Kiến trúc

Mỗi tuần một kiến trúc sư: Fumihiko Maki – cỗ máy bền bỉ bước sang tuổi 86 08. 09. 14 - 8:48 am

Phát Tường tổng hợp và lược dịch

.

.

Hôm 6. 9 vừa qua là sinh nhật lần thứ 86 của Fumihiko Maki, người được coi là một trong những kiến trúc sư đặc biệt nhất của Nhật hiện còn sống. Phong cách hiện đại của Makia rất độc đáo: phản ảnh nguồn gốc Nhật của ông, đồng thời hòa trộn được những đường nét phương Tây.

Maki hay dùng các mảng đơn giản của kim loại, bê tông, và kính, thuộc nhiều loại khác nhau, tạo nên một bầu không khí mạnh mẽ và đẹp đẽ cho khối kiến trúc. Đặc biệt, Maki có khả năng tích hợp và thâu nhập những phương pháp xây dựng mới vào trong thiết kế, để đảm bảo yêu cầu mà do ông tự đặt ta, là làm ra “những khung cảnh không thể nào quên”.
 

Khu phức hợp Media Lab của MIT do Maki thiết kế

Sinh năm 1928 ở Tokyo, Maki học kiến trúc ở Đại học Tokyo, sau đó qua học ở Michigan (Mỹ), rồi Harvard, thực tập tại các đại công ty như Skidmore, Owings và Merrill, Sert Jackson & Associates. Ông từng đi dạy tại Đại học Washington ở St. Louis, đó cũng là nơi lần đầu tiên ông nhận được đơn đặt hàng thiết kế trung tâm nghệ thuật Steinberg Hall cho khu học xá, Về sau, Maki tham gia giảng dạy tại khoa Thiết kế của trường GSD. Nhưng năm 1965, ông quay về Nhật, lập công ty riêng “Maki và Cộng sự” tại Tokyo.

Trung tâm nghệ thuật trình diễn Mihara, do Maki thiết kế

Maki nói: “Tokyo là nơi tôi sinh ra, lớn lên, được học hành. Tokyo cũng là nơi tôi bắt đầu làm quen với một số công trình kiến trúc hiện đại có từ những năm 1930s ở Nhật – những căn nhà trắng của những nhà tiên phong hiện đại chủ nghĩa như Kameki Tsuchiura (một học trò của Frank Lloyd Wright trong thời gian Wright sống tại Nhật để thiết kế khách sạn Imperial), như Sutemi Horiguchi, và Antonin Raymond.”

Trong vô số những dự án nổi bật của Maki, có thể kể ra công trình Makuhari Messe (Tokyo), nhà Spiral (Tokyo), và Trung tâm Nghệ thuật Yerba Buena Center (San Francisco).

Trước kia được gọi là Trung tâm Hội nghị Nippon, khu Makuhari Messe (một phần từ tiếng Đức có nghĩa là “hội chợ thương mại”) là trung tâm hội nghị lớn thứ nhì của Nhật, chỉ sau Tokyo Big Sight. Makuhari Messe được kiến trúc sư Fumihiko Maki thiết kế và hoàn tất vào năm 1989.

 

Nằm ở quận Chiba, phía đông Tokyo, khu phức hợp 4 tầng Makuhari Messe khung thép có bên trong nở rộng gồm 11 gian triển lãm, 1 nhà hội nghị, 1 sảnh sự kiện có thể chứa tới 9,000 khách.

 

Tọa lạc tại Aoyama – một trong những quận buôn bán tập nập nhất của Tokyo, đối diện là các công trình của những “cây đa cây đề” kiến trúc Nhật như Tadao Ando và Kisho Kurokawa, tòa nhà Spiral của Maki mang ý tưởng “trộn lẫn nghệ thuật với đời sống”, bên trong vừa có chức năng thương mại (các cửa hiệu thời trang, nhà hàng, cà phê, salon sắc đẹp), vừa có chức năng tổ chức các hoạt động nghệ thuật, văn hóa (phòng triển lãm, sân khấu, phòng hòa nhạc…)

 

“Với tòa nhà này, tôi muốn giới thiệu cái hỗn độn của thành phố này, và với mục đích ấy, tôi dùng những yếu tố đặc trưng của kiến hiện đại, như khối, nón, hình bán cầu, kết hợp lại theo cách bổ trợ nhau.”

 

Bên ngoài thoạt nhìn tòa nhà có vẻ bị ảnh hưởng phong cách của Richard Meier: cũng màu trắng, những mảng, những khối hình học chồng lấp nhau, những bảng nhôm bóng loáng… Lại có chút ít giống Peter Eisenman với phong cách giải cấu trúc rồi tái kết hợp của những yếu tố thiết kế.

 

Tuy nhiên đó chỉ là bề ngoài, bên trong tòa nhà cực kỳ ngăn nắp, gồm các không gian chức năng tuần tự nối nhau.

Mới đây Maki nhận được đặt hàng thiết kế bảo tàng thiết kế đầu tiên của Trung Quốc, đặt tại Thẩm Quyến.

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả