Điện ảnh

Lâu lắm rồi mới lẩn thẩn giữa rừng bia mộ 17. 10. 14 - 6:47 am

Pha Lê

.

Poster phim “A Walk Among the Tombstones”

Hồi năm ngoái, thiên hạ phát sốt lên với series hoạt hình Nhật Attack on Titan. Ma nào cũng khen, ai cũng bắt tôi phải xem, và xem rồi thì tôi thấy nó chỉ bình thường. Tuy nhiên, lý do tại sao lắm kẻ khoái Attack on Titan thế cũng dễ hiểu.  Vào thời khủng hoảng, kinh tế cạnh tranh cao, các hãng hoạt hình Nhật hầu như bỏ làm series hành động cho đỡ phí tiền sản xuất. Thay vào đó, họ làm nhiều phim tâm lý, tình cảm, phim kể về các câu chuyên đời thường. Chúng không hẳn dở nhưng xem mãi rồi đói phim hành động, thành thử Attack on Titan chẳng khác gì một mâm cơm đầy thịt cho những kẻ cả năm phải ăn rau.

Phim A Walk Among the Tombstones (tựa tiếng Việt: Lối Đi Giữa Rừng Bia Mộ) cũng nằm trong hoàn cảnh này. Dạo gần đây Hollywood chẳng làm nên một phim hình sự hồi hộp nào ra trò. Thể loại trinh thám còn hiện diện rải rác trên màn ảnh (và có rất nhiều trên truyền hình), nhưng phim hình sự mang hơi hướm noir thì lặn đâu mất tăm. Vì thế, lúc mới xem Rừng Bia Mộ thì tôi phát hiện ra rằng mình hơi bị nhớ cái thể loại này, và cảm thấy phim rất hay, dù sau đó suy nghĩ khách quan lại thì thấy phim cũng… thường thường.

Nhân vật chính của Rừng Bia Mộ – thám tử tư Matthew Scudder (Liam Neeson đóng) – là một cảnh sát bỏ nghề, đang vật lộn với chứng nghiện rượu. Mỗi tối Matt lân la đến nhà thờ – nơi các ma men tụ tập hòng giúp đỡ nhau bỏ rượu, giữ tinh thần để không bị tái nghiện. Cũng chính tại nhà thờ mà Matt gặp Peter – một nghệ sĩ nghiện… nhiều thứ. Biết Matt hành nghề thám tử, Peter nhờ Matt giúp ông anh trai của mình.

Liam Neeson trong vai Matt. Liam rất hợp cho những vai “anh hùng rệu rã và cô đơn” như vầy.

Kenny – anh trai của Peter – vừa là một tay vận chuyển thuốc phiện giàu sụ, vừa có một cô vợ đẹp. Ngày nọ, cô vợ của Kenny bị bắt cóc đòi tiền chuộc. Chàng Kenny lại làm ăn mánh mung nên không dám nhờ cảnh sát, và đành trả tiền một cách ngoan ngoãn. Kenny tưởng rằng vợ sẽ quay về, nhưng ai dè kẻ bắt cóc lấy tiền rồi ung dung chặt vợ anh ra từng khúc. Kenny muốn Matt tìm ra tên khốn đã giết vợ hòng báo thù, nhưng dấn sâu vào vụ án thì Matt lại phát hiện ra rằng Kenny không phải kẻ vận chuyển thuốc phiện duy nhất có người thân bị bắt cóc rồi chặt nhỏ.

Cảnh Kenny tỉnh dậy và không thấy vợ đâu.

 

Kenny (trái) và Matt

Những loại phim như Rừng Bia Mộ sẽ không có cảnh đánh nhau chưởng kung-fu, không đua xe, không nổ bom ầm ầm, và chẳng có cả cái màn “mọi người tụ họp lại để ta giải thích cho biết kẻ thủ ác là ai” sặc mùi Agatha Christie. Khán giả thấy mặt hai tên bắt cóc từ đầu phim chứ chẳng phải chờ ai phá án, nhưng Rừng Bia Mộ hay ở chỗ nó vẫn khiến khán giả hồi hộp bằng cách buộc họ phải tự đặt nhiều câu hỏi. Tại sao hai tên tội phạm chỉ bắt cóc người yêu của các tay vận chuyển thuốc phiện? Tại sao nhận tiền chuộc rồi mà chúng vẫn giết nạn nhân? Làm thế nào để Matt đi trước chúng một bước? Matt giải quyết những tình thế tiến thoái lưỡng nan như thế nào? Người xem theo dõi từng hành động của hai bên thiện/ác rồi thấp thỏm cầu cho bên thiện thông minh hơn. Thể loại trinh thám có điểm yếu là hễ ta biết ai giết người rồi thì gần như phim chẳng còn gì để xem, còn Rừng Bia Mộ lại biến điểm yếu này thành điểm mạnh, khiến khán giả vịn chặt ghế từ đầu chí cuối cho dù họ đã thấy dung nhan của hai tên bệnh hoạn.

Cảnh các nhân vật bàn bạc để tìm cách qua mặt hai tên bắt cóc

Thích nữa là khán giả sẽ gặp lại nhiều cảnh quay cận bằng máy quay tay (loại máy vác trên vai). Qua một mùa phim bom tấn với cả đống cảnh góc rộng, quay bằng máy đặt trên đường ray cho trơn tru mượt mà; thì các cảnh cận hơi nhấp nhô của Rừng Bia Mộ sẽ khiến người xem cảm thấy nhập tâm hơn, và gần gũi lẫn e dè với diễn tiến của phim hơn. Đối với thể loại hình sự noir, quay như vậy cũng phù hợp rồi. Khán giả sẽ thầm cảm ơn đạo diễn Scott Frank lẫn nhà quay phim Mihai Malaimare Jr vì họ đã sử dụng kỹ thuật đúng nơi đúng chỗ, chứ không phải dùng kỹ thuật để khoe.

Scott Frank cũng chí lý khi chọn nhà soạn nhạc trẻ Carlos Rafael Rivera cho bộ phim. Carlos chưa soạn nhạc cho phim bao giờ, và Rừng Bia Mộ là tác phẩm đầu tay của anh. Nhưng thể loại noir hình sự với nhân vật chính lúc nào cũng cô độc như Rừng Bia Mộ thì cần chi đến dàn orchestra cho nó tốn tiền? Chỉ với âm thanh trầm của đàn piano và tiếng đệm nền của đàn ghi-ta điện, Carlos đã đủ sức kéo người xem vào một trạng thái bồn chồn khó ở. Dù vậy, vì tiếng nhạc rất đơn giản dễ nghe nên khán giả cũng không muốn dứt khỏi cái tâm trạng bồn chồn đó, và cứ thế bị nhạc “lừa” cho hồi hộp đến cuối phim.

Nhưng khi ra khỏi rạp rồi thì hết bị lừa.

Nếu suy nghĩ tí chút trong lúc chờ generic chạy, người xem sẽ thấy thực chất phim cũng có lắm cliché và lắm lỗ hổng (dù không to tướng). Hình sự noir mà, các nhân vật luôn liên quan dây mơ rễ má đến mạch truyện một cách vô cùng ngẫu nhiên. Chứ ở ngoài đời thì chẳng mấy khi cái anh làm nghề quét rác lại có dính dáng tới tên chặt nạn nhân ra thành khúc. Noir cũng là thể loại chuyên nhét nàng vào tủ lạnh. Quả thực, các nhân vật nữ trong phim gần như không có gì để làm ngoài việc bị bắt cóc rồi bằm nát. Nếu bi kịch không xảy đến với các nhân vật nữ thì nhân vận nam lấy đâu ra cớ hòng đau khổ (như trường hợp của Kenny) hay có cơ hội để thành người hùng (như trường hợp của Matt). Chấp nhận xem Rừng Bia Mộ đồng nghĩa với chuyện chấp nhận mấy cliché này.

Một nạn nhân nữ trong phim, xuất hiện chủ yếu chỉ để làm… nạn nhân.

Ôi thì phim bom tấn còn đầy cliché hơn, đầy lỗ hổng to tướng vá hoài chẳng hết rách. Khổ nỗi phim nhuốm màu nghệ thuật mà yếu chỗ nhỏ này, hụt chỗ bé kia sẽ khiến ta tiếc hơn. Kiểu như “giá mà” phim vượt lên chính mình một chút, bớt cliché một chút thì sẽ thành siêu phẩm. Đúng thật có hơi tiếc cho Rừng Bia Mộ, nhưng nếu bạn có thể bớt câu nệ, hoặc đang đói phim hình sự noir, thì Rừng Bia Mộ là lựa chọn hấp dẫn so với các lựa chọn khác ở ngoài rạp hiện nay.

*
Lịch chiếu (một số rạp chưa cập nhật lịch chiếu tiếp)

Hà Nội
Vincom Center (Tầng 6, Tòa nhà Vincom City Towers, 191 đường Bà Triệu, Q. Hai Bà Trưng) 2D đến 17.10
Mipec Tower (229 Tây Sơn, Q. Đống Đa) 2D đến 23.10
Trung tâm chiếu phim Quốc gia (87 Láng Hạ, Q. Ba Đình)  2D đến 16.10
Lotte Cinema Land Mark (Tầng 5-6, tòa nhà Keangnam Hanoi Landmark, Lô E, Phạm Hùng, Từ Liêm) 2D đến 16.10
Platinum Cineplex (Tầng 4, Tòa nhà The Garden, Mễ Trì, Từ Liêm) đến 16.10

Tp.HCM
Hùng Vương Plaza (126 Hùng Vương, Quận 5)  2D đến 17.10
CT Plaza (60A Trường Sơn, Phường 2, Q. Tân Bình) 2D đến 23.10
Parkson Paragon (Tầng 5, tòa nhà Parkson Paragon, 3 Nguyễn Lương Bằng, Q.7) 2D đến 19.10
Crescent Mall (Lầu 5, Crescent Mall, Đại lộ Nguyễn Văn Linh, Phú Mỹ Hưng, Quận 7) 2D đến 19.10
Pandora City (Lầu 3, Pandora City, 1/1 Trường Chinh, Q. Tân Phú) 2D đến 23.10
Celadon Tân Phú (MỚI) (Lầu 3, Aeon Mall, 30 Bờ Bao Tân Thắng, P. Sơn Kỳ, Quận Tân Phú) 2D đến 23.10
Galaxy Nguyễn Trãi (230 Nguyễn Trãi, Quận 1, Tp.HCM) 2D đến 23.10
Galaxy Tân Bình (246 Nguyễn Hồng Đào, Quận Tân Bình) 2D đến 23.10
Galaxy Nguyễn Du (116 Nguyễn Du, Quận 1) 2D đến 23.10
Galaxy Kinh Dương Vương ( 718 bis Kinh Dương Vương, Q.6) 2D đến 23.10
Lotte Cinema Nam Sài Gòn (Tầng 3, Lotte Mart, 469 Nguyễn Hữu Thọ, P. Tân Hưng, Q. 7) 2D đến 16.10
Lotte Cinema Cộng Hoà (Tầng 4, Pico Plaza, 20 Cộng Hòa, P.12, Q.Tân Bình) 2D đến 16.10
BHD Cinema (Lầu 4, Siêu Thị Maximart 3/2, 3-3C Đường 3/2, Q.10) 2D đến 15.10
BHD Star Cineplex Icon 68 (Lầu 3 và 3, ICON 68 Shopping Mall, số 2 đường Hải Triều, Q.1) 2D đến 16.10
Cinebox Hòa Bình (240 Ba tháng Hai, Q.10) 2D đến 23.10
Cinebox 212 (212 Lý Chính Thắng, Q.3) 2D đến 23.10

Ý kiến - Thảo luận

23:47 Thursday,6.11.2014 Đăng bởi:  nimmoHP

Đọc nội dụng phim này lại liên tưởng đến fargo.

Nhắc đến phim noir thì lại nghĩ đến phim Drive có Ryan Gosling. Phim này dở quá chừng nhưng được khen hay nức nở, chẳng hiểu nổi gu thưởng thức của mình.


...xem tiếp
23:47 Thursday,6.11.2014 Đăng bởi:  nimmoHP

Đọc nội dụng phim này lại liên tưởng đến fargo.

Nhắc đến phim noir thì lại nghĩ đến phim Drive có Ryan Gosling. Phim này dở quá chừng nhưng được khen hay nức nở, chẳng hiểu nổi gu thưởng thức của mình.

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả