Văn & Chữ

Thách đọc mà hiểu: Matxcơva còn “tin vào những giọt nước mắt” 21. 09. 14 - 8:24 am

Nguyễn Chí Hoan

 

Minh họa của sách: họa sĩ Kim Duẩn

 

Nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan đọc lại tiểu thuyết “Cơ hội của Chúa” trước khi lần lượt bước vào “Khải huyền muộn”, rồi “Ba ngôi của người” của Nguyễn Việt Hà.
Tên bài do Soi thêm vào cụm “Thách đọc mà hiểu” vì bản thân Soi đọc cũng không hiểu hết ý bài, nhất là đoạn cuối.

*

Kẻ nói thật sỗ sàng

Bạn có đọc những dòng này hay không cũng còn tùy.

Nhưng cuốn sách này, câu chuyện của nó, những con người Hà Nội lấy làm hài lòng hay miễn cưỡng biến thành nhân vật của nó, những lời thoại của nó vẫn cứ trơ trơ sống động tươi bần bật suốt hơn mười năm trời (hay là hơn thế nữa) qua bao nhiêu bàn tay va đụng với bốn năm lần tái bản, thì bạn đã đọc rồi.

Bạn cũng đã đọc, tất nhiên, cả những lời nói xấu cay nghiệt và dí dỏm. Thì đúng vậy, đây là câu chuyện của những thị dân, mà nói xấu là món quà vặt lôi cuốn nhất của chốn Kẻ Chợ, bạn có lẽ cũng phải nhận rằng đó là một phần những gì níu chân bạn ở đây.

Trước cuốn sách này, đã từ lâu, lâu lắm, rất lâu rồi người ta chưa thấy lại những sách truyện dí dỏm hóm hỉnh vừa như vô hại vừa như thoả mãn cái thú sâu cay (tôi không tính vào đó những câu chuyện ngăn ngắn ám chỉ này kia nọ, vì chúng hết sức thiếu khả năng hài hước).

Thật sự nếu bạn là một dân đô thị, bạn sẽ có lúc có nhu cầu nói xấu ai đó, như bình phẩm một vài người nổi tiếng chẳng hạn, nhất là những nhân vật văn hóa, hay những nhân vật người ta gọi là người-của-công-chúng: thì bạn thử viết thành sách xem.

Vào lúc cuốn “Cơ hội của Chúa” này ra đời, ở nơi chúng ta chưa ai tưởng tượng được sẽ có một cuốn (và rồi nhanh chóng vài ba cuốn khác) kiểu tự truyện Lê Vân; cũng chưa ai hình dung được sẽ có một cuốn tiểu thuyết dùng ngôn ngữ đường phố thị dân (mà một vài người đọc cho rằng gây ấn tượng truyện kể lộn xộn, dù thừa nhận nó sống động), một thứ tiếng Hà Nội đặc sệt ai cũng sẽ nhận ra, để làm cái việc sau này những-cô-lê-vân sẽ làm theo với tinh thần tương tự; nhưng ở đây là hư cấu tuyệt vời nên tầm nhìn xa xăm khác hẳn, là nhiều cuộc đời nhiều ông bố nhiều bạn bè ái tình với tiền bạc vân vân hơn rất nhiều; và tầm vóc của sự tiết lộ văn học: đây là một Lời nói xấu tỏa sáng! (- rất xin lỗi, nhại cái tên tác phẩm phi hư cấu của ông nhà báo ở The NewYork Times, cái cuốn đoạt cả Pulitzer và Sách Quốc gia năm 1989, tức là “Lời nói dối tỏa sáng” của Neil Sheehan đó.

Bởi lẽ, như bạn thấy, một cuộc điều tra phương diện con người của thập niên đổi mới đầu tiên là những gì cuốn tiểu thuyết này đã phát lộ; và trong câu đề từ của cuốn tiểu thuyết – ghi nguồn trích dẫn vỏn vẹn chông chênh là “Kinh Thánh” – đã chứa đựng cái phương châm tư tưởng của nó: “Sự cùng quẫn cuối cùng của con người đấy là cơ hội của Chúa”; một câu mà dù từ nguồn nào (kể cả nguồn phóng tác/nhại) cũng rõ ràng là một cách ngôn, về điều ta có thể hình dung như thuộc sự thật tối hậu về con người.

Tôi không biết liệu bạn sẽ hình dung thế nào về những kích thước hẳn là không tầm thường của một điều như thế, nhưng thực ta thấy câu truyện tiểu thuyết này đã đo lường điều ấy bằng, từ đầu đến cuối, rất nhiều những cái tầm thường buồn cười; bỡn cợt nhại, thản nhiên mỉa, đo lường nó như là lật tẩy nó, hạ bệ nó; và không giấu diếm cái giọng điệu văn chương lớn của kẻ nói sự thật trong khi lúc thì giả lả hài hước lúc thì sỗ sàng văn hoa lúc lại thâm trầm trắng trợn kể cả ở những đoạn philô khá dài (- mà tôi không biết bạn có đọc hết không – ) dường như muốn tái tạo một thứ “tam giáo đồng nguyên” kiểu mới lỏng lẻo và nhập thế sát sạt giữa đạo Kitô, Thiền đạo và thuyết Trang Tử, với thứ chất gắn kết (hay là dung môi – tùy nhé!) không gì khác hơn: sự thật về con người, những-con-người-thời-tiền-bạc (cũng: “sự cùng quẫn cuối cùng của con người…”), cái thời mà nhân vật Nhã đã tóm lại tỉnh khô: “Muốn biết rõ về ai nên nhúng người ấy nhiều lần vào tiền,” “Biết sao được, cái gì dính dáng đến tiền cũng đều nghiệt ngã.”(tr.458)

.

Nhã + Hoàng + Cây phả hệ nhân sự của đô thị

Đó là sự khởi đầu của một thời như bây giờ ta thấy, một thời lạ lùng kỳ dị ngay cả đối với những dân phố Hà Nội vốn đã dạn dĩ mọi ngạc nhiên, vốn đã quen đọc nhân sự ra thời thế và ngược lại. Nhân sự ở đâu chẳng có, không cứ phải to tát mới là. Có thể bạn sẽ muốn thảo luận: nhân sự của cuốn tiểu thuyết này đã làm nên khác biệt, làm nên nét độc đáo vô song của nó – đây là điều nhiều người nói đến: hai nhân vật Nhã và Hoàng cứ như bước ra từ hình bóng của ai đó mà bạn đã biết, thậm chí có khi là gần gũi thân.

Và như vậy, bộ đôi ấy tựa hồ đã rút tỉa tâm tư của nhiều thế hệ về một đôi trai tài gái sắc trong mơ mà mình (người đọc) là một; cũng thế với tất cả những nhân vật khác xung quanh đôi này, những nhân vật thị dân lớp cũ xen lớp mới, điểm danh và đặt bước qua cả năm đô thị truyền thống lớn nhất của đất nước – Hà Nội, Huế, Tp.Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng – và thật sự khởi dựng một phả hệ nhân vật người đô thị mà “huyết thống” duy trì qua nét tính cách thị dân nổi trội, rộng hơn là qua cái nền văn hóa họ mang một cách đặc thù,biểu thị qua số phận của họ, cái số phận như là diễn trình ứng xử tổng thể với xã hội.

Nhân vật trung tâm, Hoàng, tốt nghiệp Đại học Tổng hợp, tức đã gia nhập nền văn hóa “trí thức xã hội chủ nghĩa”, tay viên chức bất đắc dĩ với một bụng tri thức cổ kim đông tây với tài năng triết lý văn chương và đầu óc trung hiếu lễ nghĩa trí tín(- tức là NHÂN vậy!), nằm trên trục gia phả, xét về đặc điểm trội trong tính cách nhân vật và đạo xử thế, với trước là nhân vật thày Phi, với nhân vật ông bố của anh ta cựu công chức lưu dung, với hai cụ bà bán quán; sau, thì với nhân vật Tâm, em trai anh ta, như một khúc ngoặt rẽ nhánh trên cây phả hệ này.

Trên nhánh ngang với Hoàng là những nhân vật như Bích, người Hải Phòng, nhạc công đã tốt nghiệp nhạc viện, hay “Một kỹ sư hóa chất thất tình lương thấp. Ba ngày trước khi cưới, vị hôn thê ngả vào vòng tay một mỹ nam tử mang quốc tịch Phần Lan.Một sinh viên kiến trúc tốt nghiệp đã bảy năm qua mười tám cơ quan vẫn tiếp tục tìm việc. Một kỹ sư cơ khí con đông vợ đần tay nghề cao.”(tr.91); nhân vật Thắng, bạn của Tâm, kỹ sư hóa công nghệ nghiên cứu sinh ở Đức (CHDC Đức cũ) về. Những nhân vật thuộc nhánh này ít nhiều cùng chia sẻ đặc điểm: là viên chức “trí thức xã hội chủ nghĩa” có thật sự năng lực và học thức, có đạo đức khoa học hay nghề nghiệp (đạo đức, đầu tiên là thông thạo chuyên môn, trung thực với nghề!) và có đạo ứng xử nói gọn là biết chịu trách nhiệm.

Nhánh đối xứng ngang của họ trên cây phả hệ là cũng những nhân vật “trí thức xã hội chủ nghĩa” tuy nhiên nhạy bén với tính cơ hội, có ưu thế hoặc tìm tạo ưu thế về xuất thân (gia đình quan chức, hoặc hôn nhân với gia đình quan chức), như các nhân vật thày Lâm, Sáng,… và đặc biệt là nhân vật trung tâm thứ hai là Nhã – đều khác biệt với nhánh kể trên chủ yếu qua đạo xử thế: hàng đầu coi trọng danh và lợi.

Tôi nghĩ ở điểm này bạn có thể không đồng ý, tất nhiên trước tiên về nhân vật nữ quyến rũ nhất trong cuốn tiểu thuyết, là cô Nhã. Nhưng liệu bạn có thấy nhân vật nữ này hoàn hảo quá không? Cô ta hoàn hảo cả trong những biến cố bất hạnh riêng tư, ở chỗ nỗi bất hạnh được đền bù một cách hoàn hảo thông qua các cơ hội làm giàu lớn (và cô ta hốt trọn nhanh gọn), mà, nói giả sử, các hãng bảo hiểm biết được chắc không bao giờ dám đến chào bán hợp đồng; ý tôi: chắc là tử vi của Nhã cung mệnh có sao Bảo hiểm đắc địa 🙂

Song, mặt đáng nói nhất của hiện tượng hoàn hảo này lại khá ẩn khuất: Nhã thông minh học thức xinh đẹp lịch lãm buôn bán xuất quỷ nhập thần quan hệ xã hội rộng rãi thượng lưu, rất lạnh lùng sắc sảo từng trải với đời, ngược lại rất dịu dàng chu đáo rộng lượng bao dung thậm chí nhu mì khi đối xử với nhân vật Hoàng, có thể nói chỉ thiếu việc ngồi quay tơ cho chàng đọc sách(và uống rượu,dĩ nhiên), mà chỉ vì và chỉ là một tình bạn, dẫu cứ cho là đằng sau “cầm kỳ” lấp ló “cầm sắt” chưa “đổi ra” (- “Đem duyên cầm sắt đổi ra cầm kỳ”, Truyện Kiều/Nguyễn Du) – tôi e rằng bạn có thể coi đấy là lẽ tự nhiên, thế mới là tiểu thuyết, mà không lưu ý rằng, chính vì các đặc điểm tính cách và nhân thân được mô tả như thế, nhân vật Nhã hoàn toàn đối lập với nhân vật Hoàng.

.

Nhã và Hoàng, hay sự hỗn mang đầy hòa quyện của một xã hội

Hai người bọn họ – Nhã và Hoàng – thực sự là cặp đối cực chính yếu của cuốn tiểu thuyết này, tạo nên và duy trì sức căng và bố cục của tiểu thuyết, hay nói cách khác là mâu thuẫn chủ yếu về mặt tiểu thuyết của tác phẩm.

Nếu bạn chưa tin, thì thử xem lại đôi chút: cái căn bản tinh thần của nhân vật Hoàng biểu hiện một chủ nghĩa lãng mạn hậu kỳ đặc thù – u sầu, hoài cổ cao thượng, cao vọng và nổi loạn về phong cách, pha chất tượng trưng bằng các suy tư về tính tôn giáo và tính siêu hình của thân phận. Trong khi nhân vật Nhã biểu hiện một chân dung hiện đại (- vâng, trong bối cảnh Hà Nội, Việt Nam, gấp gáp và xáo trộn cuối đệ nhị thiên chu niên – ) vị kỷ, lo lắng buồn phiền nghĩ ngợi ôm ấp con người cá nhân của mình, thực dụng chặt chẽ, cô đơn và băn khoăn triền miên về hạnh phúc riêng tư.

Hai tâm thế ấy chẳng có gì chung được, và lại trái ngược với cái bề ngoài, bởi nhân vật Hoàng dù không tiền tài không thân phận xã hội nhưng vẫn luôn là kẻ mang hy vọng tự bản chất, hơn nữa là một hy vọng khoáng đại về tầm vóc, mà nhân vật Nhã thì trong cảnh đủ đầy tiền bạc tiện nghi, thiếu một tấm chồng xứng mặt đã thấy chân trời càng lúc đang hẹp dần.

Hai hình ảnh con người và nhân cách đối vị hơn là đối lập như thế, dù nói gì vẫn là hoàn hảo khác biệt, lại gắn bó với nhau hơn hết, một cách nội tại, một cách tự thân, từ và bởi chính các tình huống khác biệt. Đó có thể xem như một biểu trưng hay ẩn dụ tiêu biểu cho sự hỗn dung và phức tạp của tính cách thị dân đất kinh kỳ ngàn năm tuổi hơn là biểu tượng của một tình bạn lãng mạn.

Cũng bởi vậy, đó sẽ là sự hỗn dung tiêu biểu cho phả hệ các nhân vật người đô thị – theo tôi, đấy chính là cái làm nên sức cuốn hút của hai nhân vật này và rộng ra là của cả cuốn sách này. Thực lòng mà nói, tôi khi đọc cũng có mong hai nhân vật này rút cục yêu nhau, chẳng biết bạn có nghĩ thế không, nhưng nếu để xảy ra như thế thì chắc cuốn này phá sản mất, và chúng ta không trông đợi điều đó.

.

Một câu chuyện về sự suy đồi của người Kẻ Chợ

Vả lại, như đã nói ở trên, phả hệ nhân vật đô thị mà cuốn tiểu thuyết này phác dựng không thể thiếu đi một đầu mối chỗ nhân vật Nhã nắm giữ: chúng ta đã nói đến hai quan hệ căn bản giúp hình dung phả hệ nhân vật đô thị ở đây, là nét trội của các tập quán đô thị trong tính cách nhân vật và đặc điểm văn hóa trong ứng xử tổng thể với đời sống xã hội – hai quan hệ đó dẫn chiếu về hai lớp bối cảnh văn hóa căn bản, là bối cảnh thị dân đô thị lớn truyền thống và văn hóa “trí thức xã hội chủ nghĩa” – những tài nguyên mà xã hội đất nước trong các giai đoạn lịch sử trước đó chuyển giao vào cuộc “chuyển dịch cơ cấu kinh tế” hồi đó; và theo đó con người cũng “chuyển dịch” trên cái đường ray một thanh là “cơ chế” thanh kia là truyền thống người Kẻ Chợ, ở giữa là chằng chịt nối vào bằng những khúc tà-vẹt của uyển chuyển thích nghi “các kiểu” và, đấy là, rất hợp lẽ, một quá trình rộng khắp và liên tục, không từ một ai.

Vậy nên sẽ không giải thích được sự xuất hiện tính cách và ứng xử của lớp nhân vật lứa hiện đại muộn hơn như em Thủy người yêu anh Hoàng, cô Phượng em gái anh ta, cô Huyền vợ của Tâm, cô Mỹ Hạnh tài vụ của Tâm, v.v. nếu bỏ qua bước chuyển của nhân vật Nhã, thuộc về phần nền tảng của câu truyện, từ một viên chức “trí thức xã hội chủ nghĩa” bé bằng cái đinh ốc thành một nhà kinh doanh “ngầm” không có tư cách pháp nhân nhưng có thế có lực, một bước bước thẳng lên giới tinh hoa mới.

Đấy là một bước suy đồi xét theo đồ thị xã hội trước đó, nhưng được biện minh bằng “sự khắc nghiệt của đồng tiền” như Nhã đã nói và bấy giờ đã chi phối cùng khắp; và cùng với nó thuật ngữ “trí thức xã hội chủ nghĩa” lui sâu vào cuối kho từ vựng.

Đồng thời đấy là cái bước chuyển tương tự rẽ nhánh khác trên cây phả hệ ở đây, qua những nhân vật như Bích như Thắng, như Hoàng và Tâm, sang lớp của những nhân vật Trần Bình,… Phả hệ chung đó không thể không có nhân vật Nhã, vì thế cô ta không thể nhập vào vị trí của nhân vật Hoàng, hoặc ngược lại: người Hà Nội thực tế khôn ngoan lo sâu nghĩ xa, với người Hà Nội lãng mạn, lý tưởng và trầm tư, cả hai tuy hai mà một.

Nhưng tỉ lệ pha trộn đó thế nào thì bạn đã thấy rồi: cái tỉ lệ làm bật lên tiếng cười mỉa mai và những chân dung kệch cỡm chẳng thân chẳng sơ chỉ lù lù ra đó. Chất thị dân tư sản mới, với chất hào hoa phong phú tri thức và tư duy – những món đó làm nên một thực đơn thiên lệch và đối chọi, hỗn độn, từ đầu đến cuối luôn cứ bị “nhúng nhiều lần vào tiền” như lời của nhân vật Nhã. Thực đơn này cũng chứa đựng những món đứt đoạn khẩu vị – cái mỹ cảm truyền thống mấy chục năm mới đó của cái lưỡi – đứt gãy ký ức và xáo trộn giá trị.

Đấy là ý nghĩa đầu tiên của cái phả hệ nhân vật thị dân; bởi “quy tắc huyết thống” trong phả hệ này là những đặc trưng văn hóa cùng đặc trưng tinh thần đô thị, mà ở thời đại nào đô thị cũng là toạ độ của tinh hoa và biểu trưng văn hóa của thời đại ấy, cho nên những đứt gãy và xáo trộn kia đã phát lộ và nhào nặn bộ mặt của chúng ta về sau này. Lời nói xấu đã tỏa sáng như thế.

Về cái tên của cuốn sách

Câu truyện này, trong rất nhiều thứ nó gợi lên với tôi có chút ký ức về bộ phim “Matxcơva không tin vào những giọt nước mắt”. Bạn có nhớ trường đoạn trong tiểu thuyết này nhân vật Hoàng nhớ lại một buổi đi xem phim tai hoạ mà anh ta bị mấy đứa trẻ con bắt giao cho mấy nhân viên bảo vệ cơ quan… Lòng tin người sớm vỡ trong Hoàng – “Kể từ đấy, thằng nhỏ mười ba tuổi hay chữ vĩnh viễn bị đóng đinh câu rút trên cây thánh giá hoài nghi.” (tr.41) Tinh thần hoài nghi có thể là một chủ đề phụ của tiểu thuyết này, một cách lưỡng lự bất định. Tôi nhớ đến bộ phim nói trên, của đạo diễn Nga Sôviết Vladimir Menshov, bộ phim rất nổi tiếng đã được trao Oscar năm 1981, bởi đó là một trong vài phim hiếm hoi được xem hồi đó đã giới thiệu cho tôi bộ mặt của tinh thần hoài nghi; một phần là từ hai chữ “không tin” của cái tên phim đó – hai chữ, mà nhất là vào thời buổi ấy, rất gợi cảm.

Cuốn tiểu thuyết này cũng rất gợi cảm theo cách ấy khi nói đến “Cơ hội”. Bạn có bị hút vào một khoảng phân tâm khi nghĩ về cái tên sách “Cơ hội của Chúa” hay không nhỉ?

Theo tôi thì, như đã nói ở trên, đó chỉ là một lối nói ẩn dụ, tuy có hơi đại ngôn, bù lại được ấn tượng chân thật độc đáo. Cái tên sách có vẻ được giải thích bằng câu đề từ, mà tôi đã trích; nhưng một điều đáng kể chính là thế đối lập – dù có thể tạm coi chỉ là về hình thức, về ngữ văn – giữa cụm “Sự cùng quẫn cuối cùng” với ý niệm “là cơ hội”, khiến bóc tách ra được thế đối lập giữa “ của con người “ với “của Chúa”; và hai cặp vừa tương sinh vừa tương khắc đó, bạn thấy không, có vẻ như vừa vặn ứng vào bộ đôi trung tâm của cuốn tiểu thuyết là nhân vật Nhã với nhân vật Hoàng.

Vậy là, có thể tôi đã suy diễn, đôi ấy sẽ có đổi thay cái phả hệ nhân vật thị thành ở đây bằng cách kết hợp các phương diện đối lập một cách lý tưởng của họ vào với nhau không nhỉ?!
Giữa những chuyện “nói xấu”, những lời mỉa móc thâm thuý bỡn cợt tràn ngập ở đây, duy có Nhã và Hoàng không bị trở thành đối tượng. Và tôi nghĩ hóa ra “Matxcơva” còn “tin vào những giọt nước mắt”.

*

Hình minh họa trong bài là của họa sĩ Kim Duẩn. Soi lấy từ blog của nhà văn-biên tập viên Nguyễn Trương Quý 

 

Ý kiến - Thảo luận

23:29 Friday,9.1.2015 Đăng bởi:  kk

Ố ồ!!
"Maxcva ko tin vào những giọt nước mắt" là một bộ phim về niềm tin, nghị lực . . .và về số phận, nói đúng hơn là hy vọng vào những điều đẹp đẽ thỉnh thoảng vẫn xảy ra trong cuộc sống của những người kiên trì, có trái tim biết yêu thương, biết hối lỗi. Nhưng phim không lằng nhằng và không khó hiểu, chẳng có chút xíu gì ăn nhập với bài viết n
...xem tiếp

23:29 Friday,9.1.2015 Đăng bởi:  kk

Ố ồ!!
"Maxcva ko tin vào những giọt nước mắt" là một bộ phim về niềm tin, nghị lực . . .và về số phận, nói đúng hơn là hy vọng vào những điều đẹp đẽ thỉnh thoảng vẫn xảy ra trong cuộc sống của những người kiên trì, có trái tim biết yêu thương, biết hối lỗi. Nhưng phim không lằng nhằng và không khó hiểu, chẳng có chút xíu gì ăn nhập với bài viết này.
Mà cũng chẳng có tý gì giống với các nhân vật hay cốt chuyện trong "Cơ hội của Chúa".

 
21:09 Tuesday,23.9.2014 Đăng bởi:  Hảy để cho SOI chiếu sáng

Bài viết chắc là hay đây, tác giả có nhiều hàm ý. Chỉ tiếc riêng tôi đã bị "giàn khoan" nó ám, đến mức (tìm cách) thưởng thức nghệ thuật trở thành xa xỉ với tôi.
Nghĩ đi nghi lại, sau mấy chục năm. vẫn thấy Moskva đúng là không tin vào những giọt nước mắt (ý mộc mạc là con người thị dân Matx không dobryi/lành như dân ngoại tỉnh), xin liều nghĩ như thế s
...xem tiếp

21:09 Tuesday,23.9.2014 Đăng bởi:  Hảy để cho SOI chiếu sáng

Bài viết chắc là hay đây, tác giả có nhiều hàm ý. Chỉ tiếc riêng tôi đã bị "giàn khoan" nó ám, đến mức (tìm cách) thưởng thức nghệ thuật trở thành xa xỉ với tôi.
Nghĩ đi nghi lại, sau mấy chục năm. vẫn thấy Moskva đúng là không tin vào những giọt nước mắt (ý mộc mạc là con người thị dân Matx không dobryi/lành như dân ngoại tỉnh), xin liều nghĩ như thế sau 1 số năm ở Nga.
Đến hôm nay đọc tin về các thành phố "cò gáy" ở Nga (cả một tp nhỏ "của tôi" ở đó) có các thanh niên quân nhân tưởng đi diễn tập, hóa ra rơi vào nơi lửa đạn ở một xứ Nga phẩy (xin lỗi vì cách diễn đạt lính tẩy)... Rồi có những bạn không về. Người Nga lập tức nhận ra là quân từ thủ đô và thủ đô phía Bắc dường như nằm ngoài diện được huy động sang Ukr. Tôi lại nhớ câu M - không tin vào nước mắt).
Đêm ngủ nhớ thành phố tôi yêu - Matxcova (vì tôi ở đó thời trẻ). Nhưng cũng luôn nhớ đên những tòa nhà xám xịt, không mến khách (câu tôi đọc thấy trên báo Nga) và những kẻ rình ta ở các lỗi ngầm dưới đất, trong áo khoác dắt dao...

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Bài đã đăng

» Xem tiếp...

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả