông còn có 15 năm, 3 khóa là chủ tịch Hội liên hiệp Văn học-Nghệ thuật Hà Nội). Chị Phương tên đầy đủ là Thẩm Cầm Phương, là con gái đầu của ông.

Tôi được biết ông Tụ cách đây khoảng 10 năm, khi đi viết bài về việc dạy vẽ cho trẻ em… mù. Khi đó ông Tụ đã về hưu, ông đảm nhiệm một lớp dạy vẽ cho người lớn ở Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô, và tham gia dạy trẻ mù vẽ, cũng như phụ đạo và cùng hoàn thiện phương pháp dạy vẽ trẻ khiếm thị ở trường Nguyễn Đình Chiểu (Lạc Trung, Hà Nội). Thú thật là lúc đầu đi viết bài về việc dạy được trẻ mù vẽ, tôi không tin cho lắm. Nhưng khi gặp họa sĩ Thẩm Đức Tụ và được ông đưa đến những lớp dạy trẻ khiếm thị vẽ trong trường do cô Nguyễn Hương Giang phụ trách, xem những bức tranh của các em khiếm thị vẽ, tôi thật sự xúc động. Cơ duyên của việc dạy trẻ khiếm thị vẽ, được ông Tụ kể lại là, do một nữ nghệ sĩ gốm người Thụy Điển tên là Elisabeth Person sang Việt Nam chơi và tới gặp ông. Bà Elisabeth bị mắc một chứng bệnh làm thị lực suy giảm dần, bác sĩ nói rằng rồi sẽ tiến tới việc bà bị mù hẳn. Sau khi biết mình mắc căn bệnh quái ác này, bà Elisabeth bèn tìm nhiều cách để giúp đỡ từ thiện cho người mù. Khi đến Việt Nam, qua thông tin, bà biết ông Tụ là người có kinh nghiệm dạy hội họa cho thiếu nhi lâu năm và đến gặp ông, đề nghị ông cùng tìm cách đem mỹ thuật đến cho trẻ em mù. Phương pháp dạy cho trẻ em mù vẽ được cải tiến và hoàn thiện từ đây.

Họa sĩ Thẩm Đức Tụ kể: Chính tôi cũng không tin là có thể dạy trẻ khiếm thị vẽ. Khi đến trường Nguyễn Đình Chiểu, tôi thấy trẻ khiếm thị học chung với trẻ sáng mắt vào giờ vẽ. Các giáo viên họa của trường trước đó đã nghĩ ra cách thiết kế những bàn vẽ là lưới sắt mắt nhỏ, trẻ đặt tờ giấy vẽ lên rồi vẽ lên, đường hình sẽ nổi gờ, vết lên trên giấy nhờ lưới sắt đặt ở dưới. Trẻ sờ và cảm nhận được đường hình này. Nhưng trẻ cũng chỉ mới vẽ được những hình ngây ngô, chưa vẽ được mầu. Tôi bèn đặt ra một phương pháp vẽ mầu gọi là “nối tay cho trẻ”. Tôi đặt 24 mầu chia thành ba mầu một cùng tông (nóng hoặc lạnh, trung gian) rồi để cho trẻ thuận tay tìm. Tôi dạy cho trẻ bằng cách kể chuyện cho chúng rằng thế giới bên ngoài mầu gì, trẻ nghe và tự tưởng tượng, rồi ra đề bài cho các em vẽ. Trẻ khiếm thị chia thành nhiều loại khiếm thị, có những trẻ bị mù hoàn toàn bẩm sinh. Có những trẻ vài tuổi, mắc bệnh rồi mới bị mù hẳn, hoặc thị lực sút giảm, có thể nhìn lờ mờ. Những trẻ này là những trẻ đã được nhìn thấy thế giới ánh sáng. Khi lớn lên, ký ức thị giác của các em vẫn còn đôi chút. Bù đắp lại vào những ký ức thị giác không đầy đủ ấy là trí tưởng tượng và sự linh mẫn của xúc giác đôi bàn tay, những trẻ này vẽ rất xúc động và kỳ khôi. Đặc biệt, tranh của các em khiếm thị vẽ gây cảm giác xúc giác (sờ được) rất mạnh nên xem nó rất “động đậy”…Tôi còn dạy thêm các em cắt giấy thủ công, nặn đất nung, làm tranh in thạch cao…

Tranh của trẻ khiếm thị lớp cô Nguyễn Hương Giang và họa sĩ Thẩm Đức Tụ đã được quảng bá triển lãm ở một số khách sạn lớn. Năm 2005, với nỗ lực vận động của bà Elisabeth, một nhóm học sinh khiếm thị của trường Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội cùng tác phẩm của các em đã được đưa sang giao lưu triển lãm ở Thụy Điển. Cuộc giao lưu triển lãm ở thủ đô Stockholm còn có sự tham dự của Hoàng hậu Thụy Điển (Trong đường link đây, người đứng thứ hai, bên trái tấm ảnh nhỏ trong bài là họa sĩ Thẩm Đức Tụ).   

Mấy năm trước, họa sĩ Thẩm Đức Tụ trải qua một cơn tai biến, và ông đang trong quá trình phục hồi từ từ. Mặc dù bị ốm như vậy, nhưng ông vẫn cùng vợ, nghệ sĩ âm nhạc Minh Ngọc (người từng là Trưởng khoa thanh nhạc của Cung thiếu nhi Hà Nội, từng dạy cho khá nhiều “diva” đang nổi ở Việt Nam từ nhỏ) và con gái cả lập nên “cung thiếu nhi gia đình”, chính là Pallet Workshop.

“Gia đình họa sĩ Thẩm Đức Tụ tại “cung thiếu nhi” của họ, người đứng cạnh ông là họa sĩ Thẩm Cầm Phương, người ngồi bên phải cạnh đàn piano là bà Minh Ngọc”

Trong “cung thiếu nhi gia đình” đó, ông và con gái phụ trách dạy hội họa cho trẻ em và cả người lớn. Còn bà Minh Ngọc phụ trách dạy thanh nhạc, múa, nhảy… Để duy trì được cái “cung thiếu nhi” nho nhỏ này, họ đã phải nỗ lực rất, rất nhiều. Họa sĩ Thẩm Đức Tụ còn cho tôi biết, ông đang soạn tư liệu, để cuối năm nay sẽ triển lãm một cuộc triển lãm cực kỳ thú vị, là tranh của những nghệ sĩ nổi tiếng (trong nhiều ngành nghề, không chỉ riêng mỹ thuật) vẽ từ lúc họ còn là thiếu nhi đi học vẽ, mà ông Tụ đã dạy họ và vẫn còn lưu giữ được những bài vẽ-tác phẩm ấy từ khoảng hơn 40 năm trở lại. Những “người nổi tiếng” được xem lại tranh của họ từng vẽ lúc bé, nghe được tin này hẳn là rất khoái chí.

Một tin vui cuối cùng, khi tôi hỏi thăm về sức khỏe và đôi mắt của bà Elisabeth Person, người nghệ sĩ gốm Thụy Điển đầy hảo tâm ấy, họa sĩ Thẩm Đức Tụ cho biết ông vẫn liên lạc với bà, và biết tin là đôi mắt của bà, không hiểu do y tế của miền đất “chủ nghĩa xã hội thiếu nắng” Thụy Điển tốt hay tâm nguyện từ thiện của bà được “Chúa nghe thấy” mà nó không bị sút giảm thị lực thêm nữa, tức là tuy bà có thể nhìn yếu, nhưng đã tránh được nguy cơ mù hẳn.

 

Ý kiến - Thảo luận

2:44 Sunday,31.8.2014 Đăng bởi:  Đặng Phan Long
Đính chính : 3 khoá Chủ tịch Hội mỹ thuật Hà Nội (thuộc Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội)
...xem tiếp
2:44 Sunday,31.8.2014 Đăng bởi:  Đặng Phan Long
Đính chính : 3 khoá Chủ tịch Hội mỹ thuật Hà Nội (thuộc Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội) 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tôi là một người may mắn!

Phạm Thái Bình. Ảnh: Tịch Ru

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả