|
|
|
|||||||||||||
Gẫm & BìnhGửi họa sĩ Thành Chương, nhân phát biểu của ông về phim “Sống cùng lịch sử” 28. 09. 14 - 1:11 pmTrọng AnhTuần qua là thời gian đặc biệt đối với phim Sống cùng lịch sử khi bộ phim được đặt trong tâm bão của dư luận. Xin tự giới thiệu: gia đình tôi yêu thích phim, và luôn có trong nhà những bộ phim mới nhất cũng như lưu trữ một số lượng phim rất phong phú về các thể loại phim. Cũng nói thêm, nhà tôi có bốn người: vợ, chồng, con trai lớn 19 tuổi, con trai nhỏ 9 tuổi và đương nhiên mỗi người có một sở thích, một bộ lưu trữ phim cá nhân theo tâm tư, nguyện vọng riêng của mình. Và khi bố cùng con trai lớn xem những phim hành động đạn bay chiu chiu, các nhân vật sành điệu của đạo diễn Quentin Tarantino là những sát thủ giết người hay và đẹp như làm nghệ thuật hoặc cái loại phim kinh dị khủng khiếp, một ngày đẹp trời trái đất chỉ toàn ma quỷ và zombies (xác sống) vật vờ thì mẹ và con trai nhỏ trật tự ngồi học bài. Khi mẹ thích xem phim tâm lý, hài hước và nhất thiết phải đẹp mắt thì ba bố con nháy mắt sau lưng: sao lại có thể xem mãi một loại phim và đôi lúc sao mẹ lại có thể sến như vậy gấu mẹ vĩ đại ơi? Và nếu con trai nhỏ trình bày: con đã học xong bài, đã ăn hết cơm, con muốn được xem phim của con thì lập tức trên màn hình sẽ là thế giới của Bibi, các anh hùng siêu nhân hết tách ra lại nhập vào sốt hết cả ruột, thằng anh ngay và luôn treo thưởng thằng em một cơ số bimbim đủ để em ngoan nhường anh hay anh hư ăn dỗ em nhưng bản chất là ông lớn lừa ông bé để cướp màn hình. Cuối cùng là hai bậc phụ huynh sẽ chăm các con ngủ ngon rồi lặng lẽ cùng xem những bộ phim tâm lý, rất riêng tư. Nhưng cả nhà cũng thường xuyên xem chung những phim có nội dung và nghệ thuật rất đáng để suy ngẫm, hai bậc phụ huynh mừng quá tranh thủ giáo dục về cuộc sống cũng như cảm thụ nghệ thuật sao cho phong phú, đa dạng nhưng có chọn lọc, làm một người biết xem phim từ nhỏ nhé các con yêu. Chúng tôi cũng là những khán giả rất chăm chỉ bỏ tiền mua vé xem phim ở rạp, đơn giản bởi một bộ phim điện ảnh chỉ có thể thưởng thức được đầy đủ hiệu quả về hình ảnh-âm thanh với các tiêu chuẩn kỹ thuật công nghệ khủng, điều mà thiết bị xem tại gia đình cũng như trên PC hay laptop là không thể so sánh với phòng chiếu. Tóm lại, là một người yêu thích phim, hay xem phim, luôn dành một khoản tiền riêng để mua vé xem phim, tôi rất băn khoăn khi nhiều khán giả chỉ xem phim trên báo, trên mạng xã hội. Tôi tin, có lẽ không nhiều bạn biết rằng trên hệ thống rạp chiếu thương mại của chúng ta, các phim ít tính giải trí, không có những thông tin phù hợp thị hiếu khán giả cũng không trụ lâu trên lịch chiếu. Một ví dụ gần đây nhất khi hai bộ phim vừa đoạt những giải Oscar 2013, 2014 quan trọng và danh giá là 12 năm nô lệ (12 years a slave) rồi Cuộc giải cứu thần kỳ (Saving Mr. Bank – các bạn thấy tên phim tiếng Việt hấp dẫn chưa) doanh thu phòng vé ra sao và thời gian trụ rạp là bao lâu xin hỏi các ông bà chủ rạp sẽ biết sự thật, tuy không nên coi kết quả đó là kinh hoàng nhưng vẫn thật đáng suy nghĩ. Ngay phim Chiến dịch sinh tử (Argo – các bạn thấy tên phim tiếng Việt cũng khá hấp dẫn đấy chứ ) của tài tử điển trai Ben Afleck, ngôi sao của Trân Châu cảng (Pearl Harbor), giai trong mộng của biết bao nàng, đã từng là người tình đích thực của các siêu sao Hollywood như người đẹp mong manh Gwyneth Paltrow hay ngôi sao nóng hừng hực Jennifer Lopez cũng lại phải hỏi thầm những người chủ rạp đáng kính xem số lượng người chịu bỏ tiền mua vé có so được với Scandal của đạo diễn Việt kiều Mỹ Victor Vũ thì chúng ta lại có thêm chuyện để bàn đấy. Nói thật nhé, khi tuyệt phẩm Phải sống (To live) của đạo diễn tài danh Trương Nghệ Mưu (mình biết ông này nhiều đúng không) tới Việt Nam năm 1995, tôi tin tôi và ông xã yêu vợ yêu phim của tôi là những khán giả đầu tiên đi xem tại rạp Tháng Tám ở Hà Nội, chúng tôi đã đếm đi đếm lại tổng số khán giả trong phòng chiếu là 7 người trong sự tiếc nuối bởi phim quá hay và khán giả sao lại ít đến nỗi này?! Nhưng cũng một thời gian sau đó chúng tôi rất mừng khi được chứng kiến khán ùn ùn đến rạp để xem phim lày bị Trung Quốc cấm chiếu, Trương nghệ Mưu suýt đi tù vì làm phim đểu nhưng toàn cho bọn Tây xem, đ. coi dân Tàu là gì. Đại loại vậy! Có lẽ cũng không nhiều khán giả để ý rằng phim của các quốc gia khác ngoài Mỹ rất ít hiện diện trên hệ thống rạp phim thương mại của chúng ta, thật lòng các anh chị chủ rạp nhập các loại phim đấy về để chiếu cống hiến, phục vụ khán giả nhà thì có mà phá sản sớm như nghệ sĩ Chánh Tín, lại còn bị chê không hiểu thời cuộc, chẳng biết kinh doanh. Ngay các Tuần lễ phim của các quốc gia có nền điện ảnh tiên tiến và gần gũi với khán giả Việt Nam như Anh, Pháp rồi Nhật Bản… tổ chức tại các thành phố lớn, nhiều phim rất hay, rất sâu sắc, rất nghệ thuật mà các cụ đi xem chính vẫn theo vé mời, có ai phải mua vé xem đâu. Liếc một tẹo sang Nghệ thuật truyền thống dân tộc như Nghệ thuật Chèo nhé, theo NSUT Ngọc Cải – Giám đốc Nhà hát Chèo Thái Bình: Người dân Thái Bình yêu chèo, say chèo lắm, nhưng nếu bán vé thì đừng hòng ai đến mua. Chỉ khi nào biểu diễn miễn phí thì cả làng, cả tổng kéo nhau đi nhận chỗ từ khi trời chưa kịp tối (theo Tuổi trẻ online ngày 20. 5. 2014). Cũng chính từ những trải nghiệm của bản thân nên tôi đã rất băn khoăn khi trên nhiều diễn đàn có rất nhiều ý kiến đầy tâm huyết của nhiều khán giả có lẽ chưa trực tiếp xem phim. Ngay như người nổi tiếng như Họa sĩ Thành Chương đăng đàn trên Thanh niên Chủ nhật ra ngày 21. 9. 2014 dưới một chức danh rất oách Ủy viên Hội đồng Nghệ thuật Quốc gia. (Đề nghị anh Lại Văn Sâm bổ sung câu hỏi “Nước ta có Hội đồng Nghệ thuật Quốc gia hay không?” cho chương trình Ai là triệu phú để khán giả có cơ hội hiểu biết thêm cơ cấu tổ chức Văn học-Nghệ thuật nước nhà nhé. Còn các bạn hội viên Hội Mỹ thuật chắc là biết rõ ông Thành Chương là gì trong Hội Mỹ thuật và chỉ Hội Mỹ thuật mà thôi, đúng không ạ?) Nhân đây cũng đề nghị báo Thanh niên rút kinh nghiệm nghiêm túc về nghiệp vụ báo chí nhé, các cụ đã nói Danh có chính thì ngôn mới thuận phải không ạ? Vậy mà trên cái danh xưng rất chi là lập lờ đó, ông Ủy viên Hội đồng Đồ họa của Hội Mỹ thuật đã kết tội các bạn đồng nghiệp (trong nghệ thuật) nghe choáng luôn: “phim các anh làm chẳng ra gì, lạc hậu và ngớ ngẩn không thể chịu nổi hay “sự bịp bợm có nghề của những người thiếu năng lực thực sự” và hơn thế nữa “tiền bạc của Chính phủ, của công chúng thành tro bụi, trôi hết xuống cống, tội đó là tội to, xét theo luật thì truy tố và đi tù chứ”. Ông Thành Chương ơi, xin ông dẫn ra đó là luật nào, cũng xin ghé tai ông nói thầm nhé: nếu các cơ quan pháp luật chưa có các bằng chứng và kết luận về các hành vi buôn bán đồ cổ-giả cổ, lừa được ối con gà, cũng như cái phủ của một người nào đó được xây dựng trên khu đất còn nhiều khuất tất về tính pháp lý mà người này giải trình mãi Nhà nước vẫn chưa chịu nghe thì chẳng có ai dám nói người này là người này “bịp bợm có nghề”, hay cũng chẳng ai tranh thủ đánh hôi “tội đó là tội to, xét theo luật thì truy tố và đi tù chứ”, đảm bảo ai dám nói về người này như thế, người này chả “xét theo luật thì là vu cáo và có thể cho đi tù chứ”! Và hay hơn nữa, họa sĩ Thành Chương hãy nói thật lòng mình, ông đã xem Sống cùng lịch sử trước khi dăng đàn với chức danh Ủy viên Hội đồng Nghệ thuật Quốc gia khiến nhiều người nghi nghi hoặc hoặc chưa? Sao ông không thể xử sự một cách đầy văn hóa và nghệ thuật như hai bậc nữ nhi là bà Tiến sĩ Nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái khi nói thẳng trên báo Tuổi trẻ ngày 18. 9. 2014 rằng: Tôi chưa xem bộ phim này thì tôi không thể đưa ra bình luận gì hoặc Tổng Giám đốc Hãng phim Thiên Ngân (Galaxy) – bà Đinh Thanh Hương khi trả lời báo Đất Việt ngày 22. 9. 2014 như thế này: “Tôi chưa xem phim nên không bình luận gì, nhưng tôi nghĩ, đánh giá kết quả thì phải dựa vào mục đích. Ví dụ, tôi trồng phong lan để ngắm hoa thì tôi sẽ không mong chờ gì hái quả lan, chứ ngắm hoa xong đòi cây lan phải có quả ăn thì vô lý quá. Một bộ phim được đầu tư vì mục đích tuyên truyền hay nghệ thuật thì không nên đánh giá nó từ góc độ thương mại”. Và với tư cách là một người kinh doanh, không phải là một nhà tâm lý, bà cũng chia sẻ: “Nói thật là kể cả với những bộ phim chúng tôi cực kỳ tin tưởng về chất lượng thì khi ra rạp lần nào cũng hồi hộp như… đang tỏ tình với một cô gái đẹp đỏng đảnh vậy, không bao giờ đoán trước nổi kết quả”. Đạo diễn – NSND Đặng Nhật Minh đã từng chua chát khi nói rằng Có một nền điện ảnh của báo chí, có thể ông hơi quá lời nhưng cũng chứa đựng phần nào sự thật. Bản thân tôi đã xem phim Sống cùng lịch sử ngay từ đợt đầu ra mắt, dù rằng đã biết đây là một bộ phim được nhà nước đặt hàng nhằm Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, là một phim cúng cụ như chúng ta vẫn thường hiểu, nhưng nước mắt tôi đã rơi không chỉ một lần, và khi kết thúc buổi chiếu, tôi đã nhìn thấy quanh tôi những đôi mắt đỏ hoe, những khán giả đang vội lau những dòng nước mắt. Chính vì vậy, tôi đã không khỏi ngạc nhiên khi đọc những dòng “phẫn nộ trên bàn phím của rất nhiều người chưa hề xem phim” (theo Thể thao và Văn hóa cuối tuần 27. 9. 2014), cảm giác của tôi là: có thật đây là bộ phim mình đã xem với đầy cảm xúc không, ôi, một nền điện ảnh của báo chí là đây. Tôi không đánh giá hay dở của bộ phim theo cách phán xét như một Hội đồng Nghệ thuật. Tôi đã xem, công tâm mà nói, đây là một đề bài khó cho anh Thanh Vân với rất nhiều áp lực. Sống cùng lịch sử có lẽ chưa phải là bộ phim vượt qua những thành công trước đó của đạo diễn về mặt nghệ thuật (làm nghệ thuật hay suốt đời là “nhiệm vụ bất khả thi” lắm đấy nhé các bạn ơi) nhưng chắc chắn là một bộ phim có tâm, có tình của đạo diễn và tập thể những người làm phim. Các khán giả đích thực, các bạn hãy đến rạp xem phim, hay thì các bạn khen, dở thì các bạn chê, khóc được các bạn hãy khóc, muốn cười hãy cười ồ lên, miễn là các bạn hãy xem phim bằng tất cả sự chân thực của lòng mình. Chẳng phải khen Sống cùng lịch sử làm gì, vì còn đầy phim chắc chắn hay hơn, khủng hơn của những Đế chế Điện ảnh hùng mạnh nhất thế giới như Mỹ (mà điện ảnh Pháp đụng phải cũng mất điện luôn đấy), nhưng hãy nói sự thực về Sống cùng lịch sử như nó đang có, xin đừng xúc phạm những người làm phim và cả một nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam với bao mồ hôi, nước mắt và cả máu khi đồng hành cùng lịch sử đất nước, đừng phát biểu oách-xà-lách như bác Thành Chương khi chưa xem phim nhé. Và tôi cũng có một băn khoăn rất riêng tư khi mà mọi tin tức đều được cập nhật ngay và luôn trên thế giới mạng thì báo giấy có lẽ cũng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn từ cơn lốc sòng phẳng của thị trường, vậy nếu Nhà nước không có các nguồn ngân sách bảo trợ nhằm thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước thì quả thật cũng không hy vọng gì từ doanh thu của quầy bán báo. * Vậy thôi, một sáng Chủ nhật đẹp trời, xin được ngỏ vài lời với các bạn có lòng quan tâm, còn bây giờ tôi phải đưa con đi xem có cái gì hay về nghệ thuật-giải trí để tranh thủ giáo dục con cái luôn thể, và nếu thấy phim Sống cùng lịch sử ra rạp biết đâu tôi lại đi xem một lần nữa để xem lòng mình đúng hay sai. Chúc các bạn một ngày Chủ nhật vui!
Ý kiến - Thảo luận
14:31
Friday,9.10.2015
Đăng bởi:
mai mai
14:31
Friday,9.10.2015
Đăng bởi:
mai mai
Tự nhiên trên Soi lại xuất hiện một loat bài về phim Sống cùng lịch sử. Phê bình phim đã khó, phê bình người phê bình phim còn khó hơn ấy nhỉ. Bài của Trọng Anh hay, nó nhân văn. Tôi nghĩ ngoài đời tác giả là người độ lượng, tốt tính, điềm đạm. Hoạ sĩ Thành Chương thì có tiếng là người có tài, tài nhất là ở chỗ bán được nhiều tranh. Bây giờ cứ cái gì bán được tiền thì cái đó là tốt, chúng ta cần phải quán triệt.
12:09
Friday,9.10.2015
Đăng bởi:
Vũ Quang Chính
Theo tôi thì bài này nên xếp vào mục "Thành Chương" Hỏi tôi thì tôi trả lời vậy, nhưng tôi không phải người của Ban biên tập, nên Ban biên tập có thể không đồng ý.
...xem tiếp
12:09
Friday,9.10.2015
Đăng bởi:
Vũ Quang Chính
Theo tôi thì bài này nên xếp vào mục "Thành Chương" Hỏi tôi thì tôi trả lời vậy, nhưng tôi không phải người của Ban biên tập, nên Ban biên tập có thể không đồng ý.
Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
Tự nhiên trên Soi lại xuất hiện một loat bài về phim Sống cùng lịch sử. Phê bình phim đã khó, phê bình người phê bình phim còn khó hơn ấy nhỉ. Bài của Trọng Anh hay, nó nhân văn. Tôi nghĩ ngoài đời tác giả là người độ lượng, tốt tính, điềm đạm. Hoạ sĩ Thành Chương thì có tiếng là người có tài, tài nhất là ở chỗ bán được nhiều tranh. Bây giờ cứ
...xem tiếp