Tạp hóa - Xã hội

Vì sao chúng ta hay cưới nhầm người (phần 1): Vì không hiểu chính ta 29. 11. 14 - 6:57 am

Lê Hà st từ Thephilosopher's mail - Hoàng Lan dịch

Hí họa không rõ tác giả

Tất nhiên, dù có cưới ai thì ta vẫn có thể nhầm một chút xíu. Trong chuyện này, khôn ngoan là biết bi quan đúng mực. Hoàn hảo thì hiếm gặp. Bất hạnh thì thường xuyên. Tuy vậy, đôi khi gặp phải một cặp lệch nhau đến cùng cực, kỵ nhau tận gốc rễ, thì ta đành phải kết luận rằng có thứ gì đó đã vượt quá khỏi sự thất vọng cũng như những căng thẳng thông thường vẫn có trong mỗi mối quan hệ lâu dài: một số người đơn giản là không nên sống cùng nhau. 

Những sai lầm này xảy ra như thế nào? Dễ dàng lẫn thường xuyên đến kinh hoàng. Nếu chuyện cưới nhầm người là thứ sai lầm dễ dàng nhất và cũng là đắt giá nhất mà ai trong chúng ta cũng có thể phạm phải (và là thứ sai lầm sẽ đặt gánh nặng to đùng lên xã hội, lên các chủ doanh nghiệp, lên cả thế hệ sau) thì thật kinh khủng, thậm chí là tội ác, khi vấn đề cưới xin cho thông minh không được đưa ra bàn một cách hệ thống ở một tầm mức cá nhân hoặc quốc gia như vấn đề an toàn giao thông hay hút thuốc.

Buồn hơn nữa vì sự thật là những lý do vì sao người ta chọn nhầm lại thường dễ vạch ra và cấu trúc của chúng chẳng có gì bất ngờ. Chúng thường rơi vào một số mục căn bản sau:

Một: Ta không hiểu chính bản thân ta

Lầu đầu tìm bạn đời, chúng ta thường đưa ra những yêu cầu và tô vẽ chúng bằng một sự mơ hồ đầy cảm tính không rõ ràng và đẹp đẽ: ta sẽ nói rằng mình thực sự muốn tìm ai đó “tử tế” hoặc “vui khi sống cùng”, rồi “hấp dẫn” hoặc “thích phiêu lưu…”

Không phải là những mong muốn đó sai, chúng chỉ không đủ chính xác chút nào trong việc giúp ta hiểu bản thân mình cần gì hòng có lấy một cơ hội để mà sống hạnh phúc – hay nói đúng hơn, để không phải đau khổ triền miên.

Tất cả chúng ta đều hâm theo nhiều cách rất cá biệt. Chúng ta loạn thần kinh, mất cân bằng, và thiếu chín chắn theo lắm kiểu khác nhau rõ rệt; nhưng ta thường không biết rõ chi tiết về cái sự khùng này vì chẳng ai cố động viên ta tìm hiểu nó. Vì thế, nhiệm vụ đầu tiên lẫn cấp bách nhất mà bất cứ kẻ đang yêu nào cũng phải làm là nắm bắt được những cách hâm đặc biệt của mình. Nói kiểu khác, họ phải đuổi kịp chứng rối loạn thần kinh của chính họ. Họ phải hiểu thấu rằng cái hâm nó từ đâu đến, điều gì khiến họ hâm – và quan trọng nhất, loại người nào sẽ khiến họ trở nên hoặc hâm hơn hoặc bớt hâm. Một cuộc hôn nhân tốt không hẳn là cuộc hôn nhân giữa hai người khỏe mạnh (không có mấy người như vậy trên hành tinh này đâu), nó là cuộc hôn nhân giữa hai kẻ loạn trí nhưng có kỹ năng hoặc có đủ may mắn để tìm thấy một chỗ trú tỉnh táo không gây hiểm họa cho cái khùng của nhau.

Chính cái ý tưởng “có lẽ ta không quá khó như người” đã khiến bất cứ kẻ nào sắp thành vợ thành chồng trong tương lai phải gióng hồi chuông cảnh giác. Vấn đề chỉ là rắc rối sẽ nằm ở đâu: biết đâu ta ngầm có xu hướng nổi đóa khi ai đấy không đồng ý với mình, hoặc ta chỉ thư giãn được lúc đang làm việc, hoặc ta hơi khó mà thân mật được sau khi đã làm tình, hoặc ta không được giỏi lắm khi phải giải thích việc gì đang diễn ra lúc ta lo lắng. Chính những vấn đề kiểu này – qua hàng thập kỷ – sẽ gây nên lắm thảm họa, thành thử ta cần phải biết về chúng thật sớm, để còn đi tìm người có cấu tạo tối ưu mà chịu đựng mấy tính điên của ta. Cho nên một câu hỏi căn bản trong bất kỳ bữa ăn tối hẹn hò thời kỳ đầu nào sẽ là: “Vậy em/anh hâm như thế nào?”

Hí họa của John Crowrher

Vấn đề là chẳng dễ mà kiếm được kiến thức về chứng loạn thần kinh của ta. Nó có thể mất hàng nhiều năm, và (sau khi ta đã lâm vào) nhiều hoàn cảnh mà ta chẳng hề có kinh nghiệm xử lý gì trước đó. Trước khi kết hôn, ta hiếm khi vướng vào những căng thẳng khiến phải cầm gương soi lại sự rối rắm của bản thân. Bất cứ khi nào một mối quan hệ ngẫu nhiên đe dọa bộc lộ mặt “khó chịu” của bản chất mình ra, ta thường đổ lỗi luôn cho “đối phương” – và coi như thế là xong chuyện. Còn với bạn bè, họ dĩ nhiên là chả quan tâm đủ để có động cơ mà chọc ngoáy vào con người thật của ta, họ chỉ muốn một buổi tối đi chơi vui vẻ. Vì thế, kết quả là ta thường mù tịt về các khía cạnh kỳ quặc của bản tính mình. Lúc có mỗi mình mình, khi tức giận, ta không kêu gào vì chẳng có ai ở đấy mà nghe – nên ta thường bỏ lơ cái sức mạnh thực sự và đáng lo ngại của khả năng giận dữ trong ta. Hoặc là ta làm việc quần quật tối ngày, bởi chẳng có ai chờ ta về nhà ăn bữa tối, ta điên cuồng dùng công việc để thu được cảm giác là mình đang kiểm soát đời mình – và ta có thể cáu tiết nếu ai đó định ngăn ta lại. Vào ban đêm, tất cả những gì ta nhận ra được là thật ngọt ngào làm sao nếu được ôm ai đó, nhưng ta lại không có cơ hội để đối mặt với cái khía cạnh muốn né tránh sự thân mật của ta – cái khía cạnh khiến ta trở nên lạnh nhạt và lạ lùng mỗi khi nó cảm thấy ta đang gắn bó quá sâu đậm với ai đó. Một trong những ưu điểm lớn nhất của độc thân là cái ảo tưởng rất chi nịnh nọt rằng mình thật sự là một người khá dễ chịu để kẻ khác sống cùng.

Với mức độ nhận thức quá kém về tính cách của mình, chả trách sao ta chẳng có đủ tư cách để tìm hiểu xem người chúng ta nên tìm là ai.

(Còn tiếp)

 

Ý kiến - Thảo luận

11:24 Monday,1.12.2014 Đăng bởi:  vinhnguyen
Huhu, em đang trong hoàn cảnh bắt buộc phải kết hôn. Thấy bị áp lực và chán nản vô cùng, lấy người mình không yêu thì còn gì đau khổ hơn đây ạ? em nghĩ trong chuyện này lấy được người mình yêu và thấy chấp nhận được (không ghét) là hạnh phúc rồi!
...xem tiếp
11:24 Monday,1.12.2014 Đăng bởi:  vinhnguyen
Huhu, em đang trong hoàn cảnh bắt buộc phải kết hôn. Thấy bị áp lực và chán nản vô cùng, lấy người mình không yêu thì còn gì đau khổ hơn đây ạ? em nghĩ trong chuyện này lấy được người mình yêu và thấy chấp nhận được (không ghét) là hạnh phúc rồi! 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả