Điện ảnh

Hình hài “Sống cùng lịch sử” thực sự ra sao? 27. 09. 14 - 2:46 pm

Nguyễn Thu Thủy (Thể Thao & Văn Hóa Cuối Tuần)

(Thethaovanhoa.vn) – Sống cùng lịch sử (đạo diễn Nguyễn Thanh Vân) – “Phim tiền tỷ, không bán nổi một vé”, vì vậy mà rất hiếm người có cơ hội xem bộ phim “gây bão” trong dư luận này. Tuy nhiên, cũng rất nhiều người chưa hề xem phim nhưng vẫn “phẫn nộ trên bàn phím”. Vậy thực sự thì “hình hài” của “Sống cùng lịch sử” ra sao?

.

1.
Tôi vẫn nhớ, ngày 25. 4. 2014, tôi được một người bạn dẫn đi xem phim Sống cùng lịch sử. Đó là một buổi chiếu đông, chật phòng chiếu số 1 của Trung tâm Chiếu phim Quốc gia. Suốt hai tiếng chiếu phim, cả khán phòng im phắc, đôi khi vang lên vài tiếng sụt sịt. Phim kết thúc, cả hội trường đứng dậy, vang lên những tiếng vỗ tay. Tôi nhìn thấy nhiều diễn viên, đạo diễn tên tuổi mắt vẫn còn hoe đỏ. Tôi nhìn thấy nhiều người bước đến chúc mừng đạo diễn Thanh Vân. Tôi nhìn thấy những bó hoa trao tặng.

Tôi không nghĩ những tràng pháo tay ấy, những giọt nước mắt ấy, những cái bắt tay, những bó hoa ấy là giả dối.

Bởi vì, với tôi, Sống cùng lịch sử là một bộ phim xúc động.

2.
Đơn vị sản xuất của phim đã chia sẻ, đây là một bộ phim được “đặt hàng”, hướng đến dịp Kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Như vậy, với đề tài được cố định, với những bối cảnh, và nhân vật lịch sử không thể thay đổi, thì cả đạo diễn và biên kịch đều bị đặt trong một thách thức lớn.

Bởi lẽ, chìa khóa của bộ phim không còn nằm trong câu chuyện – một thứ mà ai ai cũng biết hết cả rồi. À thì chiến tranh, bom đạn, thương vong, sự hy sinh, quả cảm, sự mất mát, rồi tình yêu nước, tinh thần dân tộc… Quanh đi quẩn lại cũng là những vấn đề ấy. Vậy thì, sự bất ngờ, sự hấp dẫn chỉ có thể nằm trong cách kể chuyện, cách tiếp cận đề tài hay trong góc nhìn của người làm phim mà thôi.

Nét mới mẻ của bộ phim này nằm ở điểm, đây là bộ phim mà lịch sử, chiến tranh được nhìn dưới đôi mắt của những người trẻ !!! Sự khô cứng của đề tài đã được những người làm phim nỗ lực “mềm hóa” bằng đời sống những người trẻ, sự đam mê tình ái, thích du lịch, thích tìm hiểu, chinh phục, hoặc nhìn mọi điều một cách khá giản đơn, đôi khi hơi vị kỷ.

Nhân vật Tùng khi xem chương trình về Điện Biên còn nói một câu rất “thật”: “Có mỗi cái hầm bé tí mà đánh mãi chẳng xong…”. Anh ta quyết đi lên Điện Biên không phải vì tìm về cội nguồn lịch sử, mà đơn giản chỉ là thích phượt, thích có cơ hội để cùng đi chơi với bạn gái! Thế nhưng, cuộc hành trình này lại khiến anh ta thay đổi.

Từ một cuộc đi phượt của ba bạn trẻ…

Để hành trình của bộ ba Tùng, Nga, Lâm trở nên đặc biệt, khiến họ có thể “kết nối” với lịch sử, đạo diễn đã chọn một thủ pháp khá mới mẻ trong điện ảnh Việt Nam: thủ pháp huyền ảo. Mỗi khi chạm đến “vùng đất thiêng” thì cả ba nhân vật dường như được kéo giật lùi về 60 năm về trước. Vẫn nơi đó, nhưng trước mắt họ giờ đây là những cuộc trường chinh, những trận đánh. Ban đầu họ chỉ đóng vai những người quan sát, ngơ ngác và kinh ngạc, nhưng dần dần, họ đã “nhập cuộc”, rồi cuối cùng thì “sống cùng” lịch sử.

Khi thủ pháp huyền ảo được áp đặt vào câu chuyện, những nhân vật cảm thấy mình như thực sự đã tham gia vào cuộc chiến, và vì thế, những trải nghiệm ấy càng trở nên chân thật và thấm thía hơn. Nó khiến họ phải nhìn nhận lại mình. Nó khiến họ phải thay đổi…

Sống cùng lịch sử nhưng ở đây lịch sử không được kể lại như một câu chuyện, mà chỉ là những lát cắt, có đôi khi rất bất ngờ kéo thẳng nhân vật vào đó. Phim có những đại cảnh rất ấn tượng, rất hoành tráng, tạo nên màu sắc “anh hùng ca” tương đối rõ rệt. Nhưng, cũng có những hình ảnh lại đầy day dứt, ám ảnh như hình ảnh dòng sông máu đỏ, hình ảnh người lính chìm trong làn nước…

Điểm nhấn, và cũng là điểm lắng của phim, chính là một trường đoạn đẹp, khi cô gái Pháp cất lời hát, bài hát dành cho người binh sĩ sắp qua đời. Trường đoạn này được quay và dựng vô cùng tinh tế, mượt mà và đầy cảm xúc.

Phim được quay đẹp, nhiều góc máy ấn tượng. Âm thanh cũng khá chân thực, sống động, dù đôi chỗ, sự lạm dụng hiệu ứng bom mìn khiến khán giả “quá tải”. Ba diễn viên trẻ, nhưng diễn xuất không bị căng cứng. Nếu diễn viên nữ tiết chế hơn việc khóc lóc, thì có lẽ phim sẽ còn tạo được cảm xúc tốt hơn.

.

3.
Tuy vậy, bộ phim cũng có một điểm trừ lớn, nằm trong việc xây dựng mối quan hệ giữa ba nhân vật chính Tùng – Nga – Lâm. Phần này dường như cả biên kịch lẫn đạo diễn đều lúng túng trong cách xử lý, khiến cho mối quan hệ tay ba rắc rối không cần thiết, và sự thay đổi trong tình yêu của cô gái cũng không thuyết phục. Nếu tuyến truyện này được làm giản dị, chặt chẽ hơn, câu chuyện sẽ cuốn hút hơn nhiều.

Về cách kể, phim có một cái cớ khá hợp lý để bắt đầu câu chuyện, nhưng khi vào đến cuộc hành trình, mỗi lần nhân vật “sống cùng lịch sử” thì phương thức thường bị lặp lại nên có chút nhàm chán. Đôi lúc, vì tham sự kiện, mà câu chuyện có chút dài dòng, thừa thãi.

Tuy nhiên, với tất cả những điều trên, tôi vẫn cho rằng, đây là một bộ phim nhiều cảm xúc, trong đó, cũng thể hiện nhiều nỗ lực đổi mới của người làm nghề. Với khoảng 13-14 tỷ đồng thực sự rót cho việc làm phim (như trần tình của đạo diễn), thì đây là sản phẩm xác đáng với số tiền ấy.

.

4.
Từ trước đến nay, khi đánh giá một bộ phim, thì số lượng người xem chính là một trong những tiêu chí quan trọng nhất. Nhưng, nó chỉ quan trọng, chứ không phải là duy nhất hay quyết định sự đánh giá chất lượng của một bộ phim. Trên thế giới, vẫn thường xuyên có thực tế, những bộ phim được giới phê bình đánh giá rất cao, thì lại là những thảm bại về phòng vé và ngược lại…

Từng có người ví dụ, ngay cả bộ phim đoạt giải Oscar 12 năm nô lệ khi chiếu ở Việt Nam cũng không trụ nổi được ở phòng vé. Nhưng, liệu có ai trong số chúng ta dám chê nó dở không? Tất nhiên, mọi sự so sánh đều khập khiễng. Nhưng, việc lập tức khẳng định một bộ phim không bán được vé là một bộ phim dở là cái nhìn khá cực đoan (nhất lại là khi họ chưa từng xem phim ấy).

Cảm xúc khi xem một bộ phim, thích hay không thích là một việc rất dễ nói. Nhưng để phát biểu về sự hay dở, hơn nữa là phán xét, hay quy kết, thì cần cẩn trọng. Mọi đánh giá nếu muốn công bằng và khách quan, thì luôn cần phải đặt trong một hệ quy chiếu nhất định, với những tiêu chí rõ ràng. Phim thuộc dòng phim nào? Mục đích của phim là gì? Câu chuyện ra sao? Nhân vật thế nào? Ngôn ngữ điện ảnh của nó có gì mới mẻ. Nó có đem lại một xúc động nào không…

Nhưng, hình như, ít người nhìn điều đó. Họ chưa xem phim. Họ chỉ nhìn thấy 21 tỷ đang bị cho là sử dụng lãng phí.

5.
Thế nhưng, vẫn có một thực tế, phim không bán được một vé nào. Vẫn có 21 tỷ mà người ta cảm thấy như bị đánh cắp.

Thật ra, tôi nghĩ, 21 tỷ ấy vẫn còn đó. Vẫn có cách lấy lại. Nếu như những người thực sự quan tâm đến nó, như họ đã thể hiện, tập thói quen bỏ qua một định kiến cứ phim “cúng cụ” là phim bỏ đi; định kiến “không bao giờ bỏ tiền ra xem phim Việt”…

*

Nguồn: từ Thể thao & Văn hóa

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả