Thị trường

Đừng nhìn vào một phiên đấu giá mà vội đau đớn… 29. 08. 14 - 6:15 am

Hà Xứ phỏng vấn Nhà Sưu Tập

.”Teatme” của Nguyễn Tấn Cương – một tác phẩm có mặt trong buổi đấu giá ngày 24. 8 ở nhà Larasati, Singapore


Hà Xứ
(HX): Là một nhà sưu tập, hẳn mấy ngày qua anh có đọc tin về 11 tác phẩm của họa sĩ Việt Nam được bán hết ở một phiên đấu giá…

Nhà sưu tập gia (NST): …. và với giá rẻ? Ý của bạn có phải thế?

HX: Vâng… Anh thấy sao khi đọc cái tin ấy?

NST: Tôi thấy trên Soi nhiều bạn bình luận với vẻ bi thiết, thậm chí mỉa mai, coi đó là một thực trạng đáng buồn. Riêng tôi, với tư cách là một nhà sưu tập, tôi thấy vui.

Có hai lý do để vui.

Đầu tiên, hy vọng qua chuyện này, các họa sĩ cũng bớt đi việc thét giá trên trời. Những người sưu tập tranh Việt Nam như chúng tôi nhờ thế có thể mua được nhiều tranh hơn.

Trước nay luôn có hai điều cản trở tôi:

– Mua theo gallery thì giá quá cao. Gallery lúc mới quen thì thường làm ra vẻ quá sang trọng, lắm khi chảnh. Đến khi thân rồi lại trở nên quá suồng sã và đưa ra lắm thông tin nội tình khiến mình phát sợ hãi…

– Mua qua họa sĩ thì luôn luôn phải tạo quan hệ. Không thì họa sĩ thét giá rất trời ơi vì nhiều khi họ nghĩ mình chỉ hỏi chứ không mua, cứ thét cái đã. Mà mua được tranh với giá đúng rồi (tôi không gọi là rẻ) thì lại cứ có cảm giác được ban ơn. Thậm chí trong một số trường hợp, họa sĩ quá chén lại còn tiết lộ lắm mưu khiến mình áy náy, có cảm giác đang tiếp tay làm hỏng thị trường này, khi nối giáo cho họa sĩ phản bội lại gallery đã ký kết với họ.

Giờ thì tôi hy vọng mọi thứ sẽ “biết điều” hơn một chút.

HX: Và lý do thứ hai để anh vui là gì?

NST: Một phần tài sản của tôi nằm ở tranh. Lúc mua thì vì thích mà mua, nhưng tính thanh khoản của tranh kém lắm, nhất là vào thời buổi này, khi cần không bán được. Nhưng qua bài này, rõ ràng nếu giá tranh Việt Nam mà vừa phải là bán được. Bằng chứng là nhiều người bạn tôi lâu nay không hề mua tranh nhưng khi đọc bài thì cũng nhao nhao tiếc rẻ ước gì mua được vài bức. Mà người Việt Nam có mua tranh thì họa sĩ Việt Nam mới phát triển được. Không ai yêu tranh Việt Nam bằng người Việt Nam đâu.

“”My Flowers” của Đỗ Phấn, 1998, sơn dầu trên canvas, 72 x 65cm, SGD 732

 HX: Nếu là một họa sĩ Việt Nam, vẽ đẹp, anh sẽ cư xử thế nào trong việc bán tranh? Anh có cưỡng lại được không khi gallery đã mất công thét giá được hộ anh mà rồi anh lại không theo đuổi cái giá ấy, dù anh biết là nó “trên trời”?

NST: Đúng là rất khó cưỡng, nhưng một chiến lược tốt là để giá vừa phải, vừa miệng, bán được nhiều. Với giá ấy chẳng ai có nhu cầu nhái tranh anh cả, và người mua lại chỉ cần bỏ một món tiền không quá lớn là sở hữu được một bức tranh đẹp, của họa sĩ thật, vẽ thật. Tôi không nói cả 90 triệu người dân Việt Nam đều mua tranh, nhưng trong 90 triệu ấy, thành phần có thể dành ra 5 – 10 triệu để mua một bức tranh treo trong nhà là không ít đâu. Thị trường ấy mà khai thác tốt thì rất bền vững.

Ngoài ra, tranh giá mềm, bán nhanh, thì luôn luôn có thu nhập ổn định cho họa sĩ. Lại có tiền xoay vòng để mua toan, mua màu, thử nghiệm những hình thức sáng tạo mới, hoặc để đi du lịch, mở mang đầu óc. Họa sĩ mình cứ sợ bán tranh giá rẻ sau này càng ngày càng rẻ. Tranh mà thực có giá trị thì sẽ càng ngày càng đắt, và không liên quan gì tới việc đã có một thời giá rất rẻ. Đầu tiên là phải làm cho nhiều người biết mình đã, giá tranh sau đó mới lên được.

Thực ra hiện nay ở nước mình chả ai muốn bỏ nhiều tiền để mua một bức tranh khi biết là sau lưng họa sĩ sẽ sản xuất hàng loạt. Mà tình trạng này không hiếm. Nhưng họa sĩ làm thế là rất dại, khiến bão hòa cung khi cầu còn èo uột. Chả ai muốn mua giá cao để rồi khi cần bán có giá thấp cũng chẳng ai thèm mua.

Phần thưởng lớn nhất cho một nhà sưu tập khi mua được một tác phẩm mà mình yêu với một cái giá trong khả năng của mình, bên cạnh cái cảm giác được sở hữu còn là cái hy vọng (dù hầu hết trường hợp là rất mong manh) một ngày nào đó tác phẩm sẽ có giá cao hơn giá mình đã mua. Hỏi mười người nhà sưu tập thì có lẽ đến 9 người coi đó là lí do mà họ bỏ tiền ra mua tranh (nếu chỉ để ngắm thì vào bảo tàng mà ngắm tha hồ, tội gì). Ấy vậy mà ở Việt Nam, họa sĩ (từ chưa nổi tiếng đến nổi tiếng) và hầu hết các gallery đã vội vã cắt luôn cái phần thưởng đấy của nhà sưu tập bằng việc định giá tranh ở mức trên trời hoặc sản xuất hàng loạt. Đội ngũ nhà sưu tập (cả trong nước lẫn nước ngoài) đã mỏng lại càng mỏng, teo tóp dần theo thời gian.

“Thái tử”, tranh của Bùi Hữu Hùng, có mặt trong phiên đấu giá

HX: Lúc nãy anh có nói về đối tượng có 5 – 10 triệu để mua tranh…

NST: Vâng, đó là đối tượng có thu nhập kha khá, sẵn sàng bỏ ra 5 -15 triệu (mỗi năm hoặc vài năm) để mua tranh treo nhà mới, tặng tân gia, tặng sếp, tặng bố mẹ người yêu… Tầng lớp này, với số tiền này, thường muốn mua được tranh thật, tranh đẹp, giá mềm, lại của họa sĩ có tiếng tăm. Nhưng chừng đó tiền ở nước mình vào gallery mua thì không được. Mua tranh “sú” ngoài phố thì tự họ không muốn hạ mình thế, họ thấy không ổn.

Tôi quen nhiều bạn trẻ như thế, họ thích có tranh treo trong nhà dù không phải là người yêu nghệ thuật lắm, loại tranh mới mẻ tí, đương đại tí, tuy nhiên nghe đến giá thì các bạn ấy sợ. Hồi ấy tôi nhớ dẫn vài bạn ra Luala Concert xem triển lãm trên phố. Có bạn thích bức của Phạm Kiên, có bạn thích bức của Tuấn Tú, nhưng nhìn giá đều không mua được, những 30 triệu với 60 triệu… Dần dần các họa sĩ trẻ chỉ tự biết nhau, người thường không nghe tới tên họ. Đó cũng là một yếu tố sẽ khiến họ bán tranh khó. Người bình thường chỉ thích mua tranh người có tiếng tăm, như một thứ bảo chứng.

“Người đàm phán” của Nguyễn Thái Tuấn. Sơn dầu trên canvas, 80x 54cm, giá bán được 1,830 SGD

HX: Về những lời than là giá tranh Việt Nam tụt quá, thể hiện qua phiên đấu giá này, anh nghĩ sao?

NST: Người Việt Nam mình vì không quen sưu tầm những thứ bán chậm, cần kiên nhẫn như tranh, tượng nên luôn nóng vội. Khi mới có một vài bức trong tay thì nghĩ đó là tài sản quý không thể tưởng, rồi lúc mới chỉ có một phiên đấu giá như thế thì đã nghĩ như thể sắp mất hết tài sản.

Mà phiên đấu giá này diễn ra ở Singapore, nhìn qua kết quả cũng thấy sự định giá của người mua rất chủ quan, hình như không có thông tin gì về vị trí các họa sĩ mà mình mua trong khung cảnh nghệ thuật Việt Nam. Một phiên đấu giá bán được tranh cho những người không sành tranh Việt Nam thì đâu có thể coi là một thứ “nhất định đúng” được. Chỉ là một sự kiện để tham khảo thôi, tuy cũng có phần nào ý nghĩa.

HX: Thế theo anh, đâu là mức giá đúng cho những tác phẩm trên?

NST: Đây không phải là những họa sĩ tôi có sưu tập tranh của họ, nhưng có thể nói thế này: giá ở đây không đúng đâu. Có bức giá đáng ra phải cao hơn, như của Đặng Xuân Hòa, thì giá lại thấp, chỉ có 1,464 SGD, tức là khoảng 1,100 USD, là quá vô lý, ai mua được đúng là vớ bẫm. Trong khi đó, có bức mà người thường thì thấy đẹp đấy, nhưng dân trong làng biết ngay là tranh “sú”, thí dụ như tranh của Bùi Hữu Hùng, vẽ như kiểu hàng loạt để làm décor sảnh khách sạn, nhà hàng… thì giá lại cao nhất, gấp cả 3 lần tranh Hòa. Hoặc bức của Kathy, cô họa sĩ này tuy chọn đề tài tốt nhưng bức tranh cụ thể này chỉ mấp mé ở mức minh họa cho sách hoặc bài báo, thì giá lại cũng tới 2,318 SGD, vượt cả Đặng Xuân Hòa và bằng cả Đỗ Quang Em, thực không thể nói đây là những người sành về “ai là ai” được.

Tôi có nói chuyện với một người bạn, vị này bảo nhìn mớ tranh này, với những bộ đôi bán cả cặp giá rẻ, thì nghĩ tới việc đây là một loạt tranh mà chủ nhân…. được tặng, bây giờ túng tiền đem ra bán một mớ lấy tiền luôn một lúc. Mà nếu như thế thì bảo giá tranh này không phản ánh đúng giá trị thật, cũng là đúng, tại túng nên bán, thí dụ thế; bảo giá tranh này phản ánh đúng giá trị thật (bằng chứng là người ta chỉ mua tới giá ấy), cũng là đúng.

.”Xanh dương” của Đặng Xuân Hòa, sơn dầu trên canvas, 60 x 65cm, giá bán được: 1464 SGD

HX: Vậy vấn đề ở đây là gì, thưa anh?

NST: Là Việt Nam không có thị trường thứ cấp trong buôn bán tranh pháo. Mỗi người hét giá một phách, chẳng có tôn ti gì cả.

Tranh là một thứ tài sản, giá trị của nó, theo tôi, chính là giá trị tiền mặt mà người chủ tài sản ấy sẵn sàng quy đổi ở tại thời điểm đấy. Ở đâu cũng vậy, giá trị quy đổi ấy sẽ phụ thuộc rất nhiều yếu tố cảm tính, như người chủ của mớ tranh có đang túng tiền hay không, đang yêu hay đang ghét tác giả của những tác phẩm ấy, hoặc thậm chí đang muốn làm giá lên hay làm giá xuống. Nhưng ở những nơi có thị trường thứ cấp phát triển, nhà sưu tập sẽ luôn có một mức giá tham chiếu phù hợp cho những tác giá tác phẩm nhiều người biết trước khi đưa ra giá bán (sau khi đã cộng/trừ các yếu tố cảm tính) của mình.

Tóm lại, xuất phát từ việc nội trong nước ta chưa có một thị trường tranh pháo minh bạch và trung thực, có giá trị thanh khoản, với một đội ngũ chuyên gia thẩm định giá khách quan, thì chỉ nhìn vào một phiên đấu giá thế này mà thét lên là tranh Việt Nam, hay tác giả X, trường phái Y… chỉ đáng giá thế thôi, tôi cho là rất hồ đồ – hồ đồ ngang với việc nhìn một bức tranh ở gallery bày bán giá bao nhiêu hay nghe họa sĩ báo giá bao nhiêu mà khẳng định luôn là tranh họa sĩ đấy giá từng đấy, rồi về nhà lôi bộ sưu tập của mình ra mà nhân với số lượng, với mét vuông diện tích tranh rồi ảo tưởng về giá trị bộ sưu tập của mình.

HX: Cảm ơn anh rất nhiều!

Ý kiến - Thảo luận

16:30 Saturday,4.7.2015 Đăng bởi:  lica
bà con thân mến, ngày mai nhà Larasati Sing sẽ bán bức Gia Trí giá khởi 500 ngàn đô.
Và trong nước, một nhóm đại gia đã bỏ ra nhiều tỷ đồng, mua tranh các cụ. Nhưng chưa ngã ngũ trong thẩm định, và tranh nào chưa ai biết, người sở hữu nào bán ra cũng rứa. Chỉ thấy bank mách về giao dịch này thôi !
Và cuối cùng cúng cuồi, hãy mua tranh như chưa mua lần nào, để làm phong
...xem tiếp
16:30 Saturday,4.7.2015 Đăng bởi:  lica
bà con thân mến, ngày mai nhà Larasati Sing sẽ bán bức Gia Trí giá khởi 500 ngàn đô.
Và trong nước, một nhóm đại gia đã bỏ ra nhiều tỷ đồng, mua tranh các cụ. Nhưng chưa ngã ngũ trong thẩm định, và tranh nào chưa ai biết, người sở hữu nào bán ra cũng rứa. Chỉ thấy bank mách về giao dịch này thôi !
Và cuối cùng cúng cuồi, hãy mua tranh như chưa mua lần nào, để làm phong phú thêm một ngày nhàm chán cuối tuần... 
10:02 Friday,5.9.2014 Đăng bởi:  admin
Đề nghị các bạn khi cmt thì cmt về nội dung mà bài đang bàn tới, hơn là dùng nó để chỉ trích, đay nghiến, và cả đoán mò nữa... Đọc rất là mệt vì cái ám khí nó tỏa ra trong cmt. Soi không đưa lên được là vì thế thôi nhé; không muốn làm mệt những bạn đọc khác.
...xem tiếp
10:02 Friday,5.9.2014 Đăng bởi:  admin
Đề nghị các bạn khi cmt thì cmt về nội dung mà bài đang bàn tới, hơn là dùng nó để chỉ trích, đay nghiến, và cả đoán mò nữa... Đọc rất là mệt vì cái ám khí nó tỏa ra trong cmt. Soi không đưa lên được là vì thế thôi nhé; không muốn làm mệt những bạn đọc khác. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả