|
|
|
|||||||||||||
Ăn uốngĂn uống qua tranh: Dùng gì với Johnnie Walker cho hợp? 18. 07. 12 - 4:35 pmPha LêSau mấy bài ăn sáng… cổ điển, chắc mọi người đang thắc mắc rằng không biết thời hiện đại này còn ai ăn uống như vậy nữa không. Một số món như bơ hay bánh mì thì vẫn là món ăn sáng, còn các món như phó mát hay rượu thì giờ chủ yếu dành cho các bữa ăn nhẹ hoặc ăn thêm sau bữa chính; điều khác biệt nữa là bây giờ chúng ta có thể nhập khẩu đủ thứ các loại đồ ăn đồ uống khác nhau nên trên bàn ăn sẽ có đủ các món từ địa phương đến quốc tế. Đây là bức tranh tĩnh vật vẽ bằng màu nước của họa sĩ Karen Stark. Karen là người Mỹ, nhưng tranh tĩnh vật của bà cũng có nhiều món “quốc tế”. Đầu tiên là phó mát Thụy Sĩ Emmentaler với nhiều lỗ tròn. Theo truyền thống, những con vi khuẩn freudenreichii của Emmentaler tạo ra gas carbon trong quá trình lên men, khiến phó mát có nhiều lỗ hổng ở bên trong. Hồi xưa thì ai cũng cho mấy lỗ hổng này là xấu và các nhà làm phó mát luôn ráng tháo gas liên tục để có lỗ hổng nhỏ thôi. Nhưng giờ nhiều người lại thấy rằng lỗ gas lớn trông vui mắt hơn, thành thử các hãng làm phó mát Emmentaler… lấy cây khoét lỗ nhân tạo để nhìn cho đẹp. Phó mát này có bán ở Việt Nam, những ai muốn mua nên để ý rằng phó mát có đóng dấu “Emmentaler Switzeland” mới là phó mát Emmentaler chính gốc Thụy Sĩ, còn nếu chỉ có “Emmentaler” không thì đấy là phó mát của nước khác làm. Món nhập khẩu tiếp theo là hạt điều. Phó mát hay ăn kèm với hoa quả khô như nho khô, hoặc các loại hạt; chắc do vậy mà Karen vẽ hạt điều vào đây. Đây là loại thực phẩm trồng ở các nước nhiệt đới, Karen là người Mỹ nên chắc hạt điều trong tranh là đồ nhập từ các vùng Nam Mỹ. Thực tế thì hạt thông, hạt dẻ, hay hạt hạnh nhân hợp với phó mát hơn, nhưng nếu không tìm ra mấy hạt này thì dùng hạt điều với phó mát cũng tốt chán. Cạnh tô hạt điều là loại phó mát gì đó với “nhân” có màu xanh đỏ? Nghe đâu người Mỹ thích trộn ô-liu và ớt chuông vào phó mát, đây là loại đó chăng? Bạn nào biết thì bổ sung cho SOI nhé. Trong các loại phó mát truyền thống của Châu Âu thì chưa thấy loại nào màu sắc như vậy hết, bí ẩn ghê. Tuy nhiên, lát phó mát dài dài với nhiều lằn xanh thì không phải phó mát trộn dưa leo hay nhuộm màu gì đâu, mà là phó mát xanh của Đan Mạch (Danish blue cheese) đấy. Màu xanh trong phó mát chính là… các vi khuẩn nấm mốc, tên Penicllium Roqueforti. Khi lên men thì các vi khuẩn này có màu xanh. Phó mát này cũng hơi bị… bốc mùi, có điều an toàn lắm, ăn sẽ không chết vì đau bụng đâu; dĩ nhiên, đối với các bà bầu thì bác sĩ vẫn khuyên rằng không nên dùng phó mát mềm (giống như kiểu có bầu thì nên tránh các món như chao và mắm tôm), và phó mát xanh của Đan Mạch là phó mát mềm nên các bà bầu hãy tránh xa. Nhưng chính nấm vi khuẩn lên men lại giúp phó mát này có vị béo ngậy. Nếu bạn thuộc dạng người thích khám phá thì hãy thử phó mát Danish Blue. À, có người từng rỉ tai tôi rằng con mèo cô ta nuôi rất thích xơi món phó mát xanh lè trong tranh. Tiếp theo phó mát béo là một món khá nặng bụng: xúc xích xông khói. Đây là một dạng của nhóm xúc xích salami. Thực tế thì salami cũng có tới ti tỉ loại, loại bọc vỏ đen đen như trong tranh có thể là Gyspy salami của Hungary. Nói đúng ra, salami không có hợp với phó mát cho lắm. Phó mát hợp với các loại hạt và các loại trái cây khô, còn để kẹp chung với bánh mì phó mát thì người ta dùng thịt giăm-bông (ham) chứ không dùng salami. Salami chủ yếu là để nhấm nháp với trái ô-liu khi uống rượu. Nhưng trong tranh có rượu đấy chứ: một chai rượu whisky hiệu Johnnie Walker xịn. Chai rượu này cũng là món “ngoại nhập”, vì Johnnie Walker là một hãng whisky của Scotland. Dĩ nhiên, người Mỹ da trắng luôn có gốc gác ở đâu đó (dân Mỹ chính gốc là dân da đỏ); còn da trắng thì có gốc không từ Pháp, Tây Ban Nha, thì cũng từ Anh, Wales, Scotland, Ireland v.v… Ông Johnnie Walker là người xứ Scotland – nơi nổi tiếng là có truyền thống làm whisky xịn, dân Scot làm whisky không chỉ để uống mà còn để chữa bệnh, sát trùng vết thương. Nhìn những chai Johnnie Walker đẹp đẽ đứng trong tủ ngày nay, các bạn có biết năm 1819, chúng là loại rượu do ông Johnnie tự làm, bán trong hiệu tạp hóa của ông không? Ông Johnnie có tài pha… trà cực kỳ giỏi. Vì chuyên pha nhiều loại trà với nhau để tạo ra một hương vị mới thơm ngon, ông bắt đầu nảy ra sáng kiến pha whisky, tạo ra loại rượu mạnh mà vị lại mượt mà, hấp dẫn. Vốn có truyền thống pha whisky giỏi, hãng Johnnie Walker có rất nhiều kiểu pha khác nhau, whisky Johnnie Walker có rất nhiều loại: nhãn vàng (gold label), nhãn xanh dương (blue label), nhãn đỏ (red label), nhãn đen (black label) v.v… Chai Whiskey trong tranh là nhãn đen, được pha từ hơn 40 loại whisky xịn, loại nào cũng đã “già” ít nhất là 12 năm, sợ chưa! Khi nhìn vào tranh, mọi người sẽ thấy nhãn “12 năm tuổi” dán ở phía dưới chai rượu. Nói chung thì muốn uống những loại rượu hấp dẫn, bao giờ cũng phải chờ lâu. Nhưng do Johnnie Walker nhãn đen có “tuổi cao” và pha chế kỳ công nên nó chính là loại rượu ưa thích của nhiều nhân vật nổi tiếng, từ nhà báo huyền thoại Christopher Hitchens đến… đại tá Gaddafi. Họa sĩ Karen chắc cũng rất khoái Johnnie Walker nhãn đen nên mới vẽ một chai vô tranh, bạn nào đang tính mua salami xịn chắc cũng nên thử mua một chai Johnny Walker, vừa uống rượu vừa lấy salami ra làm đồ nhắm, thú vị hơn là dùng salami kẹp bánh mì nhiều. Một món đồ nhắm rất thích hợp với rượu là bánh xoáy làm từ bột phồng nhiều lớp, loại bột nhiều lớp này rất giống bột làm bánh sừng trâu (croissant), khác mỗi cái là nó không có men. Các nhà hàng hay dùng bột phồng nhiều lớp để làm bánh táo hoặc bánh nhân thịt. Nhưng sau khi làm bánh xong thì ai cũng sẽ có một lượng bột bị dư ra, phần bột thừa này sẽ được các anh bếp gom lại rồi nhồi thành một khối bột nữa, sau đó các anh bếp cán mỏng khối bột này rồi cắt nó thành từng dải dài, công đoạn cuối là xoắn từng dải bột đã cắt thành hình như trong tranh và đem nướng. Bánh xoắn rất giòn, xốp, thơm mùi bơ, để làm đồ nhắm với rượu Johnnie Walker thì cực kỳ hấp dẫn. Tính ra thì người thời nay cũng thích những món ăn món chơi chất lượng, chả kém gì người thời xưa. Thật tình mà nói, những món trong tranh này cũng có gốc gác lâu đời, ngay cả rượu Johnnie Walker cũng đã có mặt trong tiệm tạp hóa của ông Johnnie từ những năm 1820s mà. Cái gì cũng có văn hóa của nó cả, nhắm rượu cũng phải có cách, chứ không đơn giản chỉ để uống ầm ầm hết chai này đến chai kia, lẫn với cơm, thịt, cá, (có khi cả lẩu!), vừa phí vừa sai cách, sẽ không thấy được vị mượt mà của thời gian.
Ý kiến - Thảo luận
8:26
Friday,6.11.2015
Đăng bởi:
Minh
8:26
Friday,6.11.2015
Đăng bởi:
Minh
Công nhận nhìn khá phản cảm khi nhìn thấy trong những bữa ăn rót tràn lan whisky, cognac..., vừa lãng phí (về tiền của) vừa không đúng văn hóa uống rượu.
Để nhậu nhẹt chỉ có các loai rượu trắng (như vodka hay rượu cổ truyền của VN) là hợp còn các loại rượu Tây chỉ một là uống không (có thể ướp lạnh/cho đá hoặc pha chế một chút - như kiểu làm cocktail) hoặc nhắm với một chút đồ nhắm phù hợp. Tuy nhiên cái gì cũng cần thời gian. Hiện nay có vẻ như một bộ phận người VN cũng dần hình thành văn hóa uống rượu
15:46
Friday,11.4.2014
Đăng bởi:
Trọng Dũng
Tôi cũng hay nhắm Johnnie với salami nhưng chấm với tương ớt để giả nem chua. Thấy rất ngon. Hôm nay đọc bài này mới biết là Johnnie cũng hay ăn với salami. ...xem tiếp
15:46
Friday,11.4.2014
Đăng bởi:
Trọng Dũng
Tôi cũng hay nhắm Johnnie với salami nhưng chấm với tương ớt để giả nem chua. Thấy rất ngon. Hôm nay đọc bài này mới biết là Johnnie cũng hay ăn với salami.
Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
Để nhậu nhẹt chỉ có các loai rượu trắng (như vodka hay rượu cổ truyền của VN) là hợp còn các loại rượu Tây chỉ một là uống không (có thể ướp lạnh/cho đá hoặc pha chế một chút - như kiểu làm cocktail) hoặc n
...xem tiếp