Gẫm & Bình

“Nghệ thuật và tài năng”: thất vọng và cũng thật nhiều hi vọng về các nghệ sĩ 8X của chúng ta 14. 10. 14 - 5:58 pm

Đào Mai Trang

.

.


Lời giới thiệu

Sau khi tập chân dung 12 nghệ sĩ mỹ thuật đương đại Việt Nam (Nxb Thế giới, 2010) được xuất bản, tôi đã nghĩ đến việc sẽ viết riêng một cuốn sách khác về các nghệ sĩ trẻ hơn trong lĩnh vực này, những người sinh trong thập niên 1980 của thế kỷ XX vì trong năm 2010 ấy, họ đã bắt đầu hoặc chuẩn bị bước vào tuổi 30 – ngưỡng của sự trưởng thành về tri thức và nhân cách, dẫn đến sự trưởng thành trong sáng tạo nghệ thuật với những thành công, danh tiếng và  danh vị riêng. Để thuận tiện cho việc quan sát, so sánh và suy ngẫm, tôi giới hạn độ tuổi của các nghệ sĩ được sinh ra trong giai đoạn 1980 – 1985, mà từ đây, sẽ được gọi là các nghệ sĩ 8X.

Từ ý nghĩ sơ khai nói trên, tôi dành thời gian nhiều hơn cho các hoạt động của các nghệ sĩ trẻ và tìm hiểu thêm về hoàn cảnh lao động nghệ thuật của họ. Thế hệ này đã có một môi trường nghề nghiệp rộng mở hơn trước. Họ cũng đã quen và tích cực tham gia thực hành những hình thức nghệ thuật đương đại như nghệ thuật sắp đặt, trình diễn, video art, nghệ thuật đa phương tiện. Mặc dù vậy, trong một bối cảnh xã hội đặc thù của Việt Nam, đời sống của các nghệ sĩ trong lĩnh vực mỹ thuật và nghệ thuật đương đại cũng có rất nhiều khác biệt so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Những quan niệm về sáng tác dòng chính và dòng phi chính thống, mỹ thuật đương đại, nghệ thuật đương đại, thậm chí về một người làm nghề chuyên nghiệp trong lĩnh vực này cho đến giờ vẫn chưa có một tiêu chuẩn chung nền tảng, hoặc được dựa trên thông lệ quốc tế chung hoặc có một khung tiêu chí rõ ràng, của riêng Việt Nam và thống nhất sử dụng trên toàn quốc. Mặt khác, một trong những vấn đề lớn nhất chính là thiếu một hành lang pháp lý tiêu chuẩn cho các hình thức nghệ thuật đương đại ở Việt Nam. Nhiều nghệ sĩ đã lên tiếng về ảnh hưởng tiêu cực của bối cảnh văn hóa xã hội đến động lực sáng tạo của họ.

Thái Nhật Minh, “Sen rủ”, 2007, đá và sắt, 150x50x46cm. Tác phẩm có in trong sách. Ảnh do nghệ sĩ cung cấp

Tại sao lại phải tách bạch mỹ thuật với nghệ thuật đương đại? Đây là một khía cạnh thực tiễn cắc cớ của đời sống nghệ thuật thị giác Việt Nam hiện nay, nơi mà cùng lúc tất cả các quan niệm thẩm mỹ đều được hiện diện trên một sân khấu sáng tạo: tiền hiện đại, hiện đại, hậu hiện đại một cách hình thức và hậu hiện đại một cách thực chất. Bởi lẽ, đời sống ấy được phát triển trên một tấm phông nền xã hội phức tạp, nơi đồng thời diễn ra nhiều quá trình phát triển quá khác biệt với nhau, thậm chí là trái ngược nhau: Trên bình diện chung, Việt Nam vẫn là một nước nông nghiệp, đang trong quá trình công nghiệp hóa-hiện đại hóa. Đời sống xã hội nói chung cũng đang tiệm tiến từ một xã hội tiểu nông sang một xã hội công nghiệp hiện đại. Trong khi đó, Việt Nam lại cùng đang trong tiến trình toàn cầu hóa, hội nhập sâu rộng với thế giới. Trong bối cảnh xã hội như vậy, phải thẳng thắn mà nói rằng nghệ thuật đương đại ở Việt Nam nhiều khi chỉ là “đương đại một cách hình thức”.  Cá nhân tôi nghĩ  nghệ thuật đương đại là thứ nghệ thuật vừa mới mẻ về hình thức thể hiện vừa thử thách chính nghệ sĩ và công chúng thưởng lãm ở đa dạng góc độ: thói quen tư duy (về nghệ thuật), thói quen cảm xúc, thói quen ứng xử và thói quen nhìn nhận về nghệ thuật trong tương quan với xã hội, con người và thời cuộc. Tôi tin những thử thách đó mới là nội hàm quan trọng hơn cả của nghệ thuật đương đại.

Hà Mạnh Thắng, “Nửa cuộc sống No2”, sơn dầu, 110 x 200 cm, 2008, trong sưu tập của Bảo tàng nghệ thuật Singapore (Singapore Art Museum). Tác phẩm có in trong sách. Ảnh do nghệ sĩ cung cấp.

Khả năng đối diện với những bất lợi của mỗi một con người cho thấy rõ nhất bản năng sinh tồn và tri thức của anh ta. Bản năng sinh tồn là cái sẵn có của một sinh vật, còn tri thức là cái quyết định ý nghĩa và giá trị tồn tại của con người đó với đúng nghĩa là một con người. Nghệ sĩ cũng vậy, nhưng nghệ sĩ đích thực lại hơn người thường ở chỗ họ còn có một bản năng sáng tạo mạnh mẽ cùng tri thức sâu sắc về thẩm mỹ và nhờ đó, họ mới có thể tạo nên những sáng tác nghệ thuật chạm tới đáy tim của biết bao người. Chính vì thế, tôi vẫn tin tưởng rằng bối cảnh xã hội dù thuận hay nghịch đến đâu cho nghệ sĩ thì vẫn chỉ dừng lại là cái bên ngoài nghệ sĩ. Cái quan trọng cốt lõi của một nghệ sĩ, nhất là những người may mắn còn tuổi trẻ, để đi đến thành công là ý chí và khí phách của anh ta, thứ được hun đúc tự bên trong bản ngã của anh ta, trên con đường nghệ thuật, dù đó là con đường theo trường phái nào: mỹ thuật cổ điển, hiện đại hay nghệ thuật đương đại.

Nguyễn Huy An, “Chuyển động vòng tròn”, 2007, trình diễn với than. Ảnh do nghệ sĩ cung cấp

Tôi là một người làm báo, chọn viết về mỹ thuật từ giữa những năm 1990, do cảm thấy không hiểu biết gì về lĩnh vực này và muốn tìm hiểu về nó với những trải nghiệm thực sự. Dưới nhãn quan của một người làm báo, những gì viết trong sách này có thể khiến bạn đọc sách khó chịu vì không rõ cuốn sách thuộc định dạng gì, nghiên cứu, phê bình hay giới thiệu chung chung. Nhưng tôi hi vọng sự khó chịu đó của bạn sẽ không kéo dài bởi cuốn sách là một chia sẻ chân thực của người viết về những gì đã, đang và có nguy cơ tiếp tục diễn ra trong bối cảnh đời sống mỹ thuật và nghệ thuật đương đại Việt Nam, khiến cho nền nghệ thuật của chúng ta tụt hậu so với khu vực nói riêng, với thế giới nói chung. Bên cạnh đó, tôi cũng không giấu giếm chút thất vọng và muốn bày tỏ thật nhiều hi vọng về các nghệ sĩ 8X của chúng ta. Họ đã, đang và sẽ tiếp tục dấn thân trong những lĩnh vực sáng tạo mà họ thừa hiểu là khó khăn nhiều hơn rất nhiều so với thuận lợi. Tôi mong họ nhận thấy từ sách này một tinh thần đồng cảm và cổ vũ dành cho họ. Tôi cũng luôn mong họ thực sự tỉnh táo trên hành trình sáng tạo và nhận ra chân giá trị của nghệ thuật cuối cùng có thể là gì.

Lê Hoàng Bích Phượng, “Mẫu đơn trong vườn” (chi tiết), 2013, lụa, 65 x 65 cm. Tác phẩm có in trong sách. Ảnh do Sàn Art cung cấp

Những nghệ sĩ được lựa chọn trong sách là những người mà tôi tin là khi bạn đọc về họ và ngắm tác phẩm của họ, chắc chắn bạn sẽ nhận ra được một điều gì đó riêng có của họ. Hoặc bạn không thích, hoặc bạn rất hứng thú nhưng cái riêng có đó là quan trọng để họ có thể tiếp tục đi xa hơn nữa trong nghệ thuật. Họ có thể làm được nhiều hơn nữa để công chúng hi vọng và tin tưởng vào một đời sống nghệ thuật mới, xán lạn hơn, của Việt Nam dù cho hiện tại có đang tẻ nhạt thế nào.

Cho đến thời điểm cuốn sách chuẩn bị hoàn thành, tôi cũng hoang mang khi nhận được email quảng bá của Nhà hát ca múa nhạc nhẹ Việt Nam, cho hay, Nhà hát đã được đổi tên thành Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam. Bên cạnh đó là câu chuyện đưa yếu tố nghệ thuật đương đại như sắp đặt ánh sáng, thư pháp đương đại, bên cạnh nhạc điện tử, vào trong một lễ hội cổ truyền Bình Đà, ngay thủ đô Hà Nội với động cơ được cho là “sử dụng nghệ thuật đương đại để thu hút đông đảo hơn người dân đến với lễ hội”. Có vẻ như sự khủng hoảng và lẫn lộn khái niệm tiêu chuẩn trong đời sống văn hóa nghệ thuật ở Việt Nam hôm nay đã đến đỉnh điểm. Nó cho thấy sự tụt hậu đến đáy của đời sống văn hóa này cho dù  về mặt hình thức, đời sống ấy đã và đang chứa đựng tất cả những gì mà nhân loại hiện có cũng như đang cố gắng níu giữ những gì mà truyền thống để lại. Nhưng biết đâu, “cùng tắc biến, biến tắc thông”, đời sống ấy đã khủng hoảng chạm đáy rồi sẽ tịnh tiến đi lên đến một đỉnh phát triển mới, thực chất và văn minh, nơi  chắc chắn có đóng góp quan trọng của các nghệ sĩ trong lĩnh vực mỹ thuật và nghệ thuật đương đại.

Cuối cùng, tôi cũng muốn thở phào một điều: đúng là chúng ta không thể chọn lựa xã hội để ta được sinh ra, được sống nhưng ta hoàn toàn có thể chọn được làm chính ta trong xã hội ấy. Điều cốt lõi vẫn là ở chính ta mà thôi.

Phạm Huy Thông, “Bữa tiệc cuối cùng”, 150 x 350 cm (ba tấm ghép), 2010 – 2011. Tác phẩm có in trong sách. Ảnh do nghệ sĩ cung cấp

Thông tin chung:

Cuốn sách Nghệ thuật và Tài năng – một cận cảnh về thế hệ 8X của mỹ thuật Việt Nam được phát triển từ tiểu luận nghiên cứu khoa học cấp cơ sở tại cơ quan Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật từ năm 2010 – 2012 của tác giả. Sau đó, tác giả sửa chữa và hoàn thiện thành một bản thảo sách tiếng Việt, với khoảng 150 hình ảnh tác phẩm của các nghệ sĩ trẻ trong cả nước, tìm nguồn tài trợ để chuyển ngữ sang tiếng Anh, tiếp tục kế hoạch thực hiện dự án xuất bản sách độc lập của mình.

Phiên bản tiếng Anh với sự tài trợ của CDEF, được phát hành dưới định dạng ebook. Bản in tiếng Việt được Viện Goethe Hà Nội hỗ trợ một phần chi phí in ấn và buổi giới thiệu sách.

Đặc biệt, dự án đã nhận được sự hỗ trợ hiệu đính tiếng Anh của ông John Kleinen, Phó giáo sư khoa Nhân học hình ảnh, Đại học tổng hợp Amsterdam, Hà Lan và bà Raquelle Azran, nhà văn Mỹ, một người gắn bó với đời sống mỹ thuật Việt Nam hơn 20 năm qua, và sự hỗ trợ  hình ảnh tác phẩm, hình ảnh không gian triển lãm của nhiều gallery, studio, không gian nghệ thuật, các nghệ sĩ trên khắp cả nước.

Từ 19h ngày 23 – 10 – 2014 (thứ Năm), Viện Goethe Hà Nội cùng tác giả Đào Mai Trang tổ chức buổi giới thiệu sách. Chương trình là một cuộc trao đổi cởi mở giữa tác giả, các nghệ sĩ trẻ trong lựa chọn của tác giả và công chúng quan tâm về thực tế và những hi vọng cho sự phát triển của nghệ thuật Việt Nam.

Vũ Đức Trung, “Rừng thanh bình”, sơn mài, 60 x 100 cm, 2013. Ảnh do nghệ sĩ cung cấp

 

Vũ Đức Toàn, “Phụ lục của bản trường ca về nước”, 2010, trình diễn tại Nhật Bản. Ảnh do nghệ sĩ cung cấp

Tóm tắt nội dung sách:

Sách gồm 2 chương và phần giới thiệu 9 nghệ sĩ trong lựa chọn của tác giả.

Chương 1: Bối cảnh xã hội: Đề cập đến những thuận lợi và khó khăn trong hoàn cảnh khách quan tác động đến sáng tạo nghệ thuật của thế hệ nghệ sĩ sinh ra trong nửa đầu thập niên 1980 (1980 – 1985), gọi cách khác là thế hệ nghệ sĩ 8X,  như sự thay đổi nhanh chóng của đời sống; sự đảo lộn các giá trị xã hội và văn hóa; tác động của kinh tế thị trường đến nghệ thuật; hoàn cảnh và môi trường thu nhận kiến thức nghệ thuật,… Trong đó, tác giả có phân tích, đánh giá tác động của từng yếu tố xã hội đến sự sáng tạo nghệ thuật của nghệ sĩ trẻ.

Chương 2: Những vấn đề chính phải đối diện: Đó là tài chính và tài năng. Trong đó, vấn đề tài năng được coi là cốt lõi. Tác giả muốn đưa ra những gợi ý để bạn đọc nhận diện rõ hơn bản lĩnh nghệ thuật của các nghệ sĩ 8X hôm nay. Cuốn sách để ngỏ mọi kết luận và hi vọng mỗi người đọc sẽ rút ra kết luận riêng cho mình, trả lời được câu hỏi: vì sao đời sống văn hóa nghệ thuật nói chung của Việt Nam, đời sống mỹ thuật và nghệ thuật đương đại nói riêng, có nguy cơ tụt hậu ngày càng xa so với khu vực và thế giới.

Phần viết về 9 nghệ sĩ: Nguyễn Huy An (nghệ thuật trình diễn và hội họa), Bàng Nhất Linh (nghệ thuật sắp đặt), Nguyễn Phương Linh (nghệ thuật trình diễn), Thái Nhật Minh (điêu khắc), Lê Hoàng Bích Phượng (tranh lụa), Hà Mạnh Thắng (hội họa), Phạm Huy Thông (hội họa và nghệ thuật trình diễn), Vũ Đức Toàn (nghệ thuật trình diễn), Vũ Đức Trung (hội họa). Lí do để tác giả lựa chọn họ là nghệ thuật và cá tính nghệ sĩ của họ chứa đựng nhiều điểm nổi bật, khác biệt so với các đồng nghiệp cùng thế hệ.

Bàng Nhất Linh, “Hà Nội”, sắp đặt và tương tác với khán giả, 2009, trong sưu tập của ông Nguyễn Thế Đại, Hà Nội. Ảnh: Dino Trung

 

Nguyễn Phương Linh, “Thuyền”, sắp đặt với 2 tấn muối thô, 1x3x1m, 2009. Ảnh do nghệ sĩ cung cấp

Về tác giả: là biên tập viên chuyên mục Mỹ thuật, tạp chí Văn hóa Nghệ thuật (Bộ VHTTDL), từ năm 2000 đến nay.

Viết nhiều bài về mỹ thuật và nghệ thuật đương đại trên tạp chí Văn hóa Nghệ thuật (www.vhnt.org.vn); báo Thể thao văn hóaThể thao Văn hóa Cuối tuần (www.thethaovanhoa.vn): trang tin Soi (www.soi.today); báo Nhân dân cuối tuần, Nhân dân hàng tháng và một số ấn phẩm đặc biệt của báo Nhân Dân. Một số bút danh khác: Đào Mai Trang, Phong Vân, Chi Mai, Hoàng An Đông.

 

Ý kiến - Thảo luận

22:30 Saturday,17.1.2015 Đăng bởi:  Riêng&Chung
Dùng "nhà quê" với "thành thị" để so sánh như: "nghệ sỹ ấy nhà quê muốn múa ở thành thị"!!! Sao không thử dùng hình ảnh "nghệ sĩ" ấy "thị dân đòi múa giữa ruộng đồng nhỉ". Có lẽ "đương đại một cách hình thức" là các nghệ sĩ nhà mình cố gắng "đương đại" trên cái nền tảng kinh tế xã hội rất chi là tụt hậu so với cái nền tảng rất phát triển ở bển ho
...xem tiếp
22:30 Saturday,17.1.2015 Đăng bởi:  Riêng&Chung
Dùng "nhà quê" với "thành thị" để so sánh như: "nghệ sỹ ấy nhà quê muốn múa ở thành thị"!!! Sao không thử dùng hình ảnh "nghệ sĩ" ấy "thị dân đòi múa giữa ruộng đồng nhỉ". Có lẽ "đương đại một cách hình thức" là các nghệ sĩ nhà mình cố gắng "đương đại" trên cái nền tảng kinh tế xã hội rất chi là tụt hậu so với cái nền tảng rất phát triển ở bển hoặc đâu đó, nơi người ta đã thấu hiểu thế nào là thiên nhiên, là đất, là nước, là ánh sáng, là đồng ruộng, thì mình vẫn còn vướng víu với tư duy thực dụng và nghèo nàn như một thị dân (dân chợ) ở trong phố. 
19:44 Wednesday,17.12.2014 Đăng bởi:  phương phương

Trang nói “đương đại một cách hình thức” thì tôi hiểu là nghệ sỹ chúng ta đang bắt chước những kiểu dạng thực hành đâu đó rồi làm theo chứ chưa đứng trên một căn nền, một tâm thức thực sự. Tôi cũng thấy thế. đặc biệt trong nghệ thuật trình diễn, tôi thấy nghệ sỹ nhiều người chẳng hiểu gì cái họ đang làm cả, cũng có khi nhiều nghệ sỹ nói về t
...xem tiếp

19:44 Wednesday,17.12.2014 Đăng bởi:  phương phương

Trang nói “đương đại một cách hình thức” thì tôi hiểu là nghệ sỹ chúng ta đang bắt chước những kiểu dạng thực hành đâu đó rồi làm theo chứ chưa đứng trên một căn nền, một tâm thức thực sự. Tôi cũng thấy thế. đặc biệt trong nghệ thuật trình diễn, tôi thấy nghệ sỹ nhiều người chẳng hiểu gì cái họ đang làm cả, cũng có khi nhiều nghệ sỹ nói về tác phẩm của mình, nhưng càng nói thì càng thấy nghệ sỹ ấy nhà quê muốn múa ở thành thị. Nói chúng là chúng ta nên đòi hỏi một tâm thức đương đại ngay trong nhận thức của nghệ sỹ trước khi họ làm ra tác phẩm. Chứ đừng thấy người Tây cởi truồng phun máu mình cũng làm thế. Họ cười.

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Giá trị của nghệ thuật

Nguyễn Đình Đăng

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả