Điện ảnh

Hiệp sĩ mù: giang hồ vặt, chưởng nhái, phật thuổng 01. 10. 14 - 9:55 am

Lê Hồng Lâm

.

Đoàn làm phim, từ trái sang: Bình Minh, Đinh Y Nhung, Ngọc Thanh Tâm, Đàm Vĩnh Hưng, Quách Ngọc Ngoan, Quốc Cường

Chiều nay mua vé đi xem suất 4h ở Vincom với vợ chồng thằng Nhô. Em nhân viên soát vé đưa vào rạp thấy kín gần hết chỗ, mà rạp to hẳn hoi, bèn nhủ thầm, chết cụ không lẽ hai bài kinh điển trên Thanh Niên, Tuổi Trẻ là thật, bạn P.K.D có khả năng tiên đoán, đếm đúng cua trong lỗ.

Té ra là em nhân viên đưa nhầm vào phòng chiếu The Maze Runner. Chưa xem đã bị troll một quả. Nhưng rạp chiếu của Hiệp sĩ mù cũng không tệ, kín được gần nửa rạp. Khán giả Hà Nội dạo này cũng đáng yêu hơn trước, trừ một thằng điên cuối rạp thi thoảng hét lên the thé, còn lại có vẻ cũng “thưởng thức” bộ phim, thi thoảng cười rộ lên vì vài câu thoại hay đoạn xuất hiện cái-anh-mà-ai-cũng-biết-là-ai-ấy cất giọng dân tộc như đúng rồi. Cái anh vua biển cộng vua lố ấy đứng tên sản xuất chính cứ tưởng sẽ chình ình suốt phim vậy mà chỉ chấp nhận đóng vai cameo chưa đầy 2 phút, lại đóng vai anh dân tộc vùng cao không đụng hàng, quả nhiên cũng có chút ngạc nhiên, có tính toán cao cơ hẳn hoi. Chứ tưởng tượng ảnh vào vai giang hồ đại ca khét tiếng khạc ra lửa như mấy anh giang hồ vặt trong phim thì thôi không dám tưởng tượng tiếp.
 

Đàm Vĩnh Hưng trong vai bố của hiệp sĩ mù

Phim xem vui nửa đầu. Lưu Huỳnh kiểu một mình một chiếu trên bàn nhậu của điện ảnh Việt. Phim của anh không giống ai, lại được tiếng cực đoan, khắc kỷ. Anh lại luôn chú trọng kỹ thuật, chỉ đạo diễn xuất tốt nên ít khi khó chịu vì gặp sạn trong phim của anh như những đạo diễn cùng thời ở phía Bắc.

Nhưng thực ra Lưu Huỳnh là một nhà làm phim khá cũ, kiểu thập niên 90, chất mê lô đậm đặc, thích những câu chuyện thân phận thiệt thòi, bên lề lại còn phải đối mặt với bao cuộc bể dâu để đến được bờ bên kia. Áo lụa Hà Đông có anh gù, Huyền thoại bất tử có anh khùng, Lấy chồng người ta có anh tửng, Hiệp sĩ mù thì có cô hiệp sĩ mù anh giang hồ chột. Phim nào cũng có cái để xem, nhưng chưa cái nào thực sự “đã” vì cảm giác anh đi được 2/3 đường thì hết xăng, phải lê lết dắt bộ cho đến đích (2 phim gần đây), hoặc loạn đao pháp như Hiệp sĩ mù, 3 thằng giang hồ nửa đời sinh tử bỗng nghe em hiệp sĩ mù mới 17 tuổi ranh thuổng phật pháp giảng đạo, bỗng cùng nhau quay đầu là bờ hết. Khán giả đang vui thì chưng hửng. Tiếc giá như anh đi hết cái nhảm, ví dụ như đoạn oánh nhau chí tử giữa Hiệp sĩ mù và Cường chột, đoạn slow-motion cây gậy của hiệp sĩ mù lột cái che mắt của Cường chột, quật luôn hàm răng cho dăm cái răng vàng chóe rơi lả tả thì hiệu ứng khác gì phim anh Trì. Đại loại thế.
 

Ngọc Thanh Tâm trong vai Hiệp sĩ mù

Giang hồ vặt, chưởng nhái thực ra không phải mình mỉa mai bộ phim, nếu không nói là Lưu Huỳnh làm ra được hai cái chất nửa mùa này trong nửa đầu bộ phim. Lưu Huỳnh không cố để học đòi chất xã hội đen như phim Hong Kong, mà làm ra được cái chất giang hồ vặt của Sài gòn, như một nhân vật trong phim gọi là giang hồ ruồi. Đây là một chất liệu cực kỳ thú vị của đời sống ở Sài Gòn trong suốt mấy chục năm qua và càng rộ lên gần đây, có cái Bụi đời chợ Lớn thì lại thiên về bạo lực chém giết, phí cả một đề tài hay.

Đám giang hồ trong phim thực ra chỉ dăm ba anh bụi đời hạng ruồi, kiếm sống bằng nghề bảo kê, dắt gái ở xóm lao động nghèo. Trên có Lâm đại ca vang danh một cõi, dưới có Cường đàn em và vài thằng khác. Cường hàng đêm phải chở vợ đi làm gái mà vẫn không đủ tiền chung cho đại ca, phải để vợ vào ngủ với hắn, gặp thằng đại ca bạo dâm nát đòn nên xót vợ, liều sống mái một phen. May thoát chết lại được báo mộng nên hai vợ chồng bỏ trốn đi tìm đôi mắt xanh. Cường chột sau này dù phất lên ở villa bự đi Audi xịn, giang hồ 2014 khác hẳn giang hồ 97 đầu phim, nhưng cách hành xử cũng không khác mấy.

Bình Minh trong vai Cường chột

Chất giang hồ vặt còn thể hiện khéo léo ở đám bụi đời trẻ con trong phim, kiếm sống bằng nghề đánh giày hát dạo nuốt rắn khạc lửa… Tranh nhau cát cứ, cá lớn nuốt cá bé. Đêm về chui miệng cống ngủ, gọi nhau sư huynh sư đệ, mơ đời bôn tẩu giang hồ như phim chưởng Kim Dung. Đám bụi đời ấy lớn lên rồi lại trở thành những Lâm đại ca, Cường chột mới…

Mấy đoạn về đám trẻ bụi đời dưới tài chỉ đạo diễn xuất của Lưu Huỳnh (đây là thế mạnh rất đặc biệt của anh) rất đáng yêu, và là những nhân vật thú vị nhất của bộ phim, bởi chúng không phải vác cái loa thông điệp nặng nề trên vai như tuyến nhân vật chính.
 

Một giang hồ nhí

Cái chất chưởng nhái cũng được khai thác thú vị. Dân Việt lậm, ngộ (độc) chưởng tàu, nhất là chưởng Kim Dung. Mình U40 mới đọc, 10 ngày xơi hết một bộ 8 cuốn, trong khi kiệt tác như Midnight’s children vật vã mãi không qua được trang 200. Huống hồ nhiều đứa đệ tử Kim Dung 14 túi, mở mồm toàn bắn chưởng. Nhiều nhà văn Việt trước 75 cũng thi nhau viết chưởng, tất nhiên chỉ là một thứ chưởng nhái.

Hiệp sĩ mù cũng có cái chất chưởng nhái đó, từ cái tên phim sặc mùi kiếm hiệp, từ cái tứ kịch bản, đến cái xuất xứ của nhân vật chính, sinh ra với nhân dạng đặc biệt, bị cướp mất đôi mắt xanh, gia đình tan nát phải nương nhờ cửa Phật, được dạy võ, dạy đạo rồi tay gậy tay bị xuống núi giải quyết ân oán. Rồi thì như nói ở trên, đám trẻ con gọi nhau sư huynh sư đệ, sư tỷ, hành động trượng nghĩa như đám giang hồ hảo hớn…
 

Một cảnh bụi đời nói chuyện phải quấy

Giang hồ vặt gặp chưởng nhái làm nên nửa đầu phim lắm đoạn duyên dáng, dăm câu thoại thú vị bật cười. Làm hết cái chất ấy có khi ra được một phim nhảm ra trò. Nhưng Lưu Huỳnh không đủ can đảm để chơi tới bến. Từ khi cô hiệp sĩ mù bỏ núi xuống phố là ôi thôi là triết lý rao giảng phật pháp chưa qua tiêu hóa bắn như liên thanh. Đám bụi đời tâm lý biến đổi chóng mặt rồi thi nhau hoàn lương hết. Một anh chột một anh mù một anh què dắt nhau lên phường viết kiểm điểm. Bươm bướm (giả ơi là giả) bay rợp trời trên cánh đồng hoa cải vàng. Mẹ bảo đã tìm ra ngọc ở trong tim con rồi yên tâm về trời. Có hai đứa sau lưng buôn chuyện bảo ngọc trong tim có phải là Ngọc Thanh Tâm không, nghe nói mẹ là chủ vựa cá bỏ tiền cho con đóng vai chính, anh vua biển chỉ đứng tên thôi. Mà ai đóng vai bà mẹ đấy, nhìn lạ hoắc, có phải bà chủ vựa cá luôn không? Cái bọn thiệt nhiều chuyện.
 

.

Ý kiến - Thảo luận

18:44 Thursday,2.10.2014 Đăng bởi:  dilettant
Mình đọc The Rational Peasant: The Political Economy of Peasant Society thấy tác giả Popkin xếp cái chủ nghĩa có mục kiểm điểm vào hàng tôn giáo.
Quay lại với phim, nếu đạo phật (tôn giáo là nha phiến - Marx) lại có tác dụng tẩy não thì He He he he eeeee. Phen này khối thày đồ mác xít mừng.
Ngược lại, tớ thấy các cụ kêu có nhiều ông trước dạy Mác Lê nay mê tìn lắm.
Quả l
...xem tiếp
18:44 Thursday,2.10.2014 Đăng bởi:  dilettant
Mình đọc The Rational Peasant: The Political Economy of Peasant Society thấy tác giả Popkin xếp cái chủ nghĩa có mục kiểm điểm vào hàng tôn giáo.
Quay lại với phim, nếu đạo phật (tôn giáo là nha phiến - Marx) lại có tác dụng tẩy não thì He He he he eeeee. Phen này khối thày đồ mác xít mừng.
Ngược lại, tớ thấy các cụ kêu có nhiều ông trước dạy Mác Lê nay mê tìn lắm.
Quả là tít mù vòng quanh, cái anh ghề thề kỷ hăm mốt này. Xin chư huynh chỉ giáo thêm. 
12:41 Wednesday,1.10.2014 Đăng bởi:  thuốc lào

Viết hay hè!
Đọc cái đoạn mấy giang hồ giác ngộ Phật pháp rồi dắt nhau lên phường viết kiểm điểm mà cười té ghế!!! Chi tiết này mà đạo diễn làm cho hài hước, bông phèng chút thì có lẽ tiếp nối được mạch "nửa mùa" ở nửa đầu phim ấy chứ!
Like bài viết. Chắc phải mò đi xem phát :D


...xem tiếp
12:41 Wednesday,1.10.2014 Đăng bởi:  thuốc lào

Viết hay hè!
Đọc cái đoạn mấy giang hồ giác ngộ Phật pháp rồi dắt nhau lên phường viết kiểm điểm mà cười té ghế!!! Chi tiết này mà đạo diễn làm cho hài hước, bông phèng chút thì có lẽ tiếp nối được mạch "nửa mùa" ở nửa đầu phim ấy chứ!
Like bài viết. Chắc phải mò đi xem phát :D

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả