Văn & Chữ

Tên của đóa hồng* 14. 10. 14 - 1:08 am

Anh Nguyễn

.

“My sweet rose,” của họa sĩ John William Waterhouse, lấy cảm hứng từ bài thơ “Come into the Garden, Maud” của nhà thơ Alfred Lord Tennyson.

Mỗi năm lại có vài ngày kỷ niệm mà người lười xem lịch nhất cũng có thể nhận ra vì phố phường tràn ngập hoa. Trong muôn loài hoa khoe sắc, nhiều nhất vẫn luôn là hoa hồng. Hoa hồng phổ biến đến mức trở thành nhàm chán với nhiều người, nhưng bù lại hoa hồng lại có lịch sử có lẽ là đa dạng và hay ho nhất trong ngành thực vật. Hoa hồng gắn với tình yêu và sắc đẹp, chiến tranh và tôn giáo, lịch sử và nghệ thuật, y học và… nước hoa. Số lượng những bài thơ viết về hoa hồng có lẽ nhiều hơn tất cả các loài hoa khác cộng lại.
 

“The birth of Venus,” của Botticelli, 1486. Những bông hồng đón chào bước chân đầu tiên của nữ thần tình yêu và sắc đẹp.

Dựa trên những bằng chứng hóa thạch, hoa hồng đã có tuổi thọ ít nhất 35 triệu năm. Những tài liệu cổ nhất còn lại có nhắc đến hoa hồng có từ 5000 năm trước Công nguyên ở  Mesopotamia (nay là Iraq.) Trong trường ca Illiad của Homer có nhắc đến những bông hồng tô điểm chiếc khiên của Achilles, và nhà thơ nữ Sappho phong hoa hồng là nữ hoàng các loài hoa trong “Ode to the Rose”. Nhưng những người cuồng hoa hồng đầu tiên trong lịch sử là giới quý tộc La Mã. Cơn nghiện này bắt đầu do sự tiếp xúc với dân Ba Tư và Trung Đông. Trong môi trường ưa phù hoa đặc trưng… La Mã, hoa hồng và nước hoa hồng nhanh chóng biến thành biểu tượng  của sự hưởng thụ xa xỉ. Nào những vòi nước phun trào hoa hồng, nào những tấm thảm trải dày hoa hồng, thậm chí tại một buổi yến tiệc của Nero, khách khứa còn ngạt thở vì hàng tấn cánh hồng được tung lên người họ. (Theo cuốn Cultivated Broad Leaved Trees and Shrubs của Krussman, 1977).
 

“The Roses of Heliogabalus,” của Lawrence Alma-Tadema, 1888, vẽ lại một cảnh yến tiệc tương tự của hoàng đế La Mã Heliogabalus. Hoa hồng được gửi từ French Riviera trong suốt bốn tháng ròng để họa sĩ có thể vẽ chính xác từng cánh hoa.

Theo huyền thoại của người Thổ Nhĩ Kỳ và Ba Tư, hoa hồng sinh ra từ chính những giọt mồ hôi của nhà tiên tri Mohammed. Chính vì lẽ đó, hoa hồng đã thay thế hoa sen trở thành loài hoa được thờ phụng ở những vùng mà Hồi giáo lên ngôi. Hoa hồng trở thành biểu tượng cho lòng trung thành và tình yêu vượt lên cả ranh giới sinh tử. Các nhà thơ Ba Tư say sưa ca tụng hoa hồng và ví tất cả những gì tốt đẹp với loài hoa này. Hoa hồng trở nên thần thánh tới mức những nhà thờ Hồi giáo bị những kẻ ngoại đạo làm vấy bẩn chỉ có thể trở nên tinh khiết nếu được cọ rửa hoàn toàn bằng nước hoa hồng! Cả một ngành công nghiệp xoay quanh hoa hồng trỗi dậy ở Ba Tư và đạt đến đỉnh điểm vào khoảng năm 900-1600. Một tài liệu còn sót lại của Ibn Khaldun cho thấy Baghdad đánh thuế Fars 30.000 chai nước hoa hồng một năm. Nước hoa hồng ở đây còn được xuất khẩu tới những đất nước xa xôi như Tây Ban Nha và Trung Hoa. Người Arab còn tiến một bước xa hơn và chiết xuất được tinh dầu hoa hồng – thành phần cơ bản cho ngành nước hoa. Ở thời Trung Cổ, ngoài dầu hoa hồng và nước hoa hồng thì mật hoa, si-rô hoa, và đường hoa hồng còn được dùng trong y học.
 

Hộp sơn mài có motif Hoa hồng và chim sơn ca – một trong những motif phổ biến nhất của nghệ thuật Ba Tư.

Quay trở lại La Mã, sau khi đế chế sụp đổ, tất cả những gì gắn với sự sa đọa, hưởng thụ, đẹp đẽ đặc thù La Mã đều bị Thiên Chúa giáo chỉ trích. Thánh Clement của Alexandria đặc biệt công kích hoa hồng và nước hoa, coi chúng là những tàn dư ghê tởm của một thể chế xấu xa. Hoa hồng và hoa huệ lily cũng không là ngoại lệ. Việc trồng hoa hồng trước vốn là một thú vui tao nhã dần bị quên lãng, bởi chính các tu sĩ vốn trồng hoa cần cù nhất lại… không được phép. May thay, vua Charlemagne vào cuối thế kỉ 8 đã hạ lệnh đưa hoa hồng vào vườn thượng uyển, và hoa hồng dần trở lại vị thế nữ hoàng.

Vào thời Trung Cổ, tất cả các loài cây đều được trồng vì mục đích lương thực hoặc y học, chỉ riêng hoa hồng và hoa huệ lily được ưu ái vì… đẹp. Cái đẹp quả là một công cụ duy trì nòi giống hữu ích, vì nếu không có bàn tay của con người chăm sóc, nhân giống thì hoa hồng đã chịu số phận tuyệt chủng như rất nhiều loài không tên khác. Quan điểm của Thiên Chúa giáo về hoa hồng nhanh chóng thay đổi, thánh Cyprian và thánh Jerome đều ca tụng hoa hồng như một phần thưởng trên thiên đường. Màu đỏ của hoa hồng gắn với máu của các vị thánh tử vì đạo, còn những chiếc gai làm liên tưởng đến chiếc mão gai mà Chúa đã đội trên cây Thập Tự. Trong một câu chuyện về phép màu của Thiên Chúa, thánh Elizabeth thường lén mang đồ ăn đến cho người nghèo, chồng bà là vua Louis của Thuringia nghe lời sàm tấu bèn tra khảo bà nhưng, khi tấm vải phủ làn thức ăn được lật lên thì chỉ có một bông hồng trắng. Vòng tràng hạt của những tín đồ Thiên Chúa cũng hóa ra từ hoa hồng và được gọi là Rosary. Như ta đã biết, cả hoa hồng và hoa huệ lily đều được thu nhận bởi hệ tư tưởng Thiên Chúa giáo và trở thành biểu tượng cho Đức Mẹ. Một trong những danh hiệu của Đức Mẹ chính là “Mystical Rose.” (Đóa hồng huyền bí.)
 

“Madonna of the Rose Garden,” của Michelino da Besozzo, 1425

Hoa hồng như một biểu tượng Thiên Chúa có lẽ được miêu tả kỳ diệu nhất trong Paradiso, phần cuối  trong tác phẩm Hài Kịch thần thánh của nhà thơ Dante. Đóa hồng vĩnh cửu khi thì làm bằng vàng, khi lại trắng hơn tuyết, và toàn bộ Thiên đường là một đóa hồng trải dài vô tận, mỗi linh hồn là một cánh hoa, và mùi thơm tỏa ra chính là lời ca tụng Chúa. Đây có lẽ là tác phẩm có sức biểu hiện mãnh liệt nhất về sự gắn kết của hoa hồng và Chúa. Có thể nói rằng hoa hồng là loài hoa có nhiều biểu tượng và biến thể nhất trong tín ngưỡng Cơ Đốc.

Trong văn hóa Đức, hoa hồng lại gắn liền với linh hồn và cái chết, đó là lý do khiến người Đức thường trồng hoa hồng ở các nghĩa trang và quanh mộ. Trong thần thoại Hy Lạp, hoa hồng là loài hoa của thần Vệ Nữ; ngoài ra thần tình yêu Eros còn “hối lộ” vị thần của sự im lặng để vị thần không “chỉ điểm” những vụ ngoại tình lăng nhăng. Tuy nhiên, chỉ sau khi châu Âu mở cửa đón nhận văn hóa phương Đông qua con đường tơ lụa, ý nghĩa của hoa hồng gắn với tình yêu trần tục mới được lan truyền rộng rãi. Hoa hồng đỏ trở thành loài hoa đồng nghĩa với ái tình nam nữ. Tình dược trong truyện cổ về Tristan và Isolde, một trong những truyện tình kinh điển nhất, được cho là có chứa cánh hoa hồng.
 

“Lady Lilith,” của Dante Gabriel Rossetti, 1872. Nhân vật trong tranh là Lilith, vợ đầu tiên của Adam (theo Do Thái giáo.) Người mẫu chính là nhân tình của họa sĩ, được vẽ cạnh những bông hồng.

 

“The Rose Bower,” của Hans Zatzka.

Hoa hồng không chỉ có ý nghĩa tôn giáo và lãng mạn mà còn có liên quan không nhỏ tới chính trị và chiến tranh. Những cánh hồng xếp lớp khiến người ta liên tưởng đến bí mật, vì thế hoa hồng trở thành biểu tượng của sự kín đáo. Trên trần phòng họp của các hội đồng quân sự nếu có khảm hoa hồng nghĩa là tất cả những người tham gia đều sub rosa – ở dưới hoa hồng, và phải thề giữ bí mật tuyệt đối. Đến tận thế kỉ 19 hoa hồng thường vẫn được trang trí trên trần nhà mặc dù ý nghĩa của nó không còn như xưa. Cuộc chiến tranh kéo dài 33 năm giữa hai nhà Lancaster và York để giành ngai vàng Anh Cát Lợi được gọi là cuộc chiến hoa hồng – “Wars of the roses” – bởi cả hai gia đình quí tộc đều lấy hoa hồng làm huy hiệu – nhà York lấy hoa hồng trắng và nhà Lancaster lấy hoa hồng đỏ. Khi cuộc chiến kết thúc tốt đẹp, một loại hồng lai được trồng để kỉ niệm sự hòa hợp của hai gia đình.
 

Tranh của Henry Payne, 1908, tả cảnh những người ủng hộ hai nhà Lancaster và York chọn ngắt hoa hồng để chứng tỏ lòng trung thành của họ.

Ngày nay, nhiều ý nghĩa của hoa hồng đã bị lãng quên theo dòng chảy hối hả của cuộc sống, song hoa hồng chưa từng ngừng quyến rũ con người. Cleopatra “dụ dỗ” Marc Anthony bằng hoa hồng. Hoàng hậu Josephine sưu tập hoa hồng và gây dựng vườn hồng lớn nhất ở châu Âu. Công nương Diana dùng loại nước hoa đặt hàng riêng có chứa tinh dầu hoa hồng trắng. Xuyên suốt lịch sử, những người mê đắm đã và sẽ luôn vinh danh hoa hồng – loài hoa nữ tính màu nhiệm.

*

* Tựa đề bài viết đặt theo tác phẩm Il nome della rosa của Umberto Eco.

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Bài đã đăng

» Xem tiếp...

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả